May 17, 2024, 8:57 am

Khai mạc triển lãm “Báu vật Hoàng cung Thăng Long” lần thứ Nhất

 

Kỷ niệm 50 năm Công ước bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới - Công ước 1972; 20 năm nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long (2002-2022), chiều 8-9, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp Viện Nghiên cứu kinh thành khai mạc trưng bày “Báu vật Hoàng cung Thăng Long”.

Trưng bày giới thiệu 29 cổ vật tiêu biểu, đặc sắc trong Hoàng cung Thăng Long  theo ba không gian. Không gian giới thiệu các hiện vật thời Lý - Trần; không gian giới thiệu hiện vật thời Lê sơ, Mạc, Lê Trung hưng và không gian phía ngoài tạo điểm nhấn với các hiện vật lần đầu tiên được giới thiệu tới công chúng, như: Chậu đất nung thời Trần có kích thước lớn nhất từ trước đến nay, mô hình kiến trúc men xanh thời Lê sơ... Không gian trưng bày độc đáo, nổi bật hơn với những hình ảnh trình chiếu tái hiện cung điện nhà Lý và bức tường bao thể hiện sự tươi đẹp bốn mùa trong hoàng cung xưa kia.

Đặc biệt, đây cũng là lần đầu tiên công nghệ trình chiếu 3D mapping mô phỏng những hoa văn độc đáo của hiện vật được giới thiệu để khách tham quan nhận diện rõ hơn về vẻ đẹp và tính sang quý của đồ gốm ngự dụng hoàng cung Thăng Long.

Trước đó, trong suốt 20 năm Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, đã tiến hành nghiên cứu khảo cổ, phát lộ một quần thể dấu tích kiến trúc cung điện, lầu gác của Hoàng cung Thăng Long cùng vô số đồ dùng vật dụng của các vương triều. Phát hiện quan trọng này minh chứng sinh động lịch sử tồn tại lâu dài của Kinh đô Thăng Long qua 1.300 năm, từ Đại La (thế kỷ 7-9), Đinh - Tiền Lê (thế kỷ 10) đến thời Lý (thế kỷ 11-13), Trần (thế kỷ 13-14), Lê (thế kỷ 15-18). Từ đây, mọi người biết đến Kinh đô Thăng Long nhiều hơn. Với những giá trị đặc biệt nổi bật toàn cầu, khu di sản đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc - UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa thế giới vào năm 2010.

MH


Có thể bạn quan tâm