May 13, 2024, 7:13 pm

Hút thuốc lá không những độc hại mà còn gây tổn thất lớn về kinh tế

PHÒNG CHỐNG TÁC HẠI (PCTH) THUỐC LÁ:

 

Theo Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, Thuốc lá là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá, được chế biến dưới dạng thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác. Theo báo cáo năm 2010 của Tổng hội Y khoa Hoa Kỳ, khói thuốc lá chứa 7.000 hóa chất, trong đó có 69 chất gây ung thư.

CÁC THÀNH PHẦN ĐỘC HẠI TRONG KHÓI THUỐC LÁ

Nicotine 

Nicotine là một chất gây nghiện có trong thuốc lá, được hấp thụ vào máu và ảnh hưởng đến não bộ trong khoảng 10 giây sau khi hút vào. Sau mỗi lần hít một hơi thuốc lá, Nicotine gây tăng nhịp đập của tim, co thắt mạch máu ở tim, tăng mạch và huyết áp.

Cơ quan Kiểm soát Dược và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) xếp nicotine vào nhóm các chất có tính chất dược lý gây nghiện mạnh, tương tự Heroin và Cocain. Khi Nicotine trong khói thuốc gắn kết thụ thể Nicotine trên các tế bào thần kinh tại “trung tâm thưởng” ở hệ viền não bộ, các hóa chất trung gian dẫn truyền thần kinh được phóng thích gây ra một loạt các phản ứng hóa học tạo ra nhiều tác động tâm thần kinh như cảm giác sảng khoái, vui vẻ, tăng hoạt động nhận thức. Tuy nhiên cảm giác đó sẽ mau qua đi sau vài phút. Khi nồng độ Nicotine trong cơ thể giảm xuống, người hút thuốc sẽ cảm thấy bứt rứt, căng thẳng; không tập trung được; buồn bã, lo lắng; rối loạn giấc ngủ.. vì vậy để có sự thoải mái, người hút thuốc phải tiếp tục hút thuốc.

Ở những người sử dụng thuốc lá, Nicotine được tìm thấy ở tất cả các cơ quan, bộ phận trong cơ thể và trong cả sữa mẹ. Đối với những người hút trên 15 điếu thuốc một ngày, nồng độ Nicotine trong máu luôn ở mức cao làm cho việc cai thuốc trở lên khó khăn hơn rất nhiều[1]. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các nhà sản xuất thuốc lá sử dụng nhiều hoá chất đi kèm nhằm tăng độ hấp thu Nicotine vào cơ thể1.

Hắc ín (Tar) 

Hắc ín hay còn gọi là nhựa thuốc lá, có màu đen và quánh giống như nhựa đường, chứa rất nhiều chất gây ung thư.

Carbon monoxide (khí CO): 

Khí CO trong khói thuốc lá khi hấp thụ vào máu sẽ gắn kết rất chặt với hemoglobine trong hồng cầu, làm giảm khả năng vận chuyển oxy của hồng cầu, giảm nồng độ oxy trong máu, làm máu đặc hơn và làm tăng gánh nặng cho tim.

Khí CO góp phần hình thành các mảng xơ vữa động mạch đồng thời làm suy giảm sự hấp thụ các chất dinh dưỡng thiết yếu và ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và điều chỉnh cơ thể, liên quan đến bệnh tim, đột quỵ và các vấn đề tuần hoàn khác.

Benzene:

Là một chất sinh ung thư được tìm thấy trong khói của dầu khí hay trong thuốc trừ sâu bọ. Chất này có nồng độ rất cao trong khói thuốc lá, lượng Benzene tác động đến con người từ khói thuốc lá chiếm một nửa lượng Benzene xâm nhập vào con người từ tất cả các nguồn. 

Nitrosamines:

Là một chất gây ung thư rất mạnh có nhiều trong khói thuốc và cả trong các sản phẩm thuốc lá không khói.

Ammonia

Là một chất được sử dụng trong thuốc kích thích tăng trưởng và trong các sản phẩm tẩy rửa. Trong sản xuất thuốc lá, chất này được sử dụng tăng cường khả năng hấp thụ Nicotine của niêm mạc đường hô hấp, vì thế cùng một lượng khói thuốc hít vào, lượng Nicotine được hấp thụ tăng lên.

Formaldehyde 

Dung dịch dùng trong ướp xác, và nó cũng có nhiều trong khói thuốc. Chất này gây kích thích mũi, họng và mắt của người hút thuốc khi hít phải khói thuốc lá.

Polycyclic aromatic hydrocarbon (PAH):

Là một chất gây ung thư tìm thấy trong dầu đi ê zen và sản phẩm đốt cháy khác.

THUỐC LÁ “NHẸ” CÓ THẬT SỰ ÍT CÓ HẠI CHO SỨC KHỎE?

Trên thị trường có các loại thuốc lá: “ít hắc ín (low tar), nhẹ (light), siêu nhẹ (ultra light), dịu êm (mild). Rất nhiều người hút thuốc lá lựa chọn loại thuốc lá này vì tin rằng những loại thuốc này ít các chất độc hại hơn các loại thuốc lá khác. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng sử dụng những sản phẩm thuốc lá này không hạn chế được tác hại của thuốc lá với sức khoẻ bởi mỗi người nghiện thuốc đều cần có một “ngưỡng” nicotine nhất định. Vì vậy, khi hút những loại thuốc này, họ sẽ buộc phải hít sâu hơn, hút nhiều hơn để bù lại hàm lượng nicotine mà cơ thể đã quen đòi hỏi. Chính việc hút bù này buộc cơ thể tiếp xúc nhiều hơn các chất độc hại có trong điếu thuốc.

Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá cũng đã cấm sử dụng các từ, cụm từ: “ít hắc ín (low tar), nhẹ (light), siêu nhẹ (ultra light), dịu êm (mild) hoặc các từ, cụm từ khác làm cho người tiêu dùng hiểu nhầm sản phẩm thuốc lá này ít có ảnh hưởng tới sức khỏe hơn sản phẩm thuốc lá khác.

Tỷ lệ hút thuốc lá cao đã gây ra các tác hại rất lớn về mặt sức khỏe và kinh tế tại Việt Nam. Theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh do thuốc lá gây ra. Con số này sẽ tăng lên thành 70.000 ca/năm vào năm 2030 nếu các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá không được thực hiện kịp thời. Theo điều tra tại Bệnh viện K năm 2000, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá là 96,8%. Nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách Y tế năm 2011 cũng cho thấy bệnh tật và tử vong sớm do thuốc lá chiếm 12% tổng gánh nặng bệnh tật ở nam giới tại Việt Nam.

Xu hướng gánh nặng bệnh tật chuyển từ các bệnh lây nhiễm sang các bệnh không lây nhiễm và gia tăng nhanh chóng. Năm 1986, bệnh không lây nhiễm mới chỉ chiếm 39% số trường hợp nằm viện thì tới năm 2011, tỷ lệ này tăng lên 62.7%.  Năm 2008, số ca tử vong do các bệnh không lây nhiễm đã chiếm tới 75% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích ở Việt Nam. Các bệnh có nguyên nhân chính từ sử dụng thuốc lá như đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), ung thư phổi… là những nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong ở cả nam và nữ.

TỔN THẤT KINH TẾ CỦA VIỆC SỬ DỤNG THUỐC LÁ

Trên thế giới:

Sử dụng thuốc lá gây ra chi phí khổng lồ cho chăm sóc y tế cho những người bị bệnh do hút thuốc lá, cộng thêm tổn thất do giảm hoặc mất khả năng lao động, do hỏa hoạn và những tổn hại cho môi trường. Trên toàn thế giới, ước tính mỗi năm sử dụng thuốc lá gây thiệt hại khoảng 500 tỷ đô la Mỹ.

Con số về tổn thất xã hội do hút thuốc gây ra ước tính ở một số nước như sau: Tại Mỹ, mức tổn thất này được ước tính là 184,5 tỷ đô la Mỹ (USD) mỗi năm; Đức: 24,4 tỷ USD; Pháp: 16,4 tỷ USD; Australia: 14,2 tỷ USD; và tại Trung Quốc là: 4,3 tỷ USD4.

Theo ước tính, trong tổng số các vụ hỏa hoạn trên thế giới thì nguyên nhân do sử dụng thuốc lá chiếm 10%. Mỗi năm sử dụng thuốc lá gây ra khoảng 1,1 triệu vụ cháy2. Mỗi năm thuốc lá gây ra khoảng 1,1 triệu vụ cháy, 17.300 ca tử vong, 60.000 ca thương tích và 27 tỷ USD tổn thất tài sản. Chỉ riêng tại Mỹ năm 2005, hút thuốc gây ra 82.400 vụ hỏa hoạn làm chết 800 người, bị thương 1660 người và thiệt hại 575 triệu USD tài sản5.

Chi phí mua thuốc lá:

Tại Anh: 9.548 triệu USD năm 2008, tại Chilê: 1.140 triệu USD năm 2008; tại Malaysia: 244 triệu USD năm 2006; tại Newzealand: 166 triệu USD năm 2004; tại Campuchia: 101.789 USD3

Chi phí y tế liên quan đến các bệnh do sử dụng thuốc lá tại các nước ASEAN:

Tại Myanma, số tiền chi cho điều trị 8 bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá một năm là 260.499 USD; tại Lào, số tiền chi cho điều trị 3 bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá một năm là 3,34 triệu USD. Tại Malaysia, số tiền này là 790 triệu USD. Tại Thái Lan, 3,74 tỷ USD một năm là các chi phí y tế trực tiếp và gián tiếp cho các bệnh liên quan đến thuốc lá. Tại Singapore, chi phí khám chữa 5 bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá là 59,6 triệu USD. Chi phí y tế đặc biệt cao ở Indonesia là 1,78 tỷ USD 4

Thuốc lá gây tổn hại kinh tế hộ gia đình

Tiền mua thuốc lá làm giảm các khoản chi cho giáo dục, lương thực và chăm sóc sức khỏe. Theo tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới tổng hợp một số nghiên cứu tại một số đơn vị hành chính của một số quốc gia cho thấy tại Australia tiền mua thuốc lá chiếm tới 7% chi tiêu của hộ gia đình, ở Hungary là 10.4%, và ở nông thôn Tây Nam Trung Quốc là 11%. Ở Bangladesh nếu 2/3 số tiền mua thuốc lá được dùng để mua thức ăn thì khoảng 10 triệu người sẽ tránh được suy dinh dưỡng. Trung bình ở các nước, các hộ nghèo có người hút thuôc phải tiêu tốn từ 3% đến 15% thu nhập của cả hộ gia đình cho thuốc lá.

Bệnh tật và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá thuốc còn làm suy giảm năng suất lao động, giảm thu nhập của hộ gia đình.

Tại Việt Nam

Mặc dù ngành công nghiệp thuốc lá có những đóng góp cho ngân sách quốc gia, nhưng phần đóng góp của ngành công nghiệp thuốc lá không đủ để bù đắp những tổn thất kinh tế và sức khoẻ do sử dụng thuốc lá gây ra đối với các cá nhân, gia đình và xã hội. Những tổn thất này bao gồm chi tiêu cho hút thuốc, chi cho khám, điều trị bệnh liên quan đến hút thuốc, tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm, tổn thất do cháy nổ, ô nhiễm môi trường.

Năm 2015 người dân Việt Nam đã chi mua thuốc lá số tiền là 31 nghìn tỷ đồng.  Ngoài tổn thất do chi mua thuốc hút, tổng chi phí điều trị và tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm cho 5 nhóm bệnh (ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa- hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghãn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ) do hút thuốc gây ra là hơn 23 nghìn tỷ đồng một năm6.

 Chi tiêu cho thuốc lá làm giảm các chi tiêu thiết yếu khác của hộ gia đình, đặc biệt là các hộ có thu nhập thấp. Một cuộc điều ra mức sống hộ gia đình cho thấy các hộ nghèo tại Việt Nam phải tiêu tốn tới gần 5% thu nhập của gia đình vào thuốc lá7. Ở những hộ này, khoản tiền mua thuốc lá thậm chí cao hơn khoản tiền chi cho y tế hay cho giáo dục. Nếu người hút thuốc nghèo bỏ thuốc, họ sẽ có nhiều tiền hơn để mua thức ăn hoặc để trả tiền học cho con em mình.

 

1.http://www.medindia.net/patients/patientinfo/tobacco_effects.htm.

2. Jack E. Henning-eld, James F. Pankow, Bridgette E. Garrett. Ammonia and other chemical base tobacco additives and cigarette nicotine delivery: Issues and research needs. Nicotine & Tobacco Research. Volume 6, Number 2 (April 2004) 199-205.

3, 4, 5. Tobacco Atlas.Second Edition, 2006

6. Chi phí y tế cho 5 nhóm bệnh liên quan đến hút thuốc lá ở Việt Nam, Đại học Y tế Công cộng - HealthBridge Canada, 2013.

7. Nguyễn T Lâm, Chapmans S, Taylor R. Ảnh hưởng kinh tế của việc chi tiêu cho hút thuốc đối với hộ gia đình nghèo ở Việt Nam. Tạp chí Y học thực hành  số 533, Bộ Y tế, 2006.

Văn nghệ số 21/2017


Có thể bạn quan tâm