April 30, 2024, 5:52 am

Lại bàn về “văn là người”

Báo Văn nghệ số 13 và 14 xuất bản cuối tháng 3 - Tháng Thanh niên - vừa qua đã đăng một số bài viết trao đổi về văn chương của các cây bút trẻ hiện nay; nêu ra những mặt mạnh, thuận lợi, khó khăn... cũng như những hạn chế, thiếu khuyết của các nhà văn trẻ “thời đại @” và trong môi trường xã hội có nhiều hiện tượng đáng báo động hiện nay. Tôi hoàn toàn nhất trí với những nhận định của các nhà văn, nhà nghiên cứu trong loạt bài trên đây; đồng thời thấy trong đó có những vấn đề thiết thực của các thế hệ nhà văn hiện nay chứ không riêng gì các nhà văn trẻ.

 
Nhà thơ Võ Văn Luyến

Trong bài viết Nhà văn trẻ và khát vọng lớn đăng trên Văn nghệ số 13/2024, nhà thơ Bùi Quang Thanh viết: “Lịch sử văn học của nhân loại từ xưa đến nay, cả ở phương Tây lẫn phương Đông, đều cho thấy bất cứ nền văn học chân chính nào cũng chứa đựng trong nó một chủ nghĩa nhân văn vị nhân sinh cao cả. Hạt nhân cốt lõi của chủ nghĩa nhân văn ấy là trách nhiệm xã hội và ý thức công dân của người cầm bút...” Thật vậy, từ sự đề cao “trách nhiệm xã hội và ý thức công dân của người cầm bút” mà nhà văn phải góp phần thức tỉnh lương tâm, dẫn dắt lý trí và hành động của con người hướng đến những giá trị Chân-Thiện-Mỹ. Thiên chức phụng sự xã hội con người còn đặt ra sứ mệnh “cứu rỗi”, khoan hòa cùng với việc xây đắp, kiến tạo những giá trị trên nền hiện thực mới, đáp ứng nhu cầu của con người và yêu cầu của thời đại, vì sự vận động phát triển không ngừng song hành nảy sinh những vấn đề đầy thách thức cần phải vượt qua.

Hàng chục năm qua, nền văn học nước nhà đã góp phần bồi đắp tâm hồn, nhân cách các thế hệ con người Việt Nam, tạo nên sức mạnh tổng hợp của dân tộc, thực hiện thắng lợi các mục tiêu của sự nghiệp cách mạng qua các thời kỳ. Ngày nay, để văn học phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, cùng với sự nỗ lực của các ngành chức năng và toàn xã hội, trước hết đội ngũ văn nghệ sĩ phải dấn thân, nhập cuộc và là những tấm gương sáng về nhân cách. Đó là bài học thực tiễn sinh động của đội ngũ nhà văn đã đặt nền móng cho nền văn học mới với nhiều thành tựu làm nên diện mạo một nền văn học Việt Nam thật đáng tự hào. Những tên tuổi trưởng thành trước, trong và sau chiến tranh cứu nước cùng hội nhập trên con đường lớn của dân tộc đã khẳng định sức hút, sức sáng tạo vô bờ bến của những con người biết sinh tử vì sự tồn vong của Tổ quốc.

Nêu ra vấn đề trên đây bởi thực tế hiện nay, có không ít nhà văn lập luận một cách ngụy biện rằng: Bản thân người nghệ sĩ như thế nào không quan trọng, vấn đề là ở tác phẩm họ viết ra có tốt đẹp hay không. Quan điểm tách rời giá trị thẩm mỹ khỏi vai trò người nghệ sĩ trong đời sống, rõ ràng trái ngược với cả quan điểm “văn là người” của cổ nhân, lẫn lý thuyết mỹ học hiện đại. Cao Bá Quát trong Chu thần thi tập có nói: “Thơ không có phẩm chất nhất định. Phẩm chất của người là phẩm chất của thơ. Phẩm chất của người cao thì phẩm chất của thơ cao.” Hàn Mặc Tử, nhà thơ tiêu biểu của phong trào Thơ mới, cũng cho rằng: Người thơ phong vận như thơ ấy! Còn vua Tự Đức, vị hoàng đế phong tình có tâm hồn nghệ sĩ cũng xác quyết: “Đức là gốc rễ của văn. Văn là cành, lá của đạo.” Mà trong các đạo thì đạo làm người là cao cả, quan trọng nhất. Theo đó mà suy thì đạo đức con người chính là nền tảng để xây dựng nhân cách, nhân phẩm con người. Nói “văn là người” chính là vì vậy!

Rõ ràng, để tác phẩm văn học khả dĩ thực hiện chức năng giáo dục của mình, đòi hỏi người làm ra tác phẩm văn học cũng phải là những tấm gương về nhân cách. Nghĩa rằng, sáng tác một tác phẩm văn học cũng rất cần phải có nhân cách. Và giá trị của một tác phẩm văn học phụ thuộc vào “mức độ” nhân cách của người sáng tạo nên những tác phẩm ấy. Một tác phẩm hay thì đó dứt khoát phải là con đẻ của những tác giả có lương tâm nghề nghiệp, có tấm lòng hướng về cái tốt, cái đẹp; nếu không sẽ là ngược lại. Điều đó đòi hỏi nhà văn phải đứng ở tầm cao của chủ nghĩa nhân đạo và lý tưởng thẩm mỹ tiến bộ của thời đại, để giúp người đọc biết vượt lên những cám dỗ tầm thường, hướng tới các giá trị Chân-Thiện-Mỹ. Không thể tách rời hoặc đặt tài năng cao hơn nhân cách. Nó gần giống như “hai mặt của một tờ giấy” (Saussure). Nhân cách cầm bút là mục tiêu tối thượng nhà văn cần hiểu rõ hơn ai hết. Dường như những tác phẩm để đời, tác giả thường được nhắc tới với sự ái mộ từ nhân cách của họ. Nhân cách như tấm gương phản chiếu, qua cách sống và qua tác phẩm, một khi hai yếu tính này thống nhất làm một, không cần minh xác bởi “hữu xạ tự nhiên hương”.

Như vậy, không chỉ hình tượng văn học hấp dẫn và giáo huấn con người, mà xưa nay, phần lớn những người sáng tác nên những tác phẩm văn học có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, cũng chính là những tấm gương để công chúng tiếp nhận, thông qua tác phẩm mà ngưỡng mộ và noi theo. Hình ảnh Bác Hồ qua tập thơ Nhật ký trong tù là một tấm gương sáng về nhân cách của người chiến sĩ cách mạng. Các nhà văn Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý, Lê Anh Xuân… là những tấm gương về nhân cách người cầm bút trong kháng chiến giải phóng dân tộc. Đọc Nhật ký Đặng Thùy TrâmMãi mãi tuổi hai mươi của Nguyễn Văn Thạc, thế hệ trẻ hôm nay càng ngưỡng mộ và trân trọng nhân cách của họ, những tấm gương tiêu biểu của một thế hệ tiêu biểu… Sự tiếp nối và chuyển giao thế hệ trên nền hiện thực mới với nhiều trăn trở lột xác trước những thách thức, càng đặt nhân cách ở vị trí trung tâm của mọi biểu hiện. Tác động tích cực hay tiêu cực cũng từ đấy mà ra.

Ngày nay, phẩm chất “văn là người” của người cầm bút không chỉ thể hiện ở sự gương mẫu về đạo đức, lối sống và nhân cách… mà còn đòi hỏi thái độ rõ ràng, dứt khoát, quyết liệt của “người văn” trong cuộc đấu tranh chống lại cái ác, cái xấu; bảo vệ và tôn vinh cái tốt, cái đẹp. Chống quyết liệt phải đi đôi với xây một cách tích cực. Nhà văn phải góp phần phát hiện, nâng niu những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến và quảng bá, nhân rộng những điển hình ấy, để cái tốt, cái đẹp ngày càng nảy nở sinh sôi, trở thành phổ biến trong đời sống. Nhà văn không được làm ngơ, né tránh những vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội; không chạy theo thị hiếu tầm thường để làm ra những tác phẩm giải trí tầm thường, thậm chí là lệch chuẩn, cốt để an thân và mưu sinh, hoặc là để được “nổi tiếng”. Dù đó là sự vô tình hoặc cố ý phụ họa, vẫn xem như tiếp tay cho những âm mưu đen tối, đi ngược lại ánh sáng của chân lý, đạo lý tốt đẹp mà dân tộc đã dày công vun đắp qua hàng nghìn năm.

Thời nay mà thảo luận “văn là người”, hẳn sẽ có ý kiến phản bác, vì theo tư duy lý luận mới thì cần phân biệt (phân lập) tác giả với chủ thể trữ tình trong tác phẩm. Vì một khi đánh đồng hai nhân tố này làm một sẽ gây không ít phiền phức, có khi đem áp đặt vô lối từ sự nhận thức đơn giản (nghĩa 1 đối 1) ở ngoài đời vào văn chương để quy kết con người nhà văn hóa thân trong mỗi cá thể (individu) có cá tính và đời sống riêng. Ở đây, vấn đề chúng tôi quan tâm là theo tinh thần hướng thượng, hướng thiện, hướng mỹ của nhà văn, cốt xây dựng một nền văn học mới đi từ truyền thống ra hiện đại, hòa vào dòng chảy văn học thế giới.

Nhà thơ Võ Văn Luyến

Nguồn Văn nghệ số 15/2024


Có thể bạn quan tâm