May 4, 2024, 8:59 pm

Mối tình thủy chung với Hà Nội

Ai đã đọc và yêu mến văn chương của Nguyễn Việt Hà đều nhận ra Hà Nội chính là nhân vật lớn nhất của nhà văn. Ông viết về Hà Nội với tất cả đắm đuối của một kẻ tình si ca ngợi người yêu. Thành phố này không chỉ là quê hương, nó đã trở thành một người thân, một mảnh hồn của văn nhân.

Kể từ khi tiểu thuyết Cơ hội của Chúa ra mắt bạn đọc vào năm 1999, Nguyễn Việt Hà đã cầm bút gần ba thập kỷ. Đó là một con số đáng kể với một nhà văn bước vào tuổi lục tuần, bởi đời văn của ông đã chiếm gần nửa đời người. Trong quãng thời gian dài rộng ấy, Nguyễn Việt Hà vẫn miệt mài viết, không hề ngơi nghỉ, từ tiểu thuyết, truyện ngắn, tạp văn, đến kịch bản phim truyện. Với Nguyễn Việt Hà, bước vào thế giới văn chương giống như một cuộc ngao du, đã gọi là đi chơi thì đi càng nhiều càng thấy thú. Phải đi mới biết cái hay, cái đẹp nhiều lắm, rải rác trên muôn dặm đường trường. Khi trò chuyện với những cây bút trẻ, ông luôn khuyên họ: “Nếu muốn viết thì hãy viết, hay dở tính sau. Khi viết rồi mới biết mình dở ở đâu để sửa.”

Nguyễn Việt Hà. Ảnh VnExpress

Không chỉ thích viết, Nguyễn Việt Hà còn là một người thích đi đây đi đó. Ngày còn trẻ, ông đã đi khắp từ Bắc chí Nam, sống nhiều tháng ở Huế trong ngôi nhà của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, những người bạn văn mà ông yêu quý. Nguyễn Việt Hà cũng đã từng tới Pháp, sang Mỹ, rồi Australia… Đi nhiều là thế, nhưng bối cảnh và không gian trong các tác phẩm của ông chỉ có Hà Nội.

Hà Nội ngày nay khá rộng, nhưng Hà Nội của Nguyễn Việt Hà chỉ loanh quanh khu phố cổ mà thôi. Mấy hàng phở ngon, vài quán cà phê độc đáo mà giới văn nhân thường hay ghé lại, cùng với đó là nỗi hoài nhớ về những tay cao bồi già phố cổ, chẳng nể ai cũng chẳng sợ ai, nhưng sống rất có tình. Từng nét chấm phá của phố cổ, từng con người, từng ngôi nhà, những quán hàng đã có  tuổi thọ ngang mấy gã trung niên… đều được nhà văn đưa vào trang viết một cách rất tỉ mỉ, tinh tế, làm nổi bật được cái chất hài hước, có phần trào phúng đã thành thương hiệu của tác giả.

Nguyễn Việt Hà là người coi trọng chi tiết. Khi đọc nhiều tạp văn và tiểu thuyết của ông độc giả sẽ dễ dàng nhận ra điều này. Những thứ rất nhỏ nhặt của đời sống thị dân ở Hà Nội được “gã giai phố cổ” chắt lọc vào trong văn một cách tài tình và sâu sắc. Như chuyện một ông khách đã móm mém dẫn đứa cháu đến hàng phở quen, ăn một bát phở gà. Khổ nỗi, bà chủ hàng ngày xưa đã thành người thiên cổ. May sao, cô con gái, người tiếp quản “gia nghiệp” ấy vẫn nhớ mẹ dặn ông khách thích ăn thịt gà chỗ lưng. Chỉ một chi tiết nhỏ, Nguyễn Việt Hà đã cho người đọc thấy được cái tâm và cái tình của người bán hàng. Họ nhớ sở thích của khách cũng bởi vì họ trân trọng cái nghề của mình. Bằng vốn sống dày dặn, hiểu đời và hiểu người, nhà văn dễ dàng nhìn ra “cái tình” ẩn sâu trong từng nhân vật. Ông trân quý điều ấy và muốn lưu giữ nó trong trang văn. Chi tiết ấy được Nguyễn Việt Hà tả rất thật, bằng những câu chữ giản dị nhưng vẫn khiến người đọc rưng rưng. Cái tài của nhà văn ở chỗ không cần lời lẽ hoa mỹ vẫn lấy được hảo cảm của độc giả, từ từ dẫn dắt người ta vào khám phá Hà Nội trong thế giới của Nguyễn Việt Hà.

Nhiều năm về trước, có một buổi tọa đàm mang tên “Hà Nội của Hà”, đó là cơ hội để những người yêu quý Nguyễn Việt Hà ngồi lại với nhau, trò chuyện về văn chương của ông. “Hà Nội của Nguyễn Việt Hà” cũng chính là cảm nhận của độc giả khi đọc về Hà Nội trong trang viết của nhà văn. Đó là một Hà Nội đầy sự phóng khoáng trong lòng phố thị chật hẹp, chẳng cần những đại lộ rộng lớn, chỉ cần ngồi ở mạn Hồ Gươm vào một buổi chiều lộng gió, trò chuyện với  người bạn thân, uống vài cốc bia hơi; hay chậm rãi hơn là nhâm nhi một ly cà phê, ngồi ngắm phố phường tấp nập, người ta mới cảm nhận được cái hào sảng của mảnh đất này.

Đọc tác phẩm của Nguyễn Việt Hà, đồng nghĩa với việc “thưởng thức” Hà Nội dưới góc nhìn của Nguyễn Việt Hà. Một Hà Nội thị dân tấp nập với quán xá, kẻ bán người mua và những niềm vui sống có lẽ rất lạ lẫm với người sống ở vùng nông thôn, như tìm được một quán bánh giò ngon, một hàng phở vừa miệng với nước phở ngọt đúng từ xương bò ninh đủ độ, chứ không phải cái ngọt gắt gỏng và vô duyên của mì chính. Cà phê cũng vậy, cà phê phải thơm, uống vào ngọt hậu chứ không phải thứ cà phê độn bột đậu nành khiến người ta đắng hết cả lưỡi.

Trong những trang văn Nguyễn Việt Hà viết về cái thú ăn hàng của người Hà Nội nói chung và người ở phố cổ nói riêng, độc giả có thể cảm nhận được cái cầu kỳ, tinh tế của lớp thị dân đã sống mấy đời ở mảnh đất này, từ khi chợ Đồng Xuân mới chỉ có dăm kẻ bán người mua. Đọc đến cách nhà văn tả một thức ngon, người không cầu kỳ trong chuyện ăn uống có thể xem đó là nói quá! Với nhiều người, ăn cốt để no bụng, nhưng với những người tinh tế và nghiêm cẩn trong chuyện ăn uống như Nguyễn Việt Hà thì ẩm thực là một cái thú ở đời.

Sống ở Hà Nội nhiều năm, nhưng Nguyễn Việt Hà chia sẻ, ông chỉ ăn được phở trong khu phố cổ. Chỉ cần đi đến Đê La Thành, gọi một bát phở, ăn đã thấy “ngang ngang, không quen”. Giờ đây, một ngày của Nguyễn Việt Hà khá nhẩn nha, thư thả. Ông sẽ dậy sớm, đi uống cà phê, ăn sáng rồi mới bắt đầu những việc cần phải làm. Nguyễn Việt Hà thích uống whisky, nhưng ông cũng mê cà phê. Với ông, rượu là thứ dành cho những cuộc vui, bạn bè bên nhau, có vài ly rượu câu chuyện cũng trở nên sôi nổi hơn. Nhưng người ta cũng cần cà phê để lắng mình lại, tìm sự tỉnh táo để có thể suy ngẫm nhiều hơn. Nghe đến đây, những người yêu quý ông sẽ nhận ra, một con người cầu kỳ và biết thưởng thức cuộc sống như thế, mới có thể viết ra được một thứ văn cầu kỳ vừa đúng độ, khiến người ta càng đọc càng thấy yêu.

Đã đi nhiều nơi, Đông Tây đủ cả, dù là thời thanh niên ngang dọc chưa vướng bận gia đình, Nguyễn Việt Hà chỉ có thể xa Hà Nội ba tháng mà thôi. Nỗi nhớ đã kéo ông trở về, về với bạn bè, về với bao quán quen và cái nhịp sống vừa ồn ã, nhộn nhịp nhưng cũng có những khoảng trầm tư của Hà Nội. Nguyễn Việt Hà viết nhiều về Hà Nội bởi đó là mảnh đất ông “yêu” nhất và “hiểu” nhất. Khi viết về nó, ông thấy được là chính mình. Yêu mà phải giả dối, thì đâu còn gọi là yêu nữa.

Đọc về Hà Nội trong văn của Nguyễn Việt Hà, ta bắt gặp những mạch nhớ kéo dài. Một Hà Nội thời bao cấp, Hà Nội những năm đầu mở cửa, Hà Nội của đầu những năm 2000 và Hà Nội của hiện tại. Những câu chuyện ấy cứ đan cài vào nhau, thành một mạch nguồn chảy mãi trong nhà văn. Thấy Hà Nội của hôm nay, người ta lại tiếc nhớ một Hà Nội của trước kia. Nhưng luyến tiếc ấy không thể đem Hà Nội của một thời chưa xa trở lại. Bởi lẽ vạn vật đều phải thay đổi, con người phải trưởng thành, già cỗi; một đô thị cũng vậy, và Hà Nội không nằm ngoài quy luật ấy. Thành phố này sẽ phải khác xưa, bởi trong mình nó sẽ là một lớp thị dân mới. Những nhớ thương ấy, Nguyễn Việt Hà đã giữ lại trong tác phẩm một cách rất chỉn chu, cầu kỳ như cái cách người ta nấu một nồi phở ngon. Văn chương là một công cụ để Nguyễn Việt Hà thể hiện tình yêu với Hà Nội. Đó là một mối tình thủy chung, khiến người ta ngưỡng mộ.

Phương Hà

Nguồn Văn nghệ số 16/2024


Có thể bạn quan tâm