May 20, 2024, 4:27 am

Khắc khoải hồn thơ Xứ núi

Người ta nói tuổi thơ cùng với những ký ức luôn có ảnh hưởng sâu sắc đến tâm hồn, lẽ sống của một con người.

Trong sáng tạo văn học nghệ thuật điều này càng đúng hơn. Nó chi phối sâu sắc, mạnh mẽ đến thế giới cảm xúc và hình tượng thẩm mĩ của người nghệ sĩ. Với nhà thơ Lương Định, điều này thật đúng khi chúng ta đọc thơ anh.

Nhà thơ Lương Định

Quê tôi Xứ Lạng núi non

Thờ chồng Tô Thị hóa hòn

Vọng Phu

Mẫu Sơn dáng mẹ trầm tư

Chùa Tiên cõi Phật tịnh tu

giữa trần

(Lục bát gửi núi đồi)

Ngàn năm nguồn cội người ơi

Dẫu xa lơ lắc cho tôi tìm về

Lượn, sli lời ngọt chân quê

Kỳ Lừa chợ hát đắm mê

                             lòng người

....

Dẫu đi góc bể chân trời

Dẫu rồi cát bụi vẫn nơi tìm về

(Ngàn năm nguồn cội).

Nhà thơ Lương Định sinh ra và lớn lên tại xã Đồng Ý, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Anh là người con của dân tộc Tày. Tuổi thơ anh gắn bó với một miền quê giàu truyền thống lịch sử, cách mạng, văn hóa. Anh học đại học tổng hợp văn rồi cả đời theo nghành báo chí, nghiệp văn chương, sốn gắn bó với thành phố Hồ Chí Minh:

Ta như chim ưng

Ngày kia rời Núi

Tự do giữa trời xanh lồng lộng

(Chim Ưng).

Anh xuống núi xa em từ buổi ấy

Cả mùa đông Xứ Lạng cũng

theo cùng

(Da diết nhớ mùa đông).

Nghề báo chí, nghiệp thơ văn gắn vào cuộc đời anh. Để rồi, như cánh chim phiêu bồng, anh đã đi qua nhiều nơi, biết thêm nhiều điều mới. Dẫu vậy, trong suốt hành trình dài rộng hình ảnh quê hương luôn trường trực, ám ảnh trong anh cùng với một hồn thơ xứ núi cứ xanh rời rợi mỗi ngày:

Mẹ ơi nguồn cội núi rừng

Tháng giêng hoa mận trắng thung

gọi về

(Giao thừa đất khách).

Chạm tay chiếc lá vừa rơi

Thẳm nghe run rẩy một thời

biếc xanh

(Chiều thu quê núi).

Lối trên rừng không ai mở sẵn

Bằng con dao sắc của mình

Con tự mở lối đi” (Lời người cha Lũng Núi).

Anh đã sáng tác hàng trăm bài thơ và xuất bản bốn tập thơ. Thế rồi anh trở thành hội viên Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh, hội viên Hội văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Thơ Lương Định được nhiều bạn đọc trong cả nước biết đến.

Cánh rừng quê hồi đã vươn cổ thụ

Chỉ hương thơm bùa ngải vẫn

ngày xưa

(Vẫn ngày xưa hương hồi)

Câu sli ai bỏ bùa mê

Một đời đau đáu lời thề con mang

(Giao thừa đất khách).

Với phong thái tự tại nhưng giàu nội lực, Lương Định tạo ra một phong cách thơ có nhiều điểm riêng trong cảm xúc, ngôn từ, giọng điệu. Có thể nói ở thơ Lương Định chứa đựng một hồn thơ có độ chín, một vốn ngôn từ phong phú, một thế giới hình tượng đa diện. Tất cả những điều đó lại dường như rất nhất quán về trường thẩm mỹ, tư tưởng thẩm mỹ:

Lại thêm một tháng giêng về

Thêm mùa hoa rộ, bùa mê anh rồi

Mỏng manh một cánh hoa thôi

Sắc hương xao động Đất - Trời

sang xuân

(Lại thêm một tháng giêng hoa).

Nửa đời đất khách phương Nam

Em ơi khắc khoải cung đàn ba dây

Bây giờ ngồi lặng nơi đây

Mới hay nguồn cội trong ngay

tiếng đàn

(Đêm Sài Gòn nghe tính tẩu).

Người đọc cảm nhận được luôn có một sự trăn trở, tìm kiếm trong lao động sáng tạo của anh. Theo đó những điều sâu thẳm trong thế giới nội tâm của nhân vật trữ tình (nhiều khi chính là tác giả) được thể hiện sâu sắc trong thơ. Một bản ngã qua thơ sinh động, ấn tượng:

Anh như kẻ lỡ chuyến đò

Một chiều ngồi lặng ngóng

bờ bến xa

Dòng sông như mãi rộng ra

Và em tít tận mờ xa cuối trời

(Ai đưa đò chiều).

Thấm mệt nhoài sau những

 chuyến đi

Trải ê chề những phồn hoa phố thị

Cả hạnh phúc, cả đắng cay đổ vỡ

Chợt mơ về Lũng Núi tự ru ta

(Khúc ru chính mình).

Biết dừng đúng lúc cuộc chơi

Biết đa nghi những gọi mời

đầu môi

Biết nhìn chân tướng người đời

Biết mình hạt bụi giữa trời

bão giông

(Lặng im...)

Một hồn thơ luôn khắc khoải, đoái vọng về xứ núi. Cảm xúc này dường như xuyên suốt, chi phối toàn bộ thơ anh. Nguồn cảm xúc chủ đạo này đặc biệt rõ trong hai tập thơ Núi và hòn đá lẻ, Hồn Núi.

Về nghệ thuật trong thơ Lương Định, chúng ta không khỏi lạ lùng trước thế giới ngôn từ phong phú của anh. Đặt vào hoàn cảnh một nhà thơ người Tày chúng ta thực sự kính nể. Bởi như người ta nói, với một người con dân tộc thiểu số khi học tập và sử dụng tiếng Việt có thể coi như học tập và sử dụng một ngoại ngữ. Cái khó của nhà văn nhà thơ người dân tộc thiểu số trong sáng tạo đôi khi cũng chính là vốn ngôn ngữ Việt của họ không nhiều, không dồi dào để đủ diễn tả mọi cung bậc, sắc thái. Vậy mà điều này ta không hề nhận thấy ở nhà thơ Lương Định. Thế rồi về thể thơ, nhà thơ Lương Định chủ yếu sử dụng thể thơ lục bát (thể thơ có nguồn gốc từ người Việt), thi thoảng mới dùng thơ bẩy chữ, năm chữ, tự do. Thiết nghĩ đây cũng là điều lạ. Tuy nhiên, cũng chính từ những ý trên mà dường như người đọc thấy khó tìm thấy một cách nói, cách cảm, cách diễn đạt gần hơn với người miền núi, của người miền núi. Và phải chăng cũng từ đó mà ta thấy thơ Lương Định “giống” thơ của người Việt hơn, nói cách khác thơ anh hòa với biển hơn là với rừng. Mà biển thì rộng mênh mông...

Mặc dù gần như cả đời sống ở nơi đô hội nhưng tâm hồn, tình cảm của nhà thơ Lương Định luôn hướng về quê hương xứ sở. Bắc Sơn - Lạng Sơn, nơi đó có núi non trùng điệp, nương rẫy bạt ngàn, ngô sắn xanh tươi, sắc chàm thấm đẫm; Nơi mà bình minh soi chiếu khi mặt trời đã vượt lên khỏi đỉnh núi cao chót vót; Nơi có những buổi chợ phiên năm ngày một lần để các bà các mẹ lại trèo đèo vượt núi đến; Nơi có núi rừng thâm u trầm mặc xen lẫn hồn núi reo ca.... Tất cả đã trở thành một phần mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn thơ anh. Để rồi, chàng trai xứ núi khi đi xa luôn hướng về nó, gắn bó miền đô hội để thêm yêu da diết quê mẹ thân thương. Đọc thơ anh, ta cảm nhận được một tình yêu cội nguồn lan tỏa. Phải chăng đó chính là sự đồng vọng mà thơ ca cần có mà thơ anh đạt được.

Lộc Bích Kiệm

Nguồn Văn nghệ số 27/2023


Có thể bạn quan tâm