May 4, 2024, 1:14 pm

Năng lực quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa

 

Nghị quyết số 33/NQ-TW ngày 9-6-2014, Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, đã xác định rõ 6 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung giữ vai trò thiết yếu trong việc thực hiện tốt các nhiệm vụ trên, đặc biệt là nhiệm vụ thứ nhất - Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện.

Một góc phố cổ Hội An. Nguồn Internet

Nghị quyết nêu rõ: “Chăm lo xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật, mọi người Việt Nam đều hiểu biết sâu sắc, tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc” và nhiệm vụ thứ tư - Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa: “Bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế; gắn kết bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch”, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội; là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững. Nhằm đẩy mạnh công tác phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa, trong thời gian tới cần triển khai, một số giải pháp trọng tâm sau đây:

Tiếp tục xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật về di sản văn hóa, tập trung vào việc xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn thi hành, theo định hướng: Hoàn thiện các quy định về nguyên tắc, đối tượng, trình tự, thủ tục kiểm kê, nhận diện, ghi danh, quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ở các lĩnh vực di sản văn hóa vật thể (di tích; di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia), di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu và hoạt động bảo tàng; Nâng cao hiệu quả tổ chức, hoạt động của các cơ quan trực tiếp quản lý di sản, tăng cường nội dung, trách nhiệm, cơ chế thực hiện phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước về di sản văn hóa từ Trung ương đến địa phương; Tăng cường nội dung, cơ chế, chính sách thúc đẩy xã hội hóa và thu hút, nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa...

Tiếp tục nghiên cứu, lập hồ sơ đệ trình UNESCO ghi danh các di tích, danh lam thắng cảnh tiêu biểu của Việt Nam là di sản thế giới, trong đó, chú trọng đến những khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi có điều kiện kinh tế khó khăn, giao thông chưa phát triển, nhưng lại có văn hóa truyền thống, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, nên có sức thu hút lớn khách du lịch tới tham quan, nghiên cứu (như: Khu di sản thiên nhiên Ba Bể - Na Hang, Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử, Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn - Kiếp Bạc, Địa đạo Củ Chi, Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thể…). Đồng thời, cần nghiên cứu, làm nổi bật các giá trị di sản, văn hóa, lịch sử của những khu vực này để tuyên truyền, quảng bá, thu hút khách du lịch tới tham quan, phát triển du lịch cộng đồng. Từ đó, thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế vào hoạt động phát triển du lịch, dịch vụ, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, kinh tế, xã hội của cộng đồng nhân dân địa phương.

Đẩy mạnh hợp tác đầu tư của doanh nghiệp để hoàn thiện cơ sở hạ tầng dịch vụ, đón tiếp khách du lịch tại các di sản thế giới, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đón tiếp, thuyết minh đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi và sự thoải mái cho khách du lịch; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, hoạt động trải nghiệm, vui chơi, giải trí…  Đồng thời, hỗ trợ đầu tư, phát triển các loại hình du lịch cộng đồng tại các di tích trọng điểm, vừa thu hút khách du lịch, phát triển kinh tế, xã hội, vừa bảo tồn văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần cho đồng bào các dân tộc sinh sống tại các khu di sản, di tích.

Bộ VHTTDL xây dựng và trình Quốc hội phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2026-2030, tầm nhìn đến năm 2045 để tạo cơ sở nền tảng cho các lĩnh vực của ngành văn hóa, trong đó có nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nhằm thực hiện, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, để văn hóa phát huy sức mạnh mềm, thực sự trở thành sức mạnh nội sinh quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững đất nước.

Trích tham luận của Cuc Quảng lý di sản, tại

HỘI THẢO KHOA HỌC “THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC
PHÁT TRIỂN VĂN HÓA ĐẾN NĂM 2030 -
NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA TỪ THỰC TIỄN”


Có thể bạn quan tâm