April 29, 2024, 10:46 am

Mang ơn đời hạnh phúc ấm vòng tay

Cách đây gần 40 năm, tôi đã từng biết PGS.TS Ngô Minh Oanh, khi ông dạy học trên vùng đất cao nguyên Đắk Lắk. Thầy Oanh (tôi quen gọi như thế), cũng là một người yêu thơ, lúc đó đã có khá nhiều thơ đăng báo…

Mới đây, gặp lại và nhận từ tay ông tập thơ mới xuất bản năm 2022, Đêm nằm nghe ký ức, tôi vui mừng bởi ông vẫn giữ được hồn thơ của một thời tuổi trẻ. Nay, ông hoàn tất bản thảo tập thơ thứ hai, Đất hóa miền thương, NXB Hội Nhà văn, 2023 tập thơ gói những yêu thương của đoạn đời đã trải trên những miền đất đi qua trên mọi miền Tổ quốc với giọng thơ dung dị, nồng nàn.

Ông đau đáu một nỗi xót xa khi mùa nước nổi không về miền Tây Nam Bộ do thượng nguồn Mekong đã bị chặn dòng bởi những nhà máy thủy điện mọc lên: “Những đứa trẻ bơi chưa hết sải tay đã hết nước/ Mùa len trâu ngóng chờ mắt ướt/ Nước nổi không về cạn mơ ước trẻ thơ/ Xạc xào cây quắt khô ngọn gió…/ Ai vắt kiệt dòng sông, ai chặn dòng ra biển/ Ai tham lam chặn cả thiên nhiên” (Mùa nước nổi không về)

Xưa, những người dân binh lên thuyền theo hải đội Hoàng Sa, khai thác và gìn giữ vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc, để lại những người vợ hiền với nỗi chờ mong. Bài thơ Người đàn bà Lý Sơn có tính khái quát cao với hình tượng người thiếu phụ nhớ chồng: “Chị lặng ngồi giấu nước mắt rơi/ Tỉ mẩn đào lên từ đất/ Những tép tỏi cô đơn/ Chắt chiu tinh túy đất trời…/ Cứ thế người đi đi mãi/ Bao nhiêu người trai đội hùng binh Hoàng Sa/ Là bấy nhiêu người đàn bà ở lại/ Tạc nên dáng vọng phu trên biển Tổ quốc mình”.

Nhỏ nhoi, mảnh dẻ như tép tỏi cô đơn là hình tượng người phụ nữ kiên cường. Chính họ là tình yêu, tiếp thêm sinh lực cho người lính hải đội Hoàng Sa: “Hành trang người lính đội Hoàng Sa/ Bảy chiếc nẹp tre, một chiếc chiếu/ Bảy sợi dây mây, cùng một vật không thể thiếu/ Là chiếc thẻ tre khắc ghi họ tên người…/ Thẻ tre như những tấm bia mộ trên biển cả/ Lưu danh người hy sinh cho đất nước yên bình” (Chiếc thẻ tre người lính đội Hoàng Sa)

Trong cảm thức hào hùng, trong tình yêu Tổ quốc, đảo chìm ở Trường Sa trong thơ Ngô Minh Oanh như những người lính, như cây cọc gỗ lưu dấu chiến công hiển hách: “Đảo có tên đảo không tên/ Như người lính biển giữ yên quê nhà/ Đảo chìm ẩn sóng Trường Sa/ Như cây cọc gỗ chưa xa Bạch Đằng” (Đảo chìm ở Trường Sa)

Tình yêu quê hương đất nước là cảm xúc chủ đạo trong tập thơ này... Viết về Hà Nội, Ngô Minh Oanh có những câu thơ làm sáng bài thơ: “Rêu phong chẳng làm nhàu phố cổ”, “Hồ Tây gom hương đồng châu thổ/ heo may ngang Hà Nội chớm thu về”. Còn với Huế, lại là sự trẻ trung, đằm thắm với những thi ảnh đặc sắc: “Huế như chiếc máng lớn/ Neo bên núi Ngự Bình/ Sông Hương dải lụa tím/ Neo Huế mình với thơ…” (Huế)

Thuở tóc xanh, nhà thơ học đại học ở Vinh, tắm nước dòng Lam, kết bạn cùng người Nghệ và có được người bạn đời thủy chung ở xứ này. Từ đó, Ngô Minh Oanh có những câu thơ rất tình, rất mới: “Sông sâu cho tôi lòng can đảm/ Nước dạy cho mềm mại giữa cuộc đời…/ Chốn quê người nhận nhau qua giọng nói/ Vài ba người đã thấy quê hương…” (Xứ Nghệ)

Đến với Hà Giang, đêm ở thị trấn Đồng Văn, qua cái nhìn của thi nhân, cảnh vật vừa thấu tỏ mà lại nhuốm màu hư ảo; vừa thấy quen trong lạ, lạ trong quen: “Phố núi như chùm mận chín/ Trôi vào hoàng hôn…/ Tiếng khèn ai dội vách đá trắng/ Phố chìm sâu đáy đêm…” (Đêm thị trấn Đồng Văn)

Có thể nói đây là một trong những bài thơ hay nhất của Ngô Minh Oanh, là chứng nhận một nhà thơ với sự lãng đãng cùng đất trời mà ấm áp những dòng thơ như lửa trong đêm cao nguyên khí lạnh từ núi đá ùa về.

Ai cũng có ký ức để hồi tưởng, với thế hệ mình, những năm tháng lớn lên là đạn bom của Mỹ trút xuống miền Bắc, là những ký ức không phải ai cũng từng trải nghiệm “cả quê ta đón Tết phải ở hầm”. Nhà thơ viết về Mẹ với lòng biết ơn sâu nặng: “Cơn lũ tràn về ngập cả mùa đông/ Mẹ ngụp đồng sâu vớt từng chẽn lúa/ Cái thơm dẻo hạt gạo làng đã úa/ Để cơn lũ cuộc đời mẹ gánh chịu quanh năm” (Mẹ)

Viết được câu thơ “cơn lũ tràn về ngập cả mùa đông” là một sáng tạo, và “cơn lũ cuộc đời mẹ gánh chịu quanh năm” là nhận thức của lòng biết ơn về sự hy sinh của đấng sinh thành, “sấp ngửa mẹ đi về phía bão”. Một cơn lũ đã tràn qua tâm tưởng nhà thơ, tràn qua trang thơ đầy day dứt.

Nhà thơ viết về cha: “Bàn tay cha biết bao lần xới cát/ Bắt cát nở hoa, bắt đời thôi khô khát/ Rừng lên xanh không còn cát đè người…” (Đưa cha về với cát)

Bài thơ hay cả ý lẫn tứ. Đời cát đời người. Cát đi vào đời sống dân cư, như là một phần không thể thiếu. Cát cũng là cát bụi đời người. Hình tượng mẹ với cánh cò, cha với động cát quê hương là những biểu tượng của ân tình, đem lại nhiều cảm xúc đẹp cho người đọc với những khoảng lặng đến nao lòng: “Phút cha đi trong thanh thản ngậm cười…

Trong những vùng đất trên hành trình đời sống, cao nguyên Đắk Lắk là địa chỉ thân thương, nơi cả tuổi thanh xuân của nhà thơ gắn với giảng đường. Ông dành nhiều tình cảm yêu quý cho miền đất này, từ mưa cao nguyên đến phố núi ban mai, dòng sông Sêrêpôk; cả khi đã sang nước bạn, gặp lại nhà dài Tây Nguyên ở thủ đô Moscow thì kỷ niệm ùa về: “Em trao anh cần rượu ché đầu tiên/ Anh sẽ uống hết ché tang ché túc/ Anh sẽ uống đến tim mình rạo rực/ Men rượu em trao nhớ trọn đời…” (Gặp lại nhà dài)

Những câu thơ đầy âm sắc, chuyển tải được không gian, hồn cốt, tâm tình người Tây Nguyên, phóng khoáng như gió và nhà thơ cũng thành ngọn gió lang thang…

Với bài thơ làm tựa đề chính cho tập thơ, là một minh chứng cho tình yêu của ông để lại nơi này, nơi một phần đời ông đã sống. Bài thơ là một lời từ biệt cao nguyên để về TP. Hồ Chí Minh làm việc, lời thơ thiết tha, nặng trĩu ân tình:

Anh có ngờ đâu một quãng đường dài

Đã máu thịt với miền quê Đắk Lắk

Mồ hôi ngấm vào từng thớ đất

Nợ ân tình đất hóa miền thương”       

Xin chúc mừng PGS.TS – nhà thơ Ngô Minh Oanh với Đất hóa miền thương. Đi qua bao dặm dài đường xa đất lạ, nay ông đã có “hoa đẹp cầm tay, tình người thơm thảo/ ta mang ơn đời hạnh phúc ấm vòng tay”.

Bùi Phan Thảo

Nguồn Văn nghệ số 34/2023


Có thể bạn quan tâm