May 5, 2024, 4:23 am

Lũ Tiểu Mãn. Truyện ngắn của Văn Thành

TẬP ĐOÀN THACO HÂN HẠNH TÀI TRỢ CUỘC THI TRUYỆN NGẮN BÁO VĂN NGHỆ 2022-2024

 

Chiếc thuyền máy nổ máy xình xịch, rẽ nước tiến vào hồ Cấm. Nắng vàng rực rỡ khắp mặt hồ. Làn nước xanh biếc xôn xao theo từng làn gió mát rượi. Hồ Cấm ngày cuối thu đẹp ngỡ ngàng. Thao cố ý chọn cho mình một chỗ ngồi cuối con thuyền, anh chỉnh lại cặp tai nghe để giảm đi tiếng động cơ rền rĩ cùng với tiếng cười nói ran ran của đoàn du khách trên thuyền. Anh muốn được yên tĩnh giữa mặt hồ, nơi mà đã lâu anh không đến. Đúng hơn là từ lúc trở lại hồ Cấm, trong anh bỗng dâng trào cảm giác thật khó tả. Đó là cảm giác của kẻ vô tình. Bởi vì anh chính là đứa con được sinh ra, lớn lên bên hồ Cấm. Nơi đây trước mặt anh, đảo to nhỏ nhấp nhô, những cánh rừng bạt ngàn bên các bản làng quá đỗi thân quen. Trên nương cao, ruộng vẫn thấp thoáng bóng áo chàm lam lũ. Xa hơn một chút là đèo Quao dốc ngược dưới chân núi Ba Hòn cao vút, quanh năm ngủ vùi trong mây trắng. Ở nơi đây, mồ mả của ông bà, cha mẹ và bao người thân vẫn nằm đó. Hồ Cấm từ thuở ấu thơ vẫn biếc xanh, vẫn vời vợi... mênh mông.

Minh họa: Tô Chiêm 

 

Một ngày, Thao theo cha bước xuống chiếc thuyền gỗ. Nhìn đồ đạc, nông cụ trên thuyền, Thao biết cha con anh sẽ sang đảo Chè, một đảo nhỏ giữa hồ. Cha anh vừa đẩy thuyền vừa nói: “Sắp đến lũ tiểu mãn rồi, đi hái búp chè và thu bắp ngô thôi! Mày ngồi cho vững kẻo lật thuyền đấy”. Cha nhắc để mà nhắc chứ cũng biết thừa anh là tay chèo cứng, mới hơn chục tuổi đầu đã dám một mình trên thuyền mủng đi rải lưới cá hàng đêm. Hôm ấy dáng điệu cha anh vui lắm chứ không lầm lì như thường ngày. Cha là một người đàn ông miền núi điển trai lực lưỡng, vâm vóc. Cặp mắt ông, nhìn thẳng vào người tiếp chuyện. Hình như trong ấy đong đầy những khao khát... tất nhiên là sau này Thao nhận ra cặp mắt ông lại như chất chứa một nỗi niềm u uất! Ông cầm đôi mái chèo nhẹ bẫng như một thứ đồ chơi. Chỉ với vài lần khuấy nước, con thuyền vun vút lao đi. Từ bến nhà đến đảo Chè chèo chậm cũng chỉ hơn một giờ đồng hồ. Nhưng nhìn vào những xong chảo, gạo muối và chăn màn... Thao hiểu rằng mế phải ở nhà trông em bé. Anh sẽ cùng cha ở lại trên đảo ít ngày.

Gọi là đảo nhưng thực ra chỉ ngọn một quả đồi. Nơi đây xưa là bản của người Nùng cũng có tên là bản Chè. Trên đỉnh đồi có một cây chè cổ do các cụ nhà Thao chăm sóc và thu hoạch. Những năm giữa của thế kỉ trước, khi làm đập hồ Cấm, nhánh sông Hoá bị chặn lại, nước dâng cao khắp vùng, dân bản phải chuyển dời đi nơi khác. Mỏm đồi và cây chè với một vạt nương của nhà Thao cùng ngôi trường tiểu học nhỏ không bị ngập nước, nên thành tên gọi “đảo Chè”. Từ dạo có hồ Cấm, dân trong vùng còn có thêm nghề chài lưới, nhưng thu nhập vẫn chính là ruộng nương.

Cứ vào dịp cuối năm, lúc nước hồ được xả cho miền xuôi cày cấy làm ải, thì dải đất sát mép nước quanh hồ trồi lên. Đất ven hồ xốp, lại nục nạc bởi phù xa bồi đắp. Dân trong vùng lòng hồ bèn chia nhau từng khoảnh, từng đoạn để trỉa ngô, đỗ, lạc, vừng. Đất ven hồ tốt, làm bốn năm vụ cũng chưa phải tra phân. Mùa nước cạn đã thành ngày hội gieo trồng của cư dân vùng lòng hồ.

Việc làm đất phải được chuẩn bị từ cuối năm trước, tức là ngay sau khi nước hồ hạ xuống mức thấp nhất vào độ tiết tiểu hàn. Người ta dùng liềm dao phát dọn và đốt hết những rác rưởi cây que. Đất nương được cày bừa, cuốc xới, vun thành những luống dài mịn màng và thẳng tắp. Vài ngày sau thì tra hạt. Qua tiết đại hàn, trời còn rất lạnh, trên mặt đất có thể còn xuất hiện băng giá, nhưng dường như trong lòng đất sâu đã ấm dần, hạt giống như được báo rằng mùa xuân sắp đến, cựa quậy trở mình. Đến khi lập xuân thì mặt đất nương ven hồ như rải ngọc bởi một màu xanh trắng non mỡn. Chim rừng kéo đàn kéo lũ đến xà xuống mổ. Chim rừng là bọn láu cá. Từ sáng sớm tinh mơ, chúng đã kéo đến nườm nượp, rợp trời. Ngó trước, ngó sau rồi cậy đông, chẳng cần ngó nữa. Chúng xà xuống mổ lấy mổ để thứ mầm mới nhú ngọt như đường... Ấy là thời gian ven hồ xuất hiện những con bù nhìn. Bù nhìn to, bù nhìn nhỏ, ngộ nghĩnh và rất ngộ nghĩnh trong những bộ đồ sặc sỡ, tay cầm kiếm hoặc cờ xí. Khi lũ chim rừng lao đến, mặc cho chúng nhớn nhác đậu xuống. Bù nhìn ta vẫn đứng lặng im giả vờ như ngủ. Bất chợt một cơn gió thổi tới, tức thì mũ nón trên đầu chúng dựng ngược, kiếm vung loạn xạ, cờ xí bay phần phật khiến lũ chim hốt hoảng, ù té bay vù lên kêu choen choét... rộn rã một vùng hồ.

Mùa xuân đến. Sau tiết vũ thuỷ, ngô đỗ trên nương đã trải màu xanh nhạt. Người Nùng bước vào hội hát sloong hao mở đầu bằng phiên chợ tình Thác Lười, kéo dài đến tận cuối tháng hai. Khi nam nữ khăn gói về bản thì ngô đỗ trên nương cao, ruộng thấp đã cao ngang ngực. Ngày tháng mùa xuân trôi như bay. Thoắt cái đã sắp vào mùa thu hoạch. Giờ đây mây trên trời vần vũ. Chen giữa giá lạnh của sương mù buổi sáng là cái nắng oi nồng của đầu hè. Đâu đó cuối chân trời, những đụn mây đen loé lên ánh chớp cùng tiếng sấm rền vang. Lúc ấy, đỗ trên nương lá rạc đi, lớp lớp đè lên nhau buông những chùm quả chín đen, sai trĩu trịt. Ngàn ngô cũng rực lên sắc vàng ruộm, cây nặng nhọc oằn mình khoe bắp. Dân lòng hồ biết rằng việc thu hái sẽ phải xong trước lũ tiểu mãn. Bởi mưa đầu mùa đang đến. Những cơn mưa đầu hè bao giờ cũng dữ dội. Nước của trăm con suối từ Hộ đáp sang Tân Sơn. Từ Khuôn Sa, Khuôn Vố, Khuôn Miều, từ Mòng, Mấn, Thác Lười đến núi Ba Hòn... nhất loạt dồn về hồ Cấm. Mực nước sẽ dâng cao, có thể nhấn chìm công sức họ bấy lâu nay.

Thao ngồi lặng đi trong khi chiếc thuyền máy vẫn xình xịch chạy. Anh mù mờ nhận ra trạng thái nửa tỉnh nửa mê khi tâm trí lạc mãi vào vùng kí ức. Đã mấy lần anh định giơ tay bám vào mạn thuyền đứng dậy, nhưng không được. Một cơn gió nhẹ bẫng có thể từ trời cao hắt xuống khiến thịt da bỏng rát. Cùng lúc, những tiếng người lao xao như gần, như xa loang nhanh khắp mặt nước hồ. Tiếng người từ nương cao, ruộng thấp, cho đến mặt hồ. Trên mặt nước, tất cả thuyền, mảng đã xếp hàng. Trăm chiếc mái chèo cùng lúc khua rào rào, hối hả. Thuyền đan dọc, thuyền đan ngang trên chất đầy nồi niêu, chăn màn cùng trẻ nhỏ. Cũng từ đó, những đống lửa to nhỏ bắt đầu được nhóm lên, khói bốc mù mịt. Lửa đun nước, lửa thổi cơm, đồ xôi, luộc sắn ngô, cùng nướng cá... theo gió toả mùi thơm ngào ngạt. Bóng áo chàm nhấp nhô của người Nùng, người Dao, người Sán Chí, người Sán Dìu, người Kinh... khuôn mặt vùng cao nhìn ai cũng thân quen, giờ đen đúa, nhọ nhĩnh... đầm đìa mồ hôi. Mùi mồ hôi thân thương của vùng cao toả khắp vùng Đông Bắc. 

Thao nhận ra chiếc thuyền của cha con anh đã cập vào đảo Chè. Công việc thu hái đòi hỏi họ thật khẩn trương. Trên đồi, cây chè cổ tán rộng cả sào đất đúng kì thu hoạch khoe tua tủa búp non mỡn màu trắng xanh, nếu không hái kịp búp sẽ già. Nương ngô chín vàng rực đang ngấp nghé mép nước, sóng đánh ngả nghiêng. Cha con anh thu dọn qua loa nơi ăn nghỉ trong chòi và lập tức mang gùi, bao xuống bẻ bắp ngô. Cha khoẻ lắm, chỉ một lúc đã thu được một đống lớn. Thao cũng phụ cho cha, dồn ngô vào bao tải để chất lên thuyền. May quá, đến giữa buổi lại có người đến tiếp ứng. Đó là mẹ con cô giáo Hân bên trường học, hẳn cô thấy hai cha con vất vả nên sang làm giúp. Cô Hân người miền xuôi lên đây dạy học đã lâu. Hè này hai mẹ con cô không về quê, vì quê cô ở xa. Hình như cô cũng ở lại đợi chú Nam chồng cô đã lâu rồi không về. Ngoài ra còn có con chó xám tên là Bốc. Con Bốc nghịch ngợm như tăng động, suốt ngày sục sạo, chạy tới, chạy lui. Còn nhớ lúc cha con Thao vừa cập đảo nó đã lao tới vẫy đuôi rối rít và sủa vang. Cô Hân dịu dàng ít nói, vóc người dỏng cao, thanh tú. Cặp mắt cô mở to long lanh với đôi má rừng rực như có lửa.

Trong khi hai người lớn tíu tít dưới nương thì Thao được giao cho việc luộc ngô, coi bếp nước và trông em Mến.  Cái Mến đã sáu tuổi, tính hay dỗi, hay hờn. Em tuy gầy gò nhưng có khuôn mặt xinh xắn với một chiếc răng khểnh bé tí. Anh em Thao cùng con chó Bốc suốt ngày quấn quýt bên nhau, hết chơi bi lại làm chong chóng gió. Lúc này việc thu hoạch ngô đã xong, nhưng còn một công việc quan trọng nhất là thu hái búp chè. Việc hái chè cũng không đơn giản. Cây chè cổ cao vút, người ta phải chặt cây que buộc thành giàn như giàn giáo của thợ xây để đứng hái. Chè hồ Cấm là giống chè cực quý, mỗi năm cho thu hoạch vài lần nhưng chỉ có vào tiết tiểu mãn là vụ chính. Mùa này, cây chè đón những cơn mưa sớm, búp vươn ra chi chít từ gốc đến ngọn. Búp chè đúng độ non mỡn, dài độ một gang tay. Chè sau khi hái được phơi ra nắng cho cứng, đêm lại phơi sương cho mềm đi. Sau mới cho vào trong chiếc vạc lớn sao đi, sao lại dưới bếp than hồng. Chè thành phẩm được nén chặt vào các chum sành buộc kín để bán và dùng quanh năm. Giá tiền một chum chè ở đây khi đắt nhất có thể mua được một con trâu. Bốc một nhúm chè thả vào nồi nước đun sôi, tức thì nồi nước toả ra hương thơm phức. Uống chè hồ Cấm không dùng chén nhỏ mà dùng bát. Bát nước chè múc ra có màu xanh biếc, sánh đặc tựa mật ong. 

Ngày cha con Thao dời đảo, cô Hân đặt một chõ xôi và thịt một con gà to để liên hoan chia tay. Không khí đảo Chè vui như tết. Trong lúc hai người lớn trong bếp thì lũ trẻ cùng con chó Bốc hò hét và chạy nhổng khắp nơi. Nhưng viên bi ve mắt mèo duy nhất của Mến đựng trong túi áo bỗng rơi đâu mất khiến em khóc oà lên. Nhìn khuôn mặt khốn khổ của Mến, Thao hốt hoảng dỗ dành em, rồi lom khom dán mắt xuống bên lối đi tìm dọc, tìm ngang. Tìm đi tìm lại mãi nhưng viên bi ve đã biến mất.

Không tìm thấy hòn bi ve. Nhưng lúc tìm xuống gần bến nước, Thao bỗng chứng kiến một sự việc động trời: Trên một vạt cỏ, cha cùng cô Hân áo xống hớ hênh đang ôm riết lấy nhau theo cách của vợ chồng. Có tiếng động, cả ba cùng bất giác giật mình, lặng đi, ngơ ngác nhìn nhau... Trong lúc cha anh buông tay, lặng lẽ bỏ đi thì cô Hân vội vàng kéo áo che thân thể loã lồ, sau sụp xuống ôm mặt khóc hu hu.

Thuyền đã dời đảo Chè. Thao ngồi lặng lẽ như một bao ngô. Quên cả chiếc thuyền nặng mấp mé nước sóng vỗ oàm oạp. Tai thao u u như loáng thoáng nghe tiếng cha dặn rằng chớ có phô cùng mế. Đã có chút trí khôn, Thao biết mình phải im lặng trước việc làm của cha, bởi nếu không sẽ sảy ra tai hoạ. Xưa nay, những người đàn bà Nùng khi lấy chồng, họ liền quên mình đi để chịu đựng, san sẻ cùng chồng con mọi buồn vui, sướng khổ. Nhưng họ không bao giờ chịu đựng nổi là sự bội tình. Khi ấy, chắc chắn họ sẽ tìm đến cái chết. Phụ nữ Nùng không bao giờ làm om sòm nhà cửa và chòm xóm, chỉ một mực lặng im. Họ thản nhiên cho đến một ngày sẽ chèo thuyền ra hồ, tìm một nơi vắng vẻ mà trầm mình xuống đáy nước. Hoặc họ tắm rửa sạch sẽ, khoác những bộ cánh đẹp nhất thường mặc vào những ngày lễ hội, lặng lẽ vào rừng sâu nhai lá ngón. Đây là loài lá độc, nhai nuốt vào làm đứt gan, đứt ruột, khiến người ta vật vã đau đớn cho đến lúc tàn hơi. Có những người trong cơn uất ức đã cả gan đi lên núi Ba Hòn. Họ leo đến đỉnh núi cao ngất, nơi có những tảng đá khổng lồ, trơn tuột chồng lên nhau trước một vực sâu không đáy. Ở đây, họ đứng nhìn tứ phương, lạy tạ trời đất rồi gieo mình xuống vách đá cho thịt nát, xương tan.

Mấy ngày sau, cha lại một mình chèo thuyền sang đảo, nói rằng để làm nốt công việc. Thao hiểu rằng cha sang đó để tìm gặp cô Hân, hẳn cha tin rằng mế chưa biết chuyện ấy. Nhưng linh tính của đàn bà Nùng thật kì lạ. Mế dường như đã biết tất cả, bởi ít ngày sau tiết tiểu mãn, mế bắt đầu bỏ ăn và ngồi thức trắng đêm. Bà mẹ chồng đã nhận thấy sự thất thường của nàng dâu khi thấy nàng ta gầy rộc, ánh mắt thất thần, lại thường xuyên gội đầu, chải tóc và mở rương ướm quần áo mới thì kinh hãi nghĩ đến điều chẳng lành. Nhưng đã quá muộn. Một buổi sớm, cả nhà nháo nhác khi mế đã bỏ nhà ra đi chả biết từ lúc nào. Trên chiếc nệm vải sồi, một lọ nước cháo còn ấm đặt cạnh đứa con gái bé chưa đẫy năm vẫn lăn lóc ngủ khì. Trên gối của mế có một chiếc khăn bông bay thơm thơm của phụ nữ được gấp thật cẩn thận. Thao rùng mình nhận ra đó là chiếc khăn quàng cổ của cô Hân.  

Cha Thao gầm lên, quáng quàng chạy quanh nhà. Hết lao xuống bờ hồ lại vòng lên sườn dốc. Vừa chạy, ông vừa điên dại gào thét gọi tên vợ làm náo động một vùng hồ. Thanh niên trai tráng bản đổ ra đường. Họ hô hoán, chia nhau từng toán đổ đi sục sạo tìm mế. Một ngày, hai ngày, đến ngày thứ ba họ cũng vực được mế về nhà. Người ta đặt mế nằm trên chiếc chõng ngoài sân. Khuôn mặt mế vẫn tươi tỉnh trong khi hơi thở phập phồng, nặng nhọc. Nước mắt mế trào. Nhưng trong cơn nấc biệt ly, cặp môi nhợt nhạt ấy như nở một nụ cười. Mế ra đi bỏ lại mẹ chồng già cùng bốn bố con Thao.

Mế mất. Những cây tiền, cây bạc được dân bản dựng lên. Thày tào cùng bồ đoàn thê tử kéo đến. Khói hương nghi ngút. Tiếng trống tung tung, cắc cắc. Tiếng thanh la, não bạt, chũm choẹ, xập xoè cúng ma suốt ngày đêm. Người ta cậy miệng mế ra đặt vào đó một đồng tiền xu, dúi vào bàn tay đã buông xuôi tờ phan. Tờ giấy này do thày tào soạn ra dùng làm giấy thông hành, để cho mế trình báo khi sang với thế giới khác. Ngày hôm sau, người ta khiêng quan tài mế đi chôn ở một triền đồi cỏ ven hồ. Nơi đây gió thổi mát quanh năm.

Quá xót thương vợ, một ngày cha Thao lôi chiếc thuyền gỗ từng sang đảo Chè lên bờ, dùng rìu bổ tan tành rồi chất lửa đốt. Ông cũng thề rằng sẽ không bao giờ qua lại đảo Chè nữa. Và ông đã làm được, còn Thao thì không.

Vào một ngày đầu thu, chiếc ca nô của hải quân chạy tới các bản nhỏ ven hồ đón thanh niên lên đường nhập ngũ. Đất nước hồi ấy đang chiến tranh. Thao cùng trang lứa tạm biệt vùng lòng hồ ra đi. Chiếc ca nô chở Thao cùng các trai bản chạy lướt ven đảo Chè. Đã mấy năm không đến đây kể từ tiết tiểu mãn năm ấy... trong thâm tâm anh vẫn nhớ đảo, vẫn thương cô Hân cùng bé Mến sống cô đơn giữa bốn bề sóng nước. Ít lâu sau ngày mế mất có tin mẹ con cô Hân đã về xuôi, trường tiểu học cũng chuyển đi nơi khác. Giờ đây, anh xót xa nhìn hòn đảo tiêu điều, hoang vắng. Nương ngô xưa không ai thu dọn giờ rác củi lổn nhổn, cỏ sậy mọc lút đầu. Ngôi trường mái ngói đỏ xinh đẹp thuở nào bị bỏ hoang, cỏ dại và dây leo mọc tận nóc. Cây chè cổ không người thu hái, cắt tỉa, bị bão giông vặn gãy cành sụp xuống để dây dại leo trùm kín, trông tăm tối tựa một nấm mồ.

Nỗi niềm của vùng lòng hồ theo bước chân Thao xuôi ngược khắp vùng. Từ lúc còn là người lính giữa Trường Sơn đến thời hoà bình Thao chuyển ngành về sinh sống ngoài thành phố. Bao tâm sự vui buồn, cay đắng của một thời vẫn không ngừng giày vò, đày đọa trái tim anh. Đã nhiều lần Thao nhủ mình hãy là kẻ trưởng thành, hãy quên đi thời lòng hồ với kí ức buồn đau cho tâm hồn thanh thản. Nhưng sống ở đời thật khó. Điều muốn nhớ lại thường trôi tuột đi, trong khi những điều muốn quên lại như đã hằn sâu trong tâm trí, len lỏi vào cả giấc mơ. Những giấc mơ hàng đêm của Thao thường không đầu, không cuối. Khi vui, khi buồn. Lúc tìm ngược về quá khứ, lúc hướng tới vị lai. Như thể những khát vọng trong anh luôn cố quẫy đạp, vùng vẫy hòng thoát khỏi định mệnh.

Đến một ngày, Thao cùng trai bản chen chân đến hội hát sloong hao và anh bặt gặp Mến ở đó. Đúng hơn là họ chợt nhận ra nhau. Mến đã thành thiếu nữ với dáng người mỏng mảnh, yêu kiều nom từa tựa cô Hân. Em cúi đầu bẽn lẽn làm cho khuôn mặt đẹp mê hồn. Chiếc răng khểnh ấy giờ khiến nụ cười em bừng sáng làm trái tim Thao loạn nhịp. Thao tiến đến gần Mến định hỏi câu gì đó làm em hoảng hốt lùi lại, chạy đi. Giây lát, bóng Mến hoà lẫn vào bóng các thiếu nữ đang cười vui, rộn rã. Thao cuống quýt đuổi theo, nhưng như trò chơi trốn tìm, bóng Mến cứ ẩn hiện giữa một rừng áo chàm, áo hoa... của hội hát. Vào lúc Thao đứng đờ ra như thể vừa đánh mất vàng thì mế chạy đến. Bằng cách nào đó, mế đã dắt được Mến đến trước mặt Thao, bà đặt bàn tay Mến vào trong tay anh. Thao thẫn thờ nâng nhẹ đôi bàn tay nhỏ bé ấm áp, thơm tho. Mến nép vào vòng tay anh trong lúc đôi mắt em nhoà lệ. Thao hôn lên đôi mắt ngọc và cặp môi mềm ướt của em dường như còn phảng phất mùi sắn nướng. Tay trong tay, họ bước ra trong tiếng vỗ tay rào rào của quan khách trong tiệc cưới vùng cao đang từng bừng náo nhiệt. Bên nhà trai, cha tươi cười đứng cạnh mế cùng hai đứa em Thao áo quần xúng xính. Phía bên nhà gái, chú Nam đeo kính trắng, oai vệ trong bộ lễ phục sĩ quan hải quân. Cô Hân mặc áo dài tha thướt đứng cạnh chồng với cặp long lanh, đôi má cô hồng rực như lửa cháy. Đôi trẻ nắm chặt tay nhau dời tiệc cưới, cùng sóng đôi lướt băng băng trên mặt nước hồ xanh biếc. Hồ Cấm dậy sóng, những con sóng nối nhau tung mình hò nhau đuổi theo gót chân của cặp vợ chồng son. Tinh nghịch như con trẻ, họ trút bỏ bộ đồ cưới, rủ nhau lặn xuống làn nước mát lạnh, dướn mình bơi đuổi theo đùa nghịch cũng lũ cá to, cá nhỏ màu sáng bạc đang bơi vun vút. Thú vị nhất là đứng dưới đáy hồ nhìn ngược lên mặt nước. Họ nhận thấy mặt trời thực ra màu vàng nhạt. Ở phía sau là vòm trời cao màu xanh đen, lấp lánh muôn ngàn tinh tú. Họ phì phò nổi lên mặt nước trong tiếng con chó Bốc sủa vang trên đảo Chè. Ở đây, đôi tân lang và tân nương bàn nhau phải đi tìm cho bằng được viên bi ve mắt mèo thuở trước. Đúng vậy! Phải tìm cho ra để làm món quà tặng cho đứa con đầu lòng sắp ra đời bất kể là trai hay gái. Tiếc rằng vào lúc đó mây trên trời rớt xuống. Một đám mây trắng có hình vẩy con tê tê bị thiếu gió nên sa xuống mặt đất. Một đụn mây sà xuống đảo Chè ngay sát cạnh chân hai người. Đôi trẻ ngỡ ngàng nhận ra mây thực ra là bông, họ liền bước vào ngồi trên đụn bông êm mượt ấy. Giây lát, một cơn gió lốc nâng họ bay vút lên tận trời xanh. Từ trên cao nhìn xuống, hồ Cấm nhỏ dần, lúc đầu lớn bằng một vạt nương. Khi lên cao hơn nữa hồ chỉ bằng một vuông vải, rồi nhỏ xíu như một giọt nước. Giọt nước long lanh nhìn tựa một trái tim.

...

Thao lười nhác ngồi dậy khi chiếc thuyền máy chở đoàn du khách quay lại bến. Trong ráng chiều đỏ ối, anh nhận ra đảo Chè ở phía xa xa. Đảo vẫn như xưa với những lùm cây cao thấp nhấp nhô. Giờ nhìn tựa một người ngồi thu lu trên mỏm đất giữa hồ đang phó thác số phận mình cho mây nước. Trong lơ đãng, Thao buông tiếng thở dài. Nhưng thật bất ngờ vào lúc ấy, anh bỗng nhỏm người bật dậy, chớp chớp mắt bởi chính anh nhìn thấy trên đảo Chè một vật vừa loé sáng. Đúng vậy, một tia sáng lạ kì. Trái tim anh bỗng quặn thắt, rồi vỡ oà trong một ý nghĩ cũng loé nhanh như tia chớp. Đúng rồi, phải chăng đó chính là viên bi ve mắt mèo của em đã thất lạc trong tiết tiểu mãn năm nào. Sau cuộc ú oà buổi hoa niên, bi ve mắt mèo vẫn nằm cô đơn trên đảo. Bao năm trằn trọc, khắc khoải chờ đợi người về, giờ cất tiếng gọi anh.

Thao chợt ngộ ra tất cả. Anh nhận ra anh thật lỗi lầm và đáng trách biết bao. Bấy lâu anh đã bỏ rơi nơi chôn nhau cắt rốn trong cuộc mưu sinh, cuộc kiếm tìm danh lợi, bạc tiền. Để đạt được điều ấy, những người như Thao phải quên đi tất cả, sẵn sàng khom lưng làm tôi tớ, nô bộc cho danh vọng, bạc tiền. Đến một ngày, khi đã có một chút danh lợi nào đó, họ biến mình thành lớp thị dân mới chảnh choẹ, kiêu căng, thành lũ người vong bản. Với những kẻ ấy thì quê hương bản quán nhất là vùng cao với họ giờ như một sự tủi hổ, hủ lậu, tầm thường... rất đáng quên.

Cũng bấy lâu, vùng cao ven lòng hồ đói cơm rách áo ấy vẫn vật vã trong cuộc mưu sinh. Mồ hôi, nước mắt của dân lòng hồ vẫn đổ ròng ròng trên ruộng nương, mặt nước. Những mùa thu hoạch tiết tiểu mãn vẫn đang về... bộ mặt hồ Cấm ngày một đổi mới khác xưa. Tình người vùng cao vẫn thế, chân thành và nhất mực thuỷ chung. Hẳn mẹ hồ Cấm bấy lâu nay vẫn dõi theo những đứa con đi xa trong mỏi mòn thao thức. Mẹ sẽ sung sướng biết bao khi chúng lại trở về trong thành tâm hối lỗi, trong tâm tình hoà giải... đại để là hàn gắn, băng bó những vết thương.

Văn Thành

Nguồn Văn nghệ số 49/2022


Có thể bạn quan tâm