April 29, 2024, 10:51 pm

Máu, nước mắt và giấc mơ tự do

Lực lượng Taliban đã trở lại cầm quyền ở Afghanistan sau 20 năm bị Mỹ và phương Tây lật đổ. Dẫu nắm quyền và hứa hẹn đổi thay, nhưng súng vẫn nổ, máu vẫn rơi, nước mắt đầm đìa và giấc mơ tự do vẫn lẩn khuất đâu đó không rõ hình hài…

Những đứa trẻ Afghanistan trong trại tị nạn. Ảnh: Nguyễn Quang Thiều

1. Thật hiếm người có thể tưởng tượng nổi một kịch bản dễ dàng đến thế lại xảy ra vô cùng chớp nhoáng đối với đất nước nằm ở khu vực Nam Trung Á này. Sau khi Mỹ rút quân trước thời hạn một cách vội vã, gấp gáp, lực lượng Taliban nhanh chóng chiếm được Thủ đô Kabul, giành chính quyền, kiểm soát Phủ Tổng thống khi mà Tổng thống Ashraf Ghani và gia đình phải tháo chạy sang Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) “với đoàn xe chở đầy tiền”, nhập cảnh vì lý do nhân đạo. Thực hư thế nào chưa rõ, nhưng ông A. Ghani nói rằng, ông làm như vậy là “để cứu thủ đô và những công dân khỏi bị đổ máu và thương vong” (?).

Ông nói vậy nhưng thực tế không diễn ra như thế, sau cuộc tháo chạy ê chề đầy tai tiếng. Ngay sau khi chính phủ sụp đổ, đất nước có vị trí địa – chiến lược vô cùng quan trọng này tiếp tục rơi vào tình trạng bất ổn. Súng vẫn nổ. Máu vẫn đổ.

Nhưng máu đâu chỉ có đổ 20 năm nay. Lược sử đất nước này cũng dễ thấy máu rơi suốt bao năm dài xung đột, bất ổn, chiến tranh liên miên không khác gì một bãi chiến trường đẫm máu giữa các sắc tộc trong nước, cũng như những chiêu bài, toan tính, sắp đặt của các nước lớn với các cuộc chiến tranh ủy nhiệm. Chỉ riêng 20 năm Mỹ và liên quân chiếm đóng, kể từ khi bắt đầu cuộc chiến chống Taliban vào tháng 11-2001, đã có 3.592 binh sĩ bị thiệt mạng, trong đó có 2.448 lính Mỹ, 1.144 lính đồng minh. Mà không chỉ binh lính, có tới 3.846 nhà thầu Mỹ, 444 nhân viên cứu trợ, 72 nhà báo bị giết hại...

Cũng trong 2 thập niên ấy, Dự án Chi phí chiến tranh của Đại học Brown (Mỹ) ước tính có hơn 66.000 binh sĩ trong quân đội và cảnh sát Afghanistan bị sát hại trong tổng số 241.000 người đã thiệt mạng. Theo Phái bộ hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Afghanistan, gần 110.000 dân thường bị chết hoặc bị thương, hơn 2,7 triệu người Afghanistan phải đi sơ tán…

Những con số khô khốc, lạnh lùng là vậy nhưng không vô cảm! Chiến tranh luôn khắc sâu nỗi buồn dai dẳng, khôn nguôi, đầy ám ảnh. Với các cựu chiến binh cũng vậy. Khi nói về quyết định rút quân của Tổng thống Mỹ Joe Biden từ ngày 31-8 (thực chất là sớm hơn nhiều, thậm chí ngay sau khi Tổng thống Joe Biden thông báo rút toàn bộ lực lượng quân sự Mỹ khỏi Afghanistan vào tháng 4-2021), Jason Lilley - một lính đặc nhiệm Mỹ đã chiến đấu trên nhiều chiến trường Iraq và Afghanistan trong suốt hơn 16 năm, hiện là Phó chủ tịch Quỹ chiến binh Reel (tổ chức hoạt động để trao cho các cựu chiến binh cơ hội thoát khỏi quá khứ và tái hoà nhập với cuộc sống) - tỏ rõ sự không hài lòng với các chính trị gia và tiếc thương cho máu và tiền bạc bị phung phí. “Chúng tôi đã thua 100% trong cuộc chiến. Tất cả đều là để thoát khỏi Taliban và chúng tôi không làm được điều đó” – Lilley nói với hãng tin Reuters vào cuối tháng 7-2021 như vậy. Anh cho rằng, mục tiêu của việc triển khai quân đến đây là để đánh bại kẻ thù, phát triển kinh tế và nâng cả đất nước Afghanistan lên. Nhưng tất cả đều đã thất bại.

Rất nhiều trường hợp cựu chiến binh Mỹ và liên quân chứng kiến đổ máu trên chiến trường đều chung suy nghĩ, thấu nỗi đau mất mát như Jason Lilley. Nỗi ám ảnh ấy còn khiến nhiều cựu chiến binh phải ăn năn, hối lỗi, dày vò trong đau đớn, thậm chí nhiều người không vượt qua được hội chứng chiến tranh đã tìm đến cái chết, tương tự như nhiều cựu binh Mỹ đã tham chiến ở Việt Nam trước đây…

2.

 Bao nhiêu con người đã ngã xuống hoặc bị thương, và hơn rất nhiều lần số lượng người như vậy phải rơi nước mắt. Nước mắt lặn vào trong, chảy ra ngoài suốt những năm tháng cuộc đời, mỗi khi gợi nhớ đến ký ức, nỗi buồn chiến tranh, những tháng ngày đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo, nạn đói cận kề…

Nhìn những hình ảnh, thước phim, đoạn video clip cùng những thông tin ào ạt trên mạng về cuộc sống, sinh hoạt đầy khó khăn, chật vật, bất ổn của người dân Afghanistan những ngày này mới thấy xót xa, cảm thông.

Cụ thể đau đớn là đây: Afghanistan hiện có khoảng 4,6 triệu người tị nạn, chưa kể hàng triệu người vẫn ngày đêm tìm cách rời bỏ đất nước sang bất cứ quốc gia nào, bằng bất cứ cách nào. Trong dằng dặc chông gai hành trình đào thoát khỏi đất nước mình đang lúc hỗn loạn, hoang tàn, cực nhọc ấy, có biết bao nước mắt người dân vô tội lã chã rơi vì xót thương, thấu cảm, tủi hổ cho bản thân mình và gia đình, người thân.

Họ phải dấn thân, chấp nhận hành trình đầy nước mắt và máu, thậm chí phải bỏ mạng, chỉ với hy vọng mong manh được sống một cuộc sống bình thường, với những quyền cá nhân tối thiểu mà mọi người trên thế giới được thụ hưởng.

Nước mắt không chỉ rơi với những người trong cuộc, những người thân thuộc của các binh sĩ trên chiến trường. Trung tuần tháng 8-2021, nữ binh sĩ Nicole Gee lấy bức ảnh cô bế em bé người Afghanistan đăng trên Twitter chính thức của Lầu Năm góc, về đăng lại trên trang Instagram cá nhân với dòng chú thích: “Tôi yêu công việc của mình”. Bức ảnh cho thấy đứa trẻ nằm ngoan ngoãn trong vòng tay của nữ binh sĩ người Mỹ, để lộ đôi chân trần bám đầy bụi bẩn. 

Chưa đầy một tuần sau, ngày 26-8, Nicole Gee cùng 12 binh sĩ khác đã thiệt mạng sau vụ nổ bom tại sân bay Kabul. Bao người thân và cả những người dưng bất chợt xem bức ảnh ý nghĩa giữa hoang tàn chiến sự trước đó bỗng dưng nhỏ lệ khi biết tin Nicole Gee đã qua đời…

3.

Nước mắt hòa vào máu, đẫm ướt những trang đen tối của đất nước Afghanistan và người dân nhiều quốc gia trên thế giới. Hy sinh và mất mát, đau đớn và tang thương, đói nghèo và lạc hậu… luôn đồng hành suốt bao thập niên qua, nhưng hòa bình và tự do cho Afghanistan liệu có đến? Đó là một câu hỏi không dễ tìm được câu trả lời. Không thể sớm có hòa bình và tự do bởi Taliban chưa giành được sự công nhận của quốc tế, chưa được Liên hợp quốc đưa ra khỏi danh sách các tổ chức khủng bố.

Và những mầm mống xung đột giữa các phe phái sẵn sàng khơi nguồn cho nội chiến luôn âm ỉ chực chờ bùng phát.

Ngay sau khi Taliban giành chính quyền, ngày 16-8, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã họp khẩn về tình hình tại Afghanistan. Các nước thành viên Hội đồng Bảo an chia sẻ quan ngại về các diễn biến tại Afghanistan, kêu gọi chấm dứt bạo lực, tiến hành đối thoại, khôi phục trật tự an ninh, tuân thủ đầy đủ Luật Nhân đạo và Nhân quyền quốc tế. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình bất ổn và hỗn loạn tại Afghanistan, đặc biệt là tình trạng bạo lực, thương vong của dân thường và khủng hoảng nhân đạo tại đây. Hội đồng Bảo an đã thông qua Tuyên bố Báo chí với nội dung kêu gọi chấm dứt việc sử dụng vũ lực ở Afghanistan, bảo đảm an ninh và khôi phục trật tự, kêu gọi thành lập một chính phủ thống nhất thông qua đối thoại…

Các nước trên thế giới đã bày tỏ phản ứng trái chiều về tình hình Afghanistan, với cách tiếp cận khá chừng mực, dè dặt. Điều này dễ hiểu bởi tương lai của đất nước này là vô cùng mịt mờ. Taliban không dễ đoán định, và thực chất là ngay sau khi giành chính quyền, họ đã “nuốt lời hứa” về một số vấn đề. Hãng tin AFP đưa tin Taliban “gõ cửa từng nhà” để tìm kiếm những người đối lập và gia đình họ, làm gia tăng nỗi sợ lực lượng nắm giữ quyền lực mới ở Afghanistan nuốt lời hứa về sự “khoan dung”…

Taliban nắm quyền nhưng không dễ dàng có được sự chính danh trên trường quốc tế. Afghanistan đang chơi vơi, cô đơn, bất định trên con đường kiếm tìm một tương lai tươi sáng với hòa bình, tự do cho mọi người, mọi nhà. Mà tự do, dù ở thời kỳ nào cũng thế, chỉ có thể đến khi chính người dân làm chủ được đất nước của mình, chứ không phải cậy nhờ, lệ thuộc vào bên ngoài với những sự can thiệp, cứu trợ, giúp đỡ hay các cuộc chiến ủy nhiệm.

Điều ấy là hy vọng của cả thế giới, không riêng gì những tộc người Pashtun, Tajik, Hazara, Uzbek… ở đất nước Afghanistan đa sắc tộc, đa tôn giáo và văn hóa này. Ổn định tình hình, hòa giải dân tộc là đòi hỏi cấp bách hàng đầu của nhân dân Afghanistan và cộng đồng quốc tế đối với lực lượng Taliban cầm quyền.

Đó chính là những viên gạch đặt nền móng cho sự hình thành đất nước Afghanistan hòa bình, tự do trong tương lai. Để Afghanistan có thể đàng hoàng, đĩnh đạc làm bạn với tất cả các nước, tránh được những cuộc chiến phi nghĩa, vô nghĩa chỉ mang đến tai họa, trái ngang, hoang tàn, đẫm máu và nước mắt…

________

(*) Tiến sĩ Báo chí, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản.

Nguồn Văn nghệ số 38/2021


Có thể bạn quan tâm