May 4, 2024, 2:39 pm

KỲ HỌP THỨ NĂM, QUỐC HỘI KHÓA XV: Phản ứng nhanh trước những vấn đề còn tồn tại…

Ngày 22/5, Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khóa XV đã chính thức khai mạc tại thủ đô Hà Nội. Đây là kỳ họp giữa nhiệm kỳ, nên được đánh giá là kỳ họp đóng một vai trò quan trọng, không chỉ nhìn lại những kết quả đã đạt được trong nửa đầu nhiệm kỳ mà còn đặt ra phương thức hành động tiếp theo, nhằm đạt được mục tiêu đề ra của cả nhiệm kỳ. Chính vì vậy, một sự đánh giá khách quan, toàn diện được cho là cần thiết, nhất là trong bối cảnh hiện tại, nền kinh tế đất nước vừa phải đối mặt với những khó khăn nội tại, vừa chịu sự rung lắc mạnh mẽ của kinh tế thế giới.

Ngay trong phiên khai mạc kỳ họp và xuyên suốt tuần làm việc đầu tiên, Quốc hội đã lần lượt bóc tách, làm rõ từng nội dung, kiến nghị mà cử tri cả nước quan tâm tại các dự án luật hiện đang bộc lộ nhiều bất cập. Đó là Luật đấu thầu (sửa đổi), Luật Phòng thủ dân sự, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự… ở mỗi dự án luật việc đóng góp ý kiến đều được tiến hành thận trọng và thể hiện rõ quan điểm mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh là, xác định trách nhiệm của người khởi xướng chính sách, đề xuất xây dựng pháp luật. Cùng với việc cho ý kiến vào các dự án luật, tình hình phát triển kinh tế - xã hội cũng không có sự né tránh mà đi trực diện vào những vấn đề mang tầm chiến lược, dài hơi: Sự căng thẳng trong đấu thầu vật tư y tế, Tình trạng thiếu điện, nhập điện giá cao trong khi các công trình điện gió, điện mặt trời… không được thu mua, hòa vào mạng lưới điện quốc gia… Và còn giá sách giáo khoa, Vấn đề nhà ở xã hội, Lương cho người lao động… Cho rằng, những vấn đề trên có thể giải quyết thấu đáo bằng luật và những cơ chế linh hoạt, Đại biểu quốc hội cho rằng, Chính phủ phải có những giải pháp nhanh nhạy để gỡ các nút thắt này; và phải có những chỉ đạo cụ thể, rà soát, ban hành văn bản hướng dẫn còn thiếu và sửa đổi, bổ sung các văn bản còn bất cập, để các địa phương có căn cứ triển khai…

Bước sang tuần làm việc thứ hai của Kỳ họp thứ 5, từ ngày 29-5 đến 2-6, Quốc hội tập trung thảo luận nhiều vấn đề quan trọng. Đó là việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng. Đáng chú ý, ngày 31-5, Quốc hội thảo luận cả ngày ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2023. Nội dung này sẽ tiếp tục được thảo luận trong phiên họp sáng 1-6, sau đó Quốc hội thảo luận về chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank). Trong phiên họp chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở hội trường về: Phê chuẩn quyết toán Ngân sách Nhà nước năm 2021; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; Việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11-1-2022; Việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn Ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia. Các nội dung này được phát thanh và truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân quan tâm theo dõi.

Hướng đến những đột phá chính sách, ngay trong tuần làm việc đầu tiên, để giải bài toán thiếu điện và giải cứu các nhà máy điện gió, Bộ Công thương đã phê duyệt giá mua điện tạm thời của 15 nhà máy điện gió, điện mặt trời sau quá trình đàm phán với Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Các nhà máy này đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý, kỹ thuật để sớm hòa lưới điện quốc gia. Nhu cầu về nhà ở cũng được Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh giải ngân gói tín dụng 120 nghìn tỷ và đang đẩy mạnh triển khai để giảm bớt khó khăn về nhà ở xã hội. Ngay lập tức Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh mức cho vay và lãi suất tín dụng. Đây được xem là phản ứng nhanh của Chính phủ trước những vấn đề còn tồn tại mà nhiều năm vẫn chưa được xử lý triệt để. Nhiều đại biểu đề nghị lấy đầu tư công là mũi nhọn đột phá cho nền kinh tế. Do đó, tháo gỡ nút thắt trong đầu tư công thông qua phân bổ vốn và có cơ chế để chuyển nguồn vốn tồn đọng tại địa phương, dự án sang những dự án mới, địa phương cần vốn hơn, được xem là sự ưu tiên về nguồn lực một cách đúng hướng.

Đẩy mạnh đầu tư công, cùng với đó là quyết tâm loại bỏ ra khỏi guồng máy những cá nhân chạy theo lợi ích nhóm, sợ sai không dám làm, là những quyết định sáng suốt, cho thấy quan điểm không có vùng cấm, không có kiểu kỷ luật “hất ngược lên trên” trong công tác cán bộ. Chính vì vậy, hiệu ứng xã hội đã có ngay từ tuần làm việc đầu tiên của kỳ họp. Cử tri phấn khởi, tin tưởng vào những quyết sách mới đã và đang diễn ra tại nghị trường.

PV

Nguồn Văn nghệ số 22/2023


Có thể bạn quan tâm