April 29, 2024, 6:52 am

Lấy người học làm trung tâm

Trường Đại học Cửu Long, ngôi trường mang tên con sông Cửu Long, một trong những con sông dài rộng nhất thế giới. Trường đặt tại tỉnh Vĩnh Long, vùng đất có bề dày văn hóa, có truyền thống học hành thi cử, có nhiều danh nhân làm rạng danh quê hương, đất nước.

Ngôi trường hình thành và phát triển, đầy sức sống như chàng trai cô gái tuổi hai mươi; do đó, tuy trường đại học đặt tại Vĩnh Long, nhưng không mang tên địa phương mà lấy tên con sông Cửu Long, xứng đáng với tên chung khu vực miền Tây Nam bộ, xứng đáng với sức lan tỏa như trung tâm văn hóa, trung tâm học hành và thực nghiệm cho cả vùng đất Đồng bằng sông Cửu Long.

Đầu tháng 6 năm nay, chúng tôi đến trường Đại học Cửu Long. Trường nằm ở ngoại ô thành phố Vĩnh Long, trên diện tích 223.839 m2. Do trường quá rộng, cô Lê Thị Minh Hải, phó phòng Tổ chức - Hành chính nhà trường đưa tôi đi tham quan toàn bộ khuôn viên trường bằng ô tô điện, xe điện do sinh viên ngành kỹ thuật công nghệ của trường chế tạo. Từ cổng trường, có hồ sen, mùa này sen đang tươi tốt, hoa nở trắng hồng khắp mặt hồ, gió đung đưa, hương sen thoang thoảng.

*

Trường Đại học Cửu Long ký kết hợp tác với Đại học East Asia (Đại học Đông Á - Nhật Bản) Giáo sư Tiến sĩ Lương Minh Cừ đứng bìa trái hàng đầu

 

Sau cổng thứ hai, tọa lạc ngôi trường cao 7 tầng, mang nét hiện đại với nhiều cửa kính của kiến trúc phương Tây là nơi đặt các phòng học và hội trường. Với 56 phòng học hiện đại, gắn máy điều hòa và cách âm đảm bảo cho giảng viên, sinh viên yên tĩnh, mát mẻ, tập trung học tập. Bàn ghế đều đẹp, sạch sẽ và hiện đại. Phòng nào cũng có hai chiếc bảng to để giáo viên trình bày bài giảng, ngày nay người ta dùng bút đen viết trên bảng trắng và tất nhiên không còn “bụi phấn bay bay, có hạt bụi nào vương trên tóc thầy”.

Phòng LAB ngoại ngữ có diện tích gần 200m2. Khu giảng đường có 10 phòng máy vi tính, trang bị máy tính đời mới nhất; 12 phòng thí nghiệm với diện tích gần 1.000 m2; 22 phòng thực hành, xưởng thực tập, khu thực nghiệm với diện tích gần 2.000 m2.

Tầng trệt của tòa nhà đặt thư viện của trường. Thầy Vũ Ngọc Hạnh, Giám đốc thư viện của trường cho biết:

- Việc tự học của sinh viên là cực kỳ quan trọng. Kiến thức cho sinh viên tự học, tự nghiên cứu chủ yếu có ở thư viện. Sinh viên được cấp thẻ, mượn sách về nhà đọc, hoặc đọc tại chỗ. Bởi vậy, trường rất quan tâm xây dựng thư viện có diện tích gần 1.000 m2, có các phòng đọc sách, phòng internet, phòng trao đổi kiến thức... Thư viện có trên 26.000 đầu sách, 11.000 đầu sách điện tử, mỗi năm bổ sung thêm từ 300 đến 400 triệu đồng bổ sung thêm sách mới, vô cùng phong phú về thể loại.

*

Thư viện của trường

 

Phía bên phải, tòa nhà 7 tầng là khu hành chính của trường có nhà máy sản xuất nước uống tinh khiết đóng chai. Nhà máy còn vừa là nơi nghiên cứu, thực hành cho sinh viên. Nước uống tinh khiết đóng chai cung cấp nước uống cho giảng viên và sinh viên của trường, phần dư được bán ra bên ngoài. Tám dãy nhà cấp bốn, đầy đủ tiện nghi cho 400 sinh viên nội trú trong trường. Sắp tới trường sẽ xây thêm nhiều khu nội trú nữa cho 2.000 sinh viên trong nước và sinh viên nước ngoài theo quy mô đào tạo của trường mỗi năm một tăng lên. Nhà trường thu tiền ký túc xá rất rẻ, kể cả tiền điện nước, sinh viên chỉ phải đóng 50.000đ/tháng. Học phí trung bình 8 triệu đồng/học kỳ. Có hai dãy nhà dành cho lưu sinh viên nước Lào và Campuchia. Toàn bộ số lưu học sinh nước bạn lưu trú trong ký túc xá, vừa tiện đi lại, vừa đảm bảo an ninh.

Khu thực nghiệm nằm trên mảnh đất rộng 16.000m2, trong đó diện tích thực nghiệm 15.000 m2, khu trung bày và giới thiệu sản phẩm nông nghiệp 1.000 m2, còn được gọi là Nông trang chuyên nghiên cứu, đào tạo, ứng dụng, sản xuất kinh doanh giống cây ăn trái, hoa kiểng chất lượng cao. Cô Minh Hải cho biết “Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm hơn 20 chủng loại với 60 sản phẩm giống cây trồng. Tất cả sản phẩm nghiên cứu, thực nghiệm hiện do lực lượng giảng viên, sinh viên nhà trường thực hiện, được sản xuất theo quy trình quản lý chất lượng nghiêm ngặt, đạt tiêu chuẩn và được đông đảo bà con trong khu vực và cả nước tin dùng. Hiện nông trang đã đi vào hoạt động, tạo mối liên kết chặt chẽ với các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân trong khu vực, từng bước mở rộng thị trường. Thời gian tới nông trang định hướng mở rộng đến các vùng trong cả nước và xuất khẩu đến các nước bạn như Lào, Campuchia, Trung Quốc, Đài Loan và một số nước khác....”.

Theo hướng chỉ của cô Minh Hải, về phía nhà lưới rộng:

- Trường đang phối hợp với cơ sở sản xuất kinh doanh Nam Long và cơ sở sản xuất kinh doanh Minh Truyền trồng dưa lưới.

Tôi không được chứng kiến những trái dưa vàng, to như những chú lợn con chín trĩu cành bởi nhà trường vừa thu hoạch mùa dưa lưới bội thu. Đây là mô hình hợp tác, nghiên cứu, ứng dụng, đào tạo và sản xuất kinh doanh dưa lưới trong nhà mành theo công nghệ cao do thầy trò khoa Nông nghiệp- Thủy sản tham gia từ khâu nghiên cứu đến thực hành và phối hợp sản xuất. Mô hình là nơi cung cấp dưa lưới sạch chất lượng cao cho khu vực, tạo môi trường thực tập cho sinh viên chuyên nghành, giải quyết việc làm cho sinh viên khi ra trường.

 

Thiết kế phối cảnh Trường đại học Cửu Long

 

Phía sau trường, trên khu đất rộng 12.000 m2 có nhà máy điện năng lượng mặt trời với công suất phát điện 980 Kwp, được lắp đặt với 2,772 tấm pin, đặt trên hệ thống khung thép kiên cố. Với tổng công suất phát điện 980 Kwp, có thể nói đây là công trình năng lượng điện mặt trời có công suất lớn nhất trong số 236 trường đại học tại Việt Nam. Công trình do hợp tác giữa Trường Đại học Cửu Long và Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Điện Ssangyoung electric- Hàn Quốc xây dựng, đưa vào hoạt động ngày 28/6/2019. Mỗi năm nhà máy điện mặt trời cung cấp khoảng 1,5 triệu kWh điện. Trường sử dụng khoảng 50%, phần còn lại hòa vào lưới điện Quốc gia. Trong tình hình thiếu điện như hiện nay thì việc có một nhà máy điện mặt trời trong nhà trường đại học rất có ý nghĩa. Dự án góp phần giảm phát thải khí CO2, gây ảnh hưởng hiệu ứng nhà kính. Dự án tạo ra hình ảnh thực về năng lượng sạch cho các sinh viên và giúp các em có tư duy phát triển năng lượng sạch với ngành nông nghiệp thực hành, thực nghiệm trồng trọt, chăn nuôi sạch ngay tại trường. Các em sinh viên ngành điện, điện tử có điều kiện thực nghiệm cho các đề tài khoa học của mình. Cô Hải cho biết nhờ có nhà máy điện này, mỗi năm nhà trường giảm chi phí sử dụng điện trên 1,875 tỷ đồng, ngoài ra doanh thu bán điện cho Điện lực Vĩnh Long đạt gần 2 tỷ đồng. Nhà trường cũng đang có dự án, hợp tác với tập đoàn Razzler- Hàn Quốc xây dựng Nhà máy sản xuất tấm pin điện mặt trời với tổng mức đầu tư khoảng 4,2 triệu USD (97 tỷ đồng Việt Nam).

Nhà trường đã hợp tác với công ty Cockatoo Adventures Austalia trong chuyển giao công nghệ, nghiên cứu khoa học và xây dựng mô hình nông nghiệp an toàn. Dự án có diện tích 4.000m2, sau 1,5 tháng trồng tía tô xuất khẩu sản phẩm sang Hàn Quốc. Ngoài ra nhà trường còn có mô hình thực nghiệm trồng khoai lang cao sản Hàn Quốc cũng bằng hình thức chuyển giao công nghệ, Hiệp hội Khoai lang Hàn Quốc tài trợ giống, hướng dẫn kỹ thuật cho giáo viên, sinh viên khoa Nông nghiệp –Thủy sản thực hiện.

Dự án trồng sâm thủy canh Hàn Quốc, hợp tác với Công ty TNHH A Shin Techwin Hàn Quốc bỏ 100% vốn với số tiền lên đên 3 triệu USD (69 tỷ đồng Việt Nam) đang trong quá trình đàm phán triển khai. Mô hình tạo ứng dụng, tiếp cận và làm chủ công nghệ nước ngoài vào địa phương và trường học của Bộ Giáo dục và Đào tạo; tạo điều kiện cho sinh viên nghiên cứu và thực nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, lý thuyết gắn với thực hành, ứng dụng vào thực tiễn, giúp các em có kiến thức và kinh nghiệm thực tế, khi ra trường, về cơ sở có thể áp dụng được ngay trong sản xuất, trồng trọt và nghiên cứu khoa học.

*

Nông trang trường Đại học Cửu Long

 

Buổi chiều hôm sau, cô Minh Hải đưa tôi lên tầng 6 của giảng đường chính của trường nơi bố trí phòng họp rộng, với các hàng ghế đẹp, một chiếc bàn dài rộng. Phòng được trang trí hài hòa, đầy đủ tiện nghi. Thầy hiệu trưởng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Minh Cừ tiếp chúng tôi. Thầy từng là chiến sĩ đặc công, đi qua cuộc chiến tranh chống Mỹ, nay lại xông xáo trên mặt trận “trồng người”. Thầy cho biết, Trường Đại học Cửu Long được thành lập từ tháng 1 năm 2000 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đây là trường đại học dân lập đầu tiên ở đồng bằng sông Cửu Long. Nay được chuyển thành trường Đại học tư thục. Trường đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, có vùng tuyển sinh trong cả nước và khu vực Đông Nam Á. Đến nay trường đã có 441 giảng viên cơ hữu, 200 giảng viên thỉnh giảng, trong đó có: 5 giáo sư tiến sĩ; 21 phó giáo sư tiến sĩ;  100 tiến sĩ;  294 thạc sĩ; Còn lại 81 giảng viên đang tiếp tục làm nghiên cứu sinh tiến sĩ và học lên bậc thạc sĩ. Trường mời nhiều giáo sư nước ngoài là người Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan, Úc, Canada, Đức tham gia giảng dạy.

Kể từ khi thành lập đến nay, trường đã đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp cho hơn 28.642 cử nhân, kỹ sư và  của 22 ngành đào tạo và 889 thạc sĩ. Hiện nay qui mô sinh viên, học viên trường đang đào tạo gồm Đại học chính quy, vừa làm vừa học, đào tạo từ xa, cao học là 13.371, trong đó hệ cao học là 462 học viên.  Trường đã đào tạo cấp bằng tốt nghiệp cho 16 lưu học sinh hệ cao học (Lào 14 sinh viên, Campuchia 02 sinh viên), 80 lưu học sinh hệ đại học (Lào 77 sinh viên, Campuchia 03 sinh viên).

Thấy tôi chú ý về công tác đối ngoại của trường, thầy Lương Minh Cừ cho biết:

- Trường đã ký kết Memorandum of Understanding (MOU -biên bản ghi nhớ để tạo cơ sở cho các thỏa thuận và hợp đồng sau này) ... với 12 nước: Hàn Quốc, Nhật Bản, Lào, Campuchia, Thái Lan, Singapore, Đài Loan, Malaysia, Nga, Đức, Hoa Kỳ, Thụy Sĩ với các lĩnh vực thuộc phạm vi giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học, giao lưu văn hóa, trao đổi giảng viên và sinh viên, tổ chức các hội nghị... Trường phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo, báo cáo chuyên đề với các nước như Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Lào, Campuchia, Trong đó chúng tôi tổ chức giao lưu văn hóa, thể thao, âm nhạc. Đón tiếp sinh viên các nước đến giao lưu văn hóa, tham gia các hoạt động xã hội như: Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào và Campuchia. Đặc biệt chúng tôi còn được sự hỗ trợ Cục Hợp tác quốc tế của Bộ Giáo dục và Đào tạo những chương trình sau: Trường cử giảng viên tham gia các lớp tập huấn nước ngoài như ở:  Ai Cập, Thái Lan, Singapore, Ấn Độ... Cử giảng viên tham gia giảng dạy tiếng Việt tại Lào; Bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các nước bạn Lào và Campuchia về tiếng Việt; phối hợp với các trường đại học ở Thái Lan và Thụy Sĩ để công nhận tín chỉ lẫn nhau và xây dựng chương trình đào tạo giúp sinh viên học được nhận bằng đôi; phối hợp với các doanh nghiệp nước ngoài đưa sinh viên đi thực tập hàng năm tại Nhật Bản từ tháng 6 đến tháng 1 năm.

Trả lời câu hỏi vì sao Trường Đại học Cửu Long lại chú trọng đến các hoạt động đối ngoại này? Thầy Hiệu trưởng Lương Minh Cừ cho biết:

- Trường Đại học Cửu Long thúc đẩy hợp tác quốc tế để tăng cường tiềm lực giáo dục- đào tạo và nghiên cứu khoa học đây là một trong hướng đi quan trọng nhằm đến mục tiêu phát triển và hội nhập của trường, cụ thể:

Hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, tạo điều kiện để giảng viên và sinh viên có cơ hội tiếp thu những tri thức hiện đại và thông qua đó xây dựng đội ngũ giảng viên để tiếp cận được các chuẩn mực quốc tế.

Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực về khoa học- công nghệ sẽ góp phần đáng kể vào việc tăng cường tiềm lực, nâng cao trình độ nghiên cứu và đặc biệt là góp phần giải quyết các vấn đề khoa học- công nghệ phục vụ phát triển kinh tế- xã hội.

 

Thiết kế kiến trúc mặt chính Khu giảng đường

 

Hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học cũng là cơ hội nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học và tăng cường sức mạnh nội tại của nhà trường. Chúng tôi đẩy mạnh việc tiếp nhận sinh viên nước ngoài đến tham quan học tập dạng chuyên đề; tạo điều kiện cho sinh viên Việt Nam tham gia những hoạt động tương tự; tạo cơ hội để thực sự gia tăng hiểu biết về những nền văn hóa khác giữa các quốc gia. Đào tạo tiếng Việt cho lưu học sinh nước ngoài chuẩn bị vào học chuyên ngành đại học, cao học tại trường hoặc các trường khác trong địa bàn tỉnh và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; Triển khai chương trình đào tạo tiếng Việt tại các cơ sở Giáo dục nước ngoài như Lào, Campuchia giúp đào tạo nguồn nhân lực cho các bạn Lào, Campuchia. Hình thành giao lưu học thuật, tạo điều kiện cho sinh viên thực tập, thực hành ở các trường đại học hàng đầu khu vực và thế giới, tạo việc làm ở nước ngoài giúp sinh viên có thu nhập, chuyển giao công nghệ giữa các bên, thu hút sinh viên nước ngoài vào học tại Trường Đại học Cửu Long. Qua đó để nâng cao chất lượng đào tạo của trường và đồng thời tăng nguồn thu tài chính cho trường...

Chính vì có những thành tích đào tạo quốc tế đó, ngày 25 tháng 7 năm 2023, Trường Đại học Cửu Long đã làm lễ Trao huân chương, huy chương của Nhà nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào cho tập thể và các cá nhân của Trường Đại học Cửu Long. Bà Sisouk Vongvichit, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Thể thao Lào đã trao Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch Nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào cho Trường Đại học Cửu Long và cho P, Giáo sư Tiến sĩ, Hiệu trưởng Trường Đại học Cửu Long Lương Minh Cừ. Đồng thời Bà Thứ trưởng Bộ Giáo dục Thể thao Lào trao huy chương Hữu nghị của Chính phủ Lào cho 7 cá nhân của nhà trường đã có nhiều đóng góp  trong viêc giảng dạy, đào tạo sinh viên Lào.

*

Những ngày ở trường Đại học Cửu Long làm tôi nhận ra một điều. Các nước có nền giáo dục phát triển cao nói về việc lấy học sinh làm trung tâm đã được gần nửa thế kỷ nay nhưng nước ta còn đang loay hoay chưa thực hiện hiệu quả triết lý giáo dục này. Vậy mà giữa những trì trệ bất cập của việc dạy và học, Trường Đại học Cửu Long vươn lên bằng triết lý giáo dục: lấy người học làm trung tâm trong đó tạo mọi cơ hội để giảng viên và sinh viên hội nhập vào phần thế giới phát triển làm động lực phát triển. Bởi thế mọi hoạt động của trường là để  sinh viên được học tập, đào tạo, nghiên cứu khoa học, đưa khoa học vào thực tiễn. Một ngôi trường chú trọng Hợp tác quốc tế, sinh viên có cơ hội đi ra thế giới, hợp tác nghiên cứu cùng các nước trên thế giới, hẳn là chủ nhân tương lai của đất nước sẽ có tầm nhìn cao rộng hơn, có điều kiện vươn xa hơn.

Bút ký của Ngọc Hùng

Nguồn Văn nghệ số 32/2023


Có thể bạn quan tâm