April 30, 2024, 2:18 am

Một cuộc thi độc đáo ở Đền Hùng

Tết là dịp để những người yêu văn hóa có thêm cơ hội khám phá những tập tục văn hóa truyền thống đặc sắc trên khắp các vùng miền. Thật thú vị khi biết có hàng trăm, ngàn tập tục đáng quý được duy trì, bảo tồn, phát huy. Một cuộc thi chọn ông từ thì sao?

Tục thờ cúng tổ tiên có ở nhiều nơi trên thế giới, nhất là ở các quốc gia đa tộc người, với các hình thức khác nhau. Người Việt Nam thờ Hùng Vương với tư cách một vị Quốc tổ, gắn với nhà nước Văn Lang. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là tín ngưỡng thờ cúng một vị Quốc tổ của dân tộc, quốc gia. Và, UNESCO đã vinh danh Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Với người dân ở dưới chân núi Hùng, thì Hùng Vương cũng được thờ cúng với tư cách là một vị Thành Hoàng làng. Thành Hoàng là vị thần của một ngôi làng, là người có công lập làng, có công với nước, bảo trợ cho cuộc sống của lương dân. Cho nên vào ngày 24 tháng Chạp hàng năm, người dân dưới chân núi Hùng có một lệ là rước Vua về làng ăn Tết. Họ mang kiệu rước từ đình làng lên đền Thượng. Theo họ, đền Thượng là đền cao nhất, linh thiêng nhất để rước Vua về làng ăn Tết.

Đền Thượng tên chữ là Kính Thiên Lĩnh điện. Xưa kia đền còn có tên là Cửu trùng thiên điện. Tương truyền, thời Hùng Vương, núi Nghĩa Lĩnh là nơi Hùng Vương tế trời đất, tiến hành các nghi lễ nông nghiệp, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhân khang vật thịnh. Xưa kia, trong hậu cung đền Thượng có đặt trên bàn thờ một hạt lúa to bằng chiếc thuyền nan được làm bằng gỗ. Trong truyền thuyết Hùng Vương có câu chuyện Hạt lúa thần, thể hiện mong ước về sự phát triển của mùa màng nông nghiệp, đem lại cho con người cuộc sống ấm no, hạnh phúc (Sách: Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ).

Như vậy, đỉnh núi Hùng là nơi tổ tiên người Việt thờ Trời và thờ thần Lúa, vì quan niệm xưa của người Việt cổ là càng lên cao cầu trời thì trời càng thấu hiểu nhanh. Nơi này chứng kiến khát vọng cơm no áo ấm của người Việt. Sau này, người Việt lập các đền thờ các Vua Hùng tại đây. Hiện trên núi Hùng, Đền Hạ, Đền Trung, Đền Thượng có cách bài trí thờ tự giống nhau, đó là thờ chung 18 đời Vua Hùng.

Tuy nhiên, bản chất của ba ngôi đền này là đền của ba ngôi làng gốc dưới chân núi Hùng. Đầu tiên chỉ có một ngôi làng duy nhất là làng Cả.

Làng Cả cách chùa Hoa Long mà truyền thuyết và sử sách đã chỉ rõ là khu vực đóng đô của Vua Hùng có 1-2km. Đây là di tích Đông Sơn lớn bậc nhất không chỉ ở Phú Thọ mà còn của cả một vùng trung du Bắc Bộ. Di tích này có niên đại khoảng năm 285 Tr. CN. Làng Cả là trung tâm đông dân, trung tâm nông nghiệp, trung tâm đúc đồng với một vùng nguyên liệu rộng lớn. Sau đó, dân tụ về làng Cả nhiều thì trung tâm này tách ra thành 3. Người Việt có quan niệm: trống làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ. Chính vì vậy, ba ngôi đền trên núi Hùng là ba ngôi đền của ba làng, và mỗi ngôi đền đều có một ông từ trông nom.

Ông từ, theo cách gọi dân gian, là một người giữ trọng trách trông coi, hương khói ở những ngôi đền, đình, miếu, những nơi thờ tự. Trước đây, các ông từ này đều được dân các làng chọn lựa kỹ lưỡng. Ngày nay, để được vinh hạnh giữ trọng trách này, họ phải vượt qua một kỳ thi tuyển nghiêm ngặt. Các ông từ sau khi được chọn, sẽ được cử lên đền, cùng Khu di tích lịch sử Đền Hùng chăm nom và quản lý ngôi đền của làng gốc của họ.

Hằng năm phòng chuyên môn của Khu di tích lịch sử Đền Hùng tổ chức cuộc thi ông từ, đây là cuộc thi có một không hai trong lịch sử đền chùa Việt Nam. Ông từ phải là người của làng gốc ấy và được sơ tuyển từ làng có ngôi đền đó, tuổi từ 60 đến 70, gia đình phong quang, con cái đề huề. Lên đến khu di tích lịch sử Đền Hùng này, các ông từ phải trải qua cuộc thi về lịch sử Việt Nam, lịch sử Đền Hùng và các bài lễ cúng cho các đối tượng khác nhau, ông nào số điểm cao nhất thì trở thành ông từ của ngôi đền làng ông.

Vào các dịp lễ Tết, du khách đến thăm Đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh, xưa còn có tên là núi Cả, sẽ thấy mỗi ngôi Đền Hạ, Đền Trung, Đền Thượng đều có một ông từ áo the khăn xếp trang trọng đón khách. Đó là những ông từ đã thi đỗ, giữ trọng trách chăm sóc, hương đèn cho ngôi đền làng gốc của họ. Thi tuyển ông từ, một hình thức nhà nước và nhân dân cùng quản lý khu di tích lịch sử linh thiêng của cả dân tộc, đúng là cuộc thi độc đáo nhất trong lịch sử đền chùa Việt Nam.

Phạm Thanh Thúy

Nguồn Văn nghệ số 3/2024


Có thể bạn quan tâm