May 4, 2024, 7:03 pm

GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG 10 - 3: Tôn kính tổ tiên, tự hào dân tộc và gắn kết cộng đồng

Đúng 18h 09 phút (giờ Việt Nam, tức 12h09, giờ Paris) ngày 06/12/ 2012, tại kỳ họp lần thứ 7, Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể đã chính thức công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Quyết định của UNESCO nêu rõ Hồ sơ đáp ứng các tiêu chuẩn để được ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của Nhân loại và trở thành 1 trong 17 Di sản văn hóa phi vật thể đại diện mới của thế giới năm đó.

Không phải ngẫu nhiên một tổ chức có uy tín của Liên hiệp quốc lại thừa nhận và ghi danh Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vào Danh sách Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Quyết định này sẽ góp phần vào việc công nhận tầm quan trọng của nghi lễ thờ cúng tổ tiên ở nhiều nước khác, qua đó khuyến khích cộng đồng vừa thừa nhận sự tương đồng, đồng thời tạo điều kiện cho sự thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa.

Để có được kết quả trên là cả một quá trình nghiên cứu, tập hợp hồ sơ, vận động… đầy phức tạp, thậm chí có lúc tưởng như đã bế tắc. Câu chuyện sau đây của PGS. Ts Nguyễn Chí Bền, Nguyên Viện trưởng Viện văn hóa và nghệ thuật Việt Nam, thành viên Đoàn đại biểu Việt Nam (cùng với đoàn đại biểu của tỉnh Phú Thọ; đoàn đại biểu Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, cùng các cán bộ Phái đoàn Việt Nam tại UNESCO) có mặt tại trụ sở UNESCO trong thời điểm đón nhận sự kiện vinh dự này, đã phần nào cho thấy điều đó.

VN

 

Thực ra, ban đầu, tỉnh Phú Thọ, với mong muốn có một di sản được UNESCO vinh danh như Cố đô Huế, Khu phố cổ Hội An, Khu di tích Mỹ Sơn, v.v..., nên cuối năm 2007 đã trình Chính phủ xin làm hồ sơ quốc gia “Di tích lịch sử đền Hùng và di tích khảo cổ học đồng thau và sắt sớm ở Phú Thọ” trình UNESCO vinh danh là Di sản thế giới. Tháng 7 năm 2008, tỉnh giao cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hội thảo khoa học về công việc làm hồ sơ này. Tôi vẫn nhớ hôm ấy tại Trung tâm hội nghị tỉnh Phú Thọ, trước tôi có một hai nhà khoa học được mời tham dự đã thẳng thắn thể hiện thái độ không ủng hộ. Đến lượt mình, với các căn cứ khoa học, tôi trình bày quan điểm không ủng hộ công việc làm hồ sơ này. Lâu nay, các vị quản lý ở Phú Thọ vẫn nghĩ quê hương mình là đất Tổ thì nên có di sản được UNESCO vinh danh, mà đưa ra, các nhà khoa học lại không ủng hộ. Vì thế ít ngày sau, tỉnh lại mở hội nghị khoa học bàn làm hồ sơ quốc gia về Tín ngưỡng, nghi lễ và lễ hội đền Hùng ở Phú Thọ trình UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Chả hiểu sao, hội nghị khoa học này tôi không được tỉnh Phú Thọ mời tham dự, về sau được nghe kể: ông Đặng Văn Bài cung cấp thông tin với tư cách là Cục trưởng Cục Di sản văn hóa của Bộ đã mời tiến sĩ Frank Proschan, chuyên viên của UNESCO lên đền Hùng nghiên cứu, trao đổi, và ông chuyên gia của UNESCO đã bảo: không làm hồ sơ lễ hội đền Hùng được, bởi sự can thiệp của nhà nước vào lễ hội đền Hùng rất nhiều và rất sâu, mà điều ấy UNESCO không ủng hộ.

Tôi cũng chả nhớ ngày giờ cụ thể trên xe ô tô về Bắc Ninh bàn với tỉnh về việc giới thiệu Dân ca quan họ Bắc Ninh với Ngoại giao Đoàn, anh Phạm Sanh Châu, khi ấy là Tổng thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO của Việt Nam bảo tôi: Phú Thọ rất mong muốn có một di sản để UNESCO vinh danh, mà qua hai cuộc họp, không thống nhất được. Anh Phạm Sanh Châu hỏi tôi theo anh tỉnh Phú Thọ nên làm hồ sơ về di sản nào? Tôi cũng không nhớ vì sao trên xe ô tô, tôi trả lời anh Phạm Sanh Châu là tỉnh Phú Thọ làm được, di sản lựa chọn nên là tín ngưỡng thờ vua Hùng, nói tín ngưỡng là nói lễ hội, tại núi Nghĩa Lĩnh, lễ hội là trung tâm, nhưng hơn một trăm làng ở tỉnh Phú Thọ thờ cúng vua Hùng, có hơn trăm lễ hội. Vì thế nên làm hồ sơ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ. Chắc anh Phạm Sanh Châu trao đổi với tỉnh nên ít ngày sau, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ gọi điện thoại mời tôi lên thảo luận kế hoạch xây dựng hồ sơ quốc gia Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương với Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh. Nhận lời, tôi đọc tài liệu rồi nghĩ tên di sản nên dùng tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, dù tại núi Nghĩa Lĩnh đã có bia ghi câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Các vua Hùng đã có công dựng nước... Bởi Hùng Vương và Hùng Đế (vua Hùng) khác nhau. Có lẽ Bác Hồ muốn dùng từ dân dã khi nói chuyện với Đại đoàn quân Tiên phong nên gọi vậy chăng?

Là tín ngưỡng thờ tổ tiên, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương rất thiêng liêng trong tâm thức người Việt Nam. Khi ấy tôi chưa nghĩ đến những phức tạp sau này. Quả như anh Nguyễn Doãn Khánh, khi ấy là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Phú Thọ bảo: chả ai liều như tôi và anh, đưa tổ tiên đi thi. Quả thật, ít có quốc gia làm hồ sơ về tín ngưỡng thờ tổ tiên của dân tộc, của quốc gia trình UNESCO, bởi lỡ có vấn đề trục trặc thì… Không phải cứ đệ trình hồ sơ của quốc gia là UNESCO chấp thuận, không hiếm hồ sơ của một vài quốc gia bị phủ quyết trong các kỳ họp của Ủy ban liên chính phủ theo Công ước năm 2003 của UNESCO.

Theo thói quen đã làm với ba hồ sơ quốc gia mà tôi là giám đốc dự án: Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên, Dân ca quan họ Bắc Ninh, Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc, tôi đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và tỉnh Phú Thọ tổ chức hội thảo khoa học quốc tế: Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong xã hội đương đại, nghiên cứu trường hợp tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam. Thông tin được đưa ra trong giới khoa học, các nhà khoa học nước ngoài, nhất là các nhà khoa học Trung Quốc, hưởng ứng, đăng ký tham luận khá nhiều với 130 học giả, có 40 học giả nước ngoài, trong đó có gần 30 học giả Trung Quốc. Qua tham luận của họ, tôi biết người Choang ở tỉnh Quảng Tây Trung Quốc thờ Bố Lạc Đà, nhưng khi nghỉ giải lao, tác giả Triệu Minh Long, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Choang học thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Quảng Tây - Trung Quốc nói với tôi: người Choang khi nói Bố Lạc Đà, nhưng người Tày - Nùng ở Việt Nam, người Choang ở tỉnh Quảng Tây Trung Quốc nghe âm vẫn là Hùng Vương. Đó là một thông tin khiến tôi băn khoăn, lo lắng. Cuối năm 2011, tôi liên hệ với ngành văn hoá của tỉnh Quảng Tây để đến nghiên cứu lễ hội thờ Bố Lạc Đà của người Choang ở huyện Điền Dương, khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây. Ngày mồng mười tháng 3 âm lịch năm 2012, tôi đến huyện Điền Dương dự hội thảo khoa học về Bố Lạc Đà do tỉnh Quảng Tây tổ chức, ngoài tham luận của đoàn Việt Nam, có 83 tham luận của các học giả trong và ngoài nước Trung Quốc tham dự.

Khi lên núi Cảm Choang của người Choang ở đây, tôi thấy trên ban thờ tượng Bố Lạc Đà, có một hiện vật sơn màu xanh như bánh chưng dài. Tôi hỏi, bạn phiên dịch người Trung Quốc bảo tôi đó là bánh tề (bánh tày) ở hai bên đường vào khu di tích người dân bán rất nhiều. Khi ra ngoài cổng, mấy anh em trong đoàn mua, tìm nhà hàng ngồi bóc bánh ra ăn thì thấy giống như bánh chưng của ta: cũng gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn. Người Trung Quốc gọi là bánh tề, tức bánh tày mà bạn Nguyễn Tô Lan, cán bộ Viện Hán Nôm cùng đi với chúng tôi cắt nghĩa: tề/tày, nghĩa là bằng, hai đầu bánh bằng. Đây là loại bánh chưng dài mà mấy anh em trong đoàn chúng tôi đều biết ở tỉnh Phú Thọ, thành phố Hà Nội hiện nay vẫn làm và bán rất nhiều cho khách. Và băn khoăn của tôi càng nhiều hơn khi thấy ngày lễ hội của người Choang ở đây cũng là ngày mồng Mười tháng Ba âm lịch hàng năm, không rõ có từ năm nào, còn ở ta, năm 1917, tổng đốc tỉnh Phú Thọ xin với triều đình nhà Nguyễn ở kinh thành Huế làm lễ cúng vào mồng Mười tháng Ba. Không khí lễ hội náo nhiệt, tưng bừng với trống chiêng, các phẩm vật cúng tế vô cùng phong phú. Người Choang ở tỉnh Quảng Tây thờ Bố Lạc Đà, tổ tiên của họ, người Việt Nam thờ Hùng Vương, tổ tiên của mình. Hai dân tộc thuộc hai quốc gia khác nhau nhưng sát nhau...

Thế là, khi sang Paris, thủ đô Cộng hòa Pháp dự kỳ họp thứ 7 của Ủy ban liên chính phủ, tôi cùng anh em trong Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam phải chuẩn bị tài liệu kỹ lưỡng, vì UNESCO, với các di sản mà hai nước hay một vài nước cùng có là họ khuyến nghị làm hồ sơ đa quốc gia. Chưa kể, năm 2012, Trung Quốc là một trong 24 thành viên của Ủy ban liên chính phủ, có quyền thảo luận, đánh giá và bỏ phiếu tán thành hay không hồ sơ của Việt Nam. Năm ấy, Việt Nam hết nhiệm kỳ, chỉ là đại biểu tham dự. Kết quả nghiên cứu của anh chị em chúng tôi là huyền thoại về các vị Hùng Vương đã được lịch sử hoá, trở thành ông thủy tổ của người Việt, gắn liền nhà nước Văn Lang huyền thoại, còn Bố Lạc Đà của người Choang vẫn là một anh hùng văn hoá.

Trước ngày tôi cùng nhóm công tác của tỉnh Phú Thọ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sang Paris tham dự kỳ họp của Ủy ban liên chính phủ theo Công ước năm 2003, chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ văn bản sẵn sàng cho việc tranh luận với Trung Quốc và đại biểu nào đó trong Uỷ ban liên chính phủ theo Công ước 2003 đặt ra phủ định hay khuyến nghị làm hồ sơ đa quốc gia. Tôi nhớ lại, sau năm 1979, một số nhà khoa học Trung Quốc như Dương Lập Băng, Tôn Hiểu Minh v.v… mang tư tưởng bành trướng đã phủ định nhà nước Văn Lang và thời kỳ Hùng Vương của Việt Nam, vì thế phân tích, chỉ ra sự khác biệt giữa việc thờ cúng Bố Lạc Đà của người Choang ở tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của Việt Nam là thực sự cần thiết. Lý lẽ của chúng tôi là các vị Hùng Vương của Việt Nam là nhân vật gắn liền với nhà nước Văn Lang cổ đại, sáng lập một nhà nước. Nhân vật Bố Lạc Đà chỉ là anh hùng văn hoá của một tộc người, chưa được lịch sử hoá để trở thành ông tổ sáng lập một nhà nước cổ đại như các vị Hùng Vương của Việt Nam.

Năm tháng đi qua, những chuyện về làm hồ sơ quốc gia Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vẫn in đậm trong tôi. Tôi vẫn nhớ công lao và biết ơn các đồng nghiệp như tiến sĩ Nguyễn Thị Hiền chịu trách nhiệm dịch báo cáo khoa học sang tiếng Anh, tiến sĩ Lê Thị Minh Lý góp ý và giới thiệu chuyên gia người Anh hiệu đính bản dịch rất cẩn thận, đúng với văn phong của tiếng Anh, tiến sĩ Bùi Quang Thanh chịu trách nhiệm lấy ý kiến của cộng đồng và kiểm kê khoa học… Nhưng thâm tâm tôi vẫn nhắc công đức cao dày của tổ tiên, của các vị Hùng Vương đã phù hộ để công việc “đưa tổ tiên đi thi” của chúng tôi thành công…

Box: Giỗ Tổ Hùng Vương gắn với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành biểu tượng tôn kính, thiêng liêng, quy tụ và gắn bó người dân đất Việt. Theo số liệu thống kê, cho đến nay, trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam hiện có 1.417 địa điểm có di tích thờ cúng các Vua Hùng và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương. Riêng tỉnh Phú Thọ hiện có 345 di tích thờ cúng Hùng Vương và các nhân vật thời Hùng Vương. Không những thế, nhiều hoạt động liên quan đến tín ngưỡng này đang dần được tổ chức trong cộng đồng kiều bào ta trên toàn thế giới. Sức mạnh của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ngày càng lan tỏa, phát huy, quy tụ sự đoàn kết các thế hệ người Việt Nam trong và ngoài nước trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thành tâm hướng về Ngày Giỗ Tổ, mỗi chúng ta càng ý thức sâu sắc hơn trách nhiệm cá nhân với cội nguồn lịch sử; gắn bó sâu nặng với quê hương, Tổ quốc mình.

Nguyễn Chí BềnNguyễn Chí Bền


Có thể bạn quan tâm