May 4, 2024, 10:09 pm

Kỷ niệm 48 năm ngày giải phóng Miền Nam ( 30/4/1975- 30/4/2023)

 

Nhà thơ Nguyễn Hữu Thắng, bút danh Nguyễn Hoài Chung, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn của Chi hội Văn học thuộc Hội liên hiệp văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Trị, là cựu Bí thư huyện ủy Vĩnh Linh, cựu Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị.

Hồi đương chức, anh đã nhiều năm tham gia tổ chức, chỉ đạo và điều hành Lễ hội thống nhất non sông, một đặc sản văn hóa mới của tỉnh Quảng Trị, được tổ chức thường niên ở đôi bờ Hiền Lương vào dịp 30/4. Từ ngày được nghỉ hưu, anh cùng vợ con định cư ở Vĩnh Linh quê cha. Hằng năm dù đi đâu gần xa, nhưng cứ đến ngày Lễ hội thống nhất non sông là anh vẫn có mặt ở Hiền Lương, để được hòa trong niêm vui chung, để sống lại nỗi niềm khát khao của mình thời thơ bé, mỗi lần đứng bên bờ Bắc ngóng sang bờ Nam, thăm thẳm phía ấy có ngôi làng quê mẹ của anh, cạnh phá Tam Giang…

Thế mà năm nay, mới ra Giêng anh đã hoan hỉ nhắn tin cho tôi là dịp 30/4 sắp tới sẽ cùng vợ con ra Bắc; cụ thể là ra thăm lại ngôi làng thân thương ở xã Hồng Phong, huyện Duyên Hà, tỉnh Thái Bình, mảnh đất đã cưu mang anh một thời K8, từ giữa năm 1967 đến gần cuối năm 1973, sau khi Hiệp định Pa-ri được ký kết. Thực ra, từ ngày trở về Vĩnh Linh, anh đã nhiều lần quay lại Hồng Phong thăm bố mẹ nuôi và bà con làng xóm. Nhưng lần này là chuyến hành hương đặc biệt: Tròn 50 năm lứa K8 các anh tạm biệt Hồng Phong để trở về quê…

Cũng xin nói lại cho các bạn trẻ thời @ rõ thêm: “K8” là mật danh chương trình sơ tán trẻ em vùng “tuyến lửa” ra Thanh Hóa và “khu Ba” hồi đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc. Đối tượng đi K8 là thiếu niên, chủ yếu ở tỉnh Quảng Bình và Đặc khu Vĩnh Linh. Vào giai đoạn địch đánh phá ác liệt, Đảng và Nhà nước còn tổ chức cho phụ nữ và trẻ em tuổi mẫu giáo ở Vĩnh Linh sơ tán ra miền Tây Nghệ An và Thanh Hóa. Hồi đó, Nguyễn Hữu Thắng cùng cậu em trai 8 tuổi được sơ tán ra Thái Bình. Vài tháng sau thì mẹ anh cùng 2 đứa em gái lít nhít cũng được sơ tán ra vùng Tân Kỳ-Nghệ An. Bố anh thì ở lại Vĩnh Linh, cùng lực lượng dân quân vừa sản xuất vừa chiến đấu và tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ.

Khỏi phải nói về nỗi nhớ nhà, nhớ cha mẹ của lũ nhóc K8. Năm 1969, Mỹ tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 18 trở ra, Nguyễn Hữu Thắng xin phép vào Tân Kỳ thăm mẹ và hai em. Gặp được mẹ và em rồi, nhưng còn bố và làng xóm nữa. Thế là cu Thắng một mình tìm đường trốn vào Vĩnh Linh gặp bố, lại chạy ra bờ sông Bến Hải ngóng về quê mẹ. Thỏa lòng nhớ thương rồi tìm cách mã hồi ra lại Thái Bình… Tôi hỏi anh chuyến đi ấy hết mấy ngày? Anh bảo khoảng ba, bốn tuần chi đó! Đi bằng phương tiện gì? Từ Thái Bình vô Tân Kỳ thì đi nhờ ô tô của Đặc khu ra thăm con em K8. Nhưng từ Tân Kỳ vô Vĩnh Linh, rồi từ Vĩnh Linh trở ra Thái Bình thì đủ mọi phương tiện, kể cả… chạy bộ. Tôi kêu lên: Sao lúc đó anh cả gan liều lĩnh thế? Anh cười: Nỏ biết nữa. Chắc tại vì nhớ quá!

Tôi hiểu, cái nỗi “nhớ quá” ấy chính là Khát vọng hòa bình của một cậu bé 13 tuổi, khi quê nhà bị bom cày đạn xới, cha mẹ và anh em ruột phải li tán mỗi người mỗi nơi…

Quê tôi ở Quảng Bình, hồi đó mấy anh em tôi cũng thuộc diện được đi K8, nhưng vì sợ “nhớ quá” nên mạ tôi không cho đứa nào đi. Mạ nhắn bố tôi đang công tác trên huyện về, đào bốn góc vườn bốn cái hầm kèo chữ A cho mấy anh em tôi chia nhau trú ẩn. Nói dại mồm, nhỡ bom Mỹ thả xuống vườn thì đã chắc gì trúng cả bốn góc. Những năm tháng ấy, tuổi thơ chúng tôi hầu như phải sống phía dưới mặt đất. Ban ngày đến trường dưới lòng hào giao thông, chằng chịt khắp đường làng ngõ xóm. Lớp học cũng nửa chìm nửa nổi ngang lòng hào giao thông, bốn phía còn đắp thêm ụ đất để tránh mảnh bom, bên trên là những tấm phên đổ cát dày chừng một gang tay để chống bom bi và lửa na-pan. Ban đêm, chúng tôi chui xuống hầm kèo chữ A học bài dưới ánh đèn phòng không tù mù rồi ngủ luôn dưới đó để đề phòng tàu bay Mỹ ném bom tọa độ, chạy không kịp. Hết năm này sang năm khác cứ phải chui rúc như thế, chúng tôi chỉ ao ước bao giờ yên hàn để được tung tăng chạy nhảy trên mặt đất, tung tăng đến trường trên những con đường làng rợp mát bóng tre… Sau này lớn lên, chúng tôi hiểu đó không chỉ là ao ước của những đứa trẻ chúng tôi, mà là Khát vọng Hòa bình của cả dân tộc!

Hồi đó ở làng tôi, nếu có một đoàn cán bộ xã mà có đủ “bộ tứ” là Chủ tịch Ủy ban hành chính hoặc Bí thư Đảng ủy, Xã đội trưởng, Hội trưởng phụ nữ và Trạm xá trưởng, là dân làng thót tim dõi theo từng bước chân của họ, bởi chắc chắn đó là đoàn cán bộ đi báo tử. Và mỗi khi đoàn rẽ vào ngõ nhà nào là ngay lập tức trong nhà dậy lên tiếng khóc đau đớn của bà mẹ, của vợ con, của chị em... Có người ngã lăn ra bất tỉnh. Vì thế, đoàn báo tử lúc nào cũng phải có anh Trạm xá trưởng mang theo túi thuốc cấp cứu... Vài hôm sau khi báo tử, lễ truy điệu liệt sĩ được tổ chức tại Hội trường Ủy ban hành chính hoặc nhà kho Hợp tác xã. Lại những tiếng khóc não nề được dìu từ nhà liệt sĩ đến Hội trường hoặc nhà kho. Dân làng nhiều người cũng khóc. Đám con nít chúng tôi đứng khép nép sau lưng người lớn, nhiều đứa cũng thút thít sụt sùi. Hồi đó, hầu như tháng nào làng tôi cũng có vài cuộc báo tử và lễ truy điệu. Đau xé ruột gan như thế, nhưng làng tôi vẫn “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Lớp lớp trai làng lại tiếp bước nhau ra trận, hết năm này sang năm khác, hết đợt tòng quân này lại đến đợt Thanh niên xung phong khác. Nhiều nữ sinh đang học dở Cấp hai, Cấp ba cũng hăng hái viết đơn tình nguyện lên đường... Hàng trăm người con ưu tú của làng tôi đã ngã xuống trên các chiến trường. Nhiều người đến hôm nay gia đình vẫn chưa tìm được phần mộ. Tôi dám chắc ngôi làng nào trên đất nước ta cũng đều giống làng tôi như thế. Và tôi hiểu đó là cái giá của Khát vọng Hòa bình mà dân tộc ta phải đánh đổi…

Có một nữ nhà báo, nhà văn Cuba từng 13 lần đến Việt Nam để viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam trước đây, từng xuất bản 3 cuốn sách về Việt Nam và hô hào ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam trên nhiều diễn đàn quốc tế… Đó là bà Marta Rojas, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Cuba-Việt Nam. Trong lần trở lại Việt Nam giữa tháng 4/2017, bà Marta Rojas đã đến thăm Hội Nhà văn Việt Nam ở số 9 Nguyễn Đình chiểu – Hà Nội. Trò chuyện với các đồng nghiệp Việt Nam, bà bày tỏ sự vui mừng khi thấy đất nước Việt Nam đang phát triển và đổi thay nhiều mặt. Dẫu còn nhiều điều đáng lo ngại phải thay đổi cho tốt hơn, nhưng cuộc sống hòa bình, thống nhất, ổn định và phát triển của nhân dân Việt Nam hôm nay thật sự là một hạnh phúc lớn, là khát khao cháy bỏng của nhân dân nhiều nước đang chìm ngập trong chiến tranh, li tán; hoặc đang kề bên miệng vực chiến tranh, li tán… Đó là những lời tâm huyết của một chiến sĩ từng tham gia cuộc đấu tranh giải phóng đất nước Cuba khỏi chế độ độc tài Batista, một người dân của đất nước hơn nửa thế kỷ bị các thế lực thù địch bao vây cấm vận, một nhà báo từng chứng kiến cảnh đau thương tang tóc vì chiến tranh đã và đang xảy ra tại nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới. Và tôi hiểu, chẳng riêng gì dân tộc Việt Nam mà cả nhân loại hôm nay vẫn đau đáu Khát vọng hòa bình.

Mới gần đây thôi, những tưởng đi qua đại dịch Covid-19, nhân loại sẽ xích lại gần nhau hơn. Những bất đồng và xung đột về hệ ý thức, thể chế chính trị, quyền lợi kinh tế, sắc tộc, tôn giáo… sẽ được hóa giải hoặc tạm lắng xuống để cố kết cùng nhau trước kẻ thù chung của mọi người, mọi nhà, mọi quốc gia là dịch bệnh, thiên tai, nghèo đói, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường... Nào ngờ không phải thế! Đó đây trên thế giới vẫn còn nhiều thảm cảnh tang thương, không chỉ vì động đất, sóng thần, bão lụt, hạn hán… mà còn vì đạn bom của sự thù hận chia rẽ, chủ nghĩa cực đoan, tham vọng bá quyền…

Là một đất nước đã phải trải qua biết bao hi sinh gian khổ để giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, nhân dân Việt Nam hiểu rõ hơn ai hết sự khốc liệt của chiến tranh. “Việt Nam là bạn của tất cả các nước trên thế giới”. Đó là đường lối ngoại giao nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong công cuộc Đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước; trở thành một nhân tố ổn định trong khu vực và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Đó là thành quả vô giá mà dân tộc Việt Nam quyết giữ gìn và phát huy.

Trong diễn văn nhậm chức ngày 2/3/2023 tại Hội trường Ba Đình, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng bày tỏ sự “trân trọng và ủng hộ khát vọng vươn lên của mỗi người dân; tạo môi trường để mọi người, nhất là thế hệ trẻ, được tiếp cận công bằng, minh bạch với những cơ hội phát triển và cống hiến cho đất nước”. Đó là quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước nhằm huy động sức mạnh toàn dân để thực hiện “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” của dân tộc, một nội dung quan trọng được nhấn mạnh trong Nghị Quyết Đại hội khóa XIII của Đảng ta.

“Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” là một Khát Vọng Lớn của nhân dân Việt Nam, sau khi thực hiện thắng lợi sự nghiệp kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Khát vọng ấy có cơ sở từ thực tiễn cách mạng Việt Nam dưới  sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đặc biệt là từ những thành tựu to lớn của hơn 35 năm sự nghiệp Đổi mới đất nước. Tuy nhiên, trong công cuộc hội nhập và phát triển hôm nay, bên cạnh những thành tựu to lớn của sự nghiệp Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa đất nước đã và đang làm thay đổi hàng ngày bộ mặt đô thị và nông thôn, lại hiện hữu rất nhiều những khó khăn, thách thức, vấn nạn... Đó là sự xuống cấp về đạo đức và những bất an xã hội gần như diễn ra khắp nơi. Quốc nạn tham nhũng dẫu đã được đấu tranh mạnh mẽ và kiên quyết, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm…

Để vượt qua những thách thức, trở ngại trên đây, đòi hỏi phải huy động sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, của dân tộc và thời đại; đồng thời phải tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ và hiệu quả. Trong đó, phải gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường với củng cố quốc phòng và an ninh; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước. Đặc biệt, công cuộc xây dựng chỉnh đốn đảng, đấu tranh chống tham nhũng và suy thoái về đạo đức, tư tưởng, lối sống… đang được tiến hành kiên quyết và nghiêm minh. “Lò lửa” chống giặc nội xâm vẫn rừng rực cháy, không có vùng cấm, không có ngoại lệ…

Một hiền triết La Mã nói rằng: “Tất cả lịch sử là lịch sử đương đại”. Tức là, những giá trị của quá khứ luôn luôn song hành với thời đại chúng ta; như là cơm ăn, nước uống và tinh thần thời đại chúng ta đang sống. Theo đó, có thể nói những thành tựu toàn diện trên các lĩnh vực mà dân tộc ta đạt được trong sự nghiệp Đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế mấy chục năm qua, là những minh chứng sinh động của ý chí Việt Nam trong kháng chiến cứu nước trước đây, đang được tiếp nối phát huy trong môi trường và điều kiện mới của cuộc sống hôm nay. Hiểu như thế để tin yêu hơn và trách nhiệm hơn trong việc giữ gìn và phát huy những giá trị lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước - những giá trị được đánh đổi bằng biết bao xương máu của lớp lớp đồng chí, đồng bào…

Và bởi vì nhiều nơi trên trái đất này vẫn còn cảnh bom rơi đạn nổ, đây đó vẫn còn những âm mưu chống phá sự nghiệp đổi mới và phát triển của dân tộc Việt Nam, nên trong hành trình thực hiện “khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc” hôm nay, mỗi người dân Việt Nam vẫn chưa nguôi Khát vọng hòa bình…


Có thể bạn quan tâm