April 29, 2024, 7:51 am

Không ổn định, làm sao phát triển?

Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với Chính phủ ngày 27/7 đã đề cập đến nhiều vấn đề của giáo dục: thi tốt nghiệp THPT, đội ngũ giáo viên, chương trình, biên soạn và phát hành sách giáo khoa mới,... Trong đó có nhận xét: “Bộ Giáo dục & Đào tạo không tổ chức biên soạn được một bộ sách giáo khoa theo quy định của Nghị quyết số 88 của Quốc hội, ảnh hưởng tới trách nhiệm Nhà nước trong triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018”.

Tuần vừa qua, trên các phương tiện truyền thông lại sục sôi các ý kiến về cuộc làm việc của Đoàn giám sát của Quốc hội khi làm việc với Chính phủ liên quan đến việc giao Bộ Giáo dục & Đào tạo biên soạn một bộ sách giáo khoa. Trong cuộc làm việc này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã không đồng ý với nội dung trên của Đoàn giám sát. 

Cho tới thời điểm hiện nay, năm thứ tư, thầy trò toàn quốc đã đi sắp hết lộ trình của công cuộc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Ba bộ sách được Bộ Giáo dục & Đào tạo phê duyệt được biên soạn theo Chương trình CC 2018 ngay từ năm học 2020-2021 đã đi vào thực tiễn giảng dạy và học tập của thầy trò tại các cơ sở giáo dục. Ngoài những “hạt sạn” ít nhiều trong các bộ sách thời gian đầu mà các tác giả đã cầu thị, tiếp thu, sửa chữa, các bộ sách giáo khoa đã đem lại hiệu ứng tích cực, được dư luận đồng tình, ủng hộ. Hầu như tất cả các các chuyên gia giáo dục, các nhà khoa học giáo dục, các nhà giáo giỏi, có năng lực, am hiểu sâu sắc về giáo dục phổ thông đầu ngành trong toàn quốc đã tham gia biên soạn các bộ sách đang được sử dụng. Vậy giả sử Bộ Giáo dục & Đào tạo biên soạn thêm bộ sách giáo khoa của Bộ, điều gì sẽ xảy ra? Bộ sẽ chọn lại các Tổng chủ biên, Chủ biên và các tác giả sách giáo khoa viết lại các bộ sách, hay chọn các cuốn sách trong các bộ sách mà Bộ cho rằng tốt nhất, mang về tập hợp thành bộ sách “made in Bộ Giáo dục & Đào tạo”? Cả hai phương án này đều không khả thi, không thuyết phục... Bản chất vẫn là bình mới, rượu cũ. Việc làm này mặc nhiên phá vỡ sự ổn định của Chương trình Giáo dục phổ thông. Trong khi đó, các bộ sách giáo khoa đã được Bộ phê duyệt, đang được thực hiện tương đối tốt ở các cơ sở giáo dục…

Cách đây mấy năm, khi tôi có dịp về công tác tại trường Phổ thông dân tộc bán trú TH&THCS Nam Mẫu (Ba Bể, Bắc Kạn), một cô giáo trước khi nghỉ hưu nói với tôi, cô ao ước có một chiếc áo dài để chụp ảnh kỷ niệm trước khi rời mái trường. Bốn bề rừng xanh, mây phủ, lòng hồ sương khói. Cô giáo nói xong rồi lặng lẽ bước đi… Hai năm trước, đến trường Phổ thông dân tộc bán trú TH&THCS Hoàng Trĩ (Ba Bể, Bắc Kạn), tôi thấy các cô giáo co ro trong giá lạnh mùa đông. Phòng công vụ của giáo viên trơ trọi, không đệm ấm, ngoài chiếc chiếu và chiếc chăn mỏng. Gió núi từng đợt dội về u u... Mặt mũi các cô đỏ bầm, đôi bàn tay tê tái. Các cô chỉ ước có chiếc đệm để đêm nằm cho đỡ rét. Tôi thấy cay xè trong mắt… Có những giáo viên ước mơ có được loại phấn viết bảng không bị hơi sương làm ướt đẫm khi gắn bó với học trò ở những điểm trường Lào Cai. Có những cô giáo mầm non thương học sinh buốt giá, che chắn hướng gió ngày đông cho trò khi cửa không đủ kín, gió vẫn lùa ở Mường Phăng (Điện Biên). Cũng ở đây có những giáo viên phải buộc dây xích vào bánh sau xe máy khi ngày mưa oằn mình xuống dốc với khúc đường lầy lội, mưa táp vào mặt, chuệnh choạng tay lái, nhưng chỉ lo cặp sách ướt, không lo quần áo bẩn... Trên thực tế, chính sách giáo dục, đời sống giáo viên, đổi mới chương trình, thay sách giáo khoa,... đi liền với nhau, không thể tách rời. Áp lực về cảnh ngộ, về đời sống, về cá nhân... không áp lực bằng việc các thầy cô cống hiến trong ngành, mà hoang mang không biết việc mình đang làm có ổn định không, có phải làm lại không, trong khi chế độ đãi ngộ cho giáo viên ở mức không cao.

Vậy, Thêm một bộ sách giáo khoa khi đã có ba bộ, cần thiết không?

Thêm một bộ sách giáo khoa khi lãng phí tiền của nhân dân gần 400 tỷ, có nên không?

Thêm một bộ sách giáo khoa, thêm hoài nghi và sự nhọc nhằn cho thầy và trò, cho phụ huynh học sinh, có nên không?

Thêm bộ sách giáo khoa, trở về thời độc quyền sách giáo khoa, có nên không?

Thiết nghĩ, thông tư, nghị định, nghị quyết, chính sách,... nào cũng phải được xuất phát từ thực tiễn, vì con người, vì sự bình ổn xã hội. Đặc biệt, phải mang tính nhân văn. Điều ấy càng cần đối với ngành giáo dục hơn bao giờ hết.

Nhà văn Chu Thị Thơm

Nguồn Văn nghệ số 32/2023


Có thể bạn quan tâm