April 29, 2024, 9:01 pm

LLPB VHNT Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, đổi mới và phát triển

 

Hội đồng Lý luận phê bình Văn học Nghệ thuật (LLPB VHNT) Trung ương tổ chức hội thảo khoa học toàn quốc nhằm đánh giá đầy đủ, khoa học, khách quan, toàn diện về thực trạng LLPB VHNT Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, đổi mới và phát triển. Hội thảo đã nhận được 103 tham luận của các nhà quản lý văn hóa, văn nghệ; các nhà lý luận, phê bình VHNT; các chuyên gia trong nước và quốc tế, văn nghệ sĩ..

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương  đã đến dự và có bài phát biểu, nhấn mạnh, sự quan tâm của Đảng ta đến lĩnh vực văn hóa, văn nghệ; coi văn hóa, văn nghệ là mặt trận quan trọng trong sự nghiệp cách mạng và văn nghệ sĩ là những chiến sĩ trên mặt trận ấy. Tuy nhiên, theo đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, trong thời gian qua, đời sống văn nghệ chưa tương xứng với vị thế, tầm vóc và những đổi thay nhanh chóng của đất nước. Số lượng các tác phẩm lớn, có giá trị cao còn khiêm tốn; LLPB VHNT chưa bắt kịp với yêu cầu định hướng sáng tác, sáng tạo phục vụ nâng cao chất lượng của đời sống tinh thần và thực hiện các nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Những hạn chế, bất cập này cần phải được nghiên cứu, nhận diện đầy đủ, chính xác, từ đó đề ra những quyết sách phù hợp, hiệu quả để khắc phục, điều chỉnh kịp thời.

 

 

 

Tại hội thảo, đa số các tham luận, ý kiến đóng góp cho hoạt động LLPB VHNT đều thống nhất, hoạt động LLPB VHNT cần phải làm nền tảng cho những sáng tác văn nghệ không chỉ là vũ khí đấu tranh chống cái xấu, cái ác, lạc hậu, mà còn là suối nguồn trong mát nuôi dưỡng tâm hồn con người bằng cái chân, thiện, mỹ; để chúng ta có nhiều hơn những tác phẩm văn học, nghệ thuật ca ngợi lịch sử hào hùng của dân tộc, những tác phẩm chân thực, sinh động về con người Việt Nam có khát vọng, ý chí, bản lĩnh, trí tuệ trong thời kỳ đổi mới, góp phần xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

Trước đó, tại báo cáo đề dẫn của PGS, TS, Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng nhấn mạnh: Lý luận, phê bình văn hóa, văn nghệ là lĩnh vực đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống văn học, nghệ thuật nói riêng, sự phát triển của văn hóa, xã hội nói chung. Với vai trò là cầu nối giữa sáng tạo và tiếp nhận, lý luận, phê bình là người bạn đồng hành, đồng cảm, hỗ trợ, điều chỉnh, định hướng hoạt động sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ và quá trình tiếp nhận thẩm mĩ của công chúng. 

Nhận thức được vị trí, vai trò quan trọng của lý luận, phê bình, từ khi thành lập đến nay, đặc biệt là trong giai đoạn đổi mới và phát triển, Đảng ta luôn quan tâm, chỉ đạo phát triển lý luận, phê bình văn hóa, văn nghệ, coi đây là một trong những trụ cột quan trọng cho sự phát triển nền văn hóa, văn nghệ Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đại thắng mùa xuân năm 1975 đã đưa đất nước ta bước sang một trang sử mới - trang sử hòa bình, thống nhất, đổi mới và phát triển, đồng thời cũng mở ra cho văn hóa, văn nghệ nước nhà một giai đoạn phát triển mới, giai đoạn văn hóa, văn nghệ thống nhất, giao hòa, phát triển và từng bước hoàn thiện theo xu hướng hoà hợp dân tộc, chủ nghĩa xã hội. Đó là những tiền đề hết sức quan trọng tạo điều kiện cho văn hóa, văn nghệ nước nhà phát triển mạnh mẽ trong tính tổng thể, toàn vẹn, tiến bộ và cách mạng, bắt nhịp, cổ vũ, đồng hành với công cuộc đổi mới và phát triển đất nước vì mục tiêu “Dân giàu, Nước mạnh, Dân chủ, Công bằng, Văn minh”. Trong nửa thế kỷ đó, nền văn hóa, văn nghệ nước nhà được xây dựng, vun đắp trong không khí hòa bình, thống nhất, dân chủ, đổi mới, phát triển và hội nhập. Tất nhiên, để có sự thăng hoa trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, chúng ta vừa phải biết tiếp nhận, kế thừa, sáng tạo những giá trị văn hóa, văn nghệ ưu việt, nhân văn, vừa phải hòa hợp, hóa giải những trở ngại, thách thức, có mặt phức tạp, do quan niệm, quan điểm chưa gặp nhau; những tác động từ mặt trái của cơ chế kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế; những biến đổi mạnh mẽ, sâu sắc của hệ giá trị truyền thống và cả sự xâm lấn, ảnh hưởng của những trào lưu tư tưởng văn hóa từ bên ngoài. 50 năm cũng là khoảng thời gian cho phép chúng ta nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan, toàn diện về những ưu điểm, kết quả, thành tựu và những hạn chế, bất cập, non kém của đời sống văn hóa, văn nghệ nước nhà, trong đó có công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật. Trên cơ sở nhìn nhận, đánh giá khách quan 50 năm văn hóa, văn nghệ Việt Nam từ sau 1975 đến nay, thêm một lần nữa chúng ta nhận thức rõ hơn sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng, Nhà nước; sự đổi mới, kiên trì, linh hoạt của các cơ quan văn hóa, văn nghệ từ Trung ương đến địa phương; sự nỗ lực của các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình và văn nghệ sĩ trong nước và cả ở nước ngoài. Đồng thời, từ việc nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, chúng ta cũng đúc rút được những bài học quý giá về việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác văn hóa, văn nghệ; thái độ ứng xử đúng đắn, có lý có tình đối với văn nghệ sĩ và tác phẩm của họ, nhất là những vấn đề mới, khó, có tính lịch sử cụ thể, tính cách tân tạo ra sự phân hóa và thách thức mĩ cảm của công chúng tiếp nhận; bài học về giải quyết các hiện tượng, sự việc xảy ra trong quá trình tìm tòi, sáng tạo và đánh giá nghệ thuật... 

Đây là những vấn đề vừa mang tính thời sự, vừa có tính trầm tích qua thời gian của lĩnh vực văn hóa, văn nghệ đòi hỏi chúng ta phải thường xuyên quan tâm, tìm hiểu sâu, kỹ về đối tượng để nắm bắt kịp thời và có biện pháp xử lý linh hoạt, phù hợp với thực tiễn.

Được biết, sau hội thảo, Hội đồng sẽ  lựa chọn các tham luận có chất lượng cao để biên tập, in Kỷ yếu. Đây là tài liệu tham khảo giá trị, hữu ích cho những người làm công tác quản lý văn hóa, văn nghệ các cấp, các ngành liên quan đến văn học, nghệ thuật, các nhà nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ.

VN


Có thể bạn quan tâm