April 30, 2024, 1:43 pm

Gặp người thợ sửa chữa, cải tiến khí tài góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên phủ

 

Trân quý lẽ sống đời có ích, ý nghĩa, sinh thời nhạc sĩ tài hoa Văn Cao trong bài Không đề có viết: “Con thuyền đi qua/Để lại sóng. Đoàn tàu đi qua/Để lại tiếng. Đoàn người đi qua/Để lại bóng. Tôi không đi qua tôi/Để lại gì? Và dịp Xuân Giáp Thìn 2024 này, tôi đã gặp chân dung một cuộc đời tuổi 90 để lại một tấm gương miệt mài lao động và sáng tạo như thế ở xứ Chè Thái Nguyên. Đó là nhà thơ Nguyễn Thưởng, Hội viên Hội văn học nghệ thuật tỉnh.

Ông Nguyễn Thưởng, ký tặng  tác phẩm cho người thân trong Lễ mừng thọ Tuổi 90

 

Ý chí nghị lực vươn lên từ cuộc đời cần lao

Ông Nguyễn Thưởng sinh ngày 20 tháng Giêng năm Ất Hợi (1935) tại làng Cờ bên dòng sông Đáy, nay là làng Đại Kỳ, xã Nghĩa Châu, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Ngày xưa làng ông nghèo lắm, các cụ còn lưu lại câu nói:“Tiền tam ngưu, hậu thất cuốc”, cả làng chỉ có 3 con trâu và 7 cái cuốc làm ruộng”. Chính bởi vậy, cũng như bao người làng sinh sống trên vùng đất chiêm trũng, các cụ thân sinh ra ông kéo theo đứa con thơ bé, quanh năm đi cắt rơm rạ đốt thành tro bán lấy tiền sinh sống. Nguyễn Thưởng còn nhớ mãi câu ca về quãng đời cơ cực của người dân xứ mình: “Giang sơn có một đội tro/Đêm nằm tơ tưởng đi đò Đông Cao”. Đói nghèo, là nguyên cớ duy nhất khiến gia đình ông ly hương.

Theo dấu chân dịch chuyển của người làng Cờ những năm 30 - 40 của thế kỷ XX, gia đình Nguyễn Thưởng gồng gánh nhau lên mạn Việt Bắc,  đất rộng, người thưa. Lần mò mưu sinh, các cụ thân sinh ra ông lần tìm vào sâu trong rừng, tận mỏ kẽm Chợ Điền([1]) làm phu cho Pháp. Ông Nguyễn Trọng Bằng, người con trưởng của Nguyễn Thưởng cho biết: “Ngày nhỏ, ông nội tôi kể đường từ quê lên mỏ Kẽm Chợ Điền hơn 300 km rất khó đi, cả đoàn người gồm người già, trẻ con lếch thếch đi bộ ròng rã hơn nửa tháng trời mới đến nơi. Đàn ông xuống hầm lò, lên moong đào quặng kẽm, đẩy xe goòng, phụ nữ trẻ con nhặt, xếp quặng. Tất cả phu mỏ bị quản lý bằng các viên cai người Pháp và Việt. Cảnh lao động lầm than, cơ cực của phu mỏ ngày ấy không bút nào tả xiết!”

Thế rồi, nạn đói kinh hoàng năm 1945 diễn ra, lan đến tận “thâm sơn cùng cốc” mỏ Kẽm, Chợ Điền. Chỉ trong vòng 01 tháng, Nguyễn Thưởng đã mất đi người mẹ và bà nội. Cha ông khi ấy mới 37 tuổi cùng lúc đội 2 vòng tang trắng trên đầu và một mình nuôi 04 người con thơ dại. Nguyễn Thưởng mới hơn 11 tuổi đã phải lăn lộn vào những công việc nặng nhọc của phu mỏ kiếm tiền giúp bố nuôi các em. Rồi ngọn lửa của cao trào Cách mạng Tháng Tám năm 1945 bùng cháy trên quê hương thứ hai của ông. Gia đình, người thân Nguyễn Thưởng từ kiếp đời nô lệ phu mỏ đã vùng lên tháo dỡ gông cùm, cởi bỏ xiềng xích hòa vào với dòng người cách mạng giành chính quyền từ thực dân, đế quốc về tay nhân dân. Thực dân Pháp âm mưu chiếm lại nước ta một lần nữa, tháng 3/1947, khi 12 tuổi, Nguyễn Thưởng cùng 5 bạn được Nha nghiên cứu kỹ thuật, Cục Quân giới, Bộ Quốc phòng đóng tại núi Phia Khao (Chợ Đồn, Bắc Cạn) do Giáo sư Trần Đại Nghĩa lãnh đạo nhận vào làm việc. Suốt 8 năm miệt mài với công việc chế tác, cải tiến vũ khí vật liệu nổ, Nguyễn Thưởng cùng lãnh đạo, cán bộ nhân viên Nha nghiên cứu kỹ thuật có nhiều sáng tạo, đóng góp chung vào chiến thắng của quân và dân ta trên chiến trường Điện Biên Phủ. Ngày 7/5/1954, chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” vang dội, cũng là lúc ông nhận nhiệm vụ mới, biên chế công tác ở Mỏ thiếc Tĩnh Túc, Cao Bằng…

Sinh ra từ đói nghèo ở miền quê chiêm trũng, trải khắp nẻo đường mưu sinh để đi theo cách mạng. Cũng từ nhọc nhằn, bươn trải ấy đã khơi nguồn trong ông cảm hứng sáng tạo khoa học kỹ thuật và văn chương. Nguyễn Thưởng đã học bổ túc văn hóa đến lớp 10, học nghề hàn điện với chuyên gia Liên Xô, đạt đến bậc 5/7 khi chưa đến tuổi 25 và cùng với đó, ông viết báo, là cộng tác viên của Báo Lao động với nhiều bài về phong trào thi đua xây dựng mỏ thiếc Tĩnh Túc những năm 1954-1963. Nhưng nói về thơ đề tài hạnh phúc gia đình, phải kể đến bước ngoặt Nguyễn Thưởng gặp người thôn nữ cùng làng Cờ, bên ven dòng sông Đáy và về chung một nhà với bà vào năm 1956.

Sáng tạo trong khoa học và thi ca

Nhớ lại bước ngoặt cuộc đời, Nguyễn Thưởng viết: “Nhớ ngày anh đến rước em/Đường bậc thang buồn xóm nhỏ/ Mưa dầm đường trơn đất lở/ Thương em ướt áo lấm quần/ Mẹ già héo hắt lá vàng/Mắt đọng giọt thương giọt nhớ/Em bước chân qua bậu cửa/ Còn mình mẹ với đồng sâu…” (Vu Quy).

Đó là cuối năm 1956, Nguyễn Thưởng từ Tĩnh Túc, Cao Bằng về quê cưới bà Vũ Thị Vân rồi bà khăng khăng một mực theo chồng lên Mỏ thiếc Tĩnh Túc, Cao Bằng sinh sống. Thời gian này, ông bà sinh được 3 người con, Bằng, Cường, Hải, rồi đến tháng 6/1963, theo tiếng gọi của Đảng, Nhà nước, Nguyễn Thưởng cùng rất nhiều gia đình công nhân Mỏ thiếc chuyển về xây dựng Mỏ than Na Dương, Lạng Sơn. Nguyễn Thưởng và vợ làm ở Xưởng cơ điện chuyên sửa chữa thiết bị khai thác. Ông vừa tự học tập, vừa làm đạt đến trình độ thợ hàn bậc 6/7. Tại đất Na Dương, Nguyễn Thưởng và vợ lần lượt sinh hạ được 4 người con nữa, là Long, Quỳnh, Dương và Giang. Cũng từ đây, xúc cảm với đổi thay lớn lao của hạnh phúc gia đình hòa chung với niềm vui sống trong hòa bình nỗ lực dựng xây đất nước, Nguyễn Thưởng đã miệt mài vừa công tác, vừa sống và viết với cảm hứng dồi dào. Tiếp bước cha, người con trai trưởng của ông cũng đứng trong hàng ngũ những nhà khoa học, có nhiều cống hiến, sáng tạo([2]) còn phải thốt lên: “Không biết nguồn năng lượng nào đã tạo nên cảm hứng sáng tạo của ba tôi như vậy?”

 

Ông Nguyễn Thưởng, Hội viên Hội Văn học nghệ thuật Thái Nguyên

Trong khó khăn chung của thời kỳ bao cấp, Nguyễn Thưởng là trụ cột, chèo chống con thuyền gia đình công nhân 10 người, gồm bố đẻ, hai vợ chồng ông với 07 người con, nhưng ông vẫn vừa lao động, vừa sáng tạo cả trong khoa học kỹ thuật và văn hóa, văn nghệ. Nguyễn Thưởng là Kiện tướng sáng kiến của Bộ Mỏ và Than nhiều năm, là tác giả ý tưởng thiết kế cầu vượt sông bằng dây cáp ở Đường Trường Sơn năm 1968. Cuối năm 1971, Nguyễn Thưởng là một trong 2 thợ hàn bậc cao của Bộ Điện và Than đã xử lý thành công một ca cực khó trong nghề vào thời điểm ấy, đó là sự cố rò nồi hơi tại Nhà máy nhiệt điện Lạng Sơn, kịp thời đưa nhà máy vào hoạt động cấp điện phục vụ sản xuất và chiến đấu chống Mỹ. Không những thế, Nguyễn Thưởng còn có nhiều bài báo, thơ và kịch đóng góp cho phong trào văn nghệ quần chúng của Mỏ Than. Đặc biệt vở kịch “Ké Dìn” của ông được trao giải Nhất của Bộ Điện và Than năm 1976. Đi suốt hành trình non thế kỷ lao động sáng tạo miệt mài, ở tuổi 90, Nguyễn Thưởng đã xuất bản 02 tập thơ (Trăng vuông, Hoài niệm); 03 tập truyện ngắn (Nợ nghĩa, Chị Soan, Khoảng trống), 02 vở kịch nói (Ké Dìn, Bầu ai?); 02 bài thơ của ông được nhạc sĩ phổ nhạc đạt giải trong cuộc thi sáng tác ca khúc của tỉnh, được mọi người yêu thích([3]). Ở tuổi 90, hồi tưởng lại cuộc đời, ông “Tự vấn”: “Tôi viết vần thơ tự vấn mình/Chìm nổi một đời với nhục vinh/ Họa khi đất gọi về bên ấy/Có để được gì cho hậu sinh”.

Bà Vũ Thị Vân, người vợ một đời son sắt theo chồng cho biết: Nhớ những ngày lặn lội theo ông từ quê mẹ Làng Cờ lên Tĩnh Túc, Cao Bằng, bà lần lượt sinh 03 người con, rồi cả gia đình công nhân đồ đạc lỉnh kỉnh chất lên những chiếc xe tải cồng kềnh ì ạch đi mấy trăm cây số, mất mấy ngày đêm mới đến Khu tập thể công nhân mỏ tại thôn Pò Lọi, xã Tú Đoạn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn và sinh thêm 04 người con nữa. Dù trong hoàn cảnh nào, ông cũng là chỗ dựa cho cả nhà dắt dìu nhau đi qua những thời khắc khó khăn nhất như trong 02 cuộc kháng chiến chống Mỹ và chống chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979. Năm 1982, ông bà nghỉ hưu ở Hà Thượng, Đại Từ và đến tháng 12/2000 thì chuyển về sinh sống tại thành phố Thái Nguyên cho đến hôm nay.

Nói về người cha của mình, người con trưởng Nguyễn Trọng Bằng xúc động: “Trong kiếp sống này, chúng con thật sự may mắn và hạnh phúc được làm con của ba mẹ. Ba đã truyền lại một tình yêu và niềm đam mê sáng tạo không ngừng nghỉ trong khoa học công nghệ và thi ca, bất chấp tuổi tác và bệnh tật. Còn mẹ luôn ấp ủ tình thương bao la và ý chí nghị lực phi thường giúp chúng con thực hiện những ước vọng đó đến thành công, trở thành người có ích cho xã hội. Đó là “chân giá trị cao nhất” trong cuộc đời mà ba mẹ đã để lại cho chúng con, chân giá trị đó cần được tôn vinh, bảo tồn và phát triển ở những thế hệ tiếp theo…!”

Đoàn Đức Phương

---------------------------------

1. Nay thuộc xã Bản Thi, huyện Chợ Đồn, Bắc Cạn

2. Ông Nguyễn Trọng Bằng là tác giả, đồng tác giả của 14 phát minh sáng chế công nghệ plasma và 02 Giải Ba Giải thưởng Khoa học công nghệ quốc gia năm 2001 và 2010.

[3] Bài "Em giữ bếp hồng đợi anh" được nhạc sĩ Quang Vĩnh, con trai nhà thơ Quang Dũng phổ nhạc, đạt giải Khuyến khích cuộc thi sáng tác ca khúc về tỉnh Thái Nguyên; Bài "Nghe em hát đêm đông" được nhạc sĩ Huyền Thanh phổ nhạc và cháu Đức Minh- cháu đích tôn của ông Nguyễn Thưởng biểu diễn trong Lễ mừng thọ.


Có thể bạn quan tâm