May 17, 2024, 9:05 am

Mùa hoa gạo

Tháng Ba hoa gạo nở. Tôi lại nhớ về xóm nhỏ ven đê quê nhà nơi tôi lớn lên. Ở đó tôi đã chứng kiến bao buồn vui của tuổi thơ. Không biết cây gạo có từ bao giờ, khi tôi biết thì cây đã là cổ thụ, sừng sững đứng ở ngã ba làng đội nắng đội mưa canh giữ cửa ngõ của làng. Cây gạo cao hơn cả ngọn tre, thân cây to chừng hai, ba người ôm. Gốc xù xì có nhiều vấu gai, trần trụi gió sương năm tháng.

Sau mùa đông, lá cây rụng hết, chỉ còn cành nhánh màu nâu xơ xác. Nhìn từ xa, cây như hàng trăm cánh tay khẳng khiu giơ lên trời ngăn cản những đợt gió mùa đông bắc buốt giá về làng. Sau tết, mưa xuân lay phay, đất ẩm ướt, nắng ấm dần lên, mọi cây lá đâm chồi nảy lộc. Trên các cành gạo, nụ hoa mọc trước. Những chùm nụ hoa gạo như những búp sen mọc lên trời gói căng sức lửa. Tháng ba, hoa gạo bắt đầu nở rộ. Năm cánh hoa khi nở cùng bung ra, vòm trời như rực lửa, in trên nền xanh mượt của cánh đồng lúa đang thì con gái, càng làm cho cảnh sắc lung linh, thơ mộng. Mùa hoa gạo, cũng là mùa chim về làm tổ. Đàn quạ khoang cổ làm tổ cành cao, chim sáo làm tổ ở tầm trung, chào mào làm ở cành thấp… Buổi chiều những đàn chim đi kiếm ăn về lao xao cả vòm trời…

Ngày ấy, cứ đến mùa hoa gạo, cũng là mùa đói đến với người làng tôi. Các cụ bảo: “Tháng ba ngày tám” là vậy. Tháng ba giáp hạt, lúa đang thì làm đòng, thóc trong nhà đã hết, có nhà đã phải đi vay, ăn đong, ăn độn sắn khoai… Nhà tôi đông anh em nên năm nào tháng ba cũng là tháng đói. Bố mẹ tôi phải đi lên miền ngược mua sắn về ăn độn. Sắn khô làm ra bột sắn. Món bánh sắn luộc chấm mật thì ngon tuyệt. Sắn tươi cũng là món ăn ngon, củ sắn mua về cắt khúc luộc hoặc lùi vào tro bếp, ăn bùi và thơm. Món canh sắn tươi nấu có ít gia vị thanh hao và hành, thơm ngon đến giờ tôi chẳng thể quên...

Mùa hoa gạo rụng là mùa đom đóm bay ra, bà tôi bảo: “Đom đóm bay ra, hoa gạo rụng xuống thì tra hạt vừng”. Đó là mùa bà ra tra vừng ở ngoài bãi. Còn trên cánh đồng làng, đom đóm bay ra lại là mùa sâu von cắn đòng đòng. Những con sâu này do bướm trắng đẻ ra. Chúng tôi tối phải theo mẹ đi bắt bướm trừ sâu cho lúa. Đêm đêm, trên khắp cánh đồng, ánh đèn dầu leo lét như đom đóm. Hàng chục, hàng trăm chiếc đèn bắt bướm như sao sa trên đồng. Chúng tôi bắt bướm bằng đèn dầu, đặt đèn vào cái chậu nước để cho bướm bay vào và ướt cánh. Những con bướm trắng, cánh mỏng như cánh hoa cà hoa cải. Bướm bắt được đem về đếm cho HTX tính công điểm. Nghĩ lại bây giờ cũng thấy vui vui.

Tôi nhớ nhất cái buổi đi chăn trâu về đến bến gốc gạo cho trâu uống nước. Mùa hoa gạo rụng đỏ gốc, đỏ mặt nước. Nhìn những chú trâu uống nước như đang ăn hoa gạo, như uống hoàng hôn trên mặt đầm. Chúng tôi còn lấy dây chuối khô xiên hoa gạo lại thành vòng quàng vào cổ trâu dắt về nhà. Trông những chú trâu đeo vòng hoa đỏ thật ngộ nghĩnh. Bà tôi bảo: Hoa gạo còn làm thuốc chữa được một số bệnh cho người. Có lần bà nhặt về một nón đầy hoa gạo, phơi khô rồi treo lên gác bếp để dùng. Mẹ tôi thì lấy hoa gạo về để vào ổ gà đang ấp, cho gà nở sai, cho đàn gà con sinh ra được khỏe mạnh. Chẳng biết cái mẹo đó ở quê tôi có tự bao giờ?...

Về mùa thu, quả gạo già như quả cây phượng vĩ, nhưng ngắn hơn, có màu nâu sẫm. Quả gạo già mở bung ra trên bầu trời, những sợi bông trắng muốt bay theo gió như những sợi mây trắng giăng trên đồng lúa hoe vàng. Mùa bông gạo, chúng tôi thi nhau ra nhặt quả về lấy bông phơi cho bà làm gối. Được gối đầu bằng gối bông gạo thời đó thì thật thích.

Mùa hoa gạo, cũng là mùa đưa tiễn tân binh lên đường tòng quân bảo vệ Tổ quốc. Cái ngày chúng tôi lên đường, cả làng ra gốc cây gạo tiễn chân. Tôi thấy trong mắt mẹ đỏ hoe màu hoa gạo. Trên ve áo tôi được đính phù hiệu binh nhì, cái phù hiệu đỏ như cánh hoa gạo tươi rói của quê nhà. Tôi vào chiến trường mang theo cả màu hoa gạo quê hương. Trên đường hành quân, tôi đã gặp bao cây gạo âm thầm thắp lửa lên trời. Ở vùng núi phía Bắc, người dân gọi là cây Mộc miên, ở vùng Tây nguyên lại gọi là cây hoa Pơ lăng. Dẫu tên gọi có khác nhau, nhưng nó vẫn là cây gạo của làng quê Việt Nam, hình ảnh và hồn cốt của quê hương yêu dấu.

Giờ mỗi lần về làng, tôi bâng khuâng nhìn quê hương đã đổi thay đến chóng mặt. Đời sống bà con nông dân đã được cải thiện, đã có bát ăn bát để. Cơ sở hạ tầng được xây dựng khang trang, đường thôn lối xóm đã bê tông hóa, nhiều nhà đã lên tầng mái xanh, mái đỏ. Ngã ba cây gạo xưa bây giờ đã là một phố nhỏ, cửa hàng cửa hiệu nhộn nhịp…

Thế nhưng mỗi mùa hoa gạo nở, trong tôi lại thắp lên nỗi nhớ quê nhà.

Nguồn Văn nghệ số 14/2020


Có thể bạn quan tâm