May 15, 2024, 8:56 am

Hơi ấm từ tấm khăn quàng của Bác

 

Nhà riêng của bác sĩ Max Sefrin nằm sát bên bờ hồ Grünau, Berlin. Ông nguyên là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Bộ trưởng Bộ Y tế và Chủ tịch Ủy ban Việt Nam của Cộng hòa Dân chủ Đức.

 

Bác Hồ đón tiếp Đoàn đại biểu Ủy ban đoàn kết với Việt Nam của CHDC Đức do Chủ tịch Max Sefrin dẫn đầu sang thăm Việt Nam tháng giêng 1969.

Trong chuyến công tác ở Đức, tôi tìm đến thăm ông với tình cảm trân trọng đối với một người bạn lớn của nhân dân ta. Trên cương vị người đứng đầu của phong trào đoàn kết ủng hộ sự nghiệp cách mạng Việt Nam, Max Sefrin đã có mặt tại hầu hết các phường, xã của Cộng hòa Dân chủ Đức trước đây để kêu gọi, cổ vũ mọi người, không kể lứa tuổi, nam, nữ, chính kiến chính trị… hướng về cuộc chiến đấu chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam. Và ông cũng từng có mặt tại nước ta trong những ngày chiến tranh ác liệt năm 1965, không chỉ ở Hà Nội, mà ở khắp vùng khu bốn cũ, trong đó có Ngư Thủy với đơn vị dân quân nữ nổi tiếng của Quảng Bình. Sau chuyến đi ấy, ông được gặp lại Bác Hồ - người đã gọi ông là "bạn thân mến của tôi!" khi hai người gặp nhau ở Bắc Kinh trước đó nhiều năm. Ông kể: "Tiếp tôi tại phòng khách trong ngôi nhà sàn giản dị, Bác hỏi tôi có gì đáng ghi nhớ sau chuyến đi vừa qua không. Tôi có thưa với Bác về hai sự việc: một là, những ấn tượng sâu sắc về các cô gái nhỏ nhắn, bình thường, khiêm tốn, rất đáng yêu mà dũng cảm dùng pháo 12,7 ly hạ máy bay Mỹ; hai là, tôi rất ngạc nhiên khi tiếp xúc ngẫu nhiên với các đồng chí ở Quảng Bình - bề ngoài tưởng họ rất mộc mạc, nhưng nói rất cụ thể và lưu loát về tình hình Cộng hòa Dân chủ Đức. Một đồng chí bí thư chi bộ tóc đã điểm sương hiểu biết rất rõ về phong trào ủng hộ Việt Nam, về cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc. Toàn là những vấn đề khá quan trọng! Nghe đồng chí ấy nói, tôi vô cùng xúc động và càng cảm phục các đồng chí làm công tác tuyên truyền ở Việt Nam".

Nghe xong, Bác nhìn tôi bảo:

- Đó cũng là những điều dễ hiểu, không có gì đáng ngạc nhiên đâu! Nhân dân chúng tôi biết nhân dân Cộng hòa Dân chủ Đức là những người anh chị em đang thừa kế sự nghiệp của Marx và Engels. Trong Đảng chúng tôi cũng rất quan tâm đến các vấn đề quốc tế và từng bước đưa những nhận thức cơ bản xuống tận các cơ sở.

Rồi bốn năm sau, vào một buổi sáng mùa xuân 1969, Max Sefrin lại được gặp Bác Hồ, nhân dẫn đầu đoàn đại biểu Ủy ban Việt Nam của Cộng hòa Dân chủ Đức sang thăm nước ta. Ông kể rằng, dạo ấy trông Bác đã yếu nhiều. Các thành viên của đoàn đều tỏ ý lo ngại về sức khỏe của Người. Song, ai cũng cảm động vì mặc dù vậy, Người vẫn dành thời gian tiếp đoàn. Bác chỉ mỉm cười đôn hậu:

- Các đồng chí đừng lo, tôi vẫn ăn, ngủ và làm việc bình thường.

Rồi Người hỏi một cách âu yếm:

- Các chú thấy có lạnh không?

Mọi người trả lời:

- Thưa Bác, không ạ!

Bác nói tiếp:

- Không lạnh, nhưng thời tiết này rất nguy hiểm.

Người hỏi thăm sức khỏe từng người một. Các thành viên trong đoàn đều khỏe, riêng Trưởng đoàn Max Sefrin lúc mới sang, có bị cúm, phải nằm bệnh viện Hữu nghị mất mấy ngày. Theo phép lịch sự, ông cởi áo khoác ngoài và định cởi cả khăn quàng ra thì Bác xua tay, bảo:

- Không nên cởi khăn quàng, chú ạ!

Nói xong, Người cởi khăn quàng của Người ra và quàng thêm cho Max Sefrin. Ông nói với tôi rằng, cho đến bây giờ, ông vẫn cảm thấy hơi ấm của Bác truyền sang mình. Thấy Bác cũng mệt, ông vội vàng quàng chiếc khăn của ông cho Người. Tấm khăn ấy, Người đã dùng cho đến khi qua đời. Max Sefrin nói: "Đối với bản thân tôi, đó là một vinh dự lớn mà tôi không bao giờ quên được. Chiếc khăn của Người, tôi đã dùng cho đến khi về nước và sau này được dùng làm tặng phẩm cho một trường phổ thông có thành tích xuất sắc trong phong trào ủng hộ Việt Nam. Tôi vẫn nhớ như in: chiếc khăn của Bác, một nửa là màu nâu nhạt và một nửa là màu xanh da trời…"

Trong lần đó, Chủ tịch Sefrin đã báo cáo với Bác Hồ rất tỉ mỉ về phong trào ủng hộ Việt Nam ở đất nước ông, từ các hoạt động: Điện cho Việt Nam, Xe đạp cho Việt Nam, Máu cho Việt Nam… đến những buổi hòa nhạc quyên tiền theo yêu cầu thính giả của đài phát thanh, những "quẩy hàng đoàn kết" do thanh niên và thiếu niên, nhi đồng tổ chức…Tiếp đó, ông trao cho Người những món quà mà nhân dân Đức gửi biếu Người. Bác tỏ ý rất vui và xúc động trước tình cảm sâu sắc, chân thành của mọi lớp người trên quê hương của Karl Marx.

Bác sĩ Max Sefrin kể: "Trong bầu không khí hết sức cởi mở, ấm áp, tôi nêu một vấn đề khá quan trọng để xin ý kiến của Người. Số là, trong thời gian đó, nhiều thanh niên ở nước chúng tôi tình nguyện được sang Việt Nam trực tiếp cầm súng chống Mỹ. Có những học viên các trường sĩ quan của quân đội viết đơn nêu rõ: "Họ sẵn sàng từ bỏ các quân hàm, xin làm người lính bình thường chiến đấu trong hàng ngũ quân đội nhân dân Việt Nam". Nghe chúng tôi báo cáo xong, Bác nở nụ cười trìu mến và chậm rãi nói:

- Tôi rất vui, khi được biết ý định đó của các cháu thanh niên Đức. Đó là một ý định tốt, rất đáng hoan nghênh. Xin nhờ các bạn chuyển lời cảm ơn của tôi tới các cháu. Ý định đó, quyết tâm đó của các cháu nói lên rằng, tình đoàn kết quốc tế của giới trẻ nước Cộng hòa Dân chủ Đức đã phát triển tới mức độ cao. Nhưng, vấn đề là cần làm cho các cháu hiểu rằng: chúng ta đừng để nổ ra một cuộc chiến tranh thế giới. Nhân dân Việt Nam rất yêu chuộng hòa bình nên mới tiến hành cuộc đấu tranh đầy gian khổ, hy sinh này. Chúng tôi không những chiến đấu vì bản thân mình mà chính vì lợi ích của toàn nhân loại. Tôi nghĩ rằng, ở nước các bạn, cũng như ở các nước khác, trước hết là cần tiến hành phong trào đoàn kết ủng hộ Việt Nam ngay trong nước mình; đó là một phong trào ủng hộ rộng khắp về chính trị, tinh thần và vật chất…

Bác sĩ Max Sefrin kể câu chuyện về mùa xuân ấy - mùa xuân cuối cùng trong đời Bác Hồ - khi dẫn tôi đi bên bờ hồ Grünan lộng gió. Ông nhìn mặt nước xanh vô tận, nói lên suy nghĩ tận đáy lòng mình:

- Nghe Bác nói, chúng tôi thật thấm thía về sự quan tâm của Người đối với lợi ích chung của hòa bình thế giới. Tấm lòng của Bác thật là mênh mông, vĩ đại.

Nguồn Văn nghệ số 3+4+5/2020


Có thể bạn quan tâm