April 29, 2024, 1:23 pm

Khúc tâm tình còn ngân mãi*

1.

Tập thơ Anh đi giữa mùa hoa tam giác mạch của Lương Minh Cừ, khi anh đã ngoài 70 xuân, tôi cảm nhận được niềm khát vọng cống hiến cho đời và thơ ở anh vẫn còn rất mãnh liệt.

Cùng với 3 tập thơ in riêng trước đó: Chân trời vùng sâu (1976), Bất chợt mùa xuân (2007), Nụ tầm xuân (2015), tập thơ này, có thể xem là một cung bậc mới của những khúc tâm tình chất chứa hoài niệm về bao niềm vui, nỗi buồn và cả niềm trăn trở trong quãng đời của người lính – nhà giáo có tâm hồn thi sĩ... Tập thơ gồm 45 bài được sáng tác ở những thời điểm khác nhau, nhưng phần nhiều là sau năm 2015. Điều đáng trân quý là những bài thơ của anh dù được viết ở vị thế của người lính, hay nhà giáo nhưng đều hướng bạn đọc thưởng lãm cái đẹp đằm thắm hương sắc của đời qua thơ và góp phần làm cho cuộc đời nồng ấm hơn.

Trước hết, khi là người lính giữa chiến trường, Lương Minh Cừ thấu hiểu bao nỗi đau mất mát trong chiến tranh và thơ anh không né tránh sự thật khi viết về những nỗi đau đó. Nguồn thi hứng này luôn xao động, thổn thức trong tâm hồn nhà thơ. Anh giãi bày nỗi đau một cách chân tình, cụ thể, trước những gì đã chứng kiến trên những chặng đường hành quân và chiến đấu. Đó là niềm đau đớn tiếc thương khi Đêm ấy bạn không về nữa, Thường ơi, “bạn ra đi, còn sống mãi nụ cười/ và những câu thơ viết còn dang dở…”, hay trăn trở, ngậm ngùi khi “bạn nằm lại/ trên chiến trường biên giới/ hồn thiêng bao giờ trở lại cố hương xưa” (Hoa đã nở vàng trên cỏ biếc), hay quặn lòng xót xa khi bao đồng đội ngã xuống trước ngày toàn thắng:

Bạn ngã xuống trước ngày

 toàn thắng

Bên sông Sài Gòn có sóng

vỗ ngàn năm.

Trời xanh mát chở che cho bạn

Đất quê hương sưởi ấm chỗ

bạn nằm

(Bạn vẫn còn nằm lại với Trung An)

Đó còn là nỗi niềm riêng của anh khi cùng đồng đội đón Bình minh nơi tiền duyên, cho dù đó là nơi bom rơi đạn nổ dữ dội nhưng mỗi sáng vẫn “lắng nghe đất trời mở cửa”, cảm thấy “đất nồng nàn rất lạ” và hạnh phúc trong cảnh “bình minh mở xôn xao từng hơi thở”; là niềm tự hào về em, Cô biệt động Sài Gòn và chùm hoa màu đỏ; hay lặng lẽ Xem hình em giữa trận chống càn với nỗi nhớ khôn nguôi về nụ cười và ánh mắt người thương, để rồi “Người ra đi vẫn gửi về miền hạ/ Cả lòng mình trong khoảng cách xa xôi”. Lời tâm tình ấy rất chân thật, vì khi sự sống và cái chết chỉ còn trong gang tấc, hơn lúc nào hết, người lính càng nghĩ về những người thương yêu nhất, thầm gửi lòng mình thương nhớ ở nơi xa, nơi “quê nhà có vời vợi dáng hình em”. Có thể nói, vẻ đẹp trữ tình lãng mạn của tâm hồn người lính trong chiến tranh được ngời sáng lên từ đó, lẽ tất yếu, nó là “men say” tiếp thêm niềm tin, sức mạnh cho người ra đi. Tôi nghĩ, trong bối cảnh và nhận thức ở thời chiến tranh, có được thi tứ như vậy, đó cũng là điều đáng quý.

 2.

Anh đi giữa mùa hoa tam giác mạch viết nhiều về cảnh sắc, con người từ các tỉnh biên giới phía Bắc cho đến đất mũi Cà Mau, từ những thành phố sôi động cho đến vùng sâu, vùng xa hải đảo… Đến Ải Nam Quan, anh cảm nhận hương sắc Mùa thu Mù Căng Chải và ngỡ ngàng vì nơi đây có “giao hưởng sắc màu thu rất lạ”; anh ngạc nhiên và thú vị trước vẻ đẹp Lãng mạn Núi Đôi mà tạo hóa sinh thành “đôi bồng đảo với hàng ngàn năm tuổi”, “đôi ngực trần kia tiên nữ gởi cho đời”; qua đèo Mã Pí Lèng, Anh đi giữa mùa hoa tam giác mạch với “một rừng hoa bất tận đến chân trời”, “với cao nguyên sắc lạnh đá tai mèo” và “phiên chợ huyện níu chân người cõng núi”, hay giã từ Phù Luông với cảm giác “ngan ngát nhà sàn hương lửa thơm” để rồi  “day dứt nhớ”. Với anh còn Có một Hà Tây trong kí ức về buổi đầu đến với quân ngũ, nơi có “đồng đội trăm quê tụ hội về”, nơi đó “luôn đốt cháy lòng ta nỗi nhớ mong”. Những năm tháng gần đây, về công tác ở miền Tây, anh có điều kiện để hiểu và thương mến cảnh tình, con người nơi đây. Anh nhận ra Bình minh ở miền Tây với âm thanh, sắc màu ngập tràn sự sống yên bình, tươi mát, để rồi dù xa lạ mà vẫn cảm thấy thân thương “giữa sắc màu bình minh”… Nhà thơ thật sự hạnh phúc khi trở lại “miền Tây thương nhớ” vào mùa Tết để tâm hồn mình rộng mở đón hương hoa, nắng gió của đồng nội, lắng nghe “vũ điệu Tràm Chim khua động mây trời”, gặp con người “miền Tây đôn hậu”, và hạnh phúc nhất khi:

Anh trở lại những làng hoa

lộng lẫy,

Đón xuân về nhuộm ngũ sắc

trời xanh.

Những cánh hoa mai đem nắng

vàng thắp lửa

Cho mùa trái cây đọng mật

ngon lành

(Anh trở lại miền Tây mùa Tết) 

Bên cạnh đó, dù chỉ đôi lần thôi nhưng anh đã đến Với Trường Sa bằng “trái tim mình đã đợi chờ hẹn nhau” và cảm nhận được bao điều thiêng liêng mà gần gũi với cuộc đời người lính đảo ở Song Tử Tây, Chân Mây, Côlin… Để rồi, chia sẻ với họ những khó khăn, thử thách giữa trùng dương và tự đáy lòng mình “xin được làm cánh sóng ra-đa canh trời”. Anh cảm phục, tự hào về lẽ sống cao đẹp của những người lính trẻ đang giữ gìn biển đảo và nhận thấy Biển Tổ quốc nơi các anh ngã xuống là “để đất nước mình, trời biển mãi trong xanh”.

Anh đi giữa mùa hoa tam giác mạch còn có những bài thơ lưu lại những cảm xúc của nhà thơ về cuộc sống con người và cảnh sắc ở nhiều đất nước khác như: Lào, Thái Lan, Trung Quốc, xa hơn là Pháp... Đến với Mường Lào, hồn thơ anh say đắm với điệu múa lăm-vông duyên dáng và sắc đẹp hoa chăm-pa biểu tượng cho con người, đất nước Lào; đến Thái Lan, để thưởng thức cái đẹp rực rỡ của Hoa lửa Chiềng Mai trong lễ hội thả đèn truyền thống; đến Vân Nam xem Những bức tranh tường ở thành cổ Lệ Giang, anh hiểu thêm “nét hoang sơ/ đến tận cùng riêng biệt/ văn hóa Nanxi/ đã phác họa cho đời”; còn khi anh đến Paris – Chiều thu muộn và Anh trở lại Paris tuyết trắng để được ngắm nhìn tháp Ép-phen giữa Paris hoa lệ, cổ kính, để yêu hơn nét đẹp trữ tình, thơ mộng của dòng “sông Xen sóng vỗ cung đàn ngày xưa” và “cung điện Louvre, lấp lóa sắc vàng/ Nàng Mona Lisa, vẫn mỉn cười e lệ”, … Những chuyến đi đó đều để lại trong anh nhiều cảm xúc khác nhau và làm cho cảm hứng thơ của anh thêm phong phú, dồi dào...

 3.

Tiếp nối nguồn thi hứng về tình yêu ở những tập thơ trước, Anh đi giữa mùa hoa tam giác mạch có thêm một chùm thơ về tình yêu lứa đôi. Có lẽ, việc giữ được sức thanh xuân trong tâm hồn đã giúp nhà thơ Lương Minh Cừ tìm được nét duyên riêng ở những tứ thơ tình. Thơ tình của anh rất ít khi đi vào luận giải, triết lí về tình yêu dù anh là người có kiến thức chuyên sâu về triết học; trái lại, anh giãi bày về tình yêu rất chân thật, giản dị để từ đó mà sẻ chia, tâm tình với bạn đọc và giúp tâm hồn mình tươi mát hơn trước cuộc đời thường. Đó là niềm Thương nhớ mùa hoa cải đang “khoe sắc vàng rực rỡ” “đốn tim người xa quê”, là chút xao lòng trước Biển sớm khi nhìn thấy em “tóc xõa nhẹ mây bay” và “làn da trắng… / làm nước biển xanh bỗng dâng đầy”, là cái tình lãng mạn giữa Chiều tím với “hương đồng, cỏ nội mà ngây ngất lòng”, “giữa chiều tím, có anh và… em thôi”, là Chiều nhớ khi xa nhau và “chiều nào cũng vậy/ em thường mong anh”. Riêng ở bài thơ Tôi biết là em có lẽ đã yêu tôi, nhà thơ cảm nhận tình yêu của em dành cho anh qua đôi mắt em “trong veo như ngọc”, qua đôi môi em “chín mọng mỗi chiều”, hay khi “nhìn dáng em đi và nghe tiếng em cười”. Dù em không “liếc nhìn tình tứ”, chỉ vậy thôi, nhưng cũng biến anh “thành kẻ ngốc” và “đam mê vẫn sâu thẳm đất trời…”. Mặt khác, thơ anh còn giãi bày niềm khao khát được yêu và Xin em đừng “lắc đầu”, “dùng dằng” và “dập  dình” mà hãy đón nhận tình yêu của anh. Anh “đâu có xin nhiều/ chỉ bờ môi, với một chiều yêu nhau”, nghe mà tha thiết quá. Chỉ xin “một nửa vành môi” thôi, cứ ngỡ là nho nhỏ, có giới hạn nhưng thực ra là vô hạn, là cả bầu trời để yêu:

Xin em một nửa vành môi

Nửa kia em để rạch trời, tôi yêu …

(Xin em)

4.

Đến với tập thơ Anh đi giữa mùa hoa tam giác mạch, người đọc còn bắt gặp tình yêu và nỗi nhớ về quê hương. Với anh, nhớ quê trước hết là nhớ lời ru của mẹ:

Tôi đi góc biển, chân trời

Lòng riêng, riêng vẫn đọng lời

mẹ ru

      (Tôi sinh ra ở làng Đông)

Nhớ quê hương là nhớ về kỉ niệm của tuổi thơ, nơi đó có hình ảnh của “cánh đồng tuổi thơ” với “cánh diều”; nhớ hương vị của đồng nội và âm thanh của “tiếng cu gù … chân đê”, … Vẻ đẹp trữ tình thơ mộng đó của làng quê đã theo anh suốt cả cuộc đời và có lẽ, dù đã lập nghiệp ở miền quê khác nhưng khi tuổi càng lớn, cuộc sống càng viên mãn, anh lại càng nhớ về cố hương da diết, nhất là trong cảnh xuân về Tết đến. Bởi thế, ở tập thơ này, mạch thi hứng về cố hương vẫn tiếp tục được mở ra ở bài Nhớ Tết quê xưa, khi anh về quê dịp Tết. Những cảnh tình được anh giãi bày trong bài thơ mang nét đặc trưng của Tết xưa ở làng quê Bắc Bộ với “Hội xuân vang tiếng trống chèo/ Làn điệu xuân cứ níu theo áo hồng”, “bụi mưa xuân”, “hoa đào nở đỏ” ... Trước cảnh Tết của hiện tại, anh càng nghĩ về Tết của tuổi thơ “Tết quê nóng cả tuổi thơ/ Theo bà đi chợ được mơ… pháo hồng”, được “khoe áo mới”, hay ăn “bánh chưng mẹ gói” và nhớ cả “Mấy cô hàng xén chợ Đông têm trầu”, để rồi bâng khuâng, nhiều lần tự hỏi mình trong niềm tiếc nuối:

Tết ngày xưa ấy còn không

Tết quê, ngày ấy còn không

Hay là:     

- “Bâng khuâng nhớ Tết

ngày thơ…

Bánh chưng mẹ gói, bây giờ

còn không

(Nhớ tết quê xưa)

 5.

Anh đi giữa mùa hoa tam giác mạch có cả những bài thơ sáng tác trong thời chiến, thời bao cấp và thời đổi mới, nhưng dù sáng tác trong bối cảnh nào, những vần thơ của Lương Minh Cừ trong dòng chung vẫn có mạch riêng. Mạch thơ ấy không cuộn chảy mãnh liệt mà cứ lặng lẽ trôi theo cuộc đời anh và luôn mang đậm tính nhân văn. Nếu có ai đó muốn tìm sự đổi mới thơ trong thơ Lương Minh Cừ thì chắc hẳn sẽ không tìm thấy được nhiều về nét đặc sắc, cái mới lạ ở hình thức của thơ anh. Với thơ anh, sự đổi mới thơ rõ nhất, đáng trân quý nhất chính là ở cách chiếm lĩnh thực tại cuộc sống từ những chiều kích khác nhau qua suy ngẫm sâu sắc về tình đời, tình người. Đó cũng là cách đổi mới hiệu quả cho thơ và để thơ anh không rơi vào lối mòn trong cảm nhận. Chẳng hạn, khi viết về người lính thời chiến hay trong thời bình, anh không chỉ bày tỏ niềm tự hào kiêu hãnh về họ mà còn gửi gắm trách nhiệm, tình cảm “uống nước nhớ nguồn”, nhất là thể hiện nỗi băn khoăn khi Bạn vẫn còn nằm lại với Trung An, hay còn nằm lại giữa biển khơi: Biển Tổ quốc nơi các anh ngã xuống, để gợi lên cho con người trong cuộc sống hôm nay bao điều cần nghĩ, với riêng anh là tâm nguyện: “Trời xanh mát chở che cho bạn/ Đất quê hương sưởi ấm chỗ bạn nằm”, là: “Đem những vầng mây che mát biển anh nằm”. Cũng vì thế, khi viết Thành phố này là thành phố mùa xuân, anh những mong người đời hôm nay và mai sau “đừng quên những tháng năm ông cha đem máu xương đánh đổi cuộc đời” để “chia với mỗi người sắc màu của chiều sâu hạnh phúc”. Còn ở thời đổi mới, khi lên vùng cao, Anh đi giữa mùa hoa tam giác mạch và nhận thấy nơi đó, cuộc sống vẫn trỗi dậy với những bản làng “lưng chừng núi”, với điệu khèn, phiên chợ và “chiều vàng khói tỏa”; nơi đó có “những thiếu nữ Lô-lô rực rỡ sắc màu”, những em bé “có đôi mắt biết cười”... Đó là những “người cõng núi”, “là hoa tam giác mạch” làm nên vẻ đẹp của nơi “cao nguyên sắc lạnh đá tai mèo”. Nét linh diệu của bài thơ chính là tạo nên một không gian bình yên, sự giao hòa giữa con người và vũ trụ ở nơi núi rừng, xa xôi cách trở.

Có thể nói, nét mới, nét đặc sắc trong tập thơ này được xuất phát từ cách chiếm lĩnh thực tại cuộc sống nói trên. Tuy nhiên, bạn đọc có thể băn khoăn vì cuộc đời, tình đời trong thơ anh bao giờ cũng đẹp, tương lai luôn mở ra trong niềm tin yêu mà hầu như không nói đến cái tủi buồn, cô đơn, cái mong manh hữu hạn của kiếp người và cả về những nghịch lí trong cuộc sống…, những nội dung dễ tìm thấy trong thơ Việt Nam đương đại. Tôi nghĩ, tự đáy lòng anh, hơn ai hết, sau những năm tháng mà sự sống và cái chết chỉ còn trong gang tấc đã qua đi, thì vị ngọt lành của cuộc sống hòa bình, hạnh phúc là vô giá. Bởi thế, dù trước hoàn cảnh nào của đời sống, ở anh niềm tin về tình yêu và cuộc sống bao giờ cũng cháy bỏng, mãnh liệt. Cảm xúc thơ anh xuất phát từ nguồn cội đó cũng là lẽ tất yếu.  

_________

* Đọc Anh đi giữa mùa hoa tam giác mạch của Lương Minh Cừ, NXB Hội Nhà văn, 2023

Nguyễn Lâm Điền

Nguồn Văn nghệ số 38/2023


Có thể bạn quan tâm