May 20, 2024, 4:09 am

Khoảng trống xót xa…

Hai người bạn, Hoàng Trần Cương và Vương Lân học với nhau chỉ một năm lớp 8, khóa 1964-1965 ở trường cấp 3 Đô Lương. Những năm mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ, Đô Lương là một trọng điểm.

Vương Lân theo trường tìm nơi sơ tán, Hoàng Trần Cương chia tay trường, chia tay bạn ra Bắc Ninh học tiếp. Hoàng Trần Cương từng kể: “Hai người cùng học giỏi đều tất cả các môn, riêng thơ, nếu tuần này Vương Lân đầu bảng thì tuần sau đến lượt Hoàng Trần Cương”.

Tôi từng chứng kiến tình yêu văn chương của hai người, trong hai thời điểm khác nhau. Thuở học lớp 7, lớp 8, Vương Lân ngoài thơ, thường đọc trầm có những chương trong tiểu thuyết Tắt đèn của nhà văn Ngô Tất Tố. Đã xấp xỉ tuổi 70, Hoàng Trần Cương đọc thơ, tôi không nghe rõ chữ, rõ câu nhưng cảm thấy thơ thoát ra từ miệng, mắt, tay, chân tràn cả căn phòng bè bạn. Vương Lân có thơ in báo khi còn học lớp 8. Năm 1968, trong cuộc thi thơ viết cho thiếu nhi của Chi hội văn học nghệ thuật Nghệ An, Vương Lân đạt giải ba với bài thơ Bê con. Thơ Vương Lân, thật trong sáng, đầy nhiệt huyết, yêu đời, yêu người luôn hướng về cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta.

Năm 1968, Vương Lân vào bộ đội khi vừa tốt nghiệp phổ thông. Năm 1970, Hoàng Trần Cương vào bộ đội khi còn sinh viên. Đầu năm đó Vương Lân đã chứng kiến ở chiến trường Quảng Trị: “Ngày 30/4/1970. B52 ném bom ác liệt vào rừng, chớp lửa sáng lòe, hầm rung bần bật. Hàng đàn trực thăng thay nhau sà xuống đổ quân…” (Nhật ký Vương Lân). Những bài thơ từ mặt trận đã lần lượt xuất hiện trên tạp chí của Hội văn nghệ Nghệ An.

Năm 1972 cả hai cùng chung một “Chiến dịch 81 ngày đêm chiến đấu và bảo vệ Thành cổ Quảng Trị” ác liệt nhất trên tất cả các chiến trường lúc đó. Trong số hơn 11 ngàn liệt sỹ hi sinh trong chiến dịch ấy, có Vương Lân. Trong số hàng vạn thương binh, có Hoàng Trần Cương. Họ chỉ “gặp nhau” bất ngờ, khi cả hai cùng có mặt trong tập sách Tâm hồn tuổi trẻ năm 1972, do nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành. Hai tâm hồn đồng điệu, nặng tình, nặng nghĩa, nặng trách nhiệm với quê hương, đất nước trong những dòng thơ và những dòng nhật ký nóng hổi. Đó là tập sách thu hút bạn đọc trẻ hướng tới những phẩm chất anh hùng, không sợ gian khổ, hy sinh sẵn sàng lên đường đánh giặc.

Tuy vậy, thơ của hai người, vẫn là những chùm thơ tiềm năng, những chùm thơ chưa hái. Hoàng Trần Cương đi đến hết cuộc chiến, có cơ hội biến chùm thơ chưa hái thành chùm thơ chín tặng cho đời. Nhưng Vương Lân, không còn cơ hội. Anh mãi mãi tuổi hai mươi. Điều này đã để lại một khoảng trống xót xa, một nỗi day dứt khôn nguôi. Hoàng Trần Cương đã thể hiện nỗi lòng đó trong bài thơ Chùm thơ chưa hái để tưởng nhớ Vương Lân. Bài thơ Chùm thơ chưa hái viết năm 1995, sau 23 năm chia tay mãi mãi người bạn học, bạn thơ. Bài thơ của một thương binh tưởng nhớ một liệt sỹ đầy xót xa, day dứt ghim lại trong lòng bạn đọc để nhớ một thời tưởng đã qua mà chưa thể qua.

Những day dứt biến những câu thơ trở nên buồn, già, gợi và đầy cảm giác. Nắng, hoàng hôn cũng già đang dìu nhau về núi. Dựng lại bối cảnh thật gợi, như đâu đây những người lính đang dìu những người lính bị thương đi về tuyến sau. Thơ không nhắc tới Quảng Trị nhưng tất cả đều gợi về vùng đất ấy, nơi một thời hai người cùng chung một chiến hào đánh giặc: “Nắng cũng biết già đến thế Lân ơi/ Hoàng hôn đại ngàn dìu nhau về núi”. Bóng dáng chiến tranh, những cảnh vật cụ thể và những người lính trẻ hiện lên.

Không tạo ra một cảnh mộng mơ, chỉ vài nét chấm phá, tâm hồn chiến sĩ ngày ấy, yên bình trong gian khổ và hi sinh: “Gốc săng lẻ nào mày từng ngồi làm thơ và nhớ mẹ/ Cuốn nhật ký mỏng dần theo đêm sáng trăng”. Gốc săng lẻ, thơ, mẹ, trăng và cuốn nhật ký, gợi nhớ về liệt sỹ Vương Lân. Những dòng nhật ký chiến trường, những câu thơ, những chùm thơ tiềm năng, đầy hứa hẹn sẽ hái trong tương lại. Hoàng Trần Cương tin như thế.

Và sự thật cắt ngang ký ức, những trang giấy trắng trong cuốn nhật ký mãi mãi không có thêm một dòng nào nữa. Thơ Hoàng Trần Cương chạm khẽ vào một nối đau thật tinh tế. Kỷ niệm đang sống lại, buồn thương nhưng diễn tả thật bình tĩnh và tinh tế: “Nửa cuốn vở sót lại toàn giấy trắng”.

Bỗng nhịp thơ đột ngột, ứ nghẹn, giật cục hai chữ một: “Đứt ngang/ Thác nắng/ Đầu ngày”. Thơ là nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ, nhịp điệu để diễn tả nỗi lòng. Trong cái đau thương vụt thức dậy đó, đã làm nền bật lên những câu thơ vô thức: “Sao không là tao mà lại là mày/ Sao không cả hai thằng một lúc”. Những câu hỏi dồn dập không thể trả lời. Tác giả như bừng tỉnh và thừa nhận sự thật đau đớn này “Nhớ chiều mày hy sinh” và người đọc bị ám ảnh bởi câu thơ, “Đất Quảng Trị ghì vào mình những chùm thơ chưa hái” và “Những nỗi niềm đang ráo riết xanh”. Cảnh, tình đối lập. Đất Quảng Trị ghì biết bao liệt sỹ nhưng ghì “chùm thơ chưa hái”, chỉ có một. Trong cái “ghì” đó, sự yêu thương, niềm tin, nỗi xót xa và tiếc nuối khôn cùng.

Giờ thì Hoàng Trần Cương biết, chùm thơ chưa hái, mãi mãi không thể hái: “Bây giờ mỗi bữa cơm nắng hanh/ Mày vẫn về với tao giữa những câu thơ viết vội”. Tưởng đã trả được món nợ lòng, nhưng anh đã không thể ra khỏi ma trận ấy. Sự hi sinh, sự tài hoa của bạn ám ảnh đến hết đời: “Nói một điều gì đi Lân ơi/ Đừng bắt tao phải ngồi ngậm tăm/ Trước nửa phần giấy trắng…

Bài thơ Chùm hoa chưa hái, nỗi day dứt, một khoảng trống xót xa mà tình bạn, tình thơ để lại, Hoàng Trần Cương lấp mãi, chẳng đầy. Ông đã đọc nhiều lần cho tôi nghe, lần nào đôi mắt cũng nhìn vào xa xăm và nói: “Nếu Vương Lân còn sống, nhất định sẽ là một nhà thơ tài hoa!”.

Giờ thì Hoàng Trần Cương đã biến nỗi nhớ bạn bằng cuộc hành trình tìm bạn. Tôi tin hai người sẽ gặp nhau. Và chắc chắn ông sẽ đọc trực tiếp bài thơ Chùm thơ chưa hái cho Vương Lân nghe…

 

CHÙM THƠ CHƯA HÁI

Tưởng nhớ Vương Lân

 

Nắng cũng biết già đến thế Lân ơi

Hoàng hôn đại ngàn dìu nhau về núi

Gốc săng lẻ nào mày từng ngồi làm thơ và nhớ mẹ

Cuốn nhật ký mỏng dần theo đêm sáng trăng

Nửa cuốn vở sót lại toàn giấy trắng

Đứt ngang

Thác nắng

Đầu ngày

 

Sao không là tao mà lại là mày

Sao không cả hai thằng một lúc

Nhớ chiều mày hy sinh

Đất Quảng Trị ghì vào mình những

 chùm thơ chưa hái

Những nỗi niềm đang ráo riết xanh

 

Bây giờ mỗi bữa cơm nắng hanh

Mày vẫn về với tao giữa những câu thơ viết vội

Nói một điều gì đi Lân ơi

Đừng bắt tao phải ngồi ngậm tăm

Trước nửa phần giấy trắng…

30/4/1995

(Rút từ tập thơ Quà tặng hành tinh,

NXB Hội nhà văn, H.1998)

Vương Cường

Nguồn Văn nghệ số 30/2023


Có thể bạn quan tâm