April 29, 2024, 7:01 am

“Lửa nhạt” và nghệ thuật đọc bằng xương sống của Nabokov

Đọc Nabokov là một cuộc lao động khổ sai như thể bạn là một người mò trai dưới đáy biển hay một công nhân xây kim tự tháp, nhưng bạn vẫn tiếp tục đọc bởi bạn biết rằng thứ đạt được sau cùng là những gì phù phiếm lộng lẫy nhất.

Nhà văn Vladimir Nabokov cầm một cành hoa cẩm chướng trong khách sạn nơi ông sống. Montreux, Tháng 10/1969. (Giuseppe Pino/Mondadori via Getty Images)

Trong Nói đi, ký ức, Nabokov từng viết thế này: “Tôi khám phá ra trong tự nhiên những niềm vui phi thực dụng mà tôi đã tìm kiếm trong nghệ thuật. Cả hai đều là những dạng thức của phép màu, cả hai đều là trò chơi của sự mê hoặc và dối lừa đầy phức tạp.” “Niềm vui phi thực”, “dạng thức của phép màu”, “trò chơi của sự mê hoặc và dối lừa đầy phức tạp”, đó cũng là những thứ người ta sẽ tìm thấy, rất thường xuyên, khi đọc Nabokov.

Đọc Nabokov là tự nguyện nhảy xuống một đại dương ngôn từ, bạn sẽ bị áp lực của những câu văn xối xả bủa vây đè lên lồng ngực, nhưng kìa, hãy nhìn ngắm những sinh thể từ ngữ bơi bên dưới, những vỉa san hô của các danh từ kỳ lạ, những con sứa tính từ nổi trôi quết những chiếc đuôi óng ánh, những từ ngữ từ thư tịch cổ chẳng khác chi giống cá mập đã tồn tại từ buổi đầu sự sống, phong cảnh ngôn từ ấy quá đẹp, và dù bị nhấn chìm trong đó bạn cũng yên lòng. Đọc Nabokov là chống lại những kỹ thuật đọc nhanh, đọc lướt, chống lại sự đọc thi cử và sự đọc làm dáng. Đọc Nabokov là đọc từng từ, ngay cả khi bạn có thể đoán nghĩa cả câu mà không cần hiểu một vài từ trong đó, bạn cũng không nỡ bỏ qua từ ấy, bạn buộc lòng phải mở từ điển tra cứu, sợ sẽ bỏ qua một “giống” từ ngữ kỳ lạ. Đọc Nabokov là một cuộc lao động khổ sai như thể bạn là một người mò trai dưới đáy biển hay một công nhân xây kim tự tháp, nhưng bạn vẫn tiếp tục đọc bởi bạn biết rằng thứ đạt được sau cùng là những gì phù phiếm lộng lẫy nhất.

Charles Kinbote là một người đọc. Anh đọc bài thơ 999 câu của John Shade, một nhà thơ, và rồi cặn kẽ bình chú tác phẩm ấy. Đây là khởi điểm của tiểu thuyết Pale Fire (Lửa nhạt, theo bản dịch của dịch giả Vân Hà), cuốn tiểu thuyết được coi là hoàn hảo nhất của Nabokov.

Nhiều năm trước khi Pale Fire ra đời, Nabokov có một dự án dịch thuật tác phẩm thơ Eugene Onegin của Alexander Pushkin. Ông dùng tới tám năm để dịch tác phẩm, viết lời đề tựa và bình chú. Ông từng chỉ trích những dịch giả đi trước vì cắt xén ý nghĩa của văn bản hòng giữ vần điệu giống bài thơ gốc, nhưng trong bản dịch của mình, ông “hy sinh mọi thứ” để dịch sát nghĩa nhất có thể. Sau đó, trong phần chú giải của mình, ông cung cấp cụ thể bối cảnh lịch sử, thông tin về tác giả, vô vàn những giải thích chi tiết về lựa chọn từ dịch, thậm chí là những lời châm biếm Pushkin, đồng thời trình bày quan điểm thẩm mỹ riêng của ông. Chẳng hạn, ông bình luận “Tôi không nghĩ là ta có thể tưởng tượng ra hai gương mặt nhìn nhau trong sự im lặng hoàn hảo nhiều hơn 15 giây” về đoạn Eugene Onegin và Tat’jana nhìn nhau trong vườn suốt một, hai phút đồng hồ. Ông dịch thuật, nhưng ông không an phận làm “con khỉ của các nhà văn” như xiết bao dịch giả trên đời, ông dựng lên cả một sân khấu cho người dịch, như thể đó là tác giả thứ hai của văn bản.

Chúng ta có thể hình dung Pale Fire khởi nguồn từ thực hành văn chương đó. Dịch giả, phê bình gia, nhà bình chú – hay chung quy lại là tất cả những ai mang thân phận người đọc – đều không phải con dân trong thế giới của tác giả. Đọc là một kỹ nghệ tinh hoa.

Ông dịch thuật, nhưng ông không an phận làm “con khỉ của các nhà văn” như xiết bao dịch giả trên đời, ông dựng lên cả một sân khấu cho người dịch, như thể đó là tác giả thứ hai của văn bản.

Bài thơ của John Shade là một hồi ký về đời mình, những chiêm nghiệm của ông về cái chết, hồi ức đau thương khi mất đi cô con gái, cuộc truy lùng về thế giới bên kia, những đau đáu về thơ ca và sáng tạo. Còn phần bình chú của Charles Kinbote, vị giáo sư tự nhận mình có mối quan hệ gần gũi với Shade và là người đã kể câu chuyện về xứ Zembla xa xôi cho Shade nghe để lấy cảm hứng văn chương, là những liên tưởng về tình bạn của anh ta với Shade, về cuộc hành hương của vị vua xứ Zembla nhằm chạy trốn khỏi vương quốc của mình và kẻ sát nhân Gradus được giao nhiệm vụ ám sát nhà vua. Kinbote khăng khăng Shade đã “tìm cho kẻ chạy trốn hoàng gia kia một chỗ trú thân dưới mái vòm là các câu thơ biến thể mà ông đã bảo tồn”. Có thật không? Càng đọc, ta càng cảm thấy Kinbote chỉ là một người đọc hoang tưởng và những bình chú của anh ta chỉ là sự suy diễn viển vông. Nhưng ta không thể dừng lại việc đọc bình chú ấy, không hẳn chỉ vì nó là một phần của cuốn tiểu thuyết lớn này, mà vì phải chăng thế giới đang cạn kiệt những người đọc như thế, những người đọc một say sưa đến ám ảnh, những người đọc sách mà như đọc đời mình, những người buộc đời mình vào một bài thơ thay vì coi như bài thơ chỉ là một trò tiêu khiển?

Có một đoạn trong phần bình chú, Kinbote thuật lại một cuộc chuyện trò giữa mình và John Shade. Shade hỏi Kinbote rằng làm sao anh ta biết tường tận câu chuyện về vị vua xứ Zembla kia, làm sao để biết những gì anh ta kể là sự thật. Và Kinbote đáp: “Đừng lo mấy chuyện vớ vẩn ấy. Một khi được ông chuyển thành thơ, những chuyện ấy sẽ là thật, và những con người sẽ trở nên sống động. Sự thật được thanh tẩy của thi sĩ chẳng gây ra nỗi đau lẫn sự xúc phạm nào. Nghệ thuật chân chính vượt xa danh dự giả dối”.

Bỏ qua chuyện Kinbote hóa ra chính là vị vua kia. Nhưng ý của đoạn này là, cái không có thật, đưa vào văn chương, sẽ thành có thật. Nabokov đang cười cợt sự diễn trò của văn chương hay tán dương sức mạnh của văn chương đây? Có thể ông đang làm cả hai điều đó. Bất cứ sự mê hoặc nào cũng có trong nó sự dối trá và bất cứ lời nói dối mượt mà nào cũng quyến rũ hơn lời chân thật – văn chương là đứa con từ sự giao phối đó. Chấp nhận bước vào thế giới văn chương là chấp nhận lời mời gọi của những gì “nonutilitarian” – một từ mà Nabokov từng dùng mang nghĩa hướng đến cái đẹp trang trí hơn là sự hữu dụng. Mọi người đọc (một người viết thật ra về bản chất cũng là một người đọc, đọc những ý nghĩ trong đầy mình) đều phải tự phỉnh nịnh mình rằng những gì được kể ra trong sách có lý lẽ của riêng nó, nếu không, làm sao có thể tiếp tục đọc?

Hơn một lần trong Pale Fire, Nabokov mô tả hình ảnh một người sáng tác trong quá trình sáng tác như một người làm ảo thuật. Thế giới xung quanh như những quân bài, những con chim bồ câu, những bông hoa, chiếc mũ, và trí óc nhà văn là đôi tay uyển chuyển làm ra các phép lạ, lấy ra từ hư vô những bông cẩm chướng, biến chiếc đĩa thành con chim, biến chiếc thìa thành tia nắng. Dẫu ta biết ảo thuật đều chỉ là thủ thuật, nhưng vẫn có gì đó diệu kỳ và bất khả xâm phạm trong quá trình hóa thân ấy. Và một điều quan trọng khác, quá trình sáng tạo luôn diễn ra ngay trước mắt kẻ ngoài, nhưng không kẻ ngoài nào có thể thực sự nhìn ngắm cách những con chữ thành hình trong những thớ thần kinh – cũng như các màn ảo thuật luôn quá nhanh và đánh lừa con mắt của người xem vậy. Giây phút hình ảnh biến thành ngôn từ là một giây phút bí ẩn, như một điểm kỳ dị khởi sinh vũ trụ mà con người không cách nào quan sát và nhìn thấu, một câu đố vô song.

***

Trong những năm tháng đi dạy ở Đại học Cornell, các lớp của Nabokov luôn đông kín sinh viên (về điểm này, ông khác xa ông giáo Pnin với khóa học lỗi thời chẳng còn mấy ai quan tâm và sắp bị cho về vườn). Theo nhà tiểu sử về ông là Brian Boyd, lớp học về văn chương châu Âu của Nabokov có số lượng sinh viên đăng ký nhiều thứ hai chỉ sau lớp học sáng tác âm nhạc dân ca của Pete Seger. Khác với các giáo sư văn chương khác, Nabokov không yêu cầu sinh viên đọc nhiều sách. Nhưng ông yêu cầu đọc kỹ. Kỹ của ông là thế nào? Là có thể trả lời được những câu hỏi khiến ai nấy bất ngờ, ngỡ ngàng, ngơ ngác và bật ngửa, tỉ như họa tiết trên giấy dán tường nhà bà Bovary là hình gì?, hay những yêu cầu như vẽ phác họa lại chặng đường đi của Bloom trong Ulysses trên bảng. Cách đọc của ông khác xa với cách đọc thông thường mà sinh viên được hướng dẫn, về các trường phái, các biểu tượng, các ẩn dụ, các thần thoại, các vấn đề xã hội, các trường tư tưởng.

Giây phút hình ảnh biến thành ngôn từ là một giây phút bí ẩn, như một điểm kỳ dị khởi sinh vũ trụ mà con người không cách nào quan sát và nhìn thấu, một câu đố vô song.

Chính trong Pale Fire, Nabokov dường như đã mượn nhân vật của mình để phê phán kịch liệt cách đọc này. Triết lý giáo dục của John Shade là làm sao để đám sinh viên năm nhất “biết đọc bằng xương sống chứ không phải bằng hộp sọ”. Ông coi việc không đọc và đọc như một kẻ đần độn là giống nhau. Ông căm ghét những bình giải kiểu nhét chữ vào mồm tác giả, rằng cái A đại diện cho cái B, cái C biểu tượng cho cái D. Cám cảnh thay cho Shade, kẻ đọc bằng xương sống trong câu chuyện này chính là Kinbote, người diễn giải bài thơ tuyệt tác của Shade theo một cách đầy tính chủ quan, nếu không nói là hoàn toàn méo mó. Nhưng có lẽ Shade sẽ tha thứ cho Kinbote chăng? Bởi chí ít, Kinbote đã lăn lộn trên tác phẩm ấy như con chó lai lăn lộn trên chỗ đã bị một con chó khổng lồ khác làm vấy bẩn – cái so sánh của chính Shade về phương pháp đọc chân chính.

Nếu đã là vậy, hẳn Nabokov cũng không mong độc giả của mình sa lầy vào việc diễn giải các biểu tượng lấp ló trên trang sách, có lẽ cách mà ông muốn ta đọc Pale Fire là đọc những phập phồng lấp lánh trong các câu văn không thể hoàn hảo hơn được nữa của ông: một tứ văn về một cú rơi từ máy bay trước khi ngã vào vạt áo Chúa Trời, một tứ văn về ngón tay số phận sờ mó con người như lão chăn cừu kiểm tra trinh tiết của đứa con gái lão, tứ văn về cách quơ quào từ Shakespeare một tựa đề cho sách, hay câu hỏi băn khoăn về việc sẽ ra sao nếu ta thức dậy và thấy mình mù chữ.

“Tôi ước bạn không chỉ bồi hồi với những gì bạn đọc mà còn với phép màu của sự tồn tại trong những thứ ta đọc được”, Kinbote viết, mà cũng có thể là Nabokov nhân danh viết. Ông là một trong những nhà văn hiếm hoi trên thế gian này thực sự coi từ ngữ như kho báu, đối xử với văn chương như một người thợ kim hoàn nâng niu nào là kim cương, ruby, topaz, sapphire, emerald…, cẩn từng viên đá ngôn từ lên chiếc vương miện tiểu thuyết và thi ca.

***

Hỏi: Bên cạnh việc viết tiểu thuyết, ông thích làm gì?

Nabokov: Ồ, săn tìm bướm, tất nhiên là thế, và nghiên cứu chúng. Niềm thỏa mãn và sự tưởng thưởng từ những cảm hứng văn chương chẳng là gì khi so cùng sự sung sướng khi khám phá ra một cơ quan mới dưới kính hiển vi hay một loài còn chưa được mô tả trên triền núi Iran hoặc Peru. Cũng không phải không có khả năng này, rằng nếu không có cuộc cách mạng nào ở Nga, tôi đáng lẽ sẽ tận hiến đời mình vào ngành bươm bướm và chẳng viết tiểu thuyết nào sất.

[Trích phỏng vấn Vladimir Nabokov trên tạp chí The Paris Review năm 1967]

Nabokov chỉ coi văn chương như một “nguyện vọng” hai trong cuộc khảo thí đời người lại là người. Nhưng xin tạ ơn trời rằng ông đã bị đánh trượt khi theo đuổi nguyện vọng một kia, để rồi bị đày ải vào con đường trở thành một tiểu thuyết gia. Ông không thể là một nhà bướm học toàn thời gian, nhưng theo cách nào đó, ông đã tạo ra một thế giới bươm bướm ngôn từ cho chúng ta rượt bắt, mỗi từ ngữ của ông giống như một chú bươm bướm, ta bắt lấy và phân loại, từ này ta đã biết, từ kia ta chưa, ta ghi vào sổ những từ ngữ của ông như cách một nhà sưu tầm bướm cất giữ những tiêu bản thu được, tra cứu bách khoa thư và reo lên mỗi khi tìm ra một loài mới. Ngôn từ của Nabokov cũng rợp bay như thế, cũng là một hệ sinh thái của loài cánh vẩy như thế, đẹp đẽ không gì sánh nổi.

Cố nhiên, cũng có thể cả bài viết này và cách đọc này chỉ là cách một con chó lai lăn lộn trên tấm thảm đã có vô vàn những con chó cao lớn khác nằm lên. Nhưng một điều chắc chắn, người viết nó đã đọc hoàn toàn bằng xương sống, không phải bằng hộp sọ.□

Nguồn Tia Sáng

Có thể bạn quan tâm