April 29, 2024, 8:35 am

Khát vọng rung trên mặt trống đồng

Lịch sử của một đất nước là lịch sử con người, lịch sử lao động sáng tạo của nhân dân và là một dòng chảy liên tục, có những bước ngoặt “một ngày bằng mấy trăm năm”.

Từ 500 nghìn năm trước, con người đã hiện diện ở nước ta và lịch sử cũng bắt đầu từ đấy. Khi con người khôn ngoan tìm thấy ở vùng đất rực ánh mặt trời, chan hòa núi non, sông biển… này một nơi cư trú tuyệt vời. Hình đất nước cũng phôi thai từ đó, hồng hào với thời gian, lớn dậy không ngừng trong lao động sáng tạo, gìn giữ cõi bờ của nghìn nghìn thế hệ…

Trống đồng Đông Sơn được người Việt đúc thế kỷ thứ bảy trước công nguyên, gần ba nghìn năm trước, không chỉ thể hiện trình độ sản xuất, chế tác kim khí, sáng tạo nghệ thuật của dân tộc ta đã đạt đến đỉnh cao, mà còn cho thấy ở đây một tuyên ngôn độc lập đầu tiên, một tuyên cáo văn hóa của một cộng đồng có tầm nghĩ lớn.

Không phải là một nhà nghiên cứu chuyên sâu, hẳn chúng ta cũng cảm nhận được mặt trời với các tia nắng rực rỡ ở trung tâm mặt trống, chính là sự coi trọng, thờ phụng sự sống, chân lý, tình yêu… Nói mặt trời là biểu tượng của tình yêu, có thể có người chưa tin, nhưng đúng là như vậy. Ngàn đời xưa các cụ đã ví von: Thấy anh như thấy mặt trời/ chói chang khó ngó, trao lời khó trao…

Như vậy, có thể gọi, Việt Nam là đất nước của Tình yêu!

Cùng với mặt trời, con người là trung tâm của thế giới. Mà để được ca ngợi, được khắc ghi trên mặt trống, phải là con người lao động, người dũng sĩ, người nghệ sĩ tài hoa, mơ ước về một cuộc sống hòa bình; đó là con người được thăng hoa, được hạnh phúc trên đất nước độc lập, trong lãnh địa của tự do…

Còn đây là một tuyên ngôn khác: Việt Nam là đất nước của lao động, của thơ ca và nghệ thuật!

Không phải là một nhà nghiên cứu chuyên sâu, hẳn chúng ta cũng cảm nhận được những vòng tròn đồng tâm, hình dây thừng xoắn bện… là biểu tượng của sự đoàn kết, đồng tâm, là nhắn gửi của cha ông với muôn đời con cháu. Hình trống vững vàng cho thấy kiến thức hình học phát triển, thấy ngôi nước, thế nước vững bền Non sông muôn thuở vững âu vàng.

Không phải là một nhà nghiên cứu chuyên sâu, hẳn chúng ta cũng cảm nhận được hình con cò, con hạc thân quen ở sông ngòi, ruộng nước; con hươu hiền lành ở núi rừng cùng hòa quyện với con người – đó là bản chất, là khát vọng về một xã hội phát triển hài hòa giữa con người với con người, con người với thiên nhiên.

Và không phải là một nhà nghiên cứu chuyên sâu, hẳn chúng ta cũng cảm nhận được những hình thuyền lao nhanh như mũi tên là lịch sử chu chuyển từ miền núi đến đồng bằng theo những dòng sông và khát khao biển lớn của người Đại Việt. Khát vọng về một cường quốc biển đã giong buồm ra khơi từ đó…

Lâu nay chúng ta từng coi bài thơ thần Nam quốc sơn hà mà Lý Thường Kiệt cho tuyên đọc ở Đền thờ Trương Hống – Trương Hát trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống là Bản Tuyên ngôn Độc lập thứ nhất để khích lệ quân sĩ, để khẳng định về chủ quyền bờ cõi. Đến Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi là Bản Tuyên ngôn Độc lập thứ hai thì có thêm nội dung văn hiến, sự bình đẳng giữa các dân tộc:

Như nước Đại Việt ta từ trước

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu

Núi sông bờ cõi đã chia

Phong tục Bắc Nam cũng khác

Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập

Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương…

Và Bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh có thêm những quyền thiêng liêng của Tạo hóa dành cho mỗi người và mọi dân tộc, đó là quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.

Thật là kỳ lạ, tất cả những điều ấy dường như đã được thể hiện một cách đầy đủ, sâu kín trên mặt trống đồng mà theo chúng tôi đó là Bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của đất nước, nơi chứa đựng những khát vọng lớn, sức mạnh lớn gửi tới thế hệ mai sau. Yên nước, mở mang cõi bờ, tiến về phía biển, làm cho muôn dân ấm no, hoan hỉ… chính là khát vọng nghìn năm còn ngân rung trên mặt trống đồng.

Năm 1945, khi Cách mạng Tháng Tám thành công ở Huế, chàng thi sĩ trẻ Tố Hữu đã thốt lên: Chừ đây Huế, Huế ơi! Xiềng gông xưa đã gãy/ Hãy bay lên! Sông núi của ta rồi! Đó là tiếng hát Huế Tháng Tám, tiếng hát bay lên dưới bầu trời tự do lồng lộng. Chỉ còn 21 năm, 21 mùa xuân nữa là ta bước tới Trăm năm Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Mười năm qua, chúng ta đã từng bước chiến thắng giặc nội xâm, đã tạo ra một xu thế không thể đảo ngược. Thêm một lần Dân tin Đảng, Đảng tin Dân bền chặt, son sắt. Có lòng tin chưa phải có tất cả. Nhưng không có lòng tin, không có quyết tâm thì không thể có bất cứ điều gì. Ý Đảng, lòng Dân hòa quyện trong mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra: Đưa nước thành một nước phát triển, sánh vai với các cường quốc năm châu; làm cho Dân ta có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc.

Giờ đây, thế nước đã mạnh, sức dân ta đã đông, chí lớn đã đồng; một Việt Nam ngời sáng vào Mùa Xuân năm 2045 đang hiện dần, hiện rõ trên Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh…

Nguyễn Sĩ Đại

Nguồn Văn nghệ số 5+6+7/2024


Có thể bạn quan tâm