April 29, 2024, 6:52 am

Lãng phí và trở lại thế độc quyền

Với Nghị quyết 29 “xây dựng nền giáo dục mở” và “đa dạng hoá tài liệu học tập” trong quan điểm cải cách giáo dục của Đại hội 13 của Đảng, Quốc hội đã ban hành nghị quyết 88 “Thực hiện xã hội hoá biên soạn sách giáo khoa, có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học”.

Với những quan điểm, chủ trương đúng đắn, khoa học kể trên, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã triển khai thành các chương trình hoạt động cụ thể. Đến hôm nay đã có 03 Bộ sách giáo khoa (Cánh DiềuKết nối tri thức với cuộc sốngChân trời sáng tạo) hoàn thành và đưa vào nhà trường sử dụng. Theo đánh giá chung, kết quả tương đối tốt, dù vẫn còn có một số hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới. Vì thế không cần giao Bộ Giáo dục & Đào tạo biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa mới, vì đây sẽ là một việc làm vi phạm pháp luật.

Nếu việc này xảy ra thì Bộ Giáo dục & Đào tạo sẽ vi phạm Nghị quyết 22 (19/6/2020) của Quốc hội, Luật tổ chức chính phủ, Luật Giáo dục (nội dung cụ thể một vài bài báo đã nêu, xin phép không nhắc lại). Và khi đó, với tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”, Bộ sẽ vô tình và gián tiếp xoá bỏ chủ trương xã hội hoá công tác biên soạn, phát hành sách giáo khoa, quay trở lại sự độc quyền về sách giáo khoa như trước đây.

Có lẽ nhận thức rõ những hệ quả tiêu cực kể trên, gần đây trả lời Đoàn giám sát của Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã đề nghị Đoàn giám sát xem lại yêu cầu này. Điều chỉnh một nội dung trong Nghị quyết 88 của quốc hội: - Bộ Giáo dục & Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa - một công việc chỉ nên thực hiện khi không có tổ chức, cá nhân nào đăng kí biên soạn sách giáo khoa theo chương trình cải cách giáo dục 2018. Trên thực tế, hiện nay đã có 3 bộ sách giáo khoa đã được thực hiện và triển khai trên các cơ sở giáo dục toàn quốc, trong đó có bộ sách giáo khoa Cánh Diều - bộ sách xã hội hóa là bộ sách giáo khoa duy nhất không dùng kinh phí Nhà nước, tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước 300-400 tỷ đồng .  

Với ý kiến khước từ yêu cầu của Đoàn giám sát này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã thể hiện được trí tuệ, bản lĩnh chính trị của một Tư lênh ngành Giáo dục có tài và có tầm.

Nếu Bộ Giáo dục & Đào tạo thực hiện theo yêu cầu của Đoàn giám sát mà không phản biện một cách khoa học, theo kiểu đẽo cày giữa đường, trống đánh xuôi kèn thổi ngược, một hệ luỵ nữa sẽ xuất hiện: - Các tổ chức khoa học, giáo dục quốc tế sẽ hoài nghi sự khoa học, nhất quán trong đường lối, chủ trương của chúng ta về khoa học và giáo dục. Vậy các đối tác quốc tế còn dám hợp tác với Giáo dục Việt Nam nữa hay không?

Điều cần kíp nhất hiện nay là rà soát, bổ sung kịp thời những quy định pháp luật cho cả ba khâu sau đây, với nhiều bất cập đã hiện rõ, là Khâu biên soạn sách giáo khoa, Hội đồng thẩm định, Phát hành sách giáo khoa. Với cơ chế phát hành hiện nay, hiện tượng lợi ích nhóm rất dễ xảy ra. Vậy thì có chiếc lồng luật pháp nào để nhốt lợi ích nhóm lăm le trỗi dậy?

Thiết nghĩ nếu có sai thì sửa, miễn trung thực và dũng cảm, như ý kiến của bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trao đổi với đoàn Giám sát Quốc hội về Giáo dục.

Nghị quyết khoá trước đã nêu rất rõ, tôi không hiểu vì sao đến nay Quốc hội khoá 15 lại định phủ quyết Nghị quyết 122 khoá 14. Nếu như chủ trương cứ thay đổi mỗi lúc một khác như vậy thì sẽ thực hiện thế nào? Điều này phải hết sức cân nhắc, vì đây là cuộc điều chỉnh chính sách giữa chừng rất lớn. Một số hạn chế về mặt quản lý, một vài điểm chưa phù hợp về chuyên môn trong Sách giáo khoa là những vấn đề có thể khắc phục, chứ không thể từ đó thay đổi cả một chủ trương lớn”, GS-TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình cải cách Giáo dục phổ thông 2018 đã nhận định như vậy. Ngoài ra, việc Bộ Giáo dục & Đào tạo biên soạn sách giáo khoa cũng không phù hợp với chức năng quản lý Nhà nước, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Bộ đã quy định tại Luật Giáo dục và Nghị định 86.

Vậy chúng ta có nên bỏ ngân sách Nhà nước (theo Ngân hàng thế giới tính là 16 triệu USD) để làm bộ sách giáo khoa mới trong khi đã có rất nhiều bộ sách như hiện nay?...

Nhà văn Nguyễn Đức Hạnh

(PGS-TS, nguyên Phó chánh thanh tra Đại học Thái Nguyên)

Nguồn Văn nghệ số 32/2023


Có thể bạn quan tâm