May 1, 2024, 2:53 am

Mấy ví dụ ngẫu nhiên…

Không phải ngẫu nhiên mà có thời người ta coi Hải Phòng là một tâm điểm của thơ ca, kể từ hồi kháng chiến 1946 đến những năm 1990 của thế kỷ trước. Mà đặc biệt hơn, giữa thời điểm đó, đất nước ta, ở miền Bắc, bước đầu bắt tay vào xây dựng một xã hội mới, một cuộc sống mới, mà quê hương, nửa nước vẫn trong bom đạn của chiến cuộc.

Giới văn học nghệ thuật, nhất là thơ ca trở thành một công cụ hữu hiệu nhất cho việc tuyên truyền bởi nó có chất xúc tác mạnh, truyền cảm nhanh tới công chúng cần lao. Hải Phòng, thành phố Cảng, thành phố của những người lao động đã xuất hiện một loạt tên tuổi nối tiếp nhau hình thành trên văn đàn, nổi bật nhất là “trường thơ Hải Phòng”, tuy không thành văn nhưng nó tự nhiên như nhiên từ trong cuộc sống lam lũ tất bật với không khí hối hả của sức ép một nửa chiến tranh, một nửa hòa bình mà người thợ, người lính là nhân vật trung tâm. Thơ ca với thợ thuyền, thợ thuyền với thơ ca hòa quyện vào nhau chất chứa nhiều sức ép, nhiều cảm xúc mà tâm hồn thiếu lãng mạn sẽ không thể tồn tại! Lãng mạn với niềm đam mê đầy thi hứng đòi hỏi người thơ nhập cuộc hoàn toàn tự nguyện vào cuộc sông đã và đang theo công cuộc lớn lao chung, ấy là Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thơ văn đất Cảng có chung với mọi nơi ta hay gọi là phong trào, nhưng tự nó, nó có một sức sống riêng, khác các nơi khác. Người Hải Phòng không còn là xứ sở nông thôn chân lấm tay bùn, con trâu cái cày truyền thống mà bây giờ là nhịp sống mới náo nhiệt của tiếng bước chân, tiếng hát, tiếng reo vui của những tốp công nhân, những cô gái chàng trai áo thợ xen lẫn tiếng gõ tiếng va đập luôn luôn vang động. Rồi tiếng còi tầu, tiếng còi nhà máy, tiếng kẻng xí nghiệp, nhất là sự nhộn nhịp nơi bến cảng của Hải Phòng non trẻ, mới mẻ đầy sức sống mà các tên tuổi thường xuyên xuất hiện trên văn đàn, trên mặt báo như Trần Huyền Trân, Nguyên Hồng, Văn Cao, Nguyễn Đình Thi, Hoàng Hưng, Thanh Tùng, Thi Hoàng, Đào Cảng, Đào Trọng Khánh… Họ đồng hành cùng nhân dân. Họ là những cây bút chủ lực của phong trào bước ra từ các cơ quan ban ngành đoàn thể, đơn vị, xí nghiệp, tạo nên một không gian đầy sức sống mà chỉ có nơi đây mới có, được toàn dân nô nức đón nhận. Thơ văn Hải Phòng, trong đó, “Trường thơ Hải Phòng” được giữ nhịp chầm chậm dần dần đến năm 1975 thì nguội. Không nguội hẳn nhưng vẫn còn âm ấm với các tên tuổi các nhà văn nhà thơ như Nguyên Hồng, Đào Trọng Khánh, Thanh Tùng, Thi Hoàng, Đào Cảng… Sau 1975, thời hậu chiến, mạch thơ văn chuyển động theo một quy luật mới: chậm hơn, đậm hơn, và cả nhanh hơn, vui vẻ hơn và cả buồn hơn, sâu lắng hơn, triết lý hơn. Thơ đương đại Hải Phòng trở nên chững lại một thời gian dài để tự mình tìm kiếm cho mình đường đi lối lại. Mỗi người thơ tự tìm tòi sáng tạo lối đi riêng, không còn theo lối cũ của người thơ cũ. Thơ Hải Phòng giai đoạn này vẫn trông vào sự đổi mới cả cách viết lẫn cách sống của lớp đàn anh, nhưng thực sự để tạo nên một “cú hích” mới cũng không khả quan mấy. Tuy nhiên, Hải Phòng vẫn tiếp tục vào cuộc sống thơ ca của mình với các tên tuổi thơ truyền thống đã quen thuộc như Đào Cảng, Kim Chuông, Thanh Tùng, Trịnh Hoài Giang... Một số  tác giả trẻ 7x, 8X như Mai Văn Phấn, Vi Thùy Linh, Nguyễn Thị Thúy Ngoan mà trước 1975, thời chống Mỹ, Nguyễn Thị Hoài Thanh và  Nguyễn Thị Thúy Ngoan ít được biết đến. Phải tới sau Đổi mới, đến suốt những năm của thập niên 90, sự xuất hiện của Nguyễn Thị Hoài Thanh, Dư Thị Hoàn, Đoàn Thị Tảo, Vũ Thị Huyền, Vũ Thúy Hồng mới tạo nên những gương mặt vừa đặc sắc vừa đạt nhiều thành công của thơ nữ đất Cảng. Giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam năm 1988 cho tập thơ Lối nhỏ của Dư Thị Hoàn, giải nhất thơ Tác phẩm tuổi xanh của báo Tiền phong trao cho chùm thơ của Vũ Thị Huyền, giải thưởng Văn nghệ Nguyễn Bỉnh Khiêm của Vũ Thúy Hồng chính là những ghi nhận cho thành công của họ. Những năm thập niên 2000 đến nay, sự xuất hiện của thơ Phạm Vân Anh, Đỗ Khánh Phương, Nguyễn Thị Thúy Ngoan, cũng gây được chú ý, Giải thưởng của Ủy ban toàn quốc các Hội VHNT Việt Nam các năm 2005 trao cho Phạm Vân Anh, năm 2008 là Nguyễn Thị Thúy Ngoan… chính là sự nối dài cho những thành công của thơ nữ Hải Phòng.

Các nhà thơ nữ Hải Phòng trong bàn tròn văn chương “Thơ nữ đất Cảng”.

Đọc hết tuyển tập thơ Thúy Ngoan và tôi đọc lại lần nữa, rồi đọc thêm những bài mà tôi đánh dấu theo thói quen khi đọc thấy có ấn tượng. May mà đọc Thúy Ngoan bắt gặp một giọng thơ riêng, rất riêng, không lẫn vào  lối viết phong trào, lối viết nhân dịp, lối viết chúc tụng mà cũng thật may nữa là không gặp cái thứ thơ than thân trách phận, mặc dù tác giả từ trẻ đã gặp nhiều chuyện không may. Thúy Ngoan đã rất tự tin khi làm tuyển tập không sắp xếp thứ tự theo thời gian, theo “hoàn cảnh” mà theo… ngẫu hứng. Tác giả nói, chọn theo cái ngẫu hứng của một “bà mẹ” với “đàn con” yêu thương, không “đứa” nào hơn “đứa” nào, không đứa nào kém đứa nào. Mỗi bài thơ cũng giống như mỗi đứa con được sinh ra với một hoàn cảnh riêng biệt và “nó” được sống giữa cuộc đời cũng không hề giống nhau. Các cụ ta có câu cha mẹ sinh con giời sinh tính. Mỗi bài thơ cũng mang theo nó một số phận mà cuộc sống luôn luôn sẵn lòng chờ đón. Ông già thời gian giữ nó hay không là quyền của ông già thời gian thôi.

 Có lẽ tôi lấy cảm hứng để viết một đôi lời cảm nhận của mình sau khi đọc tập thơ này, cũng xin lật trang theo cái sự bất ngờ ngẫu nhiên để chọn cho khách quan, tránh lối viết cảm nhận theo lối mòn bài bản xưa cũ.

Ví dụ ngẫu nhiên một, trang 16, bài Nón không quai

“Thà rằng đội nón không quai

Còn hơn chằng buộc ngắn dài vấn vương…”

“… Năm canh gió thổi bạt tình

Viết câu thơ dại trách mình đa đoan…”

“…Cầm bằng trăng khuyết sân đình

Còn hơn trói buộc bóng hình vênh vao…”

 

Ngẫu nhiên hai, trang 97, bài Xuân muộn.

    (kính hương linh anh) 

“Dùng dằng trời đất ngả nghiêng say

Chén rượu mềm tay dốc cạn ngày

Hương bưởi gửi ai mà ngan ngát

Anh về cõi ấy… hết nợ vay!”

 

Ngẫu  nhiên ba, trang 27 bài Con đường

    (tặng anh)

“Ngày mai ngược gió con đường ấy

Vẫn những hàng cây xanh biếc cây

Vẫn mùa vải chín rung rinh nắng

Tu hú gọi hè trốn bóng mây

 

Ngày mai ngược nắng con đường ấy

Gió thổi ngang đầu bạt lá rơi

Mấy năm xa cách – lòng xa cách

Thăm thẳm chiều đong nỗi đong đầy

 

Ngày mai mưa xối con đường ấy…”

 

Ngẫu nhiên bốn, trang 191, bài Thời công nghiệp

“Nhà quê ngõ dọc ngõ ngang

Ngày xưa…trăng sáng khoai lang mời chào

 

Nụ cười ấm dạ thanh tao

Nước chè sóng sánh rót vào tình quê.”

 

Ngẫu nhiên  năm, trang 21 bái Cái bóng

“Đũa có đôi, mâm có bát

Em một mình chan nước mắt vào cơm

 

Ngoài thềm gió lạnh mưa tuôn

Em ngồi nuốt cả nỗi buồn tháng năm

 

Anh ơi trăng khuyết lại rằm

Em như sông cạn trăm năm chẳng đầy”

 

Ngẫu nhiên sáu, trang 67, bài Giao thừa

“… Cha khuất núi, mẹ về non

Đời con ghềnh thác khuyết tròn  ngổn ngang

Phố phường mà chẳng quên làng

Bờ tre ngọn lúa họ hang ở quê

 

Giao thừa gió bấc tái tê

Nhang thơm như gọi con về ngày xưa

Chồng con theo bóng gió mưa

Sang canh trống trải như thừa con ra”

(Đêm giao thừa 2019)

Trích như thế cũng không thể chứa đựng hết sự khen chê nhưng dù sao tôi cũng gửi gắm hy vọng nó tác động được phần nào sự đồng hành chung của mọi người. Có những nhà thơ có in thơ thành tập, đọc được đôi bài thơ hay, hoàn hảo, có những nhà thơ trong tập thơ ta nhặt ra được nhiều những câu hay, rất hay. Lại có những nhà thơ đọc cả tập thấy thú vị, nhưng chọn ra đôi ba bài… rất khó.

Đọc thơ Nguyễn Thị Thúy Ngoan có nhiều những bài hay. Có rất nhiều những câu thơ rất hay. Thơ Thúy Ngoan đặc sắc chất quê, tình vợ nghĩa chồng, tình làng nghĩa xóm, không đậm sắc màu dân ca dân dã như những nhà thơ miền quê khác, mà thơ chị lặn vào trong cõi lòng. Thơ Thúy Ngoan nặng lòng. Cũng viết về quê, về mẹ về cha về chồng nhưng không dân dã, tài hoa thi vị chất nông dân như thơ Đồng Đức Bốn. Thơ Thúy Ngoan thấm đượm vẻ đẹp hồn người nhà quê, chân chất, bình dị và tinh tế…

Trung Trung Đỉnh

Nguồn Văn nghệ số 12/2023


Có thể bạn quan tâm