April 29, 2024, 5:19 pm

Dồn sức cho "Đại công trình" Văn hóa

 

Sáng 4/8 tại Trụ sở Chính phủ, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì Hội nghị trực tuyến nghe báo cáo về mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2045.  Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố trong cả nước và được coi là một sự kiện quan trọng trong tiến trình thực hiện “ đại công trình” Văn hóa.

Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Việt Nam . Ảnh: Tư liệu

Phát triển Văn hóa ngang tầm với kinh tế

Ngay sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra vào tháng 11/2021, nhiều cuộc hội thảo, hội nghị lấy ý kiến các nhà khoa học, các nghiên cứu và văn nghệ sĩ  về mục tiêu và nhiệm vụ cũng như các giải pháp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng và phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2030 tầm nhìn 2045 đã diễn ra trên quy mô cả nước cho thấy, bên cạnh các vấn đề kinh tế, xã hội, môi trường… thì phát triển văn hoá, con người Việt Nam là nội dung đang được dư luận xã hội quan tâm. Đặc biệt, nội dung này còn được nhấn mạnh trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; ý kiến của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Vì vậy, để bảo đảm văn hóa phát triển ngang tầm với kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường… quá trình bảo tồn, bảo vệ, phát triển, phát huy các giá trị, tầm quan trọng của văn hoá cần được đánh giá lại một cách khoa học, không chỉ nhằm đưa ra những định hướng phát triển quan trọng mà còn có những giải pháp cụ thể, thực chất, đúng mức, đúng tầm đối với bảo tồn và phát triển văn hoá.

Công bằng mà nói, xây dựng, phát triển văn hoá, con người là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, đã được triển khai qua nhiều chương trình, dự án, kế hoạch, chiến lược cho từng nhóm lĩnh vực chuyên ngành như nghệ thuật, di sản, bảo tồn, sân khấu điện ảnh... Việc thực hiện Chương trình nhằm khắc phục những bất cập đã ăn sâu trong nếp nghĩ của một bộ phận không nhỏ người dân khi cho rằng, văn hóa chỉ là thứ yếu. Tệ hại hơn, những người làm công tác văn hóa thường bị cho là “ ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Do đó, một thời gian dài, văn hóa không được đầu tư bài bản, thậm chí nhiều lĩnh vực ngành rơi vào cảnh chợ chiều. Sau 80 năm ra đời Đề cương văn hóa, nhìn lại và đánh gia những thành tựu to lớn mà văn hóa đã tác động đến đời sống chính trị, xã hội và hình thành nên giá trị con người Việt Nam, chúng ta mới thấy việc xây dựng và triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa sẽ góp phần đưa các nghị quyết, định hướng phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam của Đảng vào cuộc sống, đáp ứng đúng và kịp thời yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển bền vững đất nước ta trong thời kỳ mới. Góp phần khơi dậy khát vọng phát triển, khuếch trương hào khí dân tộc, thúc đẩy quá trình phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Bố trí nguồn lực - thực hiện thành công chương trình

Tại hội nghị, các nhà khoa học, các chuyên gia, các cấp quản lý đều khẳng định, xây dựng và triển khai thành công chương trình sẽ tạo ra sự chuyển biến căn bản, to lớn trong sự nghiệp phát triển văn hóa và xây dựng con người Việt Nam, đóng góp quan trọng vào việc bảo vệ Tổ quốc XHCN trong tình hình mới. Đặc biệt, sự thành công của chương trình sẽ tạo ra bước phát triển mới cho sự nghiệp khoa học liên ngành nghiên cứu văn hóa và con người Việt Nam, xây dựng luận cứ khoa học vững chắc, đáng tin cậy cho sự nghiệp phát triển bền vững văn hóa, con người Việt Nam, giải quyết những vấn đề phức tạp và cấp thiết đang đặt ra trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thông qua chín nhóm dự án: Phát triển nhân cách văn hóa con người Việt Nam; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền và giáo dục văn hóa; bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc; thúc đẩy sự phát triển văn học nghệ thuật; phát triển công nghiệp văn hóa; đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ trong lĩnh vực văn hóa; phát triển nguồn nhân lực văn hóa; hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Chương trình đặt ra các mục tiêu: Huy động, tập trung nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa, tương xứng với vai trò, vị trí của ngành trong điều kiện phát triển chung của đất nước, hướng tới mục tiêu đầu tư cho văn hóa chính là đầu tư lâu dài cho tương lai. Tạo nên bước chuyển biến mạnh mẽ và toàn diện trong chấn hưng, phát triển văn hóa và xây dựng con người, hoàn thiện nhân cách, bản sắc và bản lĩnh Việt Nam.

Trước đó, là đơn vị chịu trách nhiệm chính trong thực hiện chiến lược nói trên, Bộ văn hóa, Thể thao & Du lịch cũng đã tổ chức hội thảo với các điểm cầu tại 63 tỉnh thành. Hội thảo đánh giá kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, chương trình phát triển văn hóa giai đoạn 2011 - 2015, giai đoạn 2016 - 2020. Thảo luận nội dung các dự thảo của hồ sơ liên quan đến việc xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2026 - 2030, tầm nhìn năm đến 2045.

Hội nghị cũng đã thống nhất được các điểm chung như: Việc triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa trong những năm gần đây đã đạt được những kết quả và thành tựu nhất định, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa có ý nghĩa quan trọng và có tác động tích cực đến phát triển văn hóa, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của Nhân dân, đặc biệt là cộng đồng dân cư tại các vùng đồng vào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, không chỉ giúp mở rộng giao lưu, hội nhập trong nước và quốc tế, mà còn góp phần tạo sự phong phú trong kho tàng văn hóa Việt Nam, khẳng định vị thế của nền văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những dấu ấn trong phát triển văn hóa, lĩnh vực này cũng còn tồn tại rất nhiều vấn đề cần giải quyết đồng bộ và dứt điểm. Đó là phát ngôn gây bão của những người được cho là ‘ Người của công chúng”, các trào lưu, xu hướng sống ảo, ăn theo thần tượng, các cuộc thi nhan sắc…chưa đủ tầm đủ tâm để tạo nên hiệu ứng tích cực trong đời sống xã hội. Chính vì vậy, trong một chừng mực cụ thể nếu như không muốn nói là lâu dài, Chương trình mục tiêu về văn hóa cần được đầu tư có trọng điểm, giải quyết các vấn đề có tính chất cấp bách để “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Sự thống nhất cao về quan điểm và những quyết sách phù hợp nhằm xây dựng thành công chương trình mục tiêu quốc gia về chấ hưng và phát triển văn hóa tại các hội nghị, diễn đàn nói trên đã phần nào cho thấy việc xây dựng  môi trường văn hóa lành mạnh gắn với xây dựng và hoàn thiện nhân cách con người; xây dựng và hoàn thiện thể chế và thiết chế cho hoạt động văn hóa từ Trung ương đến cơ sở chính là đòi hỏi cấp thiết của cuộc sống. Sự chậm trễ trong thực hiện sẽ kéo giảm sự tiến bộ xã hội

Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/ 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ sẽ bố trí nguyền lực kinh tế để thực hiện chương trình. Bước đi cụ thể sẽ do Bộ Văn hóa, Thể thao& Du lịch cùng các Bộ, ngành liên quan thực hiện. Trước hết, muốn chấn hưng, phát triển văn hóa cần phải nâng cao chất lượng công tác giáo dục - đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và nguồn nhân lực cho các ngành công nghiệp văn hóa. Đẩy mạnh việc tiếp thu những thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến vào trong lĩnh vực hoạt động văn hóa, văn nghệ.

Tính đến thời điểm hiện tại, những công đoạn cuối cùng cho một chương trình tổng thể chấn hưng, phát triển văn hóa con người Việt Nam giai đơn 2025-2030 tầm nhìn 2045 đã và đang được hoàn thiện,  một số mục tiêu lớn mang tính cấp bách, ưu tiên trong Chương trình, đó là bảo vệ, bảo tồn, tôn tạo di sản, giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể đang bị suy giảm, xuống cấp nghiêm trọng, có thể mất đi; xây dựng môi trường, văn hóa bao gồm sản phẩm và hoạt động văn hoá, thiết chế văn hóa, cảnh quan văn hoá, ứng xử văn hoá, nếp sống văn hóa nơi công cộng, tại cơ quan, tổ chức, gia đình, nhà trường…; phát triển các không gian sáng tạo, công nghiệp văn hoá… sẽ là những lĩnh vự được ưu tiên nguồn lực thực hiện.

Như vậy, nguồn lực kinh tế giành cho thực hiện chương trình đã có, việc còn lại là các Bộ, ngành, địa phương cần nhanh chóng bắt tay thực hiện, trên tinh thần, giải pháp phải linh hoạt cho phù hợp với tình hình cụ thể của lĩnh vực ngành, địa phương.

Hy vọng rằng, trong một thời gian ngắn “ đại công trình” văn hóa nói trên sẽ được triển khai “ thuận buồn xuôi gió” sớm đem lại những kết quả nhằm khích lệ công tác tập trung bảo tồn, gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể; tu bổ, phát triển các thể chế văn hoá. Bên cạnh đó là tập trung phát triển công tác đào tạo, xây dựng đội ngũ những người làm văn hoá; thể chế hóa các chủ trương của Đảng, Nhà nước; tiếp tục ứng dụng công nghệ số phục vụ nhiệm vụ quản lý, bảo tồn, quảng bá văn hoá, con người  Việt Nam ra với bạn bè quốc tế.

Nguyễn Nam

 

 

 


Có thể bạn quan tâm