May 4, 2024, 9:03 pm

Lan man ở “Facebook quán”

1.

Thời nào có cách chơi của thời đó. Hồi nhỏ tôi cùng trẻ con trong xóm thường chơi khăng chơi đáo, chơi ô ăn quan, nhảy dây nhảy cò, chơi chuyền đôi chuyền ba… Có lẽ cách chơi đó đã tồn tại hàng trăm năm, ngàn năm trong dân gian.

Thời nay trẻ con ở quê hay phố cũng không còn chơi trò xưa đó nữa, mà chúng chơi logo xếp hình, chơi máy tính với những clip trò chơi điện tử, xem phim hoạt hình... Rất phong phú, đa dạng và hiện đại.

Người lớn tuổi thì chơi Zalo, Facebook.

Trên trang mạng Facebook con người ta cũng bày ra bao kiểu chơi, như giao dịch công việc, trao đổi thông tin và cả việc mua bán hàng hóa. Với riêng tôi hình dung Facebook lúc là một cánh đồng gieo trồng, trên đó con người dựng những căn lều/quán lớn bé để nghỉ chân và đón bạn vào quán mình chuyện phiếm về mùa vụ, đói no, việc làng xã. Thời sự và ồn ã hiện đại hơn thì thấy Facebook như một đường phố mà hai bên đường là những nhà hàng, siêu thị. Người trẻ họ dụng Facebook làm những hộp thư và cái máy ảnh nhằm hò hẹn, tán gẫu và phô diễn áo quần, hình thể. Quán Facebook của người trẻ tuổi thường vui. Người lớn tuổi, đa phần Facebook của họ chứa sự nghĩ ngợi về nhân tình, thời cuộc, có khi thành cuộc hội thoại luận đàm sâu sắc, và bởi vậy những cái quán này đều mang vẻ ưu tư, u nhã. Chơi Facebook vui có, sự phiền toái cũng có. Đã có lúc tôi tính bỏ mà rút cục vẫn chưa bỏ được. Phải thừa nhận Facebook là một chốn chơi có men gây hấp dẫn, ma mị.

2.

Trong cõi con người chốn càng đông vui càng nhiều hỗn tạp, nơi buồn thì người đông mà lặng lẽ. Lữ khách vốn ưa nơi vui. Cuộc sống nhiều áp lực nên con người cần hơn nơi tiêu thời gian. Tiêu thế gian trong tiếng cười. Cười vui, cười tếu, cười ồn, cười vặt, cười nhạt, cười gượng, cười nhạo… cuối cùng là cái cười khinh thân, khuất thân. Thế gian bởi vậy phần nhiều được tiêu đi như khói mỏng. Bảo lẽ thế gian là hư vô, hư tâm là bởi thế.

Nơi buồn chấp nhận tàng trữ những âu lo thế sự, thế gian. Ở đây con người muốn giải thế gian. Lữ khách thường xa lánh, e sợ cái buồn. Người đến nơi buồn là người muốn tiêu sầu và được tiên nghiệm về lẽ sống/chết. Và cái buồn, vì vậy cũng mang đủ cung bậc: buồn nản, buồn nhớ, buồn tương tư, buồn lo, buồn đau, buồn thương, buồn ưu thời mẫn thế… cuối cùng và cao cả là cái buồn mang sứ mệnh hóa thân, buồn cứu rỗi.

Tôi, lúc muốn “tiêu thế gian”, lúc mong góp phần “giải thế gian”. Chơi Facebook với tôi khi vui dễ sa vào hoang phí thời gian, lúc buồn thì thấy có đôi chút niềm lắng đọng. Tôi ưa cái buồn hơn cũng vì thế. Lúc buồn tôi đã gặp không ít sẻ chia hữu ích nhưng “ngồi buồn mà trách ông xanh” thì cũng dễ chuốc lấy sự phiền hà thế sự. Điều thú vị riêng là sau một thời gian chơi Facebook tôi đã tập hợp lại được cả 100 trang tạp bút viết những lúc buồn lòng. Hy vọng sẽ có ngày tôi trình bạn đọc tập tạp bút đó.

3.

Dưới đây là đôi ba bài rút từ tập tạp bút Lan man ở Facebook Quán...

Chuyện nước Lào: Hôm qua, tôi có về quê dự liên hoan tiễn cậu cháu lên đường nhập ngũ, trong đám khách quê có cô em họ vừa ở bên Lào về. Cô em họ tôi làm công nhân xây dựng, sang xây cái khách sạn 5 sao cho bạn Lào, ở trung tâm thủ đô Viên Chăn. Trong câu chuyện cô kể nhiều về thói hư tật xấu của người mình. Nào là đánh nhau, trộm cắp, bắt trộm chó về thịt trong khi dân Lào cực quý chó. Nào là việc vệ sinh rất bậy bạ, trong khi ngay ở chợ thì cái chợ của họ cũng rất sạch, khi có hội chợ đông người đến thì họ chở ngay nhà vệ sinh di động tới, an toàn thực phẩm của họ rất đảm bảo và giá rẻ lắm, như tim lợn cũng chỉ có 80 ngàn tiền mình 1kg, gà ngon 40 ngàn 1kg... Người dân Lào thì thật thà, ô tô đỗ bên đường ngó vào thấy vi tính, va ly để trong xe, mà có khi họ để hàng ngày ở đó nhưng vẫn không bị mất cắp... Câu chuyện kéo dài, cuối cùng cô em buông một câu “Anh ạ, chúng em bảo nhau, riêng chuyện sống thật thà, tử tế, lịch sự thì còn lâu dân mình mới học được. Đất nước họ thanh bình lắm anh ơi!...”.

Tôi là người bị bại liệt. Quanh năm ở nhà, tiếp xúc dù với đông nhan bà con, bạn bè thì vẫn là dân Việt với nhau, vậy mà vẫn thấy xấu hổ, xót xa lắm. Các anh chị em, những người thường xuyên đi xa về gần, nước trong nước ngoài, nhất là các anh chị em làm nghề giáo dục, dạy dỗ đào tạo con người, khi gặp những chuyện thế này có thấy xấu hổ, thấy hết cái trách nhiệm ông thầy của mình không?!... Một xã hội chỉ có thể được xem là Tốt đẹp khi chất lượng con người mà nó đào tạo ra là Tốt đẹp!... Tôi nghĩ vậy, không biết có đúng không?…

Chống tham nhũng: Bên các bàn trà/rượu những ngày này dân tình khá ồn ào với chuyện chống tham nhũng, kẻ tỏ ra hoan hỉ, người thì ưu tư nghĩ ngợi, khiến tôi nhớ tới câu chuyện trong kinh Tân Ước.

Một lần các kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn đến trước mặt Đức Giê-su một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa, rồi nói với Người: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?” Chúa bảo họ: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”. Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi…”. Người đàn bà kia nhờ vậy được cứu sống.

Việc chống tham nhũng và xử tội ngoại tình cũng tựa nhau. Giả dụ, trong chúng ta ai đó có đủ quyền năng để đặt câu hỏi như trong kinh Tân Ứơc, thì liệu có mấy ai dám tuyên bố: “Tôi sạch tội”? Thực tế đang có một bộ phận không hề nhỏ con người Việt Nam ngày nay có tội với đồng bào mình, đất nước mình. Kẻ làm quan thì tham nhũng, làm doanh nghiệp sản xuất thì gian dối hàng giả/ hàng kém chất lượng, thương lái thì buôn hóa chất, hàng độc hại về bán cho dân mình. Người thường dân thì dễ mắc bệnh lãng công và ăn cắp vặt…

Biết là tràn lan đại hải, kiến giải chi nan, khó khăn lắm vậy. Vì thế càng bội phần hun đúc quyết tâm: Phải – làm – thế - nào - để vượt thoát đoạn khó khăn này chứ ?!..

Ý kiến ngắn: Dân ta đang lùm xùm tôn vinh hay không ngài Alexandre de Rhodes - người khai sinh ra chữ Quốc ngữ. Tôi có ý kiến thế này:

1. Nguyên việc gọi tên là chữ Quốc ngữ, đã là sự tôn vinh cao nhất. Không cần bàn cãi.

2. Chữ Quốc ngữ được sáng chế, phát minh ra cho người Việt Nam sử dụng làm cơ sở cho hoc vấn văn hóa trường lớp, giao dịch… cho dù mục đích ban đầu có phần nhằm truyền giáo của đạo quân xâm lăng, song tiếp sau đó nó đã trở thành hệ thống chữ nghĩa dùng cho việc học tập, giao dịch trên mọi hình thức văn bản nhà nước, thì hiển nhiên sự phát triển mọi phương diện, lĩnh vực văn hóa - xã hội Việt Nam tiến bộ tới ngày nay công lao số 1, trên hết phải được ghi nhận cho chữ viết Quốc ngữ…

3. So sánh. Thực tế xưa nay, trải khắp Đông Tây, có một hệ thống chữ - văn tự nào khi được truyền bá vào nước khác mà không đi qua và nhằm mục đích “xâm lăng” văn hóa, cai trị, truyền bá chính sách, sự học cho nhân dân mà gót giầy xâm lăng của đạo quân văn hóa đó đặt chân tới. Ở Việt Nam mấy nghìn năm bị người Hán chiếm đóng và họ cũng đã đưa chữ Hán đến để dạy học, truyền bá văn hóa cũng như chính sách, luật pháp cai trị của họ. Tuy vậy, tác dụng của chữ Hán sau đó đã đem lại cho nhân dân Việt Nam dù ít hay nhiều, vinh quang hay bi kịch, thì sự tiến bộ, văn minh của nó là có, không thể phủ nhận. Nhưng thành quả đem lại cho xã hội Việt Nam của chữ Hán so với chữ Quốc ngữ mà hiện ta đang dùng là rất khác biệt, ở điểm: Sau nghìn năm chữ Hán vẫn là chữ Hán, thuộc về người Trung Quốc. Còn chữ Quốc ngữ đã trở thành chữ Quốc ngữ, thuộc về duy nhất người Việt Nam.

Vậy sao, Việt Nam đã (và rất có thể còn tiếp tục) xây Quốc tử giám thờ Ngài Khổng Tử, thì sao lại không thể đặt tên đường, hay thậm chí, xây một đền thờ Quốc Ngữ, thờ người đã đóng góp công lao to lớn nhất, quan trọng nhất khai sinh ra chữ Quốc Ngữ, Ngài Alexandre de Rhodes? Câu trả lời là: Rất nên làm! Rất chính đáng!...

*

Tôi vẫn nghĩ con người mơ đạt tới niềm sướng vui hạnh phúc và gần như hết thảy niềm vui chỉ khi được trả giá bằng mồ hôi, có lúc phải trả bằng nước mắt và máu thì niềm vui đó mới thực sự được trân quý lâu dài. Về nỗi niềm này tôi từng có thơ dâng tặng. Bài Buồn thiêng (trích):

Niềm vui dù không đến trong đời

không niền vui con vẫn là con mẹ

không nỗi buồn trái tim con sẽ

tro lạnh dưới mặt trời!

 

Tầm vóc nỗi buồn mang tầm vóc con người

cái tầm vóc cội nguồn nhân tính

con người sống cần niềm vui sướng

và nỗi buồn – vị bảo mẫu niềm vui

 

Ẩn sâu nơi hồn cốt mỗi con người

trong tiếng thở than, tiếng thét vang căm giận

thanh gươm tuốt trên tay người lính trận

có nỗi buồn gươm sẽ hóa gươm thiêng!

Mong còn nhiều dịp ghi chép được những câu chuyện buồn vui trên cánh đồng người, nơi tôi riêng gọi là “Facebook Quán”, để dâng tặng bạn đọc.

Đỗ Trọng Khơi

Nguồn Văn nghệ số 16/2023


Có thể bạn quan tâm