April 29, 2024, 11:17 am

Hội họa hiện đại và đương đại: Sự tương đồng và khác biệt

“Trong quá trình phát triển của hội họa, những yếu tố thời đại đã tác động, hỗ trợ và đóng góp cho sự vận động, chuyển biến của hội họa từ hiện đại sang đương đại”, đó là những dẫn mở trong cuộc trò chuyện “Sự tương đồng và khác biệt giữa hội họa hiện đại và đương đại” của nghệ sĩ, curator Trần Lương tại Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Vincom Hà Nội trong tháng 7/2023. Ở ranh giới khá mỏng giữa hội họa hiện đại và đương đại là những sự tương đồng và khác biệt nhất định…

 

Tác phẩm “Tougen Space” của Masatake Kouzaki, (hội họa đương đại) acrylic, foil, 2014

 

Có thể nói rằng, sự ra đời của máy ảnh đã gây tác động lớn đến hội họa, đánh dấu một lối rẽ mới với các trào lưu ra đời. Những tác phẩm hội họa tả thực mà trước đó vốn là “đất riêng” của các họa sĩ đã bị nhiếp ảnh lấn sân và thay thế bằng những khoảnh khắc chân thực, sinh động hơn. Thậm chí là ảnh chụp có độ chính xác hơn về mặt giải phẫu, so với các bức tranh tả thực vẽ hoạt động của người hay động vật.

Bắt đầu từ tác phẩm của các họa sĩ tên tuổi như Vincent van Gogh, Paul Cézanne, Paul Gauguin, Georges Seurat…, hội họa hiện đại là những thể nghiệm của các họa sĩ hiện đại với những góc nhìn mới, từng sáng tạo dựa trên bản chất vật liệu và các chức năng của nghệ thuật. Với xu hướng tìm kiếm một sự đồng cảm và chia sẻ, hội họa hiện đại chú trọng đến tính phức tạp, tính nguyên sơ và tính sâu thẳm của tác phẩm. Từ đó, hội họa ra đời xu hướng trừu tượng và các phong trào nghệ thuật khác như chủ nghĩa ấn tượng, chủ nghĩa dã thú, chủ nghĩa biểu hiện, chủ nghĩa lập thể… Các tác phẩm hội họa hiện đại mang biểu đạt đa sắc màu, tính biểu cảm cao và dễ nhận ra phong cách trong các bức tranh phong cảnh hoang dã.

Song không thể phủ nhận các biến động thời đại đã làm biến đổi ngôn ngữ và vai trò của nghệ thuật. Dù còn nhiều tranh cãi về mốc thời gian để phân biệt ranh giới của hai thời kỳ “hội họa hiện đại” và “hội họa đương đại”, nhưng có nhiều nhà nghệ thuật học đều cho rằng đó là khoảng cuối thập niên 60 - đầu thập niên 70 của thế kỷ 20 (cùng lúc với sự ra đời của internet). Và “hội họa đương đại”, kéo dài từ cuối những năm 1960 - đầu những năm 1970 tới nay - mà tính đương đại cập nhật nhất chính là sự ra đời của công nghệ AI đương thời.

Con đường của nghệ thuật nói chung và hội họa nói riêng là những sáng tạo thách thức các ranh giới, giới hạn trước đó. Đó là sự kết hợp không chỉ từ năng khiếu nghệ thuật của người nghệ sĩ, mà còn là nhận thức và hiểu biết về vật liệu, phương pháp, khái niệm, chủ đề, nền tảng văn hóa xã hội... Trong bối cảnh thế giới không biên giới, với nền văn hóa đa dạng liên tục tương tác, va chạm nhau, hội họa đương đại mang nhiều tính chất đối thoại liên văn hóa.

Theo nghệ sĩ thị giác, curator Trần Lương, người tiên phong trong quá trình kiến tạo không gian cho nghệ thuật đương đại mang tính phát triển ở Việt Nam thì trong những yếu tố thời đại đã tác động, hỗ trợ và đóng góp cho sự vận động, chuyển biến của hội họa từ hiện đại sang đương đại có nhiều nguyên nhân làm biến đổi ngôn ngữ và vai trò của nghệ thuật. Trước hết, nói về sự tương đồng giữa hội họa hiện đại và hội họa đương đại, nghệ sĩ Trần Lương chỉ ra rằng: Về chất liệu – vẫn là bút lông/ cọ vẽ, vẫn là “bôi” màu lên mặt phẳng… và đề tài/ đối tượng mà các sáng tác hướng đến vẫn không nằm ngoài con người, cuộc sống, thiên nhiên…

 

Tác phẩm “The sea at L’Estaque” của Paul Cézanne, hội họa hiện đại.

 

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh, hội họa đương đại mang thái độ và phản ánh trực diện các vấn đề xã hội, gợi hướng cho các vấn đề lịch sử, hiện trạng và xu hướng xã hội. Và ở các tác phẩm hội họa hiện đại, nếu các họa sĩ chú ý và cố tình tạo nên những nét xước trong quá trình đi màu thì ở hội họa đương đại, kiểu tạo nét xước này chỉ còn 10% trong tác phẩm.

Điều khác biệt nữa là ở hội họa đương đại có sự xuất hiện màu sắc của những biên giới mờ, những cuộc di cư, cộng đồng dân cư pha trộn, cấp độ của công nghệ và chất lượng xã hội học, tốc độ nhịp sống, môi trường sinh thái… Góp phần vào chuỗi biến động thời đại là sự xuất hiện và phát triển chóng mặt của công nghệ internet, công nghệ AI và số hóa toàn cầu.

Nhưng trước hết, từ những năm 1990, khi thế giới bước vào hội nhập toàn cầu hóa, mở rộng giao lưu, những cuộc di cư tràn qua các châu lục tạo nên những vùng văn hóa pha trộn từ dòng máu, màu da, ngôn ngữ, đến tôn giáo, quan điểm sống và quan điểm nghệ thuật… Hội họa đương đại cùng lúc đã cho thấy một thế giới gần như không còn biên giới (biên giới mờ) cả trong đời thực (các gia đình đa ngôn ngữ/ đa văn hóa) và trên thế giới ảo (mạng xã hội). Cấp độ của công nghệ và chất lượng xã hội thay đổi chóng mặt. Nhịp sống nhanh hơn, gấp hơn. Song song với đó là môi trường sinh thái biến đổi theo xu hướng cực đoan…

Có thể nhận thấy những đặc trưng của hội họa đương đại từ các yếu tố thời đại thông qua tác phẩm của các tác giả như The holy virgin mary của Chris Ofili, Hybird 1997 của Jenny Saville, Untitled của Eberhard Havekost, Tougen của Masatake Kozaki, Ascending path của Fu Site, các tác phẩm của Tenmyouya Hisashi…

Và trong buổi nói chuyện chuyên đề “Nghệ thuật hiện đại phương tây - tiếp cận cách khác” do Tạp chí Văn+ tổ chức cũng trong tháng 7/2023, theo nhà phê bình Nguyên Hưng thì: Điều thú vị là, cho đến nay, cả trong việc thực hành lẫn đánh giá, các nhà nghệ thuật học nói chung và giới hội họa nói riêng đều không tránh khỏi sự mâu thuẫn với hai hướng: Vừa xem các khuynh hướng nghệ thuật hiện đại như những hình thức cách điệu khác nhau, lại vừa đề cao cái “mới”, tính “độc lạ”/ “sáng tạo” theo quan điểm phê bình của chủ nghĩa hiện đại để rồi phủ nhận, báng bổ lẫn nhau.

Kể cả hội họa hiện đại hay đương đại, dù sinh ra và lớn lên trong sự phát triển rực rỡ của khoa học, kỹ thuật, công nghệ nhưng bản thân các tác giả của các thời kỳ này đều không tránh khỏi nỗi lo lắng, sợ hãi trước sự rực rỡ này. Dù ở thời kỳ nào, họ đều luôn sợ hãi những sản phẩm do con người tạo ra sẽ nằm ngoài tầm kiểm soát của con người. Và thậm chí, họ sợ hãi những sản phẩm rực rỡ đến từ đỉnh cao của khoa học, kỹ thuật, công nghệ sẽ lấn sân, chiếm dụng và “đè bẹp” họ. Lịch sử đã chứng minh: Đó là nỗi sợ của hội họa tả thực trước sự ra đời của máy ảnh. Và gần gũi nhất với chúng ta ngày nay, là nỗi lo lắng trước sự bùng nổ của công nghệ AI. Có không ít cuộc trò chuyện, thảo luận xoay quanh nỗi sợ này trong giới nghệ thuật nói chung và hội họa nói riêng - Đó là các nghệ sĩ nói chung, họa sĩ nói riêng sẽ tiếp tục sáng tạo thế nào khi AI có thể tự động tạo ra những tác phẩm chỉ dựa trên những từ khóa? Dù mới ra đời nhưng các sản phẩm mỹ thuật từ AI đã khiến con người không khỏi kinh ngạc. Khi AI hoàn thiện hơn nữa, liệu con người có bị AI thay thế?

Tuy nhiên, run sợ và hoài nghi là điều cần thiết cho các nghệ sĩ và giới nghệ thuật nói chung. Nỗi sợ và sự hoài nghi là động lực mạnh mẽ cho các nghệ sĩ tiến bộ và sáng tạo, để tiếp tục hành trình và sứ mệnh của mình, là không ngừng phá vỡ và vượt thoát khỏi những ranh giới/ giới hạn trước đó.

Yến Ly

Nguồn Văn nghệ số 32/2023


Có thể bạn quan tâm