May 20, 2024, 6:45 pm

Lễ kỉ niệm 75 năm ngày báo Văn Nghệ ra số đầu tiên

 

Sáng ngày 26/10/2023, báo Văn nghệ đã tổ chức Lễ kỷ niệm 75 năm ngày ra số báo Văn nghệ đầu tiên tại Hà Nội. Văn nghệ xin gửi đến bạn đọc toàn văn phát biểu của nhà văn Khuất Quang Thụy - Tổng biên tập đọc tại lễ kỷ niệm.

 

 

Kính thưa toàn thể các vị khách quí!

Tháng 2-1943 Đảng ta đã ban hành bản Đề cương về Văn Hoá Việt Nam do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo và được Ban Chấp hành Trung ương thông qua. Bản Đề cương văn hoá năm 1943 được ví như bản cương lĩnh đầu tiên của Đảng ta về văn hoá và cách mạng; có ý nghĩa mở đường, khai sáng cho cách mạng Việt Nam, trước hết là trong lĩnh vực tư tưởng và văn hoá, định hình những quan điểm, những nguyên tắc cơ bản cho nhiệm vụ đưa văn hoá Việt Nam thực sự trở thành một nguồn sức mạnh nội sinh, góp phần quan trọng đưa cách mạng Việt Nam đi tới thắng lợi trên từng chặng đường: giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và tiến lên xây dựng CNXH, mục tiêu kiên định mà Đảng ta đặt ra ngay từ khi ra đời.

 Với bản Đề cương văn hoá làm ngọn đuốc soi đường, mọi nguồn lực văn hoá của dân tộc đã được huy động và tập hợp lại dưới lá cờ của Đảng: Văn hoá đã lên đường đấu tranh giai cấp, lật đổ ách đô hộ của phong kiến, thực dân đế quốc, góp phần khai sinh ra chính thể Việt Nam dân chủ cộng hoà. Và ngay sau đó, Văn hoá đã lên đường kháng chiến để bảo vệ nhà nước công nông non trẻ vừa ra đời. Tháng 3 -1948, Hội Nghị Văn nghệ  kháng chiến được triệu tập tại chiến khu Phú Thọ với quyết định thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam, tiền thân của Liên hiệp các Họi văn hộc Nghệ thuật Việt Nam hôm nay. Để tạo một diễn đàn cho Văn nghệ kháng chiến, tờ Tạp chí Văn Nghệ đã được ra đời với một Ban biên tập  gồm nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng từ khắp nơi trong cả nước hội tụ về do đồng chí Tố Hữu, một cán bộ văn hoá tư tưởng quan trọng được Trung ương Đảng chỉ định làm người lãnh đạo đầu tiên của tờ tạp chí Văn Nghệ kháng chiến này. Trên chặng đường xây dựng và phát triển, tờ Tạp chí đã được chuyển  hình thức xuất thành một tờ tuần báo, một thời gian dài do Hội văn Nghệ Việt Nam rồi Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam là cơ quan chủ quản. Đến năm 1957, sau khi Hội Nhà văn Việt Nam ra đời thì tờ báo được chuyển về trực thuộc Hội Nhà văn Việt Nam. Nhưng dù tồn tại dưới hình thức tạp chí hay tuần báo, dù thay đổi cơ quan chủ quản nhưng tôn chỉ mục đích cơ bản của tờ báo vẫn không hề thay đổi, vẫn là diễn đàn quan trọng hàng đầu của văn hoá, văn học cách mạng, luôn đồng hành cùng dân tộc, cùng đất nước, như cách khẳng định của nhà thơ Xuân Diệu,  một trong những bậc tiền bối đã góp sức, góp tâm, góp tài xây dựng nên tờ báo Văn Nghệ như ngày hôm nay: “ tôi cùng xương cùng thịt với nhân dân tôi - cùng đổ mồ hôi cùng sôi giọt máu”.

Thưa các vị khách quí!

 Kể từ ngày ra đời số báo đầu tiên tại xã Gia Điền,  huyện Hạ Hoà, tỉnh Phú Thọ, trong khói lửa của cuộc kháng chiến chống Pháp, tới ngày hôm nay báo Văn Nghệ đã đi được một chặng đường dài trọn vẹn 75 năm với biết bao thăng trầm, gian lao. Trong 75 năm ấy dù trong hoàn cảnh khó khăn ngặt nghèo tới đâu Tạp chí Văn Nghệ và sau đó là báo Văn Nghệ cũng chưa từng lỗi hẹn với bạn đọc, bạn viết của mình. Trong tiến trình xây dựng và trưởng thành, là một tờ báo có chức năng đấu tranh, bảo vệ những quan điểm đường lối của Đảng và Nhà nước  trong sự  nghiệp xây dựng nền văn hoá mới tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; ngoài việc tuyên truyền quảng bá góp phần đưa các chủ trương chính sách về văn hoá của Đảng đi vào cuộc sống, báo Văn Nghệ cũng đã từng trải qua những cuộc thảo luận, tranh luận, đấu tranh tư tưởng rất nghiêm túc và quyết liệt về cả tư tưởng chính trị, lí tưởng xã hội và các xu hướng trào lưu văn hoá nghệ thuật khác nhau trên thế giới. Trong các cuộc tranh luận, đấu tranh tư tưởng đó, báo Văn Nghệ luôn nhận được sự lãnh đạo chỉ đạo trực tiếp của các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước; được sự hưởng ứng và tham gia tích cực của các học giả, các nhà nghiên cứu về tư tưởng, triết học về văn hoá và văn học nghệ thuật ; được sự sự ủng hộ rộng rãi của các văn nghệ sĩ và bạn viết, bạn đọc trong và ngoài nước. Chính vì vậy, tờ báo thực sự đã trở thành một diễn đàn rất quan trọng của đất nước về về văn hoá, văn học nghệ thuật, về lí tưởng xã hội và nhiệm vụ xây dựng hệ giá trị văn hoá, con người Việt Nam.

Ngoài việc luôn giữ vững định hướng, tôn chỉ mục đích, báo Văn Nghệ còn có một nhiệm vụ hết sức quan trọng, đó là nơi tập hợp đội ngũ các văn nghệ sĩ trong cả nước, tuyển chọn và công bố các tác phẩm chất lượng cao, những tác phẩm có xu hướng đổi mới sáng tạo, để hỗ trợ khích lệ đội ngũ những nhà văn nhà thơ, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu văn hoá, văn học nghệ thuật trên con đường tìm tòi sáng tạo của họ. Sức hấp dẫn của tờ báo đã được khởi phát ngay từ những số đầu tiên với sự hội tụ của hàng loạt những tên tuổi lớn trong nền văn học nghệ thuật  nước nhà, những người đã tự nguyện đi theo tiếng gọi của non sông, tập hợp dưới lá cờ kháng chiến kiến quốc của dân tộc do lãnh tụ Hồ Chí Minh đứng đầu. Nửa thế kỉ sau, nhân dịp kỉ niệm 50 năm báo Văn Nghệ ra số đầu tiên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tâm sự “ Tôi đã đọc Văn Nghệ số đầu tiên tại núi rừng Việt Bắc sau cuộc tiến công lớn của quân Pháp vào căn cứ địa. Sự ra đời của tờ báo một năm sau ngày toàn quốc kháng chiến, biểu thị quyết tâm của văn nghệ sĩ đi vào cuộc kháng chiến trường kì.Tôi vẫn còn nhớ báo in trên giấy  giang, nhiều trang, có bài thơ Cá nước của Tố Hữu, bản nhạc Sông Lô của Văn Cao, truyện ngắn Làng của Kim Lân, bài "Nhận đường" của Nguyễn Đình Thi …Đây là sự khởi đầu một nền văn nghệ mới, văn nghệ cách mạng …” . Như chim gọi bầy, liên tiếp sau đó trên mặt báo đã có sự xuất hiện liên tục của những tài năng văn chương mới như: Chính Hữu, Quang Dũng, Vũ Cao… tiếp sức cho đội ngũ văn nghệ sĩ kháng chiến ngày càng hùng hậu.

Sau ngày hoà bình được lập lại, toà soạn rời về thủ đô, rồi đến năm 1957 khi Hội Nhà văn ra đời, báo Văn Nghệ chính thức được giao cho Hội Nhà văn quản lí, điều kiện để tập hợp đội ngũ văn nghệ sĩ, khuyến khích các hoạt động sáng tạo càng thuận lợi hơn. Từ đó, theo thông lệ cứ một hai năm báo Văn Nghệ lại tổ chức một cuộc thi văn chương, khi là thể loại truyện ngắn, khi bút kí, phóng sự hoặc thi thơ.  Các cuộc thi văn chương  do báo Văn Nghệ tổ chức luôn là những sự kiện văn học sôi động, nhiều tác giả mới đã xuất hiện và nhanh chóng trở thành những tác giả sung sức, trụ cột  trên văn đàn. Xin nêu ra đây một vài ví dụ tiêu biểu: Cuộc thi truyện ngắn đầu tiên của báo Văn nghệ (1958-1959) với sự xuất hiện và nhận được giải cao của các tác giả: Bùi Đức Ái ( Anh Đức ) với Con cá song; Vũ Thị Thường với Cái hom giỏ , Võ Huy Tâm với Chiếc cán búa, Xuân Thiều với Dưới hầm bí mật; Chu Văn với Con đường lầy,…Cuộc thi truyện ngắn lần thứ hai ( 1959-1960) đánh dấu sự xuất hiện của Nguyễn Khải với Một cặp vợ chồng; Ngô Ngọc Bội với Bộ quần áo mới; Chu Văn với Con trâu bạc….Cuộc thi Thơ đầu tiên trên báo Văn Nghệ được tổ chức vào năm 1960 - 1961 với sự xuất hiện của các nhà thơ lớn sau này như : Thái Giang với trường ca Lửa sáng rừng; Ca Lê Hiến ( Lê Anh Xuân ) với Nhớ mưa quê hương; Giang Nam với bài thơ Quê Hương; Nguyễn Bính với Xây nhà máy…Cuộc thi Bút kí phóng sự lần đầu tiên được tổ chức trên báo Văn Nghệ vào năm 1963 với sự bội thu khi có hàng loạt tên tuổi mới xuất hiện như: Xuân Cang với Người thua trận đáng yêu; Lê Minh với Những cô gái đổ bê tông; Võ Huy Tâm với Đêm trên Bái tử Long; Hoài An với Chiến dịch thóc

 Từ đó về sau, các cuộc thi văn chương trên báo Văn Nghệ đã trở thành truyền thống, thành một thương hiệu. Từ các hoạt động khuyến khích sáng tạo này của báo Văn Nghệ mà liên tiếp những cây bút trẻ, những tác giả mới đã xuất hiện và nhanh chóng được khẳng định tài năng như Ma Văn Kháng, Nguyễn Thị Như Trang, Lý Biên Cương, Cao Tiến Lê, Bùi Bình Thi,  Lưu Quang Vũ, Phạm tiến Duật, Hữu Thỉnh, Vương Trọng, Anh Ngọc, Trần Ninh Hồ, Nguyễn Duy, Lâm Thị Mỹ Dạ, Trần Đăng Khoa, Chử văn Long, Đinh Thị Thu Vân, Hoàng Hữu, Anh Chi, Hoàng Vũ Thuật, Pờ Sào Mìn… Những năm sau này, khi sự nghiệp đổi mới đã đi vào cuộc sống, các cuộc thi văn chương trên báo Văn Nghệ cũng ngày càng sôi động với những chủ đề nóng bỏng từ cuộc sống và với những hình thức thể hiện ngày càng phong phú. Những tác giả xuất hiện và được khẳng định trong các cuộc thi này ngày càng trẻ, họ bước vào văn đàn với tư thế rất tự tin và nhanh chóng trở thành những tác giả nổi tiếng của một giai đoạn văn học mới. Với hơn năm mươi cuộc thi bao gồm nhiều thể loại văn học, báo Văn Nghệ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hỗ trợ sáng tạo để góp phần xây dựng đội ngũ sáng tác của Hội Nhà văn Việt Nam ngày càng hùng hậu

Với phương châm đồng hành cùng dân tộc, cùng đất nước báo Văn Nghệ đã bước vào cuộc Kháng chiến chống Mỹ với tư thế những người chiến sỹ. Tại toà soạn báo Văn Nghệ trong những ngày đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ cũng có không khí sục sôi như tại trụ sở đầu tiên ở làng Gia Điền trong những ngày diễn ra chiến dịch Sông Lô. Mọi người đều sẵn sàng lên đường, đến với đồng bào chiến sỹ nơi tiền tuyến. Những cuộc tiễn đưa các nhà văn, nhà thơ đi tuyến lửa quân khu 4 hoặc đi chiến trường Miền Nam diễn ra thường xuyên. Ngược lại, toà soạn cũng không thiếu những cuộc hội ngộ cảm động khi các nhà văn nhà thơ, các bạn viết của mình từ tiền tuyến trở về thăm toà soạn với những món quà vô giá là những trang viết còn nóng bỏng hơi thở của cuộc chiến đấu ở phía trước. Hình ảnh nhà thơ Phạm Tiến Duật, con chim lửa của Trường Sơn cứ bay đi bay về cùng với sự xuất hiện trên mặt báo những bài thơ rất lãng mạn và chân thực về những người lính trên con đường Trường Sơn huyền thoại đến nay còn in đậm trong tâm trí những người làm báo Văn Nghệ … Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn sôi động nhất thì tại chiến trường Nam bộ, tờ báo Văn Nghệ Giải phóng đã ra đời với sự có mặt của một số cây bút trụ cột từ báo Văn Nghệ từ hậu phương  vào hoặc bao gồm những bạn viết quen thuộc của báo Văn Nghệ ở vùng đất phương Nam. Sự ra đời của tờ Văn Nghệ Giải phóng như một cánh tay nối dài của báo Văn Nghệ góp phần hiện thực hoá ước nguyện  đồng hành cùng dân tộc của văn nghệ sĩ cả nước và là một diễn đàn rất quan trọng của Văn nghệ sĩ Miền Nam trong khói lửa chiến tranh. Sau ngày đất nước thống nhất, tờ Văn nghệ Giải phóng đã hoàn thành sứ mệnh và được sáp nhập cùng với báo Văn Nghệ. Nhiều nhà văn nhà thơ chủ chốt của Văn Nghệ giải phóng đã trở về làm việc tại báo Văn Nghệ hoặc tại các cơ quan báo chí xuất bản khác. Trụ sở của Văn Nghệ giải phóng tại số nhà 43 đường Đồng Khởi, thành phô Hồ Chí Minh trở thành Văn phòng đại diện tại các tỉnh phía Nam của báo Văn Nghệ, đây là những bước đi cuối cùng của một cuộc hành trình dài để Bắc Nam thống nhất - Văn Nghệ một nhà.

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc thống nhất, báo Văn Nghệ luôn bám sát thực tiễn để tờ báo luôn giữ được vị trí tiên phong trong việc phản ánh cuộc sống rất đa dạng sinh động và không kém phần quyết liệt trong công cuộc xây dựng đất nước, khắc phục hậu quả chiến tranh và chiến đấu bảo vệ sự linh thiêng ,toàn vẹn lãnh thổ cương vực  của Tổ Quốc ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và trên những vùng biển đảo đầy sóng gió Hoàng Sa - Trường Sa. Những bài bút kí phóng sự về nỗi đau da cam và những vết thương sau chiến tranh của nhà văn Minh Chuyên và nhiều nhà văn khác, luôn nhắc nhở chúng ta chiến tranh đã lùi xa nhưng những nỗi đau mà nó để lại luôn còn đó. Nhưng bài kí sự nóng bỏng từ mặt  trận biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, từ Hoàng Sa Trường Sa nhắc nhở chúng ta rằng muốn có một nền hoà bình bền vững thì luôn phải cảnh giác, phải sẵn sàng “chuyển trạng thái “ từ hoà bình sang chiến tranh, phải sẵn sàng hi sinh khi Tổ Quốc gọi tên mình…

Nhưng để đất nước vững bền, nhân dân hạnh phúc thì con đường xây dựng CNXH là con đường tất yếu mà Đảng và Nhân dân ta đã lựa chọn. Đó không là một con đường phẳng lặng êm ái mà phải trải qua nhiều gian lao thử thách. Sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước là một cuộc cách mạng lớn do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, nhằm tới mục đích làm cho dân giàu, nước mạnh xã hội công bằng, dân chủ văn minh. Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, báo Văn Nghệ là một trong những tờ báo lớn của đất nước đã sớm có tiếng nói và tạo được âm vang sâu rộng trong những năm đầu thời kì đổi mới. Hàng loạt bút kí, phóng sự, truyện ngắn mang hơi thở nóng hổi và cả những bức xúc trăn trở của nhân dân khi tư tưởng đổi mới của Đảng chưa thực sự đi vào cuộc sống như: Cái đêm hôm ấy đêm gì ? của Phùng Gia Lộc; Câu chuyện về một ông vua lốp của Trần Huy Quang; Người không cô đơn của Minh Chuyên; Kẻ sát nhân lương thiện của Lại Văn Long; bài thơ Nhân dân của Nguyễn Hiếu …đã thực sự lay động bạn đọc, và có thể nói đã tác động ít nhiều đến việc điều chỉnh hoạch định các chính sách để sự nghiệp đổi mới toàn diện của đất nước nhanh chóng đi vào đúng quỹ đạo. Từ những đột phá này, văn nghệ sĩ như đã được giải phóng về tư tưởng, những tác phẩm xuất hiện trên báo Văn Nghệ ngày càng thấm đẫm hơi thở cuộc sống. Đúng thời điểm này, báo Văn Nghệ cho xuất bản thêm tờ phụ trương Văn Nghệ Trẻ mở rộng diễn đàn, có thêm không gian cho các cây bút, nhất là các cây bút trẻ. Chỉ trong thời gian ngắn phụ trang Văn Nghệ trẻ của báo Văn Nghệ đã trở thành một ấn phẩm báo chí có uy tín phát hành mỗi số hàng chục ngàn bản. Trên ấn phẩm này cũng liên tiếp xuất hiện những bài bút kí phóng sự phản ánh hiện thực sôi động của công cuộc đổi mới trên khắp đất nước, trong đó có không ít những tiếng nói phản biện, phản ánh những tiêu cực, những lực cản đang còn tồn tại đâu đó trong xã hội, cản trở sự phát triển lành mạnh của sự nghiệp đổi mới.

Từ năm 2016 báo Văn Nghệ đã xây dựng nền tảng của mình trên không gian mạng bằng việc xây dựng và đưa vào vận hành thành công Báo Văn Nghệ điện tử và Phụ trang Văn nghệ trẻ điện tử, tại địa chỉ baovannghe.com.vn; baovannghe.vn & Vannghetre.com.vn; vannghetre.vn. Mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn về cả nhân sự, tài chính và các yếu tố kĩ thuật công nghệ nhưng sự ra đời báo Văn Nghệ điện tử đã mở ra một trang mới trong quá trình xây dựng và trưởng thành của báo Văn Nghệ. Trong thời đại kỉ nguyên số, chuyển đổi số trong các cơ quan báo chí đang được tiến hành quyết liệt thì việc báo Văn Nghệ sớm có các nền tảng số trên không gian mạng và từng bước thực hiện việc chuyển đổi số trong mọi mặt công tác của toà soạn, là nhiệm vụ trọng tâm mà báo Văn Nghệ đang tiến hành, kiên quyết không bị “bỏ lại phía sau" trong một cuộc cách mạng mới đang diễn ra trên đất nước.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến những thành công và một vị thế, thương hiệu vững bền của báo Văn Nghệ trong suốt 75 năm qua là do Đảng, Nhà nước ta đã dày công đào tạo và rèn luyện được một đội ngũ văn nghệ sĩ vững vàng về lí tưởng và tài năng trong nghệ thuật để chèo lái con thuyền Văn Nghệ qua bao chặng đường sóng gió, gian nan. Nhân dịp này chúng tôi muốn được nhắc tới và tri ân những vị thuyền trưởng rất nổi tiếng như: Tố Hữu, Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi, Đặng Thai Mai, Hoàng Trung Thông, Hoài Thanh, Hà Xuân Trường, Vũ Tú Nam, Bảo Định Giang, Nguyễn Văn Bổng, Giang Nam, Đào Vũ, Nguyên Ngọc, Hữu Thỉnh. Nguyễn Trí Huân, …Bên cạnh những vị thuyền trưởng tài ba đó, toà soạn báo Văn Nghệ thời điểm nào cũng có những trợ thủ đắc lực và tài năng gồm các nhà văn, nhà thơ, hoạ sĩ, nhạc sĩ, nhà lí luận phê bình văn học như: Nguyễn Huy Tưởng, Xuân Diệu, Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân, Văn Cao, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Tú Mỡ, Nguyễn Xuân Khoát, Lưu Hữu Phước, Phạm Hổ, Ngọc Trai, Từ Sơn, Hoàng Minh Châu, Hoài Vũ, Võ Văn Trực, Ngô Ngọc Bội, Phạm Hữu Nhuận, Nguyễn Khắc Trường, Trương vĩnh Tuấn, Trung Trung Đỉnh, Thành Đức Trinh Bảo, Lã Thanh Tùng … Những tài năng lớn đó đã thực sự là những thanh nam châm để thu hút hội tụ trí tuệ, tài năng của đất nước, tạo nên sức ảnh hưởng lớn trong xã hội và trong giới văn nghệ sĩ, trí thức, khiến báo Văn Nghệ thực sự trở thành một diễn đàn lớn, một sân chơi lớn của văn nghệ nước nhà .

 Thưa các quí vị!

Từ năm 2008, báo Văn Nghệ bắt đầu từng bước thực hiện việc tự chủ về mọi mặt . Việc “ cai sữa bao cấp”, có thể nói cũng là một quá trình vô cùng gian nan đối với Ban biên tập và toàn thể biên tập viên, phóng viên nhân viên của toà soạn. Điều này cũng gây nên  một sự lo lắng, bất an, hồi hộp thường xuyên cho bạn đọc, bạn viết từng gắn bó với tờ báo trong nhiều năm. Nhưng thật là hồng phúc lớn lao vì chúng tôi đã được thừa hưởng từ các thế hệ đi trước một tài sản vô giá đó là uy tín, vị thế xã hội và thương hiệu của tờ báo, là một hệ thống chuẩn mực về tư tưởng, văn hoá, lí tưởng nghệ thuật. Và đặc biệt là chúng tôi có một đội ngũ cộng tác viên hùng hậu, tài năng có mặt trên khắp đất nước và những năm gần đây còn bao gồm cả các nhà văn, nhà thơ người Việt đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài. Nhờ đội ngũ này mà ngay trong những thời điểm khó khăn nhất, báo Văn Nghệ vẫn không phải “ăn đong” về bài vở và luôn được lắng nghe những ý kiến góp ý chân thành sâu sắc từ những người yêu mến thuỷ chung với tờ báo. Chính vì thế, chúng tôi đã không bị nhấn chìm trong cơ chế thị trường. Ngược lại, đội ngũ những người làm báo Văn Nghệ hôm nay, bao gồm cả hàng ngàn cộng tác viên còn có thể tự hào rằng, chúng tôi đã không làm báo dựa trên tiền thuế của dân mà đã làm báo bằng tình yêu, sự nhiệt huyết và sự cộng hưởng tài năng của cả một đội ngũ hùng hậu những người yêu văn chương, nghệ thuật, yêu lý tưởng chân - thiện - mỹ trên khắp đất nước.

Ngày hôm nay, chúng ta có mặt tại đây để cùng nhau nhớ về một sự kiện văn hoá quan trọng đối với giới văn nghệ của đất nước diễn ra cách nay tròn 75 năm - Sự ra đời của một tờ báo sẽ không có ý nghĩa gì nếu nó không thực sự trở thành một diễn đàn lớn, có sức tập hợp và hội tụ đội ngũ những người sáng tạo văn chương, nghệ thuật vì một lí tưởng chung cao đẹp. Với tôn chỉ mục đích đã được xác định từ khi ra đời, đồng hành cùng dân tộc và đất nước, với những thành tựu xuất sắc đóng góp vào sự nghiệp chung của đất nước của dân tộc, báo Văn Nghệ xứng đáng với những tấm Huân chương Độc lập hạng Nhì và Huân chương Độc lập hạng Nhất do Chủ tịch nước có Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trao tặng, cùng với lời tuyên dương “Đã nhiều thành tích xuất sắc trong việc tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, phản ánh cuộc sống mới con người mới, góp phần xây dựng và phát triển nền Văn nghệ cách mạng Việt Nam”

                                                                                   Xin trân trọng cảm ơn!


Có thể bạn quan tâm