May 19, 2024, 1:08 pm

Donald Trump, Hillary Clinton và Việt Nam…

Viết trên The Diplomat (Nhật Bản) ngày 8/11/2016, ông Roncevert Ganan Almond, một thành viên của Wicks Group có trụ sở tại Washington, tham gia cố vấn cho nhiều chính phủ tại châu Á, châu Âu đã phân tích mối quan hệ Việt - Mỹ và tác động của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới đối với mối quan hệ ấy. Theo ông Almond, mối quan hệ Mỹ - Việt sẽ thay đổi như thế nào dưới nhiệm kỳ của một tân chủ nhân Nhà Trắng, có thể là nhà tỷ phú Donald Trump hoặc bà Hillary Clinton, sẽ là điều quan trọng không chỉ đối với cả Hà Nội lẫn Washington, mà còn đối với cả cộng đồng quốc tế.

Sau khi điểm qua quan hệ Việt - Mỹ dưới hai triều Tổng thống Clinton và Bush (con), bài báo phân tích: nếu bà Hillary Clinton được bầu làm tổng thống, có nhiều khả năng cựu đệ nhất phu nhân sẽ tiếp tục cách tiếp cận của tổng thống Obama với Việt Nam và thậm chí có thể tăng cường cam kết của Washington với Hà Nội. Không chỉ từng giữ chức ngoại trưởng, bà Clinton là chính trị gia dày dặn kinh nghiệm ngoại giao, đặc biệt trong mối quan hệ với Việt Nam. Bà đã đến Việt Nam, trong vai trò đệ nhất phu nhân, cùng với tổng thống Bill Clinton trong chuyến công du lịch sử sang Việt Nam vào năm 2000.

Trong suốt chiến dịch tranh cử, cựu đệ nhất phu nhân hứa sẽ buộc Trung Quốc chịu trách nhiệm về những hành động hung hăng trong khu vực nhằm tái khẳng định vị thế cường quốc của Mỹ ở Thái Bình Dương. Khi phát biểu về các vấn đề an ninh quốc gia, bà Clinton nhấn mạnh vai trò quan trọng của mạng lưới đồng minh của Mỹ trong khu vực. Bà cũng lên án mạnh mẽ những lời bình luận của tỷ phú Donald Trump về khối NATO và các đồng minh châu Á của Mỹ.

Ứng viên tổng thống của đảng Dân Chủ cũng nhận thức được động lực trong các tranh chấp Biển Đông. Vào tháng 7/2010, trong Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN tổ chức tại Hà Nội, bà Clinton, lúc đó là ngoại trưởng Mỹ đã tuyên bố rằng tự do hàng hải là một “lợi ích quốc gia” của Mỹ và Washington phản đối việc sử dụng hoặc đe dọa vũ lực đối bởi bất kỳ bên tranh chấp nào tại Biển Đông. Để chỉ trích “đường lưỡi bò” đòi hỏi hầu hết chủ quyền trên Biển Đông của Trung Quốc, bà nói rõ “những tuyên bố hợp pháp đối với không gian hàng hải ở Biển Đông nên được bắt nguồn từ tuyên bố hợp pháp về các đặc trưng của vùng đất”. Theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), mọi đảo nhân tạo hoặc thực thể không được phép lập bất kỳ vùng lãnh hải hoặc khu vực hàng hải nào.

Căn cứ theo quan điểm trong chiến dịch tranh cử, nhiều khả năng một tổng thống Hillary Clinton sẽ tiếp tục mở rộng quan hệ thương mại với Việt Nam, thúc đẩy đàm phán các tranh chấp liên quan đến Biển Đông tại các tổ chức đa phương như ASEAN, tăng cường năng lực hàng hải và quân sự của các đối tác quan trọng như Việt Nam, buộc Trung Quốc tuân thủ bộ quy tắc ứng xử về hàng hải và mạnh mẽ duy trì quyền tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông.

Một hình ảnh trên báo chí Mỹ phản ánh về cuộc tranh cử

Ảnh Internet

Nếu tỷ phú Donald Trump được bầu làm tổng thống, sẽ có nhiều hiệu chuẩn (recalibration) và bất ngờ (uncertainty) xảy ra. Ông Trump là một ứng cử viên gây nhiều ngạc nhiên trong cuộc đua vào chức tổng thống Mỹ. Đây là chiến dịch đầu tiên của ông cho một chức vụ chủ chốt của nhà nước. Trước đó, công chúng biết đến ông Trump nhờ khối bất động sản, hay những lần ông xuất hiện trên các chương trình truyền hình. Cuộc vận động tranh cử của ứng viên đảng Cộng hòa đã thách thức những nguyên tắc chung cơ bản trong chiến dịch tranh cử tổng thống Hoa Kỳ, cả về nghi thức lẫn các đề xuất chính sách. Donald Trump tiến hành vận động tranh cử như một “người ngoài cuộc” (outsider) tìm cách phá vỡ tiến trình chính trị của Mỹ.

Về chính sách đối ngoại, tỷ phú Donald Trump đã khẳng định khẩu hiệu: “Nước Mỹ là trước hết!” Thế nhưng, đường lối này lại đi ngược với những nguyên tắc của chính sách đối ngoại của Mỹ. Đối với Việt Nam và rộng hơn là châu Á - Thái Bình Dương, có ít nhất bốn lĩnh vực mà Donald Trump, nếu được bầu làm tổng thống, sẽ điều chỉnh lại chính sách đối ngoại của Mỹ.

Thứ nhất, về vấn đề thương mại, ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa luôn phản đối các hiệp định tự do thương mại. Nhà tỷ phú kịch liệt phản đối TPP và cho rằng đây là “một thỏa thuận khủng khiếp” chủ yếu mang lợi cho Trung Quốc, chứ không phải cho Mỹ (mặc dù Trung Quốc không tham gia TPP).

Ông Trump cũng nghi ngờ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và chỉ trích tư cách thành viên của Trung Quốc trong tổ chức này. Để hỗ trợ các công ty Mỹ và người lao động phản đối tình trạng cạnh tranh “không công bằng”, tỷ phú người Mỹ cam kết thực hiện một loạt biện pháp trả đũa chống lại Trung Quốc vì thao túng tiền tệ, hỗ trợ doanh nghiệp nhà nước và đánh cắp sở hữu trí tuệ. Kiểu lý luận này được ứng viên đảng Cộng hòa áp dụng cho tất cả các nước châu Á khác mà Mỹ có trao đổi thương mại như Việt Nam.

Thứ hai, Donald Trump đã chỉ trích vai trò của hệ thống đồng minh của Mỹ trên toàn thế giới, từ khối NATO đến Thái Bình Dương. Ông tin rằng các đồng minh đang bị mất cân đối và họ phải chuyển giao một phần gánh nặng cho Mỹ. Thậm chí, nhà tỷ phú còn cho rằng Mỹ nên bỏ rơi đồng minh nếu chi phí quá tốn kém cho cường quốc số 1 thế giới, điển hình là phát biểu nên cân nhắc để Nhật Bản, Hàn Quốc tự phát triển vũ khí hạt nhân để giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ.

Thứ ba, Donald Trump tuyên bố sẽ không can thiệp vào các cuộc xung đột mà không đe dọa trực tiếp an ninh của Hoa Kỳ. Ông đã chỉ trích nặng nề việc Mỹ can thiệp vào Irak và Libya là sai lầm và tác động đến lợi ích của Mỹ. Donald Trump đã không đưa ra một quan điểm rõ ràng về vùng Biển Đông, nhưng cho rằng Mỹ không phải là một bên đòi hỏi chủ quyền trực tiếp nên ông thể hiện quan điểm riêng là cứ để cho các nước như Việt Nam và Philippines tự bảo vệ lợi ích của họ (trước tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc).

Thứ tư, Donald Trump nghi ngờ về vai trò “người bảo trợ” của Mỹ trong trật tự thế giới tự do. Kể từ sau Thế chiến thứ hai, Mỹ can thiệp vào công việc chung của thế giới, như phát triển các tổ chức quốc tế, duy trì quyền tự do hàng hải, phát huy các giá trị dân chủ và trở thành trọng tài trong các cuộc xung đột quốc tế. Chưa chắc với chính sách “Người Mỹ là trước hết!”, ứng viên Donald Trump sẽ tiếp tục di sản này của Mỹ. Chỉ riêng yếu tố này đã cho thấy tương lai không chắc chắn của chính sách quan hệ quốc tế của “tổng thống Donald Trump”.

Theo Diplomat, sau ngày 8/11/2016, dù ông Donald Trump hay bà Hillary Clinton được người dân Mỹ bầu làm tổng thống, sự lựa chọn này sẽ có nhiều hệ quả đối với Việt Nam và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương./.


Có thể bạn quan tâm