May 20, 2024, 1:20 am

Mùa gặt xưa thương nhớ

Trời vẫn còn đêm. Tiếng dế kêu rả rích trong những bụi cây. Lâu lâu bóng chim bay lạc lõng lướt qua bầu trời càng tô thêm sự hoang hoải, trống vắng.

Rồi tiếng gà gáy ò ó o trong xóm chợt vang lên, như một ngọn gió vô hình vút qua màn đêm. Trong thanh vắng, một tiếng “tạch” thật mỏng và nhẹ. Đó là nhà bên đã dậy theo tiếng gà vừa gáy vang, bật điện ngoài sân. Bóng một người đàn ông đủng đỉnh đi ra phía chái bếp, húng hắng ho, tiếng chân của một chú chó con chạy lệch xệch theo chân chủ, tiếng chủ xùy xùy như thể muốn gạt bé cún sang cho đỡ vướng chân mình.

Thôn xóm vẫn đang chìm trong giấc ngủ yên ả của làng quê. Một vài nhà lác đác dậy theo nhau từ những âm thanh trong và rõ vọng lên trong đêm.

Bên nhà, mẹ cũng dậy trước cả khi tiếng gà gáy. Mẹ đang ngồi trong bếp, đun một ấm nước cho sôi. Tiếng rạ cháy lẹt đẹt, tiếng nước sôi lục bục, một vài hạt nước như muốn bắn ra khỏi vòi, tạo nên những ám khói lờ mờ trên tro. Mẹ xách ấm nước đặt vào cạnh gốc cây, sát mép vườn, mở nắp ra, chờ nguội. Khói bay lên mờ mịt giữa trời khuya.

Thế rồi mẹ lại hối hả đi lấy bó lạt, loại ra vài chiếc lạt bị quăn, bị gãy, rồi bó lại cẩn thận, đặt vào cạnh cái làn màu đỏ bị thủng lỗ chỗ. Cạnh đó, khoảng bốn, năm chiếc liềm xén mẹ đã đặt vào làn một cách cẩn thận.

Mẹ cứ âm thầm chuẩn bị những thứ cần thiết cho một ngày đi gặt lúa tháng Năm như vậy. Nào nước, nào lạt, nào liềm, thêm nồi chè đỗ đen đã nấu từ lúc tối qua.

Đồng hồ đã điểm qua ba giờ khuya. Mẹ gọi với từ sân giếng vào trong cửa buồng:

- Minh ơi, dậy đi con!

Minh là một cô bé học lớp 8, đang say giấc ngủ. Tối qua hai mẹ con “hẹn nhau” sáng nay dậy sớm để đi ra đồng gặt. Minh sẽ có nhiệm vụ mở lối thửa ruộng rộng 2 sào.

Vẫn say ngủ, phải sau ba bốn tiếng gọi của mẹ, Minh mới lồm cồm bò dậy, chui ra khỏi màn, mắt nhắm mắt mở. Nhưng ánh sáng của đèn điện nhà bên, tiếng chó sủa ầm ĩ trong xóm nhanh chóng làm cô bé tỉnh giấc. Cô xỏ dép, lẹt xoẹt đi ra sân, rửa mặt, đánh răng và uống một cốc nước ấm.

Hai mẹ con chẳng ai bảo ai, mẹ thì một tay ôm bó lạt, 1 tay cắp cái thúng đựng nồi chè. Còn Minh cầm cái làn rách có mấy cái liềm. Đôi dép đã được bỏ lại sân nhà. Hai mẹ con chân đất đi ra ruộng để bắt đầu một ngày gặt lúa.

Trời vẫn đêm. Mặt trời còn say ngủ. Mắt Minh bị cận nên nhìn cứ mờ mờ ảo ảo. Mẹ vừa cắp bó lạt, vừa nắm tay Minh dắt đi trên bờ ruộng mấp mô. Những giọt sương nặng hạt bám đẫm trên từng ngọn cỏ, rơi lạnh mát xuống chân. Minh vừa đi vừa sợ bị ngã, vì chiều tối qua một cơn mưa rào đổ xuống đồng làng, những con đường đất ra đồng trơn trượt bùn lầy, thụt thõm cao thấp rất dễ làm người ta bị ngã. Nhưng đối với mẹ mà nói, những con đường ruộng đổ ra những khoảng lúa vàng ruộm kia chẳng là gì. Mẹ nhắm nhắm cũng đi được. Bàn chân mẹ thật nhỏ, gót chân quanh năm in lên những vệt nứt nẻ. Hôm nay vì có Minh đi cùng nên mẹ phải cố đi thật chậm. Bóng hai mẹ con cao thấp cạnh nhau bấp bênh trên cánh đồng làng, giữa trời đêm...

Sau 15 phút đi bộ, hai mẹ con cũng tới nơi. Một thửa ruộng cao hơn hẳn những thửa ruộng khác, nằm sát sông. Dài và rộng mênh mông trong tầm nhìn của Minh. Bên kia sông là cánh đồng lúa chín lác đác của xã Hải Thanh. Một vài bóng người cũng đang lúi húi gặt lúa. Lò dò cũng dẫm chân xuống mé ruộng. Minh cầm liềm bắt đầu “công cuộc” mở lối, nghĩa là sẽ phải cắt lúa dọc khoảng 5 hàng từ đầu bờ ruộng tới cuối bờ ruộng, để những người đi gặt tí nữa tới, họ không bị vướng chân.

Cứ vậy, thủng thẳng Minh cắt từng cụm lúa một. Lâu dần quen tay, cô bé sẽ cắt ba, bốn cụm chụm lại làm một lần rồi mới đặt xuống gồi lúa. Vừa cắt, Minh vừa vẩn vơ nghĩ về tên gọi của những giống lúa quê mình: Hai Linh Ba, Năm Số, lúa Hom, lúa Tám... còn biết cái nào ăn thì dẻo cái nào ăn thì khô, cái nào chỉ dành để nấu cám lợn cái nào chỉ dành để nấu cơm cho người ăn. Có cả loại lúa tám thơm, khi gặt về, phơi hạt thóc căng mẩy thì đem đi sát gạo. Hương gạo đầu mùa, ủ trong mình phù sa của vùng đất màu mỡ ven biển, pha trong nó cả vị mồ hôi chát chao của các cô dì, của mẹ... vun trồng lên sau mấy tháng trời cho ra một hương thơm đặc biệt. Đúng nghĩa ngào ngạt, đậm đà. Cái thơm ngào ngạt đậm chất đồng quê ấy, dù đi xa ngàn cây số, dù hai mươi năm sau, nhắc tới, vẫn không phai tàn.

Mải nghĩ ngợi vẩn vơ, cuối cùng Minh cũng đã mở lối được một khoảng dài tới chục mét. Mẹ thì cặm cụi lia liềm liên tục, tạo nên những gồi lúa chồng lên nhau thẳng thớm đến là đẹp mắt. Cánh đồng mùa hè, sau cơn mưa, sương và nước đọng nặng trên từng đầu bông lúa, chân dẫm xuống đất, bàn chân in hằn lên thành những dấu vết thật thân thương biết mấy…

Thế rồi, hai mẹ con cũng gặt được một khoảng khá rộng. Mặt trời bắt đầu nhô lên. Những tia nắng dần lan khắp đồng ruộng. Bóng người đi từ xa cứ đầy dần lên, tiếng í ới gọi nhau, tiếng trò chuyện râm ran. Ruộng nhà ai người nấy gặt. Có người gặt đổi cho nhau, nay tôi gặt nhà bác, mai tới nhà tôi bác lại tới gặt trả công…

Non trưa thì việc gặt lúa cũng xong. Tới đoạn khó nhất chính là mang lúa lên xe. Nhưng từ ruộng ra tới chỗ chiếc xe công nông đang đỗ ở bên đường kia cũng đến vài trăm mét. Mọi người sẽ phải đội bó lúa to và nặng lên đầu, rồi gắng sức leo lên bờ ruộng kia, đi một quãng dài mấp mô, tới xe thì đổ huỵch bó lúa xuống đúng nghĩa trút một gánh nặng. Cứ vậy mấy chục bó lúa vừa to vừa cồng kềnh, ngậm cả sương đêm lẫn nước mưa được vận chuyển lên bờ, về nhà theo cách thô sơ cực nhọc như vậy. Đến giờ mỗi khi nghĩ lại, Minh vẫn thấy “hãi” cảnh mỗi khi một bó lúa đè lên đầu, cổ như bị chùn lại. Vậy mà bao nhiêu thế hệ những người chị, người mẹ tảo tần của Hải Hậu quê Minh đã tham gia vào làm ruộng bằng cách như vậy. Người ta gọi con gái Hải Hậu cứng đầu cứng cổ, có phải theo cái nghĩa ấy? Sự mạnh mẽ, bền bỉ tạo nên sức sống quật cường của phái nữ miền biển, dù đi xa tới phương trời nào cũng “còn lâu mới phai mờ” đi cái bản sắc đồng bằng ấy…

Đã gần ba mươi năm trôi đi, Minh đã thành một phụ nữ trưởng thành. Mẹ giờ đã không còn gắn bó với ruộng đồng. Những người đàn ông ngày nào còn phăm phăm gánh mỗi bên hai bó lúa nặng trĩu đi như chơi trên đường làng giờ đã thành người thiên cổ. Những người phụ nữ gặt đổi ríu rít xưa tóc cũng đã bạc trắng rồi… Thời gian hồn nhiên trôi, không đợi ai. Nhưng ký ức, dù năm tháng có đi qua thế nào, vẫn còn đó, còn đó đồng làng, bóng mẹ, và những mùa gặt xưa vẫn còn đầy thương nhớ trong trái tim của những đứa con xa quê...

Lê Nguyệt Minh

Nguồn Văn nghệ số 30/2023


Có thể bạn quan tâm