April 29, 2024, 10:33 am

HỘI NHÀ VĂN ĐÀ NẴNG: Truyền thống và những nỗ lực sáng tạo…

LTS: Sau 22 năm thành lập (2001-2023), trải qua 4 kỳ Đại hội, Hội Nhà văn TP Đà Nẵng đã có nhiều nỗ lực trong các hoạt động Văn học và hiện đã quy tụ 112 Hội viên các thế hệ về sinh hoạt chung dưới mái nhà Văn học thành phố Đà Nẵng ấm áp, nghĩa tình… Đại hội Hội Nhà văn Đà Nẵng lần thứ IV nhiệm kỳ 2023 -2028 sẽ diễn ra vào hai ngày cuối năm 16 và 17 tháng 12 năm 2023. Nhân dịp này, Văn nghệ xin trân trọng giới thiệu bài viết của Nhà thơ Nguyễn Kim Huy, Chủ tịch Hội như một góc nhìn về Hội Nhà văn Đà Nẵng và các Nhà văn Đà Nẵng trong các nỗ lực hoạt động, sáng tác tác phẩm Văn học năm năm qua 2018-2023…

Nối tiêp truyền thống hiếu học và văn học của vùng đất “Ngũ phụng tề phi” Quảng Nam – Đà  Nẵng từ thế hệ các “nhà văn khoa bảng, chí sĩ” ở Đất Quảng thế kỷ XIX, XX từ Phạm Phú Thứ, Hà Đình Nguyễn Thuật, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Trần Cao Vân…  và các nhà văn tiền bối Khương Hữu Dụng, Phan Khôi, Hằng Phương, Thái Can, các nhà văn Tự Lực Văn đoàn gốc Quảng Nam đến các nhà văn trong chiến tranh Hoàng Châu Ký, Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Văn Bổng, Võ Quảng, Trinh Đường, Phan Tứ, Nguyên Ngọc, Thu Bồn, Lưu Trùng Dương, Bùi Minh Quốc, Thái Bá Lợi, Đông Trình…, những nhà văn chủ lực đã góp phần làm nên các thời đại văn học rực rỡ trong lịch sử văn học Việt Nam với Thơ mới, tiểu thuyết Tự Lực văn đoàn và những tác phẩm lớn trong chiến tranh giai đoạn từ 1945 đến 1975 – Hội Nhà văn Tp Đà Nẵng với hơn 22 năm thành lập của mình, đã nỗ lực thu hút tập hợp một đội ngũ đông đảo các nhà văn đang sống và viết tại thành phố về sinh hoạt dưới một ngôi nhà Văn học chung của Hội. Đến nay đã có hơn 100 nhà văn các thế hệ từ trước và sau 1975, đặc biệt là lớp nhà văn lão thành giàu kinh nghiệm sáng tác trong Kháng chiến và các nhà văn trẻ sau Đổi mới 1986 năng động, nhiệt tâm, xông xáo luôn gần gũi, gắn bó, động viên nhau cùng đi tiếp trên con đường sáng tạo văn chương nhọc nhằn mà cũng nhiều đam mê, hạnh phúc trên từng trang viết.

Đoàn nhà văn Đà Nẵng trong chuyến đi thực tế sáng tác tại Ba Tơ, Quảng Ngãi tháng 11/2023

Hơn 22 năm qua, nhiều tác phẩm của các tác giả là Hội viên Hội Nhà văn TP Đà Nẵng thường xuyên và liên tục ra mắt bạn đọc xa gần hằng năm với nhiều tác phẩm đã trở nên quen thuộc và được trao tặng nhiều Giải thưởng quốc tế, quốc gia, với các tên tuổi được bạn đọc yêu mến và ghi nhận như các nhà văn Lưu Trùng Dương, Thái Bá Lợi, Thanh Quế - Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, nhà thơ Ngân Vịnh được trao tặng Giải thưởng Văn học Sông Mê Kông năm 2014, tác phẩm “Minh sư “ của nhà văn Thái Bá Lợi được trao tặng Giải thưởng Văn học Đông Nam Á năm 2013, tập truyện ngắn “Quán búp bê” của nhà văn Quế Hương được Hội Nhà văn Việt Nam trao Tặng thưởng năm 1977, tập thơ “Ngày linh hương nở sáng” của nhà thơ Đinh Thị Như Thúy được Hội Nhà văn Việt Nam trao Giải thưởng năm 2011… 

Trong năm năm 2018-2023 của nhiệm kỳ IV, ngọn lửa đam mê sáng tác văn chương luôn tiếp tục được duy trì thường xuyên trong hầu hết các Hội viên Hội Nhà văn Tp Đà Nẵng. Đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19, đã có nhiều tác phẩm của Hội viên xuất bản và đăng báo, kịp thời phục vụ cho công cuộc chống dịch của nhân dân thành phố và cả nước như trường ca Giữa mùa đại dịch (NXB Hội Nhà văn, 2021) của nhà thơ Lê Anh Dũng. Ngoài các tuyển tập thơ văn in chung của Hội như Biển bắt đầu từ sóng (Tuyển thơ Nhiều tác giả, Nguyễn Ngọc Hạnh chủ biên - NXB Đà Nẵng 2019); Hội Nhà văn Đà Nẵng - Tác phẩm đoạt giải 2001-2021 (NXB Đà Nẵng, 2022), hằng năm đều có  từ 12 đến 20 đầu sách văn, thơ, lý luận phê bình và dịch thuật của các tác giả Hội viên xuất bản và giới thiệu rộng rãi với bạn đọc, có những tác giả đã xuất bản từ 2 đến 3, 4 tác phẩm như Thanh Quế, Tần Hoài Dạ Vũ, Nguyễn Đông Nhật, Nguyễn Ngọc Hạnh, Đinh Thị Như Thúy, Lê Anh Dũng, Nguyễn Thị Phú, Nguyễn Nho Khiêm, Nguyễn Nhã Tiên…

Với sự say mê sáng tạo không ngừng nghỉ, nhiều tác phẩm xuất bản trong năm năm qua của các Hội viên Hội Nhà văn TP đã được dư luận bạn đọc ghi nhận, đánh giá cao và được trao tặng nhiều Giải thưởng Văn học quốc tế, quốc gia và địa phương.

Năm 2021, tiểu thuyết Trong vô tận của Nhà văn Vĩnh Quyền được trao tặng Giải thưởng Văn học ASEAN 2021, tiểu thuyết này cũng đã đoạt giải nhì tiểu thuyết giai đoạn 2016-2019 của Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 2018, Trầm - truyện ngắn Phạm Phát được trao tặng Giải A của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam. Năm 2020, Giới hạn - thơ Phan Hoàng Phương được trao tặng Giải B Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam.

Nhiều tác phẩm của các Hội viên Hội Nhà văn TP cũng được trao tặng các giải thưởng văn học các tỉnh, thành. Năm 2019, Hội Nhà văn có ba tác giả được trao giải của Giải thưởng VHNT Đất Quảng lần thứ III (2014-2019) của UBND tỉnh Quảng Nam: Nguyễn Kim Huy với tác phẩm Kéo co với mùa xuân, Trần Trung Sáng với tác phẩm Hạt bụi bay xa và Nguyễn Nhã Tiên với tác phẩm Đi tìm huyền thoại cho đất. Năm 2022, 9 tác giả Hội Nhà văn TP đã vinh dự nhận được các Giải thưởng VHNT lần thứ IV của UBND TP Đà Nẵng (2015-2020): Bùi Tự Lực, Đinh Thị Như Thúy - Giải A văn học thiếu nhi và thơ; Trần Trung Sáng – Giải B văn xuôi, Nguyễn Kim Huy, Phan Hoàng Phương, Nguyễn Ngọc Hạnh - giải C thơ, Nguyễn Nhã Tiên, Bùi Xuân, Thanh Quế - giải KK về văn xuôi, văn học dịch và thơ.

Các tác phẩm Nước mắt hạt bụi - truyện ngắn Quế Hương, Giới hạn – thơ Phan Hoàng Phương, Biến thể – thơ Nguyễn Nho Khiêm được Liên hiệp VHNT TP Đà Nẵng trao Giải thưởng các năm 2018, 2020 và 2022.

Hằng năm, Hội Nhà văn TP Đà Nẵng cũng đã xét và trao tặng các Tặng thưởng văn học cho các tác phẩm hội viên: Tập truyện thiếu nhi Chó hoang - Bùi Tự Lực, tập thơ Kéo co với mùa xuân - Nguyễn Kim Huy, tập thơ Trong những lời yêu thương - Đinh Thị Như Thúy, tập truyện ngắn và ký Trầm - Phạm Phát và tập truyện ngắn Những câu chuyện bên lề - Trần Trung Sáng năm 2018. Các tác phẩm Bẻ đôi củ khoai mà bàn việc lớn - ký sự nhân vật của Trương Điện Thắng, Lòng chưa cạn đêm sâu - ký, tản văn Nguyễn Ngọc Hạnh và các tập thơ Chín chín nhịp - Vạn Lộc, Trầm tích - Thụy Sơn năm 2019. Các tác phẩm Dấu xưa xứ Quảng – bút ký Trần Trung Sáng, Những ngọn gió khuya - thơ Ngân Vịnh, Ngăn kéo thời gian -  thơ Nguyễn Hoàng Thọ, Rồi từ đó thơ song ngữ Việt - Anh của Mai Hữu Phước năm 2020. Hai tác phẩm Tạp văn - Nguyễn Đông Nhật và Ngày sinh của gió  - thơ Hồ Sĩ Bình năm 2021. Những thanh âm bên bờ sông lấp - thơ Nguyễn Nhã Tiên năm 2022...       

*

Những tác phẩm trên đã phần nào khắc họa được diện mạo văn học khá phong phú đa dạng, kể cả về nội dung lẫn thể loại Hội Nhà văn TP Đà Nẵng, là những dẫn chứng sinh động cho niềm say mê văn chương và những nỗ lực không ngừng trên con đường sáng tạo Văn học của các nhà văn Đà Nẵng trong năm năm qua.

Tuy nhiên, có thể thấy một thực trạng là, các nhà văn Đà Nẵng hiện nay, đặc biệt là thế hệ các nhà văn trẻ sau 1986, dù được đào tạo bài bản, có ý thức đọc và học, nhưng thực sự trong tình hình mới này, trước những biến chuyển lớn lao mọi mặt và tác động dữ dội của cuộc sống hiện đại với những vấn đề gay gắt nổi lên mỗi ngày, dường như thường chỉ muốn viết một cách tự do, ngẫu hứng, theo sự yêu thích và mong muốn mơ ước riêng của mình. Điều đó thể hiện rất rõ trong một số tác phẩm của họ, ngay cả ở những tác phẩm tưởng như thành công khi có được sự giới thiệu, hoan nghênh rộng rãi của dư luận bạn đọc, nhưng lại rất sớm đi vào lãng quên. Nếu muốn làm nên những tác phẩm thật sự, để đời, lan tỏa sâu rộng và bền bỉ, điều kiện tiên quyết thiết nghĩ phải là sự nỗ lực đầu tiên của bản thân các nhà văn về sự đọc, sự học, say mê và miệt mài khám phá tiếp thu những cái đẹp cái hay ngàn đời từ kho tàng tinh hoa văn học nhân loại.

Mặt khác, có cảm giác không ít các nhà văn hiện nay ít chịu dấn thân xông xáo vào cuộc sống, ghi nhận kịp thời mọi biến động của đời sống xã hội đang đổi thay lớn lao dữ dội từng ngày từng giờ để đưa vào trang viết của mình.        Những vấn đề hiện tại của Đà Nẵng thường được các nhà văn Đà Nẵng sử dụng một thể loại thích hợp hơn: bút ký. Nhưng, như nhiều bạn đọc nhận định, các bút ký của các tác giả Đà Nẵng khá nhẹ nhàng, thiên về ca ngợi, hoặc thậm chí viết theo phong trào, cuộc thi với những đề tài đã được ấn định sẵn, khó gây được ấn tượng mạnh mẽ với người đọc vì thiếu các vấn đề gai góc đang nổi cộm lên từ cuộc sống thường ngày của thành phố.

Một khuynh hướng sáng tác có thể do quan niệm nghệ thuật kinh điển ảnh hưởng khá sâu đến các nhà văn Đà Nẵng là thường đầu tư viết về những vấn đề vĩ mô, có tính nhân văn cao cả, có chiều sâu triết học và chiều rộng rung cảm bao la. Nhiều tác phẩm theo khuynh hướng này đã rất thành công, nhưng không ít tác phẩm cần một thời gian dài để hiểu, để nhận ra giá trị hoặc rất cần sự chỉ dẫn phân giải của các nhà phê bình văn học, một điều đang là hiếm hoi trong thực trạng văn học cả nước hiện nay. Và nó cũng giải thích vì sao Văn học Đà Nẵng hiện tại ngoài một số tác phẩm công phu, hình như còn thiếu dấu vết sôi động nóng bỏng của cuộc sống, ít có bóng dáng những tác phẩm gây tiếng vang, gây nên dư luận xôn xao như ở các vùng văn học khác.

*

Với sự kế thừa một truyền thống Văn học quý giá và với những tiềm năng, những triển vọng đã và đang có, bạn đọc có thể hy vọng và chờ đợi trong thời gian tới, phong trào VHNT nói chung và sáng tác Văn học nói riêng của Hội Nhà văn TP Đà Nẵng sẽ có một bước phát triển mới, có bước bứt phá để vươn đến đỉnh cao, xứng tầm với sự phát triển mọi mặt của thành phố hiện nay. Hy vọng trong thời gian tới, trong tương lai, các nhà văn Đà Nẵng sẽ có đủ điều kiện chủ quan và khách quan để toàn tâm toàn ý và dốc sức cho công việc sáng tác tâm huyết mà nhọc nhằn của mình, và sẽ nỗ lực phấn đấu để có những tác phẩm lớn, mang tầm thời đại như xã hội hy vọng, tin tưởng!

Đà Nẵng, tháng 12. 2023

Nguyễn Kim Huy

Nguồn Văn nghệ số 50/2023


Có thể bạn quan tâm