May 14, 2024, 2:34 am

Hướng dẫn xây dựng cơ sở y tế không khói thuốc lá

PHÒNG CHỐNG TÁC HẠI (PCTH) THUỐC LÁ

 

Sử dụng thuốc lá là nguyên nhân của nhiều loại bệnh nguy hiểm đối với con người trong đó có ung thư phổi, nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch và các bệnh về hệ hô hấp. Hút thuốc lá có hại không chỉ cho bản thân người hút mà còn có hại cho những người không hút nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc. Cơ sở y tế là nơi chăm sóc sức khỏe hướng tới một cuộc sống khỏe mạnh cho tất cả mọi người. Chính vì vậy, hơn bất kỳ nơi nào, các cơ sở y tế cần đảm bảo một môi trường trong lành cho người bệnh, nhân viên y tế và người nhà bệnh nhân.

Quy định cấm hút thuốc lá tại các cơ sở y tế đã được đề cập tại quyết định số 1315/QĐ-ttg ngày 21/8/2009 của thủ tướng chính phủ. Để đẩy mạnh công tác phòng chống tác hại của thuốc lá trong ngành y tế, Bộ Y tế cũng đã ban hành quyết định số 5281/QĐ- byt ngày 31/12/2009 quy định” tất cả các cơ quan đơn vị trong ngành y tế kể từ ngày 01/01/2010 thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá trong khuôn viên của cơ quan, đơn vị thuộc ngành y tế”. Ngày 18/6 năm 2012, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành Luật phòng chống tác hại thuốc lá (Luật Pcth thuốc lá), trong đó một lần nữa việc thực hiện môi trường 100% không khói thuốc được quy định rõ ràng và mạnh mẽ: cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong các cơ sở y tế.

TẠI SAO CẦN XÂY DỰNG MÔI TRƯỜNG KHÔNG KHÓI THUỐC LÁ TẠI CÁC CƠ SỞ Y TẾ

Sử dụng thuốc lá gây hại đến sức khỏe

Theo công bố năm 2010 của Tổng hội Y sĩ Hoa Kỳ, khói thuốc lá chứa hơn 7000 hóa chất trong đó có 69 chất gây ung thư. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xếp sử dụng thuốc lá là yếu tố nguy cơ thứ 2 trong 10 yếu tố nguy cơ hàng đầu đe dọa sức khỏe người dân ở các nước đang phát triển.

Sử dụng thuốc lá gây ra 25 loại bệnh như: ung thư phổi, ung thư thanh quản, ung thư khoang miệng, ung thư da, các bệnh tim mạch…

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, trong thế kỷ 20 trên thế giới đã có 100 triệu người chết do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Mỗi năm thuốc lá gây ra gần 6 triệu ca tử vong, con số này sẽ tăng thành hơn 8 triệu người một năm vào năm 2020, trong đó 70% số ca tử vong sẽ xảy ra ở các nước đang phát triển. Nếu các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả không được thực hiện thì trong thế kỷ này sử dụng thuốc lá đã giết chết 1 tỷ người.

Hút thuốc lá là nguyên nhân của 90% các ca ung thư phổi, 75% các ca bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, 25% ca bệnh tim thiếu máu cục bộ.

Theo điều tra toàn cầu năm 2010 về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành (trên 15 tuổi), Việt Nam thuộc nhóm 15 nước có số người hút thuốc cao nhất trên thế giới. Tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá 47,4%. Việt Nam hiện có 33 triệu người không hút thuốc nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc tại nhà và hơn 5 triệu người trưởng thành không hút thuốc thường xuyên hít phải khói thuốc tại nơi làm việc.

Tại Việt Nam trong xu hướng mắc các bệnh lây nhiễm giảm thì các bệnh không lây nhiễm gia tăng nhanh chóng. Các bệnh có nguyên nhân chính từ sử dụng thuốc lá như đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), ung thư phổi… là những nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong ở nam giới. Gần 28% tổng số ca tử vong ở nam giới từ 35 tuổi trở lên là do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Nếu Việt Nam không thực hiện ngay các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả, con số này sẽ tăng lên thành 70.000 ca/ năm vào năm 2030.

Hút thuốc lá thụ động cũng ảnh hưởng tới sức khỏe. Người không hút thuốc nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc cũng mắc các bệnh giống như người hút thuốc. Nam giới hút thuốc hoặc tiếp xúc thường xuyên với khói thuốc làm giảm lượng tinh trùng, gây dị dạng tinh trùng, giảm lượng máu dẫn đến dương vật gây liệt dương. Phụ nữ mang thai hít phải khói thuốc trong quá trình mang thai có thể gây biến đổi sự phát triển của bào thai, dễ sảy thai, đẻ non hoặc sinh con nhẹ cân. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường xuyên hít phải khói thuốc sẽ làm tăng tỉ lệ mắc viêm phế quản, viêm phổi và viêm tai giữa; tăng các triệu chứng hô hấp mãn tính như hen; giảm sự phát triển chức năng phổi; tăng nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh. Theo tổ chức lao động quốc tế, hàng năm trên thế giới có khoảng 200.000 ca tử vong do phải tiếp xúc thụ động với khỏi thuốc lá tại nơi làm việc.

Ý NGHĨA CỦA VIỆC XÂY DỰNG MÔI TRƯỜNG KHÔNG KHÓI THUỐC LÁ TẠI CÁC CƠ SỞ Y TẾ

Phong trào xây dựng môi trường không khói thuốc lá là hoàn toàn phù hợp với mục tiêu của ngành y tế là bảo vệ sức khỏe của toàn dân. Hơn bất cứ ngành nghề nào khác, ngành y tế cần đi đầu ủng hộ phong trào này.

 Cán bộ y tế cần nêu gương cho cộng đồng về ý thức bảo vệ sức khỏe thông qua việc không hút thuốc lá và tuân thủ quy định cấm hút thuốc lá trong cơ sở y tế.

Ngoài việc phù hợp với mục tiêu chung của ngành, thực hiện môi trường không khói thuốc tại các cơ sở y tế cũng đem lại những lợi ích rất thiết thực:

- Bảo vệ sức khỏe cho cán bộ y tế, giúp họ làm việc hiệu quả hơn.

- Bảo vệ được hình ảnh đẹp của người thầy thuốc.

- Cán bộ nhân viên y tế không hút thuốc lá là đóng góp vào công tác giáo dục và khuyến khích bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

- Tạo môi trường trong lành giúp người bệnh điều trị bệnh hiệu quả hơn.

- Giảm thiệt hại về kinh tế do giảm số lượng cán bộ y tế vắng mặt vì mệt mỏi hay bệnh tật do sử dụng thuốc lá gây ra.

- Giảm bớt chi phí vệ sinh môi trường và phòng chống cháy nổ trong cơ sở y tế.

- Kinh tế gia đình của cán bộ y tế sẽ được cải thiện do chi phí hút thuốc giảm.

QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ THỰC HIỆN CƠ SỞ Y TẾ KHÔNG KHÓI THUỐC

Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá (FCTC) của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) quy định các Quốc gia thành viên phải thực thi các biện pháp cần thiết để bảo vệ người dân khỏi việc phơi nhiễm khói thuốc lá: “… ở những nơi làm việc trong nhà, các phương tiện giao thông công cộng, những nơi công cộng trong nhà và ở mức thích hợp tại những nơi công cộng khác”.

Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá (có hiệu lực từ ngày 1 tháng 5 năm 2013) (trích)

Điều 6. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương trong phòng, chống tác hại  thuốc lá.

1. Đưa nội dung phòng, chống tác hại thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hằng năm, quy định không hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ.

2. Đưa quy định về việc hạn chế hoặc không hút thuốc lá trong các đám cưới, đám tang, lễ hội trên các địa bàn dân cư vào hương ước.

3. Gương mẫu thực hiện và vận động cơ quan, tổ chức, địa phương thực hiện các quy định của Pháp luật về phòng, chống tác hại thuốc lá.

Điều 11. Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn.

1. Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên bao gồm:

a) Cơ sở y tế;

b) Cơ sở giáo dục, trừ các cơ sở quy định tại điểm b khoản 2 điều này;

c) Cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em;

d) Cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy nổ cao.

Điều 14. Quyền và trách nhiệm của người đứng đầu, người quản lý địa điểm cấm hút thuốc lá.

1.  Người đứng đầu, người quản lý địa điểm cấm hút thuốc lá có các quyền sau đây:

a) Buộc người vi phạm chấm dứt việc hút thuốc lá tại địa điểm cấm hút thuốc lá; xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;

b) Yêu cầu người vi phạm quy định cấm hút thuốc lá ra khỏi cơ sở của mình;

c) Từ chối tiếp nhận hoặc cung cấp dịch vụ cho người vi phạm quy định cấm hút thuốc lá nếu người đó tiếp tục vi phạm sau khi đã được nhắc nhở.

2. Người đứng đầu, người quản lý địa điểm cấm hút thuốc lá có trách nhiệm sau đây:

a) Thực hiện quy định tại điều 6 của Luật này;

b) Tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc mọi người thực hiện đúng quy định về cấm hút thuốc lá tại địa điểm thuộc quyền quản lý, điều hành; treo biển có chữ hoặc biểu tượng cấm hút thuốc lá.

P.V

Văn nghệ số 27/2017


Có thể bạn quan tâm