May 21, 2024, 2:32 pm

Mình tàn tro trở lại với nơi xanh lời

Tác phẩm đoạt Giải thưởng dành cho TÁC giả trẻ Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022

Tôi đọc Vĩ Hạ giữa lúc mọi người xôn xao khi tập thơ đầu tay của chàng trai 18 tuổi này đoạt giải Tác giả trẻ năm 2022 của Hội nhà văn Việt Nam. Một tên tuổi lạ hoắc trên văn đàn, bỗng đâu xuất hiện và tạo nên một tiếng nổ vang dội, chính ngay lúc này, Vĩ Hạ dễ dàng khiến mình thành tâm điểm của sự tìm tòi, lục lọi và cả tranh luận. Tranh luận bởi thơ Vĩ Hạ đầy sự mới mẻ, lạ lẫm, phá bỏ những khuôn phép mực thước của thi ca. Khi gấp lại trang thơ cuối của tập thơ “Đi tìm những bóng người”, tôi nghĩ thơ suy cho cùng chính là cảm xúc của bản năng. Thứ cảm xúc xanh tươi mơn mởn và đầy vượt thoát. Thơ trẻ ngày nay chúng ta cần gì? Tôi đi tìm Vĩ Hạ và gặp một chàng trai đầy cá tính.

Hạnh ngộ thơ bằng nỗi đau

Tác giả trẻ Vĩ Hạ và tác phẩm Đi tìm những bóng người

Vĩ Hạ sinh năm 2004, hiện đang là sinh viên khoa Ngữ văn của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp. Hồ Chí Minh. Chàng trai trẻ viết thơ vui từ những năm học cấp 1, chỉ là những bài thơ con cóc và lúc đó chính anh chàng cũng không nghĩ một điều gì đó xa xôi với thơ. Cho đến những năm lớp 6, lớp 7 thì anh chàng đâm ra ghét văn chương vì có hơi... ác cảm với văn học nhà trường. Nhưng đến năm lớp 8 (khoảng 4 năm trước), Vĩ Hạ gặp được một cô giáo đã giúp chàng trai trẻ tiếp cận với văn chương theo một cách khác, và cũng cùng lúc đó Vĩ Hạ bắt đầu viết một cách nghiêm túc. Cho đến những năm cấp 3, khi bản thân nhạy cảm với nỗi đau của chính mình, Vĩ Hạ bắt đầu mở ra một lối đi cho thơ mình bằng suy niệm về mọi thứ đã và đang diễn ra với mình.

Hạnh ngộ với thơ bằng nỗi đau chính vì thế thơ của Vĩ Hạ như một sự vượt thoát của tấc lòng. Một tấc lòng trẻ vẫy vùng giữa chênh vênh tuổi đời. Giọng thơ bản năng nên câu chữ của Vĩ Hạ rất thô, mộc và không nhịp điệu, niêm luật. Có khi đó chỉ là sự bày biện câu chữ trên trang giấy, độc giả đọc vào tự khắc chọn cho mình một nhận định. Tuy nhiên, vì thô và mộc nên thơ Vĩ Hạ đầy cảm xúc: “ai đã tác tạo đá/ và người tác tạo tôi?/ những xúc xắc thái hình thành mảnh/ và nảy ra số một/ đá vỡ/ số hai/ đá lành/ số ba/ đá banh/ số bốn/ đá lịm cành/ tôi không dám nảy thêm số xúc xắc nào/ dừng là đã đủ/ nhưng đồng hồ cát thả tiếp/ để rơi thời gian số nảy thêm/ số năm/ đá nở/ số sáu/ đá lặn/ mình nép dưới bùn sâu đổ/ dưới sông đổ sâu bùn nép mình/ ai đã tác tạo cho đá cứng cỏi/ ai hôn cái yếu đuối tôi giữa bầy người/” – Trích Xúc xắc đá.

35 bài thơ gói gọn trong 120 trang giấy, chẳng bài nào giống bài nào từ câu chữ, ý tứ, thông điệp lẫn cách trình bày. Nhưng mạch nguồn của cuộc đi tìm bóng người lần này của chàng trai trẻ chính là nỗi buồn. Nỗi buồn như sợi chỉ xâu lại từng mảnh nhỏ li ti. Những mảnh rời rạc nhưng khi kết lại hóa ra mang một nội tình sâu hoắm. Câu thơ của Vĩ Hạ không thể đọc vội, không thể nghĩ suôn, cứ phải ngắt ngứ âm ba vọng vang trong đầu mình những động từ, những tính từ, những âm thanh và hình ảnh. Và phải liên tưởng. Bởi như một bức tranh ghép lại, người thưởng thơ cần có một sự chịu khó đối với chàng trai trẻ này. Chịu khó là vì cách Vĩ Hạ thả cảm xúc vào chữ đầy bản năng và nghịch ngợm. Cứ mặc cảm xúc rơi vô lề lối, câu chữ cũng tràn ra một cách “mất trật tự”. Thể như một điều gì đó ẩn ức và khi văn chương khơi dòng thì câu chữ cứ chen nhau mà trào ra. Có khi rớt dòng chỉ hai chữ, có lúc là một đoạn dài trăm chữ hệt đoản văn, nhưng đó là thơ.

anh vang tình đàn/ em ca tình ngàn/ nốt son môi mùa/ người rơi,/ em ơi…/ anh đi tình cười/ mông mênh đời người/ em thôi xa vời/ giọng ca/ còn thơ/ em đi tình cười/ anh mai một thời/ thanh âm quang phổ/ qua lăng kính/ vỡ…/ lời…” – Trích Màu vales.

Hay như bài Chúng ta – những bầu trời rực rỡ và huy hoàng: “nụ cười vùn vụt dưới chạng vạng xanh. anh cùng em rực rỡ như thế. chúng ta luôn rực rỡ như thế, em nói đúng. chúng ta rực rỡ như một lời thề, từ lúc chúng ta được sinh ra. tiếng khóc chúng ta là lời thề của niềm hân hoan thẳm sâu trong nỗi buồn. tiếng khóc của ta biết cách tồn tại, và lần nữa ta sẽ rực rỡ trên nhân gian. dù cho có gỡ bao nhiêu lớp vẩy máu trong trái tim, gỡ lớp này rồi lại khô đi”.

Người đọc khó tính sẽ cho là văn xuôi xuống dòng, nhưng ngẫm lại đó vẫn cứ là thơ. Một thứ thơ lai láng của trái tim đang dáo dác tìm một trái tim đồng cảm. Có lẽ chính ở điểm này, mà tập thơ Đi tìm những bóng người của Vĩ Hạ đứng giữa lằn ranh phân tranh. Người ưng kẻ chê. Người gật gù cho một tư duy mới, kẻ lại lắc đầu cho sự tùy hứng. Nhưng tôi lại nghĩ từ trong hoang dại cỏ vẫn sanh sôi qua bao bận nắng nôi mưa giông dập vùi. Mầm xanh mới nhú há gì chẳng đợi một quãng đời sau hãy phân định. Nếu không chăm bón ngay từ sự nảy nở này, những mùa sau làm gì xanh cành tốt lá?

Cái tôi mãnh liệt khai phóng tuổi trẻ

Nếu nói thơ trẻ hiện nay hoàn toàn là giải phóng ẩn ức của người trẻ trước chênh vênh đô thị là chưa đủ, vì lẽ có những nỗi buồn không đến từ đô thị, nó mang một nét riêng tư của mỗi người. Có thể là sự nghi ngờ về xuất thân của mình, sự thúc giục thương đồng quê mình sinh ra, hay chỉ đơn giản là những tình yêu nằm ngoài biên giới của không gian. Bên cạnh đó, cũng có nhiều người trẻ viết bằng tâm thế muốn được công nhận, được trở thành một người viết vĩ đại để thay thế những giá trị cũ... Và còn rất nhiều ẩn ức khác mà tin chắc văn đàn sẽ xuất hiện một thế hệ trẻ viết đầy gợi mở khác lạ. Cái lạ đến từ người trẻ luôn luôn xôn xao.

Vĩ Hạ 18 tuổi, tư duy của thời đại 4.0 này khiến thơ của em mang một màu sắc khác lạ, vượt lên những thói cũ lề xưa, bày biện cho độc giả không chỉ chữ mà còn cách trình bày thơ. Tôi thấy đó là một sự bày biện vừa cảm xúc, vừa bản năng nhưng kì thực chính là một cái tôi đầy mãnh liệt của sự khai phóng tuổi trẻ. Chúng ta hay nói về người trẻ viết, lý do họ viết, làm sao để tìm tòi cái mới, làm sao để thơ bắt nhịp cuộc sống? Đấy là lúc nên nhìn vào những cá tính trội như Vĩ Hạ, để thấy dòng chảy thơ trẻ bắt đầu có sự tách dòng và tạo ra một xu thế độc đạo, nhưng khi cần vẫn hợp lưu với thi ca nước nhà.

Trò chuyện cùng tôi, chàng trai trẻ đang ấp ủ cuốn thơ thứ 2 của mình. Đây là một tập em đã thử 1 cách viết khác, một điểm kết của khởi đầu trong hành trình loay hoay đi tìm giọng thơ của mình. Tập này viết xong khoảng tháng 11 năm 2022, giờ đang trong giai đoạn... ủ. Đây là một trong những câu chuyện mà Vĩ Hạ muốn kể ra nhất, qua những chuyến đi của riêng mình trong 17 năm đầu đời. Như một phép thử cho mình, để học tiếp về con đường sắp tới, bền lâu hơn, và có thể là đớn đau hơn... Nhưng từ trong những đớn đau riêng mình, thơ cất lên cho Vĩ Hạ một con đường tươi mới. Hầu hết các bài thơ của chàng trai trẻ này đều dặt dìu nỗi niềm nhưng tận cùng thân phận lại toát ra thứ ánh sáng soi rọi đường trần, nảy nở nhựa sống. Có thể mình sinh ra rồi sẽ chết đi, nhưng thơ sinh ra thì không hẳn sẽ chết. Sinh mệnh thơ có thể ngàn năm nằm lại với nhân gian này. Cũng có khi thơ chết ở một góc nào đó trong lòng người, trong một thời thế như đã từng. Nhưng tự khắc sẽ sống lại ở một đoạn đời nào đó mà người đọc thấu ngộ cùng thơ. Như tái sinh từ tro tàn, thơ Vĩ Hạ xanh lời như một tuyên ngôn.

mình đã hóa kiếp mình thành tro tàn trước khi chết/ dưới ánh trời hôm nay/ mình đã bay đi./ mình bay trên miền trời không tên/ rồi hạ cánh bên miền cỏ nỗi nhớ./ đám cỏ dài quấn chặt thân trắng hoang/ khi mình nằm nhìn xanh êm đang ngủ./ cuối cùng,/ mình tàn tro trở lại với nơi xanh lời” – Trích Sinh ra rồi chết đi.

Tống Phước Bảo

Nguồn Văn nghệ số 7/2023


Có thể bạn quan tâm