April 29, 2024, 7:27 am

Giáo dục đại học - vì sao?

Chuyên mục “Vấn đề hôm nay” trên báo Văn nghệ số 8/2023 có bài viết Cần một “Hội nghị Diên hồng” về giáo dục của Tiến sĩ, Nhà giáo Trần Ngọc Châu.

Trong bài viết khá tâm huyết và thuyết phục trên đây, tác giả nêu một thực trạng: “Việt Nam chúng ta là nước lớn thứ ba về dân số ở Đông Nam Á, vậy mà đến nay vẫn chưa có trường đại học nào được công nhận đủ tiểu chuẩn quốc tế. Căn cứ vào bảng Điều tra các đại học tốt nhất của tạp chí Asia Week năm 2000, và Điều tra các đại học tốt nhất châu Á Thái Bình Dương vào năm 2004 của Đại học Thượng Hải, thì không tìm đâu ra địa chỉ của đại học Việt Nam. Sai lầm của chúng ta là lo cải cách giáo dục từ cấp tiểu học trở lên. Nhưng ở các nước tiên tiến, người ta cải cách từ cấp đại học trở xuống. Bởi thế đại học Việt Nam không thấy đâu trên bản đồ đại học thế giới cũng là điều dễ hiểu”.

Tôi rất tán thành ý kiến trên đây của tác giả và xin nhấn mạnh thêm rằng: Trong giáo dục đại học thì yếu tố quan trọng nhất là trí tuệ, bản lĩnh và tầm nhìn của những người đứng đầu. Điều này thể hiện khá rõ ở thực trạng quản lý và điều hành hệ thống giáo dục đại học ở nước ta hiện nay. Tính đến năm 2020, cả nước có 460 trường đại học và cao đẳng, bao gồm 224 trường đại học và 236 trường cao đẳng, với đội ngũ giảng viên khoảng 80 ngàn người và gần 2 triệu sinh viên. Ngoài ra, chúng ta còn có hệ thống trường Đảng và trường của lực lượng vũ trang cũng đào tạo trình độ đại học và trên đại học. Như vậy, về quy mô đào tạo, chúng ta có thể “yên tâm”. Cái làm chúng ta lo lắng là việc quản lý vẫn tỏ ra rất lúng túng; có nhiều thử nghiệm, đổi mới nhưng không mang lại hiệu quả như mong muốn. Chúng ta có ra nước ngoài học hỏi, bê nguyên cái tốt cái hay của họ về nước ta nhưng chúng tỏ ra không phù hợp.

Tôi cho rằng, hơn 40 năm nay chúng ta chưa có một thủ lĩnh thực sự trong lĩnh vực giáo dục đại học nên mọi việc làm của chúng ta thường dẫm đạp lên nhau, cái sau xóa bỏ cái trước, hoặc gần như là “đẽo cày giữa đường”.

Có người nêu ý kiến: Hai bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo gần đây đều là những người đứng đầu Đại học Quốc gia Hà Nội là cơ sở giáo dục đại học uy tín nhất cả nước, thì làm sao có thể nghi ngờ về trí tuệ và bản lĩnh được? Thưa rằng: Trí tuệ thì tôi chưa có ý kiến gì vì chưa tiếp xúc nhiều và chưa đọc các công trình khoa học của các ông ấy, nhưng việc họ thiếu bản lĩnh thì đã rõ. Chính phủ đã cấp cho Đại học Quốc gia Hà Nội cả ngàn hecta đất trên Hòa Lạc mấy chục năm nay với kế hoạch là đến năm 2015, đưa một số cơ sở trực thuộc lên đó, tiến hành công tác đào tạo; đến năm 2025 sẽ đưa toàn bộ Đại học Quốc gia Hà Nội lên đó… Thế mà bây giờ đã là năm 2023, trừ mấy cái nhà và mấy cái cổng được xây lên, còn vẫn chưa có hoạt động đào tạo nào được tiến hành trên đó. Và cái dự án “giẫm chân tại chỗ” này cũng chỉ là một ví dụ. Vẫn biết đang yên đang lành ở nội thành Thủ đô, bây giờ chuyển lên Hòa Lạc là việc khó. Nhưng việc khó mới cần đến bản lĩnh lãnh đạo chứ? Hai ông Giám đốc không chuyển được hoạt động đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội lên Hòa Lạc thì bản lĩnh ở đâu?

Tôi đặc biệt nhấn mạnh bản lĩnh của người đứng đầu giáo dục đại học vì việc này có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong quá khứ, Bộ trưởng Tạ Quang Bửu đã thể hiện được bản lĩnh của mình. Ông làm Bộ trưởng Bộ Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp trong hơn 10 năm (1965-1976) và làm được rất nhiều việc có ích cho đất nước. Những việc ông làm, ngoài trí tuệ và tầm nhìn, ít nhiều đều cần tới bản lĩnh. Ví dụ, khi quan hệ giữa Liên Xô và Trung Quốc căng thẳng, Trung Quốc đã rút toàn bộ lưu học sinh của họ về nước. Vào thời điểm đó, quan hệ Việt Nam – Trung Quốc đang rất gắn bó, Trung Quốc đang giúp ta đánh Mỹ. Do vậy, có ý kiến cho rằng, Việt Nam cũng cần phải rút hết sinh viên về nước để tỏ tình đoàn kết với Trung Quốc. Ông Tạ Quang Bửu đã không làm việc đó nên sau 1975, Việt Nam mới có đội ngũ cán bộ khoa học tạm đủ cho đất nước thống nhất. Hay ông đã bỏ qua “yếu tố lý lịch” để đưa một số người có năng lực trí tuệ ra nước ngoài đào tạo sau đại học. Chẳng hạn như GS Phan Đình Diệu và Nhà giáo Văn Như Cương. Hai người này lý lịch “có vấn đề”, lại không phải Đảng viên những vẫn được đưa sang Liên Xô học tập, nghiên cứu. Kết quả là họ đã trở thành những nhà khoa học tên tuổi, có những đóng góp có ý nghĩa cho đất nước.

Trong thời gian vừa qua, một số người đứng đầu (cả ở cấp Bộ lẫn cấp Trường) thiếu bản lĩnh nên dù cố gắng đổi mới nhưng kết quả là “phá” nhiều hơn “xây”. Ví dụ, khi thành lập Trường đại học Bách khoa Hà Nội, những người có trách nhiệm lúc đó chủ trương xây dựng một cơ sở đào tạo đàng hoàng, chất lượng cao. Tôi đã từng tiếp xúc và hỏi chuyện GS Vũ Đình Cự - một trong những người tham gia hoạch định và là lớp giảng viên đầu tiên của Trường đại học Bách khoa Hà Nội. Ông cho biết, người ta chọn hơn 200 ha đất gần Công viên Thống nhất để xây dựng trường. Ngày đấy, đất nước còn nghèo nhưng người ta vẫn xây nhà cao tầng, thành lập những phòng thí nghiệm tốt, xây cổng parapol ấn tượng… để mong có một cơ sở giáo dục đại học tầm cỡ. Ấy thế mà người ta nỡ phá nát cơ sở này. Diện tích của Trường đại học Bách khoa Hà Nội bị cắt ra làm nhiều mảnh để thành lập Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Trường Đại học Xây dựng, Đại học Mở... Và thật không thể tin nổi là trong khuôn viên của trường có cả một đơn vị hành chính là phường Bách khoa! Phá như thế thì còn gì là một trường đại học đầu đàn nữa?

Theo ý kiến của một số chuyên gia, việc “phá” nền giáo dục đại học của chúng ta còn thể hiện ở chỗ Tạp chí Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp (do ông Tạ Quang Bửu sáng lập) - một diễn đàn tự do dân chủ để các nhà khoa học trao đổi về các giải pháp phát triển giáo dục đại học đã bị xóa bỏ ngay sau khi tạp chí kỷ niệm 30 năm thành lập. Tương tự, người ta cũng xóa bỏ mất Nhà Xuất bản Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp. Chính vì vậy sách cho giáo dục đại học được viết, được xuất bản rất ít. Sách trong lĩnh vực này là phương tiện của hoạt động trí tuệ nhưng lại ít thì hoạt động trí tuệ bị ảnh hưởng là điều đương nhiên. Và nữa: truyền thống là yếu tố có ý nghĩa quan trọng đối với cơ sở giáo dục đại học. Trên thế giới, có những ngôi trường đại học danh tiếng tồn tại hàng trăm năm, quy mô và chất lượng đào tạo không ngừng phát triển, nhưng cái tên trường thì vẫn được giữ nguyên. Còn ở nước ta, có những cái tên một thời là niềm tự hào của giáo dục đại học nước nhà, như “Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội” thế mà nay đã bị xóa bỏ để sáp nhập vào một cơ sở giáo dục đại học có qui mô lớn hơn (?). Hoặc như gần đây, việc Trường Đại học Bách khoa Hà Nội được đổi tên thành “Đại học Bách khoa Hà Nội” cũng gây nên những ồn ào bàn tán trong dư luận xã hội và trên báo chí; ý kiến thì đa chiều nhưng đều thống nhất cho rằng việc quản lý và điều hành giáo dục đại học ở nước ta đến nay vẫn hết sức lúng túng, bất cập và bất hợp lý.

Tôi đã từng gặp nhiều người có bằng cấp, có chức tước nhưng quan niệm không đúng về cơ sở giáo dục đại học. Họ cho rằng, cái quan trọng nhất làm nên chất lượng và uy tín của cơ sở giáo dục đại học trước hết là nội dung chương trình giảng dạy. Trong khi đó, đúng ra vị trí đầu tiên, có ý nghĩa quyết định với bất kỳ cơ sở đạo tạo đại học nào cũng là đội ngũ cán bộ giảng dạy, nghiên cứu có kiến thức, trí tuệ, bản lĩnh… Để có đội ngũ cán bộ giảng dạy đại học có chất lượng, cần phải công tâm xây dựng trong nhiều năm. Đó là lựa chọn những sinh viên xuất sắc, sau khi họ tốt nghiệp, giữ lại trường và có kế hoạch bồi dưỡng để họ trở thành giảng viên. Hai năng lực quan trọng của giảng viên đại học là tạo ra kiến thức mới và truyền thụ kiến thức và cảm hứng cho sinh viên. Để những giảng viên có kiến thức, có kinh nghiệm, có nhiệt huyết giảng dạy đến năm bao nhiêu tuổi cũng là điều cần phải cân nhắc kỹ càng. Đừng quên câu thành ngữ “Thầy giáo già, con hát trẻ”. Cần phải xem các giảng đường đại học là nơi để thi thố tài năng, trí tuệ của những người ham hiểu biết và có khát vọng sáng tạo. Để làm được điều đó, rất cần những người đứng đầu có tầm nhìn và bản lĩnh!

Hồ Bất Khuất

Nguồn Văn nghệ số 12/2023


Có thể bạn quan tâm