May 5, 2024, 6:09 am

Miễn sao những gì viết ra, giúp ích cho đồng bào mình…

Tháng 10 năm 1971 tôi vào học Khoa Văn Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc. Một chiều, tôi đang ngoài sân ký túc xá, có chiếc ô tô nhỏ lăn bánh đến bên. Một người đàn ông dáng cao, đẹp, rất nhã nhặn:

- Cháu cho hỏi thăm Nông Quốc Thắng có ở trong phòng…..

Tôi vào gọi Thắng, rồi bước nhanh ra ngoài

Lát sau quay lại, thì cũng vừa lúc Thắng tiễn “khách” ra sân. Ông khách bắt tay, dặn tôi, Hà Thắng Nhân và Hoàng Đức Hoan.

- Các cháu là người dân tộc ở xa, về đây học, cố gắng mà học nhé. Rồi ông lên xe. Chiếc xe nổ máy lăn bánh ra phía cổng trường.

Tôi và Hoan đứng nhìn theo, tỏ ý chưa rõ. Hà Thắng Nhân cười cười.

- Nhà thơ Nông Quốc Chấn, bố của Nông Quốc Thắng đấy!

Tôi, Hoan cùng “Ồ” lên. Ở chung phòng với Thắng đã được tháng, giờ mới biết bạn là con nhà thơ Tày nổi tiếng mà tôi đã từng được học tác phẩm Dọn về làng ngày phổ thông.

Rồi, tôi cùng Nhân, Hoan nhập ngũ (tháng 5/1972) đem theo kỷ niệm đầu tiên ấy về ông.

Nhà thơ Nông Quốc Chấn (ngoài cùng bên trái) cùng các nhà thơ Chế Lan Viên, Tế Hanh, Hoàng Trung Thông. Ảnh: TL

*

Hơn hai mươi năm sau, tháng 8 năm 1994, tôi đi dự Trại sáng tác văn nghệ do Ủy ban Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam tổ chức tại Nhà sáng tác Đại Lải, bất ngờ gặp lại nhà thơ Nông Quốc Chấn mà không nghĩ ông vừa nghỉ hưu ở chức Thứ trưởng Bộ văn hóa, và đang đứng ra thành lập Hội văn hóa (sau đổi tên là Hội văn nghệ) các dân tộc thiểu số Việt Nam. Khi đó tôi đang viết truyện dài Gió rừng thông (sau đổi là Gió Mù Cang), và hoàn tất nó trong vòng hai mươi ngày. Nhà thơ Nông Quốc Chấn với tư cách người phụ trách Trại rất quan tâm đến tôi và Hữu Tiến (người Tày Cao Bằng). Ông động viên, chỉ bảo, góp ý sửa chữa những trang viết ngay tại Trại. Hoàn thành tác phẩm viết tay, chép lại ngay ngắn, tôi có ý nộp lên “Trưởng trại”. Nông Quốc Chấn cầm bản thảo giơ lướt qua rồi nói: “Hoan nghênh, nhưng Kỳ cứ về sửa lại cho tốt hơn rồi gửi xuống cho tôi”. Hơn tháng sau, tôi nhận được thư tay từ ông, báo tin “Gió Mù Cang viết được, đã chuyển đến Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc”. Năm sau, 1994, truyện dài Gió Mù Cang của tôi được in, đẹp. Tôi thật vui, liền về Hà Nội biếu tặng sách, ông hỏi về đầu sách, về giải thưởng văn học, tôi thưa. Rồi nhà thơ gợi ý tôi viết đơn xin vào Hội Nhà văn, và ông cũng là người ký tên giới thiệu tôi. Tháng 12 năm 1995, tôi trở thành hội viên cùng với Pờ Sảo Mìn, Trần Hùng…

Năm 1997 tại Hội nghị “Về văn học dân tộc và miền núi” do Hội văn nghệ các dân tộc thiểu số Việt Nam tổ chức tại Sa Pa (Lào Cai), giờ giải lao, nhà thơ Nông Quốc Chấn vỗ vai tôi nói: - Mình là người miền núi dân tộc, viết được nhiều được ít, đều quý, miễn sao những gì viết ra, giúp ích cho đồng bào mình... Tôi đinh ninh nhớ lời ông dặn.

Nhà riêng ông Nông Quốc Chấn ở phố Yên Bái, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Lúc đầu nghe bạn Nông Quốc Thắng nói, tôi cứ ngỡ nói vui, đến khi đọc bài viết Hà Nội có phố Yên Bái đăng trên bản tin Dân tộc - Miền núi tôi mới ngỡ ngàng. Trong bài viết, nhà thơ có đoạn: “Anh bạn ở tỉnh Yên Bái tặng cây cọ đồi rất đẹp, cọ được trồng trong chậu sành, tôi đặt ngay ngắn trên sân thượng!”. Chợt nhớ ngày lên Yên Bái làm việc về việc thành lập Chi hội văn nghệ dân tộc thiểu số địa phương, nhà thơ Nông Quốc Chấn có ghé thăm gia đình tôi. Nhà tôi ở chân đồi cọ, ông bảo: - Mưa đồi cọ, gió đồi thông…, tôi nói vui: - Cháu muốn biếu bác cây cọ làm kỷ niệm! Ông cười gật đầu, thế là Nông Quốc Thắng bê ra xe. Hôm đó tôi chuẩn bị sẵn cây kim giao lấy từ văn phòng Tỉnh ủy nơi tôi công tác để nhà thơ trồng lưu lại. Lúng búng thế nào quên mất, đến khi xe chạy khỏi thị xã Yên Bái mới nhớ ra. Tháng sau về Hà Nội, tôi đến 51 Ngô Quyền gặp ông, lấy làm tiếc chuyện này, Nhà thơ Nông Quốc Chấn cười hiền lành: - Thì tôi nhờ Kỳ trồng giúp, vẫn là kỷ niệm của mình. Hôm nay cây kim giao xanh mướt, cao quá tầng hai nhà riêng.

*

Những năm 1990-1991, nhà thơ Nông Quốc Chấn làm Trưởng ban vận động thành lập Hội văn nghệ các dân tộc thiểu số Việt Nam, rất được anh em văn nghệ sĩ miền núi ủng hộ. Rồi ông đắc cử Chủ tịch khóa I, khóa II. Hội có bản tin (Sau này là Tạp chí Văn hóa các dân tộc) do ông làm chủ bút buổi đầu, tôi là cộng tác viên tích cực. Khi ông gợi ý tôi đứng ra làm triệu tập viên, tổ chức vận động thành lập Chi hội văn nghệ các dân tộc thiểu số tỉnh Yên Bái mà nhà văn Hoàng Hạc, tác giả Hoàng Hữu Sang, nhà thơ Lâm Quý, nghệ sĩ múa Hoàng Anh Đậu, họa sĩ Quang Bộ và tôi, đã là hội viên. Tôi nhận lời. Chỉ thời gian sau Chủ tịch Hội văn nghệ các dân tộc thiểu số Việt Nam Nông Quốc Chấn ra Quyết định công nhận và chỉ định tôi làm Chi hội trưởng lâm thời, ấy là tháng 9 năm 1997. Đến hôm nay Chi hội văn nghệ các dân tộc thiểu số tỉnh Yên Bái vẫn là tổ chức cơ sở hoạt động mạnh của Trung ương Hội.

Năm 2000 nhà thơ Nông Quốc Chấn được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt 2), tôi về Hà Nội nhờ nhà thơ Lò Ngân Sủn, Chủ tịch Hội văn nghệ các dân tộc thiểu số khóa III, cùng đến, chức mừng. Anh Sủn không đi được lại cử Nông Quốc Bình, con trai ông, đưa về nhà. Nhà thơ trong bộ quần áo lụa chấm xám thường ngày cười nói vui: - Chúng ta, những người làm Văn hóa dân tộc thiểu số, chúc mừng nhau!

Hôm nghe tin nhà thơ Nông Quốc Chấn đột ngột qua đời, tôi sững sờ đến mấy ngày… Cùng với nhà văn Vi Hồng, nhà thơ Phạm Hổ, nhà văn Nguyễn Quỳnh; nhà thơ Nông Quốc Chấn – người thầy văn chương của tôi. Xin được ghi lại tên tuổi Thầy vào trang viết nhỏ này.

Hà Lâm Kỳ

Nguồn Văn nghệ số 46/2023


Có thể bạn quan tâm