May 17, 2024, 10:10 am

Giữ cho Đà Nẵng, biển vẫn xanh bên bờ cát trắng

 

Năm 2021, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc - UNEP (United Nations Environment Programme) chọn chủ đề hành động là “Phục hồi Hệ sinh thái” (Ecosystem Restoration). Mục tiêu hành động không gì hơn là để xóa đói giảm nghèo; chống biến đổi khí hậu, ngăn chặn sự tuyệt chủng của muôn loài.

 

Các đại biểu danh dự thực hiện nghi thức ấn nút, sẵn sàng đưa hệ thống xử lý nước rỉ từ rác thải vào vận hành. Ảnh: T.Ngọc 


Và 2021 cũng là năm được UNEP chọn phát động mở đầu cho một thập kỷ ngăn chặn và phục hồi hệ sinh thái trên mọi lục địa và đại dương, đặc biệt là những nơi đã, đang trong tình trạng suy thoái. 
Năm nay, Ngày Môi trường thế giới (5 tháng 6) cũng có chủ đề là “Phục hồi Hệ sinh thái”. 
Tại Đà Nẵng, dấu ấn cho các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới năm nay là sự kiện  chính thức khởi động 2 dự án là “Chung tay hành động bảo vệ nguồn nước” và “Giảm ô nhiễm rác thải nhựa với các giải pháp địa phương”.

 

Nhiều hợp phần của 2 dự án được chính thức ký kết. Các bên cam kết chung tay hành động.


Cơ quan Hợp tác phát triển Hoa Kỳ (USAID) – Nhà Tài trợ - và các tổ chức liên quan đã chính thức chọn Đà Nẵng (là một trong số ít các địa phương) để triển khai các dự án về lĩnh vực môi trường. USAID quyết định tài trợ trực tiếp tổng kinh phí cho 2 dự án nêu trên hơn 13 tỷ đồng. 
Ngày 4/6, tại các điểm cầu Hà Nội và Đà Nẵng đã diễn ra hội thảo khởi động dự án và thực hiện các ký kết biên bản ghi nhớ trực tuyến.
“USAID cam kết sẽ đồng hành và hỗ trợ để xây dựng và phát triển Đà Nẵng trở thành một đô thị sinh thái bền vững, an toàn cao về môi trường sống. Qua đó, nâng cao sự thụ hưởng cho chính mỗi người dân, mỗi người đang sống và làm việc ở của Đà Nẵng” - Ngài Robert Layng - Giám đốc Phòng Năng lượng và Môi trường USAID chia sẻ qua diễn đàn.

 

 

Ngài Robert Layng - Giám đốc Phòng Năng lượng và Môi trường USAID chia sẻ với diễn đàn từ điểm cầu Hà Nội

 

Thúc đẩy sáng kiến trong doanh nghiệp và cộng đồng để giảm ô nhiễm rác thải nhựa 


Dự án “Giảm ô nhiễm rác thải nhựa với các giải pháp địa phương” tại Đà Nẵng được thực hiện từ tháng 5/2021 – tháng 7/2023. Tham gia dự án có Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub – với vai trò Chủ dự án); Viện Chiến lược - Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Đại học Y tế Công cộng, Công Ty TNHH Tích hợp hệ thống quản lý Quốc tế. Kinh phí được USAID tài trợ trực tiếp là 3 tỷ đồng.
Mục tiêu chung của dự án là giảm ô nhiễm nhựa thông qua các hành động tập thể, tăng cường sự tham gia của các bên liên quan, cộng đồng và cá nhân. Các hoạt động chính của dự án gồm: Giáo dục và tập huấn về sức khỏe môi trường; Xây dựng các giải pháp dựa trên thông tin, dữ liệu tại địa phương; Hỗ trợ xây dựng các chính sách tại địa phương về quản lý rác thải nhựa; Truyền thông kết hợp phương pháp truyền thống và hiện đại.

Điểm nhấn quan trọng mà dự án hướng đến là hỗ trợ quá trình xây dựng, thực hiện các chính sách (có thể được xây dựng mới hoặc điều chỉnh) ở cấp thành phố liên quan đến quản lý rác thải nhựa. Trong đó, điều quan trọng là đạt được sự tham gia tích cực, phối hợp của tất cả các bên liên quan, tăng cường năng lực và thay đổi hành vi/thói quen của người dân (cũng như các bên liên quan với địa phương, như du khách, người đến làm việc, học tập tại Đà Nẵng; doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn Đà Nẵng) trong giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa tác hại đến sức khỏe. Vì vậy, một hợp phần quan trọng được thiết kế trong dự án là “thúc đẩy các sáng kiến trong doanh nghiệp và cộng đồng”.
Để giảm thiểu rác thải nhựa, dự án cũng giúp Đà Nẵng tiếp tục triển khai chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn với các khâu tư vấn kỹ thuật, cùng nhau xây dựng hoặc hỗ trợ thực hiện kế hoạch hành động.

 

 

Đà Nẵng đã và đang hành động để mục tiêu phát triển không chỉ là con số tăng trưởng, mà còn phải giữ cho được môi trường

 

Thúc đẩy các sáng kiến sử dụng nước thông minh, bảo vệ nguồn nước như bảo vệ sự sống

 

Dự án thứ hai “Chung tay hành động bảo vệ nguồn nước” được USAID tài trợ 10 tỷ đồng , cũng hướng đến kết quả huy động các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu, hiệp hội và cá nhân cùng chung tay thực hiện ngăn ngừa có hiệu quả các nguồn ô nhiễm nước từ nước thải và rác thải, bảo vệ chất lượng các nguồn nước mặt tại Đà Nẵng.

Đáng chú ý là hợp phần xây dựng mô hình khu dân cư phát triển bền vững tại Hòa Vang và Thanh Khê; tạo nên và hoàn thiện mô hình “Cộng đồng giám sát nguồn nước” ở 2 địa phương này, từ đó chia sẻ cho các quận, huyện khác. Tương tự, dự án cũng hướng đến “thúc đẩy các sáng kiến sử dụng nước thông minh và tái sử dụng nước trong doanh nghiệp”. Các sáng kiến tái sử dụng nước này được hỗ trợ để triển khai và sau đó, chia sẻ đến mạng lưới các doanh nghiệp tiên phong tái sử dụng nước.

 

 

Công đoạn thứ ba của quy trình xử lý nước rỉ từ rác thải: Sục khí, tạo phản ứng sinh học làm sạch nước và khử mùi

 

“Thúc đẩy các sáng kiến trong doanh nghiệp và cộng đồng trở thành sợi chỉ đỏ” xuyên suốt cả hai dự án. Dự án còn vươn đến hỗ trợ hoạt động của Ban điều phối lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn, tập trung vào kế hoạch hành động quản lý nguồn nước lưu vực sông Vu Gia -Thu Bồn (được thực hiện ngay trong các năm 2021, 2022, 2023). Điều này được ghi nhận sẽ cải thiện đáng kể tình trạng nước nhiễm mặn, bảo đảm nguồn nước ngọt, không để Đà Nẵng mãi mãi gánh chịu tình trạng thiếu nước ngọt khi vào mùa khô.

 

Cải thiện và chấm dứt ô nhiễm ngay tại nơi tập trung lớn rác thải 


Ngày 5/6, đã diễn ra lễ khánh thành công trình nâng cấp hệ thống xử lý nước rỉ rác (giai đoạn 2, ngân sách thành phố đầu tư 287 tỷ đồng) tại khu xử lý chất thải rắn Khánh Sơn.
Năm 2019, Nhà máy xử lý nước rỉ rác được đầu tư ngay tại bãi rác Khánh Sơn với tổng công suất 1.750m3/ngày, đã đi vào hoạt động (quy mô giai đoạn 1), công suất đạt 700m3/ngày đêm, mang lại hiệu quả giảm thiểu ô nhiễm rõ rệt.
Nhằm tiếp tục thu gom xử lý triệt để lượng nước rỉ rác phát sinh thêm và bảo đảm hệ thống vận hành ổn định, hiệu quả, tránh quá tải trong thời gian kéo dài hoạt động của bãi rác Khánh Sơn; UBND thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt đầu tư tổng mức đầu tư hơn 287,506 tỷ đồng để triển khai tiếp giai đoạn 2 (nâng cấp hệ thống xử lý nước rỉ rác tại bãi rác Khánh Sơn) với công suất 1.050m3/ngày, đêm. 
“Trong quá trình triển khai, mặc dù bị ảnh hưởng chịu tác động nặng nề của dịch bệnh Covid-19, rồi thiên tai ở Miền Trung kéo dài. Tuy nhiên, đến hôm nay với những nỗ lực của đơn vị thi công là CTCP kỹ thuật SEEN, công trình đã hoàn thành. 
Vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường, rác thải, nước thải của toàn thành phố nói chung; và ngay tại bãi rác Khánh Sơn nói riêng, nhất định sẽ có kết quả tốt hơn rất nhiều. Áp dụng công nghệ xử lý hiện đại, tiên tiến, ứng dụng triệt để công nghệ xử lý sinh học yếm khí kết hợp thiếu khí, hiếu khí MBBR, MBR và các phương pháp xử lý hóa lý, chất lượng nước rỉ rác tại khu xử lý chất thải rắn Khánh Sơn, sau xử lý, đạt đến quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Đặc biệt, góp phần bảo đảm an toàn, an ninh tại nơi tập trung rác thải lớn nhất của Đà Nẵng” - ông Nguyễn Hữu Nhật, Phó trưởng ban phụ trách , Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị cho biết.
“Việc hoàn thành và sẵn sàng đưa vào vận hành công trình nâng cấp hệ thống xử lý nước rỉ rác tại bãi rác Khánh Sơn, cũng như nâng cấp, cải tạo một số hạng mục ngay tại bãi rác có ý nghĩa hết sức to lớn đối với địa phương chúng tôi. Không chỉ giảm thiểu rất nhiều vấn đề ô nhiễm môi trường, không còn gây bức xúc kéo dài, mà còn tạo cảnh quan xanh-sạch-đẹp thân thiện xung quanh bãi rác Khánh Sơn.” - thay mặt chính quyền địa phương ở ngay nơi phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm của bãi rác Khánh Sơn, ông Bùi Trung Khánh, Phó Chủ tịch UBND phường Hoà Khánh Nam nhìn nhận.

KTS Tô Văn Hùng – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng chia sẻ thêm:”Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về phát triển thành phố Đà Nẵng, cũng nhấn mạnh theo hướng Đà Nẵng phải là “đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh, mang tầm quốc tế và có bản sắc riêng; phát triển kinh tế nhanh và bền vững, coi việc nâng chất lượng cuộc sống của người dân đạt ở mức cao là nhiệm vụ trung tâm…”. Chương trình hành động của Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025 cũng xác định mục tiêu phát triển bền vững vừa mang tính tất yếu và là mục tiêu nhân văn, cao đẹp. Đó là quá trình phát triển không chỉ chú trọng tăng trưởng kinh tế, mà phải thực sự quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, vừa phải đảm bảo an sinh xã hội, mang lại cuộc sống an lành cho người dân, ở đó chất lượng không khí luôn trong lành, hệ sinh thái tự nhiên được bảo vệ, đa dạng sinh học được gìn giữ”.
Tăng trưởng kinh tế và tiêu thụ xã hội do mức sống được nâng cao, luôn có hệ lụy kéo theo là quá tải lượng rác thải dẫn đến ô nhiễm. Và cùng với ô nhiễm rác thải, là ô nhiễm nguồn nước. Hai yếu tố ô nhiễm này lại luôn có những tác động mang tính tuần hoàn, nghĩa là tác động ngược trở lại, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống, môi trường kinh doanh dịch vụ. 
Bà Đinh Thu Hằng (Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng-CECR) nhấn mạnh rằng : “Các mức độ ô nhiễm đều gây thiệt hại cho sức khỏe và sinh kế của hàng triệu người, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến du lịch, nghề cá, nông nghiệp và phá hủy hệ sinh thái nước mặt và ven biển”.Và với Đà Nẵng, nếu để các hình thái ô nhiễm lan ra đến khu vực ven biển và mặt nước biển; hệ lụy sẽ rất lớn. Thành phố sẽ mất đi một tài nguyên, một sản phẩm du lịch độc đáo, một hình ảnh đặc trưng, làm nên tên gọi Thành phố biển. 
Đà Nẵng đã và đang hướng đến một nền kinh tế tuần hoàn, gìn giữ an toàn môi trường sống cho muôn loài, và cũng để Đà Nẵng, biển vẫn xanh bên bờ cát trắng 


Có thể bạn quan tâm