May 14, 2024, 1:34 am

Hiệu quả từ hoạt động của Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá

 

Thiết lập mạng lưới phòng chống tác hại thuốc lá trên toàn quốc; nâng cao năng lực cho mạng lưới cộng tác viên phòng chống tác hại thuốc lá; nhân rộng các mô hình không khói thuốc; xây dựng các mô hình thành phố du lịch không khói thuốc lá; triển  khai công tác tư vấn cai nghiện thuốc lá, tăng cường kiểm tra xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống tác hại thuốc lá… là những hoạt động nổi bật của Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá trong thời gian qua

Thông tin chung

Trên thế giới có khoảng 1,3 tỷ người hút thuốc lá. Dự báo đến năm 2020, con số này sẽ lên tới trên 1,6 tỷ người. Tại các nước có thu nhập cao, tỷ lệ hút thuốc lá đang giảm đi, ngược lại sử dụng thuốc lá đang có xu hướng gia tăng tại các nước có thu nhập trung bình và thấp. Theo Tổ chức Y tế thế giới, 80% số người sử dụng thuốc lá sống  tại các nước có thu nhập trung bình và thấp.

Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới. Trung bình cứ 2 nam giới từ 15 tuổi trở lên có 1 người hút thuốc. Phần lớn người hút thuốc bắt đầu hút khi còn rất trẻ. 56% người hút thuốc bắt đầu hút trước tuổi 20. Tỷ lệ hút thuốc lá cao đã gây ra các tác hại rất lớn về mặt sức khỏe và kinh tế tại Việt Nam. Theo điều tra tại Bệnh viện K năm 2000, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá lên tới 96,8%. Nghiên cứu năm 2011 của Viện Chiến lược và chính sách y tế cho thấy bệnh tật và tử vong sớm do sử dụng thuốc lá chiếm 12% tổng gánh nặng bệnh tật. Theo Tổ chức Y tế thế giới, số trường hợp tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích ở Việt Nam, mà một trong những nguyên nhân quan trọng là do tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao.

Với tính cấp thiết của công tác phòng chống tác hại của thuốc lá, Quốc hội khóa 13 đã thông qua Luật PCTH thuốc lá vào ngày 18/6/2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/5/2013. Luật gồm 5 chương và 35 điều, quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương; Quyền, trách nhiệm của người đứng đầu các địa điểm cấm hút thuốc; Quyền, nghĩa vụ của công dân; các hành vi bị nghiêm cấm trong PCTH thuốc lá; nghĩa vụ của người hút thuốc; các địa điểm cấm hút thuốc lá; các điều kiện đảm bảo để PCTH thuốc lá.

Để đảm bảo nguồn lực cho công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, Luật PCTH thuốc lá đã có quy định về việc thành lập Quỹ PCTH thuốc lá. Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá (sau đây gọi chung là Quỹ) là quỹ quốc gia, trực thuộc Bộ Y tế. Quỹ hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, có chức năng huy động, cung cấp và điều phối nguồn lực tài chính của Quỹ cho các hoạt động phòng, chống tác hại  thuốc lá trên phạm vi toàn quốc. Ngày 29/7/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 47/2013/QĐ-TTg về việc thành lập, phê duyệt Điều lệ và Tổ chức hoạt động của Quỹ PCTH thuốc lá. Ngày 25/11/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 229/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược quốc gia PCTH thuốc lá đến năm 2020 với mục tiêu giảm nhu cầu sử dụng và kiểm soát để từng bước giảm mức cung cấp các sản phẩm thuốc lá tiêu thụ tại thị trường Việt Nam nhằm giảm nguy cơ bệnh tật và tử vong do sử dụng thuốc lá gây ra.

Thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của Luật PCTH thuốc lá, từ năm 2015 Quỹ đã hỗ trợ cho 62 tỉnh, thành phố và 26 bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội để triển khai hoạt động PCTH thuốc lá. Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật PCTHTL với nhiều hình thức phong phú trên các phương tiện thông tin đại chúng đã thu được nhiều kết quả tích cực. Nhờ tuyên truyền tốt mà công tác PCTH thuốc lá đã đạt được các kết quả tích cực. Các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành đã xây dựng được nhiều mô hình không khói thuốc lá.

 

Một số hoạt động nổi bật của Quỹ

Quỹ PCTH thuốc lá được thành lập theo Quyết định số 47/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện nhiệm vụ được quy định trong Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, thời gian qua, Quỹ PCTH thuốc lá tế đã tích cực phối hợp với các bộ ngành, các tổ chức Chính trị xã hội và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức trong  cộng đồng về tác hại của việc hút thuốc, xây dựng môi trường không khói thuốc, đặc biệt là đẩy mạnh các hoạt động nhằm ngăn ngừa hút thuốc trong thanh thiếu niên, bảo vệ các thế hệ tương lai của đất nước khỏi các tổn thất về sức khỏe do việc sử dụng thuốc lá. Công tác phòng, chống tác hại thuốc lá đã đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Cụ thể:

62 tỉnh, thành phố, 17 bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội thành lập Ban chỉ đạo PCTH thuốc lá. Các mô hình nơi làm việc, trường học, cơ sở y tế, thành phố du lịch, khách sạn, nhà hàng, không khói thuốc được triển khai nhân rộng. Lãnh đạo các bộ, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố đã có sự quan tâm hơn với công tác phòng, chống tác hại thuốc lá thông qua sự chỉ đạo mạnh mẽ, sự phân công trách nhiệm rõ ràng cho các sở, ban, ngành và tổ chức, cá nhân liên quan. Các hoạt động thiết thực như đưa nội dung phòng chống tác hại thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hàng năm, đưa quy định cấm hút thuốc nơi làm việc vào quy chế nội bộ của cơ quan, đơn vị, đưa tiêu chí không hút thuốc tại nơi làm việc vào tiêu chuẩn thi đua khen thưởng của công chức, viên chức, người lao động đã được nhiểu cơ quan, đơn vị chấp hành nghiêm chỉnh. Nhiều cơ quan, đơn vị thực hiện tốt quy định về môi trường không khói thuốc như Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Uỷ ban nhân dân thành phố Hạ Long, thành phố Hội An, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắc Lắc, Bệnh viện huyện Hải hậu, Nam Định,.. Mô hình khách sạn, nhà hàng không khói thuốc lá cũng đang được nhiều khách sạn, nhà hàng hưởng ứng như khách sạn Lotus Hạ Long; Khách sạn Hữu nghị tại Hải Phòng; chuỗi nhà hàng Thái Express; khách sạn Caravelle T.P Hồ Chí Minh…

Tại các tỉnh, thành phố, trong năm 2015, đã có hơn 1.000 buổi truyền thông trực tiếp cho 22.673 người. 400 trường Trung học phổ thông, 457 trường trung học cơ sở thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc. Công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực cho mạng lưới cộng tác viên tại các tỉnh, thành phố được đẩy mạnh. Trong 3 năm qua, hơn 15.000 cán bộ chủ chốt tham gia hoạt động PCTH thuốc lá được tập huấn về thực hiện môi trường không khói thuốc;

Công tác tư vấn cai nghiện thuốc lá được bước đầu triển khai, trong đó bệnh viện Bạch Mai được giao nhiệm vụ thành lập Trung tâm tư vấn cai nghiện. Tính riêng từ tháng 7 đến tháng 12 năm 2015 tổng đài tư vấn cai nghiện thuốc lá đã tiếp nhận hơn 10.000 cuộc gọi xin tư vấn cai nghiện thuốc lá.

Nhiều sự kiện văn hoá, thể thao lớn tại cộng đồng đã gắn chặt với việc tuyên truyền tác hại thuốc lá như sự kiện Festival Nha trang – thành phố biển không khói thuốc lá năm 2015; Đại hội Thể thao bãi biển không khói thuốc tại Đà Nẵng năm 2016; Lễ phát động các Chiến dịch Ngôi nhà không khói thuốc; Phụ nữ xây dựng tổ ấm không khói thuốc lá do Hội Phụ nữ Việt Nam tổ chức với sự tham gia của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam (năm 2015) và của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh (năm 2016), đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, đoàn thể, sự tham của  đông đảo thanh niên, sinh viên... Những sự kiện này đã thu hút sự tham gia của đông đảo người dân trong cộng đồng trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm hành chính về phòng, chống tác hại thuốc lá cũng được tăng cường. Trong 3 tháng cuối năm 2016, thanh tra Bộ Y tế đã tổ chức kiểm tra 151 cơ sở tại 3 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Quảng Ninh, Thừa Thiên  Huế), xử phạt 16 cơ sở với số tiền 136 triệu đồng. Tại Hà Nội, Đoàn kiểm tra Liên ngành các Quận Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng cũng đã tiến hành kiểm tra việc tuân thủ Luật PCTH thuốc lá tại 118 đơn vị, xử phạt 12 khách sạn, nhà hàng 60 triệu đồng. Tại Hải phòng, các cơ quan chức năng của Thành phố Hải phòng cũng đã kiểm tra 62 đơn vị, cơ sở kinh doanh, các khách sạn nhà hàng. Tổng số tiền xử phạt trong năm 2016 khoảng 200 triệu đồng.

Một số hiệu quả từ hoạt động của Quỹ PCTH thuốc lá trong thời gian qua

Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu ở thanh thiếu niên Việt Nam giảm; Tỷ lệ hút thuốc lá điếu trong nam giới khu vực thành thị giảm rõ rệt; Tỷ lệ hút thuốc lá thụ động giảm đáng kể ở bệnh viện, trường học, trên các phương tiện giao thông công cộng... là một trong những điểm nhấn quan trọng trong kết quả hoạt động phòng chống tác hại  thuốc lá của Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá. Kết quả này là sự kết hợp của nhiều biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả, là nỗ lực của công tác phối hợp liên ngành và sự ủng hộ của các cơ quan truyền thông và các tổ chức phòng, chống tác hại thuốc lá trong nước và quốc tế.

Điều tra toàn cầu năm 2014 về tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh từ 13-15 tuổi cho thấy tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu ở thanh thiếu niên Việt Nam giảm từ 3,3% năm 2007 xuống 2,5%  năm 2014; tỷ lệ hút thuốc lá thụ động giảm từ 66,5%  xuống 47,7%.

Ở người trưởng thành từ 15 tuổi trở lên, kết quả Điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành (GATS 2015) do Tổng Cục thống kê phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới và Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hoa kỳ công bố năm 2016 cũng cho thấy so với năm 2010 tỷ lệ hút thuốc trong nam giới Việt Nam có xu hướng giảm (từ 47,4% xuống 45,3%), trong đó tỷ lệ hút thuốc lá điếu của nam giới khu vực thành thị giảm 6,5%. Đặc biệt tỷ lệ hút thuốc thụ động tại nơi làm việc giảm 13,3%, hút thuốc thụ động tại trường đại học, cao đẳng giảm 16,4%, tại nhà hàng giảm 4,2%, trên phương tiện giao thông công cộng giảm 15%,  hút thuốc thụ động tại cơ sở chăm sóc y tế giảm 5,2%.

Với sự hỗ trợ của Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá, chúng ta sẽ có nhiều cơ hội hơn để triển khai toàn diện các hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá hiệu quả, hỗ trợ những người cai thuốc bỏ thuốc, ngăn ngừa thanh thiếu niên không hút thuốc, góp phần bảo vệ tốt hơn sức khỏe cộng đồng.

Một số khó khăn trong quá trình triển khai

1. Thuế thuốc lá thấp: Thuế thuốc lá tại Việt Nam thấp gần nhất so với các nước trong khu vực (chỉ cao hơn Cam-pu-chia).  Hiện nay, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá của Việt Nam là 65%, nếu tính trên giá bán lẻ mức thuế này chỉ chiếm 41,6%.

2. Giá thuốc lá  rẻ: Theo Điều tra GATS 2015, giá trung bình của một bao thuốc lá (20 điếu) của Việt Nam là 11.819 đồng/bao. Mức giá này cũng rất rẻ so với các nước trong khu vực như của Singapore (192,000 đồng/bao); của Philipine (32,000 đồng/bao), Malaysia (74,000 đồng/bao)... (nguồn SEATCA – Atlas 2014). Hơn nữa, sau khi đã điều chỉnh lạm phát, mức giá thuốc lá của chúng ta  có xu hướng giảm gần 1.000 đồng/bao năm so với năm 2010.

3. Thuốc lá đang được bày bán tràn lan, mọi người có thể dễ dàng tiếp cận và mua thuốc lá ở nơi công cộng, đặc biệt là quán cà phê, nhà hàng và địa điểm vui chơi khác... đang gây ra những khó khăn, cản trở nỗ lực trong việc cai nghiện thuốc lá, giảm tỷ lệ hút thuốc tại nước ta (có thể so sánh việc mua thuốc lá quá dễ ở Việt Nam và việc mua thuốc lá khó ở các nước phát triển)

4. Trên thị trường Việt Nam lại xuất hiện một số sản phẩm mới như shisha, Vape, thuốc lá điện tử và được quảng bá mạnh mẽtrên nhiều trang mạng internet về sự hấp dẫn và sành điệu khi sử dụng. Thậm chí các sản phẩm này còn được quảng cáo là có tác dụng cai nghiện thuốc lá truyền thống. Điều này không những thu hút thanh thiếu niên tham gia sử dụng mà còn gây những hiểu lầm về sự an toàn cho sức khoẻ khi sử dụng các sản phẩm này.

5. Hành vi vi phạm quy định trưng bày thuốc lá diễn ra phổ biến tại các điểm bán lẻ... cũng là một khó khăn cho công tác PCTH thuốc lá. Theo Điều tra năm 2015 của Trường Đại học Y tế Công cộng, hơn 90 phần trăm các điểm bán lẻ thuốc lá đang vi phạm quy định trưng bày quá một bao, một tút, một hộp của một nhãn hiệu thuốc lá, tạo thành các điểm quảng cáo sản phẩm thuốc lá, thu hút người sử dụng (vi phạm điều 25 Luật PCTH thuốc lá)

Những khó khăn này tiếp tục đặt ra nhiều nhiệm vụ nặng nề cho công tác phòng chống tác hại của thuốc lá trong thời gian tới.

P.V

 

 

 

 

 

 

 

 


Có thể bạn quan tâm