May 5, 2024, 4:04 am

Giao cảm với sắc màu Bazan

Tôi lên Pleiku muốn gặp lại họa sĩ Lê Hùng mà thật khó. Bởi lẽ anh mới thoát khỏi cơn tai biến và lại bận rộn chuẩn bị tranh dự triển lãm Toàn quốc năm 2023.

Vậy là vừa chập tối tôi đột ngột đến xưởng vẽ của anh trên đường Phạm Văn Đồng. Thấy tôi anh reo lên bất ngờ và xin lỗi vì không kịp chuẩn bị gì. Nhưng tôi thật thú vị bởi lẽ ở đây mình sẽ tìm được “Còn một chút gì để nhớ để quên” với thành phố Pleiku.

Một nghệ sĩ chân đất Jrai trần trụi

Chúng tôi biết tới nhau do sự tình cờ trong một chuyến đi thực tế tại núi lửa Chư Đăng Ya (Gia Lai) cách đây gần 20 năm. Anh vẽ còn tôi chụp ảnh và leo núi khảo sát. Thấy tôi ngắm một gốc cây đang bị cháy nham nhở dưới chân núi, họa sĩ Lê Hùng nói đó là những điều bất ngờ mỗi khi đến đây. Lốm đốm đây đó những ngọn cây tự cháy bên núi lửa đã chết từ hàng triệu năm trước. Tính đến thời điểm chúng tôi gặp nhau lần đầu đó, thì đã gần hai mươi năm kể từ khi anh bắt đầu khoác ba lô rời Huế lên miền núi đầy sương này (1980). Anh kể giai điệu bài hát “Còn một chút gì để nhớ để quên” (Nhạc Phạm Duy-Thơ Vũ Hữu Định) ngỡ như đánh gục ý chí của anh. Nỗi buồn của thành phố với hình ảnh: “Phố núi cao, phố núi đầy sương/ Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn/ Anh khách lạ đi lên đi xuống/ May mà có em đời còn dễ thương…”. Có những đêm ngồi quán cà phê Thu Hà tới sáng, Lê Hùng buồn thắt ruột khi phải xa người yêu nơi quê nhà để lên xứ sở sương mù này. Đó là câu chuyện của chàng họa sĩ xứ Huế vừa chạm ngõ Pleiku. 

Tác phẩm “Sức sống cao nguyên”.

Lê Hùng chỉ cho tôi xem bức “Lời tỏ tình” (vẽ năm 1995) và nói đó là lời tuyên ngôn hội họa của anh sau 15 năm lận đận sương gió với Gia Lai. Anh kể đó là một sự đổi đời sau khi được họa sĩ Xu Man người Gia Lai truyền cảm hứng. Bởi đã hơn 10 năm trước đó Lê Hùng đã bỏ vẽ mà lăn vào đời sống kiếm kế mưu sinh.   Nhất là sau khi lấy vợ sinh con (1982), Lê Hùng bị cuốn theo cơm áo gạo tiền để tồn tại. Khi đó anh đã bỏ biên chế nhà nước, rời khỏi ty Văn Hóa tỉnh để lo cuộc sống riêng. Anh len lỏi xuống các bản làng chụp ảnh kiếm tiền. Nào đám cưới, nào sinh nhật, hay những lễ hội buôn làng anh đều mò tới. Tuy có lúc hội họa cứu rỗi trong tâm trí anh khi cầm bút kẻ chữ thuê cho Đài Truyền hình hoặc đóng biển số xe máy cho đồn công an. Nhưng sau đó anh lại hăm hở vác máy ảnh lên đường. Vượt qua thác lũ và chèo đèo lội suối, Lê Hùng đến với bà con dân tộc Ba Na và Jrai. Nhưng kỳ diệu thay trong vòng mươi năm khốn khó đó lại là những chuyến đi thực tế dài được tích lũy vốn sống và nuôi những cảm xúc sáng tạo cho Lê Hùng sau này. Khi anh gặp lại người thầy của mình, họa sĩ Xu Man tại ngôi làng bên hông núi lửa Chư Dăng Ya. Và ngọn lửa nghệ thuật đã cháy bừng trong tâm hồn anh. Xu Man còn hy vọng rằng Lê Hùng sẽ là người nối nghiệp ông trên đất Ba zan sôi động.

Thế là Lê Hùng cắp giá vẽ đi theo người thầy Jrai. Một tư duy mới về cuộc sống của những người cần lao trên những ngôi nhà mồ và trong lễ hội đâm trâu. Lê Hùng tìm lại được cảm xúc say đắm với những bản làng và rừng núi đã nuôi dưỡng tâm hồn anh. Ở anh bừng sáng về một hình tượng Jrai khác lạ. Khởi thảo với bức “Tỏ tình” với những chuyển động sắc màu mới. Rồi hai năm sau anh mở triển lãm đầu tiên ngay tại nơi anh lận đận trên cao nguyên (1997). Người dân ở các nơi đổ về xem. Họ đã khóc với những hình ảnh bà con buôn làng được vẽ trong từng bức tranh. Đó là những hình tượng thấm đẫm chất sử thi Đam San. Chúng vang lên âm sắc của cây đàn Đinh Goong cùng cồng chiêng rạo rực. Người Jrai sững sờ khi nhìn thấy những cô gái chàng trai ở bản mình qua những bức tranh: “Trời và đất”, “Dưới bóng nhà sàn”, “Khát vọng Ba zan”; hay đó còn là những miền “Viễn du”, “Miền khát” và “Mơ mộng”… Đây là cuộc trưng bày tranh về đề tài Tây Nguyên đầu tiên miền đất Ba zan này và có sức thu hút bất ngờ. Đồng thời Lê Hùng cũng là người đầu tiên sau thế hệ Xu Man được kết nạp vào Hội Mỹ thuật Việt Nam (1996).

Một hành trình đầy khát vọng Pleiku

Triển lãm của Lê Hùng mới đây mang tên “Dạ khúc tự tình” (6-2022) với 50 tác phẩm được vẽ trong hơn 10 năm. Tôi cứ quanh quẩn ngắm nhìn những đứa con tinh thần yêu quý của họa sĩ Lê Hùng. Hàng chục năm nay anh còn đóng vai trò là một chủ tịch Hội Mỹ thuật Gia Lai và chi hội trưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam tại Pleiku. Sau lần triển lãm thứ hai (2007), họa sĩ Lê Hùng luôn nghiền ngẫm đi tìm một hướng mới cho sắc màu Tây Nguyên. Hàng năm Lê Hùng đều dự các triển lãm toàn quốc như một thử thách và kiểm nghiệm lại mình qua năm tháng. Tôi như đầm mình trong một thế giới kỳ ảo mang hơi thở của đại ngàn ba zan. Sự rạo rực của sắc màu như có lửa bừng lên qua những bức tranh đầy biểu tượng như: “Hội Pơ Thi”, “Vũ điệu Cao Nguyên”, “Sức sống đại ngàn”…Cùng với đó là chất thơ đẫm ướt sương bay trong những tác phẩm: “Chị em”, “Chiều về buôn”, “Giao cảm”. Đặc biệt với “Dạ khúc tự tình” lần này Lê Hùng còn để lại sự ám ảnh về miền tâm linh giao cảm với vũ trụ của người Tây Nguyên. Ở đó người xem ắt sẽ thú vị với những giao cảm ấy qua: “Vệt thời gian”, “Đất thiêng”, “Giấc mơ” hay “Nỗi buồn”…Những hình tượng Tây Nguyên của anh luôn gợi lên những khát vọng sống và yêu thương cuộc đời của người Ba Na và Jgrai. Anh đã được trao nhiều giải thưởng Mỹ thuật hàng năm ở địa phương và trung ương.

Tác phẩm “Vào hội” (Tranh Lê Hùng)

Đặc biệt với tác phẩm “Sức sống Tây Nguyên” của anh mới vẽ gần đây được coi là một tiêu biểu về chất sử thi của người dân Jrai. Tác phẩm đã được giải Ba của Hội VHNT các dân tộc thiểu số năm 2022. Lê Hùng thể hiện sự vận động cuộc sống trên nền tảng văn hóa cổ miền đất đỏ Ba zan. Tính triết lý nhân sinh toát lên từ hình tượng một cô bé Tây Nguyên khỏa thân gây sự tập trung cho người xem. Hình ảnh cô bé tràn đầy nhựa sống đang mở to mắt với những khát vọng cuộc đời. Cô bé đang lớn dần lên và hoàn thiện cuộc đời mới của mình trên nền tảng lịch sử phát triển hàng trăm năm ở xứ sở đại ngàn. Phía sau cô bé là những vòng đời và sự sống cùng những không gian văn hóa tâm linh và hiện thực sâu sắc của dân tộc mình. Sắc đất đỏ Ba zan huyền thoại nổi bật làm tiêu điểm cho bức tranh diễm lệ cao nguyên. Trên hai bàn tay cô bé là một bầu rượu và một bông sen bật sáng tạo nên điểm nhấn về triết lý sống được tôn thờ của thế giới tâm linh Tây Nguyên. Đó là khát vọng sống và sáng tạo ngay trên mảnh đất đầy nắng và gió này.

Những học trò và sắc mầu Tây Nguyên mới

Mãi sau đó tôi mới thoát khỏi sự ám ảnh qua không gian Tây Nguyên của họa sĩ Lê Hùng. Xung quanh tôi là những bản vẽ phác thảo của những học trò mà anh đang đào tạo tại xưởng nhà. Anh cho biết đã mở hàng chục lớp dạy vẽ cho học sinh tại Gia Lai. Khá nhiều học trò người dân tộc của lớp đào tạo tại đây đã thi đậu vào các trường Mỹ thuật và kiến trúc. Đặc biệt chính các con anh cũng đã theo lớp học và là những tài năng hội họa của thành phố Pleiku. Theo gương anh, cả ba người con đều trở thành họa sĩ. Đáng chú ý trong đó người con đầu, họa sĩ Lê Nguyễn Thảo My (sinh năm 1982) cũng đã được kết nạp vào Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Anh đã từng mở triển lãm tranh cùng con gái với chủ đề “Cha và con”, Họ đã bổ sung cho nhau về phong cách nghệ thuật và sắc màu tạo nên bản giao hưởng kỳ thú về miền cao nguyên Gia Lai. Hiệu ứng nghệ thuật Ba zan bật sáng với những mầm sống được ấp ủ trên đỉnh núi lửa hóa biển hồ của thành phố Pleiku. Cùng với “Sức sống Tây Nguyên” lần này, Lê Hùng cất lên những giai điệu mới qua sự chuyển động sắc mầu mang đậm sâu triết lý nhưng vẫn giữ được chất thơ qua “Giai điệu bản làng”, “Giọt nước đêm trăng”; hay mê đắm trong “Rượu cần”, “Đường về” và “Chú bé chăn bò”…Và, tôi rất yêu Pleiku với rất nhiều  những điều “Còn gì để nhớ để quên” qua sắc mầu huyền ảo của họa sĩ Lê Hùng.

Vương Tâm

Nguồn Văn nghệ số 25/2023


Có thể bạn quan tâm