May 5, 2024, 8:55 am

Mặt trời rực rỡ. Truyện ngắn dự thi của Hàn Băng Vũ

TẬP ĐOÀN THACO HÂN HẠNH TÀI TRỢ CUỘC THI TRUYỆN NGẮN BÁO VĂN NGHỆ 2022-2024

Truyện ngắn dự thi 

Căn xóm nhỏ leo lét lên đèn. Tiếng máy phát điện chạy bằng dầu phành phạch cũng không đủ xua tan đi sự hiu quạnh bốn bề giữa nơi rừng núi heo hút này. Những đốm đèn le lói như những con đom đóm lập lòe bị màn đêm nuốt chửng. Ở đây không đường, không điện, không bệnh viện, không trường học, không chợ, không ruộng vườn mà cũng không có pháp luật. Xóm không có tên, cũng không có lịch sử. Như một cái xóm ma quái mọc ra giữa hư vô, hun hút rơi vào trong lãng quên.

Minh họa: Tô Chiêm 

Ban đầu, xóm cũng chẳng phải là xóm, chỉ là một cái chòi dựng lên dưới gốc cây giữa khoảng trống huơ hoác nơi đồng không mông quạnh trơ sỏi, nằm lọt thỏm giữa những ngọn núi hiểm trở bao quanh. Dãy núi này tên là Cự Phú. Không biết từ bao giờ và từ đâu, người ta tin dãy núi này chính là một mỏ vàng lớn. Người ta đồn rằng thời xưa đã từng có người ăn mày nhờ đào được vàng ở núi này mà phất lên thành phú ông, nuôi tới cả trăm người hầu hạ trong nhà. Cũng có người bảo, người đào được vàng không phải ăn mày mà là một tướng quân thất trận, nhờ đào được vàng mà đủ nuôi quân khởi nghĩa thành công. Rồi lại có chuyện đồn, có người vì đào được vàng mà bỗng dưng trở nên điên điên khùng khùng rồi tự tay đốt cháy cả nhà. Vì đây là núi vàng có rồng dữ canh chừng. Có chuyện lại thêu dệt rằng đây không phải là mỏ vàng mà là nơi chôn cất vàng của một gia tộc lớn trước khi bị diệt vong... Những tin đồn như những vì sao trong đêm, dẫn đường bao nhiêu người đổ xô tới tìm vận may, thêu dệt nên những phận người.

Từ một cái chòi nhỏ, rồi thành một cụm chòi, chỉ có đám đàn ông đào vàng với nhau. Rồi có người lặn lội đến mở một cái tạp hoá bán trăm thứ lặt vặt. Rồi đến quán rượu, bán thứ rượu chua loét rẻ tiền với những món nhắm tạp nhạp. Anh em ruột thịt, bạn bè chí cốt cùng nhau ôm hy vọng kéo đến đây. Có người đưa theo cả vợ con, có người cõng theo cả mẹ già ốm yếu vì nhà neo người không ai chăm sóc. Người khấp khởi đến, người thất thểu đi, người biến mất trong đêm như những bóng ma vụt tắt, cái xóm cứ phình ra rồi co hẹp lại nhưng vẫn tồn tại qua bao nhiêu thế hệ.

Hôm nay lại có một người tới. Một gã đứng dò xét trước cửa quán Dư một lát. Dư cũng táo bạo nhìn thẳng vào gã bằng ánh mắt dò xét đáp lại trong bóng tối nhập nhoạng. Thoạt nhìn qua thì thấy có vẻ đã ở tuổi trung niên, đôi mắt hõm sâu, nếp nhăn chăng ngang trán, dúm dó lại như những nếp gấp của một tấm vải nhàu nhĩ, khuôn mặt khó đăm đăm. Nhưng thoạt nhìn thì lại thấy có vẻ như vẫn còn trẻ, thậm chí là rất trẻ. Điều gì khiến một thanh niên trai tráng như thế lại bị bào mòn đến nỗi trông như một ông già khắc khổ, lọm khọm thế kia, Dư cũng không bận lòng. Có mấy ai đến đây mà hành trang không mang theo một quá khứ u buồn. Nhưng nhìn thấy gã, lòng Dư sáng lên. Có khách, Dư và đám con nheo nhóc sẽ có cái bỏ vào nồi nấu. Tất cả những gì Dư mơ ước trong cuộc đời này, duy chỉ có thế. Dư là người duy nhất không từ đâu mà đến, không gốc gác họ hàng, không cả một tấm giấy chứng minh thân phận. Tất cả những gì Dư có chỉ là một cái tên và cái quán chắp vá này. Bố cô là một phu đào vàng vốn đã có vợ con, dắt theo nhân tình đang mang thai là mẹ cô bỏ trốn đến nơi này và sinh ra cô ở đây. Giờ thì họ đã chết lâu rồi, Dư cũng như cái cây đã cắm rễ sâu, chôn mình nơi này từ lúc lọt lòng.

Gã thanh niên bước vào quán Dư và lịch thiệp gọi một bát mì rau. Chỉ chưa đầy một phút, bát mì được bưng ra ngay. Sờ vào bát, chỉ thấy âm ấm. Trong bát, lẫn với mì là thứ rau rừng gì đó mà gã không biết, nhưng gã vẫn kịp giấu sự bối rối vào trong trước ánh mắt dò xét của Dư. Gã cúi xuống ăn từng miếng từ tốn. Trong chốc lát, bát mì đã sạch bách, không còn đến cả một giọt cặn. Gã tên Ngọc Minh, gã tự giới thiệu. Dư thầm nghĩ, thế quái nào mà gã lại có một cái tên đẹp như thế ở đây. Dư chưa từng nghe thấy ai có cái tên đẹp như thế bao giờ. Ở đây chỉ có những cái tên quê mùa được gán với đủ thứ biệt danh mà người ta có thể nghĩ ra được. Người ta sẽ sớm đặt cho gã một cái biệt danh thôi, Dư nghĩ. Gã hỏi thuê chỗ ở, Dư hất hàm về phía sau, lấy ngay tiền cọc. Chỗ ở mà gã được Dư sắp xếp cho chỉ là một chỗ ngủ kê bằng tấm ván với một tấm rèm che được khâu vá từ bao tải với vải cũ, ngăn cách với những cái “giường” khác. Gã ngả lưng xuống đã ngủ ngay.

Nước lạnh xối lên người, gã tắm rửa sạch sẽ, chỉnh áo xống chỉn chu rồi bước ra. Có ba người đàn ông đang xì xụp ăn mì tôm nấu với rau, chan thay canh với cơm cùng với lèo tèo mấy miếng tóp mỡ. Nhìn kỹ lại thì một trong số ấy là một thằng nhóc choai choai, trông to xác nhưng mặt vẫn còn non choẹt. Thằng nhóc không giấu vẻ dò xét, lấm lét nhìn gã từ đầu xuống chân nhưng không biểu cảm gì, vẫn im lặng ăn hết bát ăn của mình.

Gã đưa mắt nhìn, ở bàn bên kia là bốn đứa trẻ đang ngồi xì xụp ăn cháo, tiếng cãi nhau và khóc lóc chí chóe. Dư bước vào, tay cầm cái muôi múc canh to, quát một tiếng, cả lũ im bặt. Gã cũng giật mình kinh hãi nhưng lại toét miệng cười. Dư chớp mắt một cái như để gạt đi nụ cười ấy rồi quay ra. Gã đến ngồi cạnh mấy đứa trẻ, bọn trẻ vẫn không để ý, thấy mẹ ra ngoài, chúng lại tiếp tục cãi nhau ỏm tỏi. Gã đưa tay ra vuốt tóc một đứa, cười hiền lành bảo:

“Các cháu xinh xắn đáng yêu quá!”

Lũ trẻ lấm lem sững người lại, mở to mắt nhìn người đàn ông trước mặt. Chúng ngừng cãi nhau, há hốc miệng vì quá kinh ngạc. Đây là lần đầu tiên trong đời chúng nghe thấy mấy cụm từ lạ lẫm đó. Hẳn là xinh xắn đáng yêu! Người đàn ông này vừa đến đã bị khùng sớm vậy rồi sao? Đứa lớn nhất khoảng chín tuổi, ngồi lùi lại, mở to mắt có vẻ đề phòng. Gã vẫn mỉm cười. Dư bê vào nhà một bát mì với rau, lần này đã nóng hơn, với một tô cơm và tóp mỡ. Gã ngước lên nhìn Dư mỉm cười:

“Cảm ơn em! Em vất vả quá!”

Dư sững người lại giây lát. Gã nói cái quái quỷ gì vậy? Dư cau mày rồi quay ra ngoài, nhưng cảm giác bực tức khó chịu cứ đeo bám lòng cô nhưng Dư không hiểu vì sao mình lại khó chịu. Theo chỉ dẫn của Dư, gã đi mua cuốc, xẻng, đèn và cả thuốc nổ rồi đi sâu vào núi.

Dù ai cũng mang vẻ nghi kỵ và dò xét nhau mỗi khi vác cuốc trở về mỗi ngày, nhưng sau đấy, họ vẫn túm lại với nhau bên những chén rượu chua loét cùng lá sắn luộc hay bất cứ thứ gì ăn không chết người để làm mồi nhậu. Họ chia sẻ với nhau chuyện đời, chuyện người. Dư vờ như không nghe, nhìn về hướng khác nhưng những câu chuyện vẫn cứ đi vào tai cô, vừa háo hức lại vừa ám ảnh. Dư chưa một lần rời khỏi nơi này, tất cả những gì mà Dư biết về cuộc sống chỉ đều là nghe từ những câu chuyện chắp vá bởi những người đàn ông ăn ở tại nhà cô hoặc là nghe được từ người đàn ông bán dụng cụ đào mỏ. Đó là một ông già cụt chân, mái tóc muối tiêu. Ông tên Tuất, ông bảo vì tên Tuất nên đời ông cũng như một con tuất. Đó là người đàn ông có nhiều hiểu biết và học thức nhất ở đây. Ông Tuất từng là một giáo viên trường làng, con chết vì không có tiền chạy chữa, vợ đay nghiến bằng tiếng thở dài mỗi đêm, ông bỏ dạy học, theo dòng người đổ xô đến đây tìm vàng. Ông từng tìm thấy vàng nhưng phải đền bằng một cái chân. Trở về làng, vợ ông ôm chầm lấy ông khóc, mừng mừng tủi tủi khi cầm túi vàng trên tay. Bà thịt gà, rót rượu, tíu tít bên chồng. Ông một tay ôm vợ, một tay đặt lên cái chân cụt đến đầu gối, nghĩ một cái chân cũng đáng giá. Một sáng thức dậy, vòng tay thấy lạnh trơ. Căn nhà trống huơ trống hoác, những món đồ có chút giá trị đều đã bốc hơi cùng túi vàng, và cả vợ ông nữa. Người làng nhìn thấy sáng sớm tinh mơ, vợ ông đã cùng người đàn ông khác bỏ trốn. Uất ức, ông bán phắt căn nhà, quay lại đây, mở một hàng bán dụng cụ thợ mỏ sống qua ngày, để quên đi cái thế giới bất nhẫn nguội lạnh ngoài kia. Ông tính cách thất thường, lúc cười nói, lúc nổi giận đùng đùng vô cớ, nhưng ai cũng kính trọng ông. Mỗi khi vui, ông ngồi giữa quán Dư, nhấp môi ngụm rượu rồi bắt đầu kể chuyện, chuyện tây chuyện tầu, chuyện sử chuyện đời, có những chuyện ma rùng rợn, cũng có những câu chuyện tiếu lâm, có những câu chuyện ông tự nghĩ ra, cả xóm tụ lại nghe ông nói, nuốt lấy từng lời. Những giây phút đó, họ quên hết những bàn tay sờn chai, những cay đắng cũng nuốt xuống dưới cuống họng. Chỉ có những vì sao trên bầu trời đen mịt, lấp la lấp lánh.

Hòa cùng với đám đông là Ngọc Minh, gã luôn ngồi ở một góc, cùng cười, cùng tán thưởng nhưng luôn có một cái vẻ gì đó khiến Dư rất khó chịu. Dư rất bực bội mỗi khi nhìn thấy người đàn ông này. Dư nghĩ mãi, nghĩ mãi mới hiểu. Nho nhã, chính là cái vẻ nho nhã của gã. Ở đây chỉ toàn những đàn ông cục mịch, có thô lỗ, có cộc cằn, có thật thà, có gian xảo, có chất phác, có khắc khổ, nhưng không có ai nho nhã cả. Cái vẻ nho nhã đó khiến Dư thấy chướng mắt, Dư cố tránh nhìn vào gã.

Đêm ấy mưa rả rích, cả xóm chìm trong bóng tối vắng lặng. Ai đấy đều đã lên giường đi ngủ. Tiếng khóc thút thít của thằng nhóc choai choai đi theo cha và chú ruột khiến không khí lại càng thêm ảo não. Ông bố lầm bầm quát, tiếng khóc càng rấm rứt thêm. Quát con mãi không được, ông bố lặng im, chốc chốc lại buông tiếng thở dài đánh thượt còn người chú cũng trở mình mãi không thôi.

Dư không ngủ. Cô ngồi một mình bó gối trong bóng tối, mấy đứa trẻ đã ngủ say. Cô hồi tưởng lại những đêm mưa ngày nhỏ, mẹ ôm cô để át đi cảm giác sợ ma và sợ một gã đàn ông nào đó sẽ cạy cửa xông vào. Đang định đứng lên đi vào giường ngủ thì Ngọc Minh bước ra. Gã cứ thế ngồi cạnh Dư. Gã bảo:

Mưa buồn quá, anh nhớ mẹ anh.

Dư sững người lại, đàn ông mà cũng biết nhớ thương ư. Dư lặng im, sẵn sàng nghe gã trút bầu tâm sự nhưng gã chỉ lặng im. Khi ngước mắt lên nhìn, cô thấy hai đốm long lanh trong đôi mắt gã sũng nước. Dư lúng túng, đây là lần đầu tiên trong đời cô nhìn thấy một người đàn ông khóc. Cô không biết rằng đàn ông cũng biết khóc. Cô thấy lòng mình mềm ra, nhưng khi thấy gã đặt bàn tay thuôn dài lên vai mình, Dư đứng phắt dậy, táng cho gã một cái bạt tai tối tăm mặt mũi rồi bỏ vào trong.

Dư không đủ hiểu biết để phân định lý trí và cảm xúc của mình. Trong lòng Dư, đàn ông là một giống loài khác, không giống như đàn bà và trẻ con. Như là những con rắn nước bơi cùng luồn lách dưới khe suối, trông thì giống nhau, nhưng có con chỉ khẽ làm xước da đã gây chết người, có con thì chỉ cắn sâu chảy máu cũng sẽ lành lại. Gã đàn ông mới đến là một con rắn lạ, Dư không muốn để bị đớp rồi mới biết mình có trúng độc hay không. Nhưng những giọt nước mắt trong đêm của gã vẫn ám ảnh Dư. Băn khoăn cào xước lòng Dư nhiều hơn vết cắn của những con rắn. Dư ngước nhìn lên hai cái bàn thờ treo trên tường. Bố cô, mẹ cô và hai đời chồng của cô. Bốn bát hương màu xám lạnh. Mẹ cô là người đàn bà duy nhất mà cô gần gũi. Mẹ như một chiếc chăn mùa đông, nhẹ nhàng, ấm áp. Bố cô thì như ngọn lửa. Ông sôi sục cuồng điên vì vàng. Hai đời chồng của Dư cũng chỉ biết loạn trí vì vàng. Rồi tất cả đều chết vì vàng. Bố cô chết khi lao mình xuống mỏm đá vì tưởng ánh nắng lấp lánh đó là thứ ông bán mạng để tìm kiếm. Chồng thứ nhất của Dư chết vì sập hầm, còn người thứ hai thì chết vì thuốc nổ, thứ mà Dư chôn dưới đáy mộ kia thậm chí còn không phải là những cái xác hoàn chỉnh. Dư từng được cầm vàng trong tay, nhưng Dư không nhìn thấy được mãnh lực từ nó. Dư giống mẹ, chỉ cần mỗi bữa mở nồi cơm ra thấy cơm đầy, khi lên giường nằm, có chăn ấm đắp tới tận cằm là được rồi. Bởi vì đàn bà là giống loài khác với đàn ông. Đàn ông nóng nảy, say sưa, quát tháo, tham vọng. Nhưng tại sao gã đàn ông đó lại biết khóc và biết nhớ?

Sáng sớm, Ngọc Minh đã từ đâu về, đi theo cửa phụ vào nhà bếp, từ khi mới đến đây, gã chỉ đi cửa chính duy nhất một lần, lén lút đến sát gần Dư. Gã chìa ra cho Dư một nắm đá có lẫn vảy vàng và tinh thể thạch anh, miệng cười toét. Gã đã tìm thấy mạch vàng rồi. Dư khẽ cau mày rồi quay mặt đi. Gã bảo:

Chỉ cần tìm thấy vàng, tất cả chúng ta sẽ rời khỏi đây.

Dư không đáp, vẫn cúi mặt khuấy nồi canh, như khuấy lên sự xao động của chính lòng mình. Đời Dư đã thiếu gì lần nghe thấy câu “chỉ cần tìm thấy vàng”. Gã dúi vào tay Dư một viên quặng, vảy vàng lấp la lấp lánh. Dư rút tay ra, viên quặng rơi, tiếng khô khốc không hơn một viên sỏi kỳ lưng nhặt ở suối về. Dư như một con gà mái quanh quẩn trong nỗi niềm đàn bà bé mọn của mình, cần một nắm thóc hơn là một nắm vàng, nhưng khi nhìn thấy bó hoa rừng còn ướt sương sớm gã cắm trên cái chai cũ đặt trên bàn, nắng chiếu lung linh trên những cánh hoa như những hạt ngọc trong veo, môi Dư bất giác kéo một nụ cười.

Chiều tối, vừa chuẩn bị cởi đồ ra tắm, Dư cảm thấy có đôi mắt đang rình sẵn nhìn trộm mình. Dư rút vội con dao, đạp cửa đuổi theo. Trong nhà Dư, từ nhà tắm đến đầu giường, chỗ nào cũng cài dao, đến lưng quần Dư cũng thường cài sẵn. Dư như con nhím lúc nào cũng chĩa gai nhọn gai góc. Đàn ông nơi này đều cho rằng Dư là người đàn bà sát phu, họ thèm khát cô, mê muội cô nhưng không dám đụng vào cô, sợ mình cũng sẽ bỏ mạng. Mà cô cũng có vẻ dám cho họ bỏ mạng dưới bàn tay cô lắm. Cô đuổi tới tận bên bờ suối chảy xiết, kẻ nhìn trộm hết đường chạy, vội quay người lại, quỳ sụp xuống dưới chân Dư. Thằng nhóc choai choai, là nó. Thằng nhóc đặt xuống mấy viên quặng vàng trước mặt Dư, nó cầu xin Dư, thì ra bọn họ cũng bắt đầu tìm thấy dấu vết của vàng rồi. Tuy chỉ hơn nó ít tuổi nhưng Dư coi nó như con, như cùng một giống loài. Mấy năm lang bạt nơi này, con rắn nước vô hại nơi con người nó đã bắt đầu có nọc độc. Dư xót xa, buông con dao xuống, cô cúi mặt quay đi.

Những ngày sau đó, những khuôn mặt như rạng rỡ hơn, tiếng máy nổ giòn hơn, ánh đèn như cũng rực sáng hơn. Trong không khí có gì đó chộn rộn dù ai cũng cố giấu. Dư bận luôn chân luôn tay những buổi tối, những câu chuyện sang sảng, rượu thịt liên tiếp được bưng lên. Cả xóm như dồn lại cái quán nhỏ bé của Dư, dù câu chuyện vẫn cũ, từ tây sang tàu, từ cũ sang mới, chỉ có lòng người xôn xao.

Rừng núi heo hút, người đi thì xa nhưng tin tức bay thì nhanh. Chớp mắt, xóm đã chật ních người lạ. Ngoài những cuốc xẻng, họ còn mang theo cả những bó “dụng cụ đặc biệt” cuốn chặt trong những lớp vải dày sạch sẽ. Họ không chỉ lên núi, xuống suối mà họ còn lùng sục khắp các lối đi. Những khuôn mặt khó đăm đăm, những nanh vuốt đeo lủng lẳng trước ngực, những nét mực kín da, rồng rắn hổ báo cuồn cuộn. Những người phu đào vàng nín thở, cố tắt cái nét hân hoan trên mặt mình đi. Trong số đám người lạ, có một người đàn ông trung niên nhỏ thó, mặc bộ đồ bằng vải lụa thêu hình con hổ lớn là lúc nào cũng ngồi trầm ngâm. Mỗi khi ông ta lên tiếng là Dư cảm giác lạnh sống lưng, dù giọng ông ta nhẹ nhàng như gió, nụ cười duyên dáng hiếm có. Dư cảm thấy ông ta có chút gì đó lạ lẫm nhưng lại rất quen, dường như đã gặp ở đâu đó rồi mà chưa nghĩ ra. Dư quay cuồng bận rộn từ sáng tới khuya. Người bán thực phẩm trước kia mỗi tuần chỉ đến hai lần thì giờ một ngày đến một lần, ông ta còn đi cùng hai đứa con trai thồ thực phẩm theo cùng. Mỗi khi đếm tiền, Dư vừa thấy vui lại vừa thấy chột dạ bất an.

Ngọc Minh như một con chuột, thoắt ẩn thoắt hiện. Gã lục đồ ăn trong bếp Dư từ lúc gà chưa gáy rồi bỏ lên giường Dư những cục quặng thay những lời hứa hẹn. Dư tiện tay ném xuống dưới gầm giường, ngả lưng xuống, tay vẫn không quên sờ chất thép lạnh dưới gối rồi nhắm mắt ngủ ngay cạnh đám con còn đang say giấc. Tờ mờ sáng, gã đang cúi đầu ăn bát mì trong bóng tối thì mấy ánh đèn pin rọi thẳng vào mặt. Gã ngẩng đầu lên nhìn. Người đàn ông nhỏ thó mặc đồ lụa cùng đàn em đứng ngay trước mặt. Mặt gã tái lại, xô đổ bàn chạy. Tiếng rượt đuổi huyên náo khắp xóm rồi biến mất vào rừng sâu. Cả xóm thót tim lại bồn chồn, dường như ai cũng có gì đó đè siết lên phổi họ không thở được.

Nhập nhoạng tối, gã lành lặn trở về, nhưng kiệt sức, cúi gằm mặt xuống với đôi tay trói quặp ra phía sau. Người đàn ông mặc đồ lụa cười khẩy, chậm rãi đến vỗ vỗ lên mặt gã.

“Mày hết núp váy mẹ mày thì lại quay lưng phản bố mày à? Chưa học bò đã lo học chạy, mày nhắm làm được không mà định cướp ghế bố đẻ mày? Tao lại chẳng bẻ gẫy chân mày…”

Lúc bấy giờ Dư mới nhận ra tại sao nhìn ông ta lại quen đến thế, cái nụ cười đó, cái dáng người gầy gò quắt queo đó, cái vẻ nho nhã đó. Dư liếc nhìn gã, gã ngước nhìn Dư nhưng lại cụp mắt xuống ngay khi thấy người đàn ông đang nhìn có vẻ dò xét. Gã vùng vằng một cách yếu ớt. Người đàn ông thản nhiên châm thuốc hút, cười tự đắc, bỏ mặc gã bị trói nơi góc bàn.

Sáng sớm, Ngọc Minh đã bỏ trốn. Đám người lạ nháo nhác đuổi theo. Người đàn ông bừng bừng lửa giận, đi ra đi vào, lẩm bẩm những lời nóng giận không đầu không cuối. Dư như đứng nép sâu hơn vào tường, không cả dám thở. Dư quá hiểu lửa giận của một người đàn ông có thể thiêu cháy cả một cánh rừng.

Chiều hôm đó, Ngọc Minh lại trở về, lần này là trên cáng làm vội bằng cây rừng. Từ khi gã đặt chân đến đây, đây là lần thứ ba gã vào bằng cửa chính, nhưng hai lần không phải là gã tự đi. Đôi mắt gã mở trừng trừng, nhưng gã không còn nhìn được nữa. Từng bước gã được khiêng vào là từng giọt máu nhỏ xuống. Đàn nhặng xanh ngửi mấy mùi xác chết vò vè quanh thân thể nguội lạnh của gã. Người đàn ông mặc đồ lụa run lẩy bẩy gần như ngã giật lùi về phía sau. Ông ta tiến lại gần gã, bàn tay run run chạm lên mặt gã. Mặt ông ta tái sạm lại, nước mắt như hoá thành lớp băng mỏng phủ lên nhãn cầu, không rơi xuống nổi.

“Cậu đeo ba lô nặng quá nên mất thăng bằng. Cậu tự ngã xuống.” - Một người đứng bên cạnh cúi đầu nói.

Người đàn ông không nghe, ông ta cứ nắn sờ khắp người gã. Một giọt nước mắt trào ra, ông ta gào lên, tiếng hét xé vang trời đất. “Trời ơi! Trời ơi! Còn nghĩa lý gì nữa! Con ơi! Trời ơi!”

Ông ta cứ khóc mãi như thế đến chiều, cho tới khi gục xuống bất động, nhưng thân thể còm cõi ấy vẫn cứ rung lên như tiếng nức nở từ trong tim vọng lại. Một người khẽ đến, muốn nâng ông ta lên thì ông ta như bừng tỉnh. Ông ta giằng lấy chiếc balo của Ngọc Minh mà tên đàn em vẫn đặt bên cạnh gã từ lúc đem về. Mở tung ra, những cục vàng lóa sáng, không phải quặng mà là vàng, đầy chật một ba lô. Ngọc Minh đã tìm thấy vàng thật. Đám phu không kiềm được mà thốt lên. Người đàn ông cười gằn, vừa cười vừa khóc. “Trời ơi! Trời ơi! Còn nghĩa lý gì nữa! Con ơi! Trời ơi!” Ông ta yếu ớt ôm cái balo ném ra ngoài. Chiếc balo nặng rơi phịch xuống ngưỡng cửa, những cục vàng bắn ra tung tóe. Người đàn ông quỵ xuống. Đám người lạ cõng ông ta lên lưng và khiêng cáng chở Ngọc Minh, bước lên những cục vàng, rời đi.

Chỉ chờ có thế, đám người như một đàn hổ đói lao vào giành giật con mồi. Hoàng hôn đỏ ối buông xuống càng làm những cục vàng tung tóe thêm sáng lóa hơn. Mọi thứ quay cuồng như một cơn giông lốc mù mịt. Dư lao đến, kéo mấy đứa con chạy ra phía sau nhà. Cô như con gà mái dang cánh ôm lấy đàn con, quay lưng lại phía những cuồng vọng ồn ào kia. Tiếng đấm đá, tiếng giằng xé, tiếng đánh chửi. Tiếng rẹt rẹt của kim khí, tiếng người hét lên đau đớn, mùi máu tanh nồng, tất cả đều ù đi. Thằng con lớn của Dư bỗng vùng ra khỏi cánh tay Dư, nó chạy đến rút con dao ở liếp cửa nhà tắm rồi toan lao về phía hỗn độn. Dư hét lên, nhào người ôm con lại:

“Không, con ơi! Đừng! Chúng ta không cần!”

Dư thắp nén nhang cuối cùng lên bốn ngôi mộ trước mặt rồi cùng lũ trẻ chắp tay vái. Mỗi đứa đeo sau lưng một bọc đồ con con. Quần áo, những chiếc bát mẻ, chút gạo còn lại. Trên lưng Dư còn có bốn bát hương xếp chồng lên nhau. Dắt tay đứa nhỏ nhất, Dư bước đi. Ba đứa còn lại cũng chập chững bước theo sau. Đuổi theo đằng sau bóng lưng Dư và những đứa trẻ là bình minh đang lên, những chiếc bóng đổ dài trên con đường mòn trắc trở. Phía sau, lâu lâu vẫn vang lên tiếng nổ mìn như thường ngày. Dư và đám trẻ cứ bước đi mãi, không một lần ngoái đầu nhìn lại, không để bóng ma của vàng đầu độc những đứa con của cô. Con suối vẫn rì rào chảy. Chim vẫn hót trên cành. Những đóa hoa rừng vẫn ngát hương. Dư vẫn bắt gặp những khuôn mặt hăm hở đi ngược chiều mình tiến lên. Vẫn là những anh em, bạn bè… Những giấc mơ vẫn lấp lánh như mặt trời rực rỡ trên đầu.

Hàn Băng Vũ

Nguồn Văn nghệ số 49/2022


Có thể bạn quan tâm