May 5, 2024, 9:08 am

Không phải là ngày 11 tháng 9

Hôm nay đã là một ngày khác, không phải là ngày 11 tháng 9. Nhưng con người phải hiểu rằng : mọi ngày có thể trở thành ngày 11 tháng 9. Nghĩa là tội ác luôn thường trực với bất cứ hình thức nào trong đời sống con người và nó đến từ mọi con đường chúng ta không lường tới. Chúng ta nói đến ngày 11 tháng 9 là nói đến những nguy cơ của tội ác, để bày tỏ lương tâm, thái độ của chúng ta và để bảo vệ cuộc sống con người trong thế giới này…

MỘT NGÀY KHÔNG THỂ QUÊN

Nguyễn Ðức Tùng

Ngày thứ ba, 11 tháng 9 năm 2001, khoảng sáu - bảy giờ sáng, tôi đứng trong phòng cấp cứu của bệnh viện Richmond. Tay tôi cầm cái khay nhỏ có bánh xe chứa dụng cụ, từ buồng bệnh đi dọc theo hành lang đến khu vực y tá. Trên hành lang, những chiếc giường do xe cấp cứu đẩy vào nằm la liệt; tôi tự nhủ, sẽ là một ngày bận rộn. Tôi dừng lại. Một điều gì đó đang xảy ra, trên màn vô tuyến truyền hình gắn ở cuối hành lang, nhưng không chỉ trên màn hình, mà trong không khí lan toả quanh tôi, trên vẻ mặt mỗi người, y tá và bệnh nhân, nhân viên cứu thương và nhân viên bảo vệ, cảnh sát và bác sĩ, một điều gì tựa như sự nối kết vô hình, một thông điệp sợ hãi mà ngay lập tức có thể nhận ra được. Tôi thấy những ngọn lửa đỏ hừng hực, những đám mây đen, tro tàn lả tả. Người chạy trên đường, tất tả, hoảng hốt, ngược về phía tôi đứng.

Đó là một ngày đẹp. Quanh tôi trời mờ sáng, mặt trời rẽ mây đi tới, gió mát lướt qua nhấp nhô đồi vàng óng của rừng phong đã thu. Chuyến bay American Airline 11 rời khỏi phi đạo ở phi trường Boston, tiên liệu sáu giờ sau sẽ đáp xuống Los Angles, thành phố Thiên Thần. Nhưng nó bỗng đổi hướng, về New York. Nó mang theo chín mươi ngàn lít xăng, với trọng lượng và tốc độ ghê gớm, lao vào toà tháp đôi World Trade lúc 8 giờ 45 phút. Mười lăm phút sau khi chuyến bay ấy cất cánh, từ một phi trường khác, chiếc United Airline 175 cũng lăn bánh chuẩn bị bay về New York. Trên máy bay, một người đàn bà vừa thắt lại dây lưng an toàn, có lẽ đang nhận ly nước ngọt từ tay người chiêu đãi viên, với chiếc khăn lau miệng và gói bánh kẹo ăn vặt, như thường lệ. Mặc dù đói bụng, cô không vội ăn uống; cô rút từ trong túi áo ra chiếc điện thoại di động và nhắn tin cho đứa con gái mười sáu tuổi đang từ nhà tới trường: “Mẹ đã lên máy bay, mọi chuyện tốt đẹp, mẹ nhớ các con”. Con bé có một đứa em trai chín tuổi, khi ấy đang ngồi trên xe hơi của ba nó vì chúng học hai trường khác nhau; con bé muốn tới trường một mình, đi bộ, vì gần nhà.

Đó là tất cả những gì còn lại, trong điện thoại của đứa con gái, và trong những gì người lính cứu hỏa tìm được dưới đống gạch đá tro tàn.

Nhưng vào lúc ấy, những câu chuyện như thế chưa ai biết cả. Vào lúc ấy, thế giới đứng sững lại, nhân loại bàng hoàng, đồng tử mở lớn, chôn chân xuống, bất động, không tin vào điều mình nhìn thấy. Vào lúc ấy, sự sống dừng lại. Tôi cầm chặt tập bệnh án trong tay, cố không để rơi xuống. Trên chiếc xe mà tôi đang đẩy đi có khay dụng cụ để chuẩn bị truyền tĩnh mạch trung tâm cho một bệnh nhân suy kiệt nhiều ngày, không ăn được do ung thư tụy giai đoạn cuối. Đã lâu không làm thủ thuật lấy mạch trung tâm này, tôi nghĩ cần sự giúp đỡ của một đồng nghiệp khác; tôi đang chờ anh ta, người thường xuyên tới trễ. Trên đầu tôi khói bốc nghi ngút, những người chạy trên đường, đàn ông và đàn bà, người lớn và trẻ con. Nhưng chuyện đó không chỉ xảy ra ở New York. Hình như nó đang xảy ra ở nhiều nơi khác. Mọi thứ lộn xộn, tin tức và tin đồn. Chuyến bay American Airline số 77, chuyến bay thứ ba, rời khỏi phi trường Dulles sớm hơn một lát vẽ đường bay qua nước Mỹ trước khi phi công và người lái phụ bị khống chế bởi bọn không tặc và đổi đường bay, lao xuống Lầu Năm góc. Lúc chín giờ sáng ngày 11 tháng 9, một người đàn ông nhắn tin cho vợ mình từ trên chuyến bay 77 ấy, “em ơi, máy bay của anh bị không tặc”. Đó là tin nhắn cuối cùng.

Trên tất cả bốn chuyến bay, mỗi chuyến có bốn hay năm tên không tặc Hồi giáo, trong đó có một được huấn luyện kỹ để lái máy bay phản lực. Chuyến bay United Airline 93 bay về hướng thủ đô Whashinton DC đã bị chệch hướng do những hành khách dũng cảm đứng lên đương đầu với bọn không tặc, cướp lại phòng lái, cuối cùng tất cả đã lao xuống một cánh đồng gần thành phố Shankville, Pensylvania lúc 10: 03 sáng. Những hành khách anh hùng ấy sẽ được tưởng nhớ; không có cố gắng tuyệt vọng của họ, hàng ngàn người khác có thể đã chết ở khu vực gần Nhà Trắng hoặc đồi Capitol Quốc hội Mỹ, một trong hai mục tiêu mà chuyến bay nhắm tới.

Tôi nhìn ra ngoài cửa. Mặt trời đã lên cao, mây bay đầy trời, mỏng dần như những chiếc khăn lụa trắng. Tôi tưởng tượng mặt đất đầy mùi hương của mùa tường vi muộn, oải hương, thanh cẩm tú, hoàng cẩm tú. Một con ong cuối cùng bay qua. Nhưng những bệnh nhân nhỏ tuổi bị gãy xương của tôi vẫn cứ la hét, những người già lú lẫn ngồi trong xe lăn vẫn rên rỉ, xe cứu thương vẫn tới tấp đổ người vào, dây chuyền nước biển vẫn phải tí tách nhỏ giọt, các y tá chạy đi chạy lại, một Code white (mã thông báo nhân viên y tế chịu bạo lực), một Code blue (mã thông báo cấp cứu nội viện khẩn cấp) được phát trên loa đâu đó nhưng tôi không có thì giờ quan tâm đến. Tôi nhìn bảng phân công trên tường biết là chỉ có ba bác sĩ trực, hai nội trú, và một bác sĩ sản khoa hôm nay, trên tổng số ba mươi hai giường; y tá rất thiếu, nhìn quanh toàn thấy khuôn mặt lạ, những nữ y tá giỏi mà tôi trông cậy biến đâu mất.

Tôi nhìn thấy một trong hai tòa tháp đôi sụp đổ, trong khi cái kia vẫn còn. Sau này tôi biết đó là Tháp Nam. Cái thứ hai, Tháp Bắc, vẫn còn, một lúc nữa. Tôi nhìn thấy rõ như vậy. Tôi biết chắc rằng tôi nhìn thấy cái thứ hai thủng một lỗ lớn, gọn ghẽ, khói đen phụt ra, khoảng nửa giờ sau bắt đầu lảo đảo ngã xuống. Tôi không nhớ đó là cảnh quay trực tiếp, live, hay quay lại, nhưng nếu quay lại thì cũng gần như ngay lập tức. Lúc đó là giờ các y tá đang giao ban ở phòng bên cạnh. Nếu có một cảnh tận thế nào cần được dựng lên trong phim ảnh về sự kết thúc của loài người hay trái đất, của vũ trụ, hay sự kết thúc của bất cứ điều gì mà bạn hằng tin, tôi không thấy một thí dụ nào hoàn hảo hơn sự sụp đổ của buổi sáng hôm ấy. Khi mọi người nhìn thấy tòa tháp thứ hai đổ xuống, không ai còn tin rằng đó là tai nạn, cũng không ai tin rằng nó là một vụ không tặc thông thường.

Đây là sự hủy diệt nước Mỹ và nhân loại. Đã có 2.977 người vô tội đủ mọi chủng tộc bị giết, trong đó có 340 lính cứu hỏa và 72 cảnh sát, 25 ngàn người bị thương hay tàn tật, hàng ngàn gia đình đau khổ vì mất cha mất mẹ mất anh em. Kinh tế thế giới đình trệ, nhiều người trong các nước thứ ba mất việc lây, lâm vào cảnh bần cùng, bao nhiêu bất trắc và bất tiện cho người đi lại hàng không, cuộc sống vốn đã khó khăn càng khó khăn hơn, nhân loại trở nên nghi ngờ nhau, khởi động các âm mưu trong bóng tối, các đầu óc bệnh hoạn, các biên giới dựng lên cao ngất giữa các quốc gia và chủng tộc, giữa các tôn giáo và lòng người.

Tiêu diệt nước Mỹ không phải chỉ là tiêu diệt nước Mỹ, mà là mở đường cho sự tiêu diệt thế giới văn minh. Không có thỏa hiệp nào giữa một bên là những kẻ khủng bố cực đoan, những người bao che cho chúng hay đầu hàng chúng khắp thế giới, và một bên là nhân loại vô tội. Một lần tôi đến New York sau sự kiện 11-9, khi mọi thứ còn hoang tàn đổ nát, và một lần khác nhiều năm sau, khi khu tưởng niệm đã xây xong, một khu tưởng niệm theo tôi chưa xứng đáng với sự mất mát và những tấm gương quên mình, mặc dù vậy cũng tạm thu xếp xong. Cả hai lần, tôi đều có cảm giác lạ lùng khi đăm đăm ngước nhìn bầu trời, không hình dung ra điều gì.

Nhiều năm sau nữa, ký ức làm việc trở lại, khi tôi có dịp đi qua hành lang cũ của bệnh viện Richmond, gặp đúng chiếc màn hình mới, gắn trên vị trí ti vi cũ, nhưng lớn hơn, sáng hơn. Tôi đứng đó, buổi sáng mùa thu, nhìn ra cửa sổ, sương mờ trên cỏ bắt đầu tan, và tôi nhớ lại. Tôi đã nhìn thấy những chấm đen li ti liên tiếp rơi từ trên hai tòa nhà, mới đầu tưởng đó là những tàn lửa, về sau nghĩ đó là đám chim tan tác bay đi, nhưng bây giờ thì tôi tin rằng tôi đã nhìn thấy những cái bóng người lao xuống. Tất nhiên không có gì chứng minh tôi đúng, vì các hình ảnh quá xa, tôi chỉ biết một mình thầm tin như thế.

Mới đây đọc được một bài báo, không nhớ tác giả, kể chuyện một người quay phim đã bắt được cảnh tượng hai người cầm tay nhau nhảy qua cửa sổ từ trên tầng lầu cao chót vót, tôi suy nghĩ thêm.

Tôi tự hỏi: họ là ai? Không ai biết.

Họ là hai người bạn làm cùng phòng? Một cặp tình nhân? Một cặp vợ chồng? Hay một nhân viên trong giờ làm việc đang ngồi tiếp một người khách hàng mua bảo hiểm của cô?

Dưới sức nóng của địa ngục hàng ngàn độ C, họ đã nhảy qua cửa sổ. Không ai có hy vọng nào sống sót từ độ cao khủng khiếp ấy. Họ không đi tìm sự sống, họ biết rõ điều ấy. Họ quyết định đi tìm cái chết, dẫu là tan tác, trên một mặt đất yêu dấu, tráng nhựa hay cỏ mềm xanh, và vào giây phút ấy họ cầm chặt lấy tay nhau, như một phản ứng tự nhiên, dù đó là người họ đã gặp mỗi ngày nhiều năm nhiều tháng hay những người mới gặp lần đầu, không biết họ tên không quê quán. Họ quyết định mang theo số phận kẻ khác, một con người, trong bàn tay nhỏ bé của mình. Tôi thường nghĩ tới hình ảnh hai bàn tay nắm chặt lấy nhau ấy, trong một giây ngắn ngủi và dài vô hạn.

 

MỘT BÀI THƠ VIẾT VỀ CÁI CHẾT

Lê Sỹ

20 mươi năm sau, vào ngày 11-9, thế giới lại nói về cuộc tấn công khủng bố bằng máy bay vào tòa Tháp Đôi ở New York. Thực ra, mọi thông tin về cuộc khủng bố đã có thể đủ đáp ứng cho những người muốn biết kỹ hơn về sự kiện bi thương này. Nhưng nhân loại sẽ còn nhắc nhớ mãi về ngày này để nói về sự tàn độc của con người trong thế giới hiện đại. Lớn hơn là nói về sự sống, một sự sống mãnh liệt vượt qua tất cả mọi đe dọa, khủng bố, mọi sự độc ác trên thế gian này.

Cho đến bây giờ, nhiều người vẫn không chịu đựng nổi cảm xúc khi xem bức ảnh những người rơi từ tòa Tháp Đôi. Nhắm mắt lại hình dung cú chạm đất của họ và rùng mình, ngạt thở và đau buốt tới tận đỉnh đầu. Một người bạn Mỹ của tôi nói rằng nhiều người mất người thân trọng vụ 11-9 đã cố nhìn những bức ảnh các nạn nhân rơi từ tòa tháp đôi để xem đó có phải người thân của mình không. Tôi băn khoăn không biết nếu một ai đó nhận ra người đang rơi kia là người thân yêu của họ thì họ sẽ sống tiếp những năm tháng sau này như thế nào?

Không ít người viết về cảnh đó. Nhưng có một nhà thơ viết bài thơ về những người đang rơi mà tôi không bao giờ quên được. Đó là nữ nhà thơ đoạt giải Nobel người Ba Lan, Wislawa Szymborska. Bài thơ như một bản thánh ca. Tôi luôn cảm thấy như vậy mỗi khi đọc. Dưới đây là toàn văn bài thơ.

 

Tấm ảnh chụp ngày 11 tháng 9

 

Họ nhảy xuống

Từ những tầng nhà rực lửa

một người, hai người và tiếp nữa

cao hơn, thấp hơn

 

Tấm ảnh chụp cố níu họ sống,

Còn bây giờ lưu giữ họ

Đang lao xuống

từ trên cao

 

Họ vẫn còn nguyên

với gương mặt mình,

Máu họ vẫn chìm

Sâu trong cơ thể

 

Thời gian còn đủ

cho tóc họ bay,

Tiền xu, chìa khóa

rơi khỏi túi dày.

 

Họ vẫn còn trên không trung,

trong những vị trí

mở toang

 

Chỉ hai việc tôi có thể làm cho họ:

Miêu tả chuyến bay

Và không đặt tay

Ghi vào câu kết.

Thú thật rằng: khi đọc bài thơ đó, tôi rơi vào trạng thái hoảng loạn và chấn động thần kinh. Tôi đã xem cảnh quay và cả ảnh những người đang rơi từ tòa nhà cao hơn 100 tầng từ 20 năm trước. Bởi thế khi đọc bài thơ tôi như một kẻ bị tra tấn tinh thần tột độ. Cứ sau mỗi câu thơ, tôi thấy những con người đang rơi lại gần mặt đất hơn. Họ sẽ rơi xuống đất và cảnh cuối cùng như thế nào thì mọi người đã nhận ra. Lúc đó, tôi nghĩ về văn chương sẽ thể hiện thế nào trước cảnh bi thương hãi hùng ấy. Nếu nhà thơ tiếp tục miêu tả cú rơi ấy tới tận cùng thì tôi nghĩ: nhà thơ đã làm cho những người đó chết hai lần và những người chứng kiến, nhất là người thân của họ, đau hơn thêm một lần nữa. Một cái chết trong ngày 11-9 cụ thể và một cái chết trong thơ ca. Và cái chết trong thơ ca hay trong một tác phẩm nghệ thuật như thế sẽ là một cái chết không kết thúc. Nó sẽ bám theo con người và hành hạ họ suốt thế hệ này đến thế hệ khác khi còn đọc tác phẩm đó. Khi cơn dư chấn thần kinh của tôi sắp lên đến đỉnh điểm thì mọi chuyện đã hoàn toàn khác với đoạn cuối của bài thơ.

Chỉ hai việc tôi có thể làm cho họ:

Miêu tả chuyến bay

Và không đặt tay

Ghi vào câu kết.

Tôi hình dung trong căn phòng tĩnh lặng của mình, nhà thơ Wislawa Szymborska đã khóc rất lâu khi bà kết thúc bài thơ. Sứ mệnh của một nhà thơ đã được thực thi. Nhiệm vụ của bà, một nhà thơ, là miêu tả chuyến bay của những con người đó. Một chuyến bay chứ không phải là một cú rơi. Và nhà thơ đã không viết kêu kết. Bà để cho những con người ấy bay mãi và bay mãi trong bầu trời New York ngập nắng của ngày 11-9. Nhà thơ dựng lên chuyến bay của những con người vô tội kia để những ai chứng kiến cảnh bi thương ấy sẽ cười trong nước mắt với sự an ủi tinh thần lớn lao là họ không chết. Họ đã được Thiên chúa đỡ nhẹ nhàng và nâng họ lên cao mãi. Họ được đưa về nước Chúa trong ánh sáng ngập tràn. Chuyến bay của những con người ấy qua những câu thơ vô cùng giản dị của nhà thơ minh chứng sức mạnh tinh thần phi thường của con người. Họ đã bay qua cái chết thông thường. Và con người không thể chết bởi sự tàn bạo của quĩ dữ đội lốt con người.

Thơ ca, cụ thể là nhà thơ Wislawa Szymborska, đã cứu tôi thoát khỏi cơn hoảng loạn kinh hoàng. Hay nói rộng lớn hơn, nhà thơ đã cứu những người đã chết không chết nữa. Thơ ca làm cho con người bay lên từ chính cái chết của mình. Đấy chính là sứ mệnh cao cả của thi ca; tôi luôn tin vào thi ca như vậy.

Nguồn Văn nghệ số 39/2021


Có thể bạn quan tâm