April 29, 2024, 12:40 pm

Dọn “rác tư duy”

Khắp nơi trên thế giới người ta đang gióng lên những hồi chuông báo động: Lượng rác thải đủ mọi loại ngày càng làm ô nhiễm môi trường và con người đang phải đối mặt với nguy cơ bị chính những đồ thải ra của mình “cạnh tranh” môi trường sống. Đủ các loại rác thải đang hằng giờ tấn công cuộc sống của con người: Rác thải trên vũ trụ, rác thải của các nhà máy điện hạt nhân, rác thải công nghiệp, rác thải sinh hoạt… Và con người cũng đang tìm mọi cách giải quyết vấn nạn này. Nhưng, những thứ phế thải, những thứ không cần nữa của con người vẫn đang gây khó khăn cho chính chủ nhân của chúng. Nhân loại đã tốn không biết bao nhiêu tiền của để chung tay xử lý mà vẫn không xong.

Rác thải, có loại từ khi mới hình thành đã được định danh là “đồ bỏ đi”. Nhưng, cũng có không ít thứ, thủa mới sinh ra được chào đón như một thành quả mới của con người, vì nó đem lại những lợi ích rất lớn cho con người. Chỉ sau một thời gian sử dụng, khi vòng đời của nó đã hết, nó mới trở thành gánh nặng và con người phải nghĩ cách thải loại nó sao cho “êm thấm” nhất. Đó là những sản phẩm sinh ra để phục vụ con người, như: Máy hơi nước, động cơ đốt trong chạy bằng nhiên liệu lỏng, các bóng đèn bán dẫn v.v… Anh bạn tôi là một nhà công nghệ nói rằng trong thời đại ngày nay, bình thường một phát kiến mới tạo ra công nghệ mới đem lại nhiều lợi ích cho con người cũng chỉ tồn tại trong khoảng mười lăm đến hai mươi năm là chấm dứt. Bởi, dù còn tốt nhưng những công nghệ mới xuất hiện sẽ vượt qua nó và con người sẽ đón nhận những cái mới ấy. Thành quả trước đó đã hết sứ mạng, nó trở thành đồ bỏ, là “rác thải”.

Tuy nhiên, lại có một thứ rác thải cũng gây nguy hại không kém các loại rác thải kể trên, mà hàng ngày ở bất cứ xó xỉnh nào trên trái đất này, con người cũng không tránh khỏi bị đầu độc. Đó chính là rác thải văn hóa - những sản phẩm của chính con người, từ tư tưởng xã hội, lý thuyết về các loại mô hình phát triển, các thứ chủ nghĩa, các trào lưu triết học, các lý thuyết về xã hội và con người, các tôn giáo, các quan niệm đạo đức… cho đến những sản phẩm cụ thể hơn như âm nhạc, hội họa, sách vở, phim ảnh, thời trang v.v… Những sản phẩm ấy sinh ra cùng với con người, nó cũng nhằm hướng đến giải quyết những vấn đề nào đó thuộc về con người nhưng trong quá trình “sống cùng” với con người, nó hoặc bị đào thải từng mặt, hoặc bị lãng quên từng phần, bởi suy cho cùng thì những “phát kiến” ấy không hợp quy luật, không giúp gì cho xã hội và con người hoàn thiện lên mà trái lại, nó gây hại. Vấn đề phức tạp đáng bàn là loại bỏ đi những thứ này không giản đơn như khi ta bỏ đi đồ vật đã lỗi thời. Ngược lại, nó vẫn bám vào đời sống từ nhiều phía, bằng nhiều cách bởi vẫn có người bám vào và lợi dụng nó theo những cách riêng, nên nó vẫn còn gây họa, bởi nó vẫn làm cho nhiều người loay hoay giữa tốt và xấu, đúng và sai, cần và không cần, độc hại hay có ích… Cái khó là ở đó. Thực trạng này có cả vấn đề về nhận thức. Đơn cử một ví dụ: Đảng, Nhà nước đã xét xử, trừng phạt rất nhiều những tội phạm tham nhũng, nhưng hầu như chưa xét xử những sai lầm trong đề xuất chính sách, những tham mưu sai gây thiệt hại cực lớn cho nước nhà, gây ra những đổ vỡ lớn cho xã hội. Chả lẽ lại dựa vào lý do họ có động cơ tốt nhưng sai lầm vì trình độ, do tư duy không đáp ứng được yêu cầu? Những “tư duy rác thải” ấy cần phải có chế tài xử lý về luật pháp mới đúng!

Nói lại một chuyện nhỏ để chúng ta hình dung việc từ bỏ một nếp nghĩ lỗi thời khó khăn như thế nào. Ở đây có cả vấn đề nhận thức và tình cảm, nuối tiếc cái “vốn là của mình” nên không muốn từ bỏ. Cũng có cả thái độ dũng cảm dám khước từ những thứ vẫn còn hào quang, vẫn còn sức hút để đến với cái mới. Câu chuyện “Khoán 10”, từ bỏ tư duy quan liêu bao cấp để thực hiện sản xuất hàng hóa theo quy luật thị trường… bây giờ ai cũng coi như là chuyện hiển nhiên, là điều tất yếu phải thế; nhưng để có được sự lựa chọn ấy phải có bao nhiêu vật vã, đấu tranh quyết liệt với những tư duy lạc hậu, cũ kỹ, lỗi thời nhưng lại nhân danh những điều to tát, những nguyên tắc. Để thay đổi cái cũ, cần những quyết định táo bạo, sáng suốt, bản lĩnh của người đứng đầu. Từ bỏ “tư duy rác thải”, thải loại khỏi đời sống những “thây ma” đủ loại để chúng ta có được cơ đồ như hôm nay cũng là cuộc đấu tranh để tồn tại.

Lại nói một chuyện rất thời sự nhưng lại có tính thuyết phục rất cao là bóng đã Việt Nam hiện đã đứng đầu khu vực Đông Nam Á, đã bỏ xa Thái Lan, chướng ngại vật tưởng không vượt qua được, vì chúng ta chọn cách làm mới. Mấy năm nay, người có công nhất đưa bóng đá Việt Nam vượt khỏi vùng trũng Đông Nam Á là “ông bầu” Đoàn Nguyên Đức của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. Cách làm của Hoàng Anh Gia Lai tác động đến tư duy bóng đá Việt Nam và dù thích hay không thích, người khác phải tự thay đổi để khỏi tụt lại sau ông “bầu Đức”. Bằng cách này hay cách khác, họ cũng không đi ra ngoài tư duy kinh tế, nhưng bóng đá nước nhà được lợi. Nó tạo ra những cách tư duy mới. Người thứ hai và trực tiếp nhất là ông thầy ngoại Park Hang Seo. Ông đã vận hành bóng đá Việt Nam trong thực tiễn bằng kiểu tư duy khác. Nếu ông cứ nghe theo những chỉ thị, mách nước vừa cao siêu, vừa mang đủ thứ lý thuyết hiện đại của giới chuyên môn, các nhà quản lý và các nhà báo Việt Nam, thì bóng đá Việt Nam vẫn dẫm chân tại chỗ, vì những thứ họ nói là vô bổ. Ông đã chọn cách khác: Ông tin vào con người và khai thác hết tiềm năng của các cầu thủ. Ông nói thật, làm thật, cho cầu thủ thể hiện hết mình và ứng xử với họ như họ xứng đáng được thế, nên đã biến những cầu thủ ấy thành người khác, không chỉ để họ bộc lộ hết mình mà còn nâng họ lên tầm cao mới. Họ đem lại vinh quang cho bóng đã Việt Nam. Nếu trước mỗi trận đấu, ông nghe những “mách nước” của chuyên gia thì ông đã thất bại. Ông không nói lại mà lẳng lặng làm theo ý mình và ông đã thành công!

Mới đây, được thông tin chính thống về những chính sách lỗi thời, những tham mưu sai trong quá trình cải cách hành chính mà hoảng. Đành rằng trong quá trình vận động, nhiều chính sách trước đó đúng, giờ đã lỗi thời phải loại bỏ là chuyện bình thường. Mọi thứ phải vận động hướng về phía tiến bộ, văn minh thì chính sách nào, lý thuyết nào lạc hậu phải bị đào thải. Nhưng tại sao nhiều “chính sách”, “quy định” lỗi thời, bị loại bỏ nhanh thế, chết yểu sớm thế khi chúng mới “chào đời”. Không ít thứ oặt oẹo, giá như không có lại hơn. Những chính sách, quy định ấy là con đẻ của tư duy rác thải, do loại người mà nhà văn L. Tônxtôi mỉa mai là những “thi hài sống” đẻ ra.

Còn nhớ cách đây mấy năm, đương kim Chủ tịch Quốc hội hiện nay, ngày ấy còn là Phó Thủ tướng, đã phải phàn nàn là số liệu GDP “lạ quá”: Tỉnh nào, ngành nào cũng báo cáo tăng mà tổng sản phẩm quốc gia lại không đạt chỉ tiêu. Xem lại thì do báo cáo sai, chạy theo thành tích, sợ bị phê bình không đạt nên đã “nặn” ra những thành tích ảo. Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính khi làm việc với ngành Giáo dục, đã nói giản dị hơn nhưng là một đòi hỏi rất cao. Đó là yêu cầu ngành giáo dục thay đổi một thao tác để tạo ra một bước ngoặt: nói thật, làm thật, dạy thật, học thật để có nhân tài thật! Như vậy, ông đã tuyên chiến với các loại tư duy rác thải, những chính sách và con người “rác thải” đi ngược lại phương chậm “thật” này. Đây là thử thách rất lớn vì giáo dục không phải một vương quốc riêng, nó nằm trong cả hệ thống, chịu sự điều hành của một bộ máy có nhiều cái “không thật” nên tách riêng nó ra khó mà thành công. Tôi nghĩ, Thủ tướng nói với ngành giáo dục thế nhưng là cảnh báo và đòi hỏi mọi ngành khác cũng phải đi theo hướng này. Hy vọng và mong rằng mọi cấp thấm nhuần quan điểm của Thủ tướng, xắn tay áo lên mà làm thật, chứ đừng giả vờ nữa! Nỗi đau ở đây là cái bình thường, cần, đúng… để cho một người trở nên tử tế, để có một xã hội tử tế mà chúng ta phải phấn đấu, Thủ tướng phải chỉ đạo, xã hội phải phấn đấu mới có được… là một điều đáng báo động (!). Vì nó không là chuyện của một cá nhân mà là chuyện của mọi người, mọi ngành, của một quốc gia. Những rác thải chính sách, rác thải tư duy do những con người rác thải nghĩ ra đã làm hại xã hội ta ghê gớm. Nó không chỉ hại bây giờ mà còn gây hại cho nhiều đời con cháu chúng ta.

Một câu hỏi tự nhiên đặt ra: Loại “rác thải” này ở đâu ra mà nhiều thế? Tôi nghĩ nó có ở cả trong ta và ngoài ta. Ở trong ta vì nó gắn với những tham, sân si, đến thói tư lợi mà ta chưa thắng được. Nó ở ngoài ta vì nó tồn tại trong môi trường, trở thành những giá trị rởm mà nhiều người theo đuổi, lợi dụng. Nó trái tự nhiên, trái mong ước của ta, nó được đẻ ra từ cuộc đời nhưng có từ sự thờ ơ của ta và thói giữ mình rất sai lầm “người đục, ta trong”, tưởng rằng là lựa chọn đúng nhưng thực ra là ích kỷ. Không ai có thể đứng ngoài nó, chạy trốn được nó. Hôm nay nó ở ngoài cửa nhà anh, nhưng hôm sau nó sẽ vào nhà anh, đi bằng cửa trước chứ không luồn lách vì nó thắng thế. Nó khoác cái áo khoác công tâm và nhân danh những điều to tát nên vẫn còn bị lợi dụng, còn được hoan nghênh. Môi trường tốt sẽ ngăn chặn, kìm hãm thói xấu, không cho những cái đáng thải loại ấy có đất sống, nhưng môi trường xấu sẽ là nơi ươm mầm cho chúng nảy nòi. Một vị thức giả từ hàng nghìn năm trước đã tổng kết:  Đừng làm cái gì trái với tự nhiên thì xã hội sẽ thái bình!

Con người tạo ra rác thải thì chính họ cũng phải là người dọn rác, dù sớm hay muộn, muốn hay không! Nhưng nguy hại là ở chỗ anh ta có biết mình đang xả rác hay vẫn cứ tin mình đang sáng tạo? Vẫn là chuyện của nhận thức sự thật, bằng tư duy thật, nói và làm thật… Và chúng ta, muốn yên bình cũng phải xắn tay áo lên cùng dọn rác thật, vì đó không phải là việc của riêng ai!

________

(*) PGS, TS văn học

Nguồn Văn nghệ số 26/2021


Có thể bạn quan tâm