April 29, 2024, 9:47 pm

Đổi mới chương trình phải song hành với “Làm mới” công trình vệ sinh trường học

Mệnh đề trên, nghe qua có vẻ “cắc cớ”, ngược đời…, nhưng ngẫm kỹ, lại có nghĩa lý, rất đúng, nếu không chọn diễn đạt một cách cực đoan hơn: muốn thực hiện thành công chương trình mới, trước hết phải “làm mới” hệ thống công trình vệ sinh trường học các cấp (nhất là công trình vệ sinh dành cho học sinh). Không có nhà vệ sinh đích thực và phấn đấu đạt chuẩn xanh - sạch - đẹp - thơm, học sinh khó có thể đảm bảo sức khỏe, tinh thần, sự hưng phấn… để học tập một cách tốt nhất, nhất là học theo chương trình mới đang triển khai. 

Chuyện công trình vệ sinh trường học trở thành nỗi ám ảnh với học sinh từ Bắc chí Nam, đã tồn tại nhiều năm nay, ai cũng biết, cả xã hội, cả ngành giáo dục và từng cơ sở giáo dục đều tỏ tường, nhưng lạ thay, không hiểu vì lí do gì, nó cứ tồn tại như một “nghiệp chướng”, khó và chậm thay đổi… 

Vì sao các sân bay, các siêu thị, các trạm dừng chân đường bộ… số lượng người tập trung nhiều không kém một trường học, thậm chí vượt xa, lại có thể tổ chức rất tốt hệ thống nhà vệ sinh mà trường học - môi trường giáo dục, đáng ra phải trong lành, văn minh, hiện đại… hàng đầu - lại khó làm được?

Ảnh minh hoạ

Câu hỏi này đương nhiên được giải đáp bởi nhiều lí do, nhưng theo tôi, trước hết bởi sự “thờ ơ” một cách khó lý giải của những người có trách nhiệm, nhất là quan điểm coi công trình vệ sinh trường học là “công trình phụ” (Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phê phán quan điểm này nhiều lần, gần nhất là trong Lễ công bố Chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025, do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, ngày 25/02/2022). Dễ thấy nhất là việc viện lí do thiếu kinh phí để “biện minh” cho thực trạng này. Công bằng mà nói, cũng đã có những địa phương, những cơ sở giáo dục coi công trình vệ sinh như là một tiêu chí hàng đầu của hệ thống cơ sở vật chất và lĩnh vực tinh thần, mỹ quan… của đơn vị mình, mà các phương tiện thông tin đại chúng đã từng biểu dương, nêu gương (Trường THPT Nguyễn Du, Quận 10, Tp. Hồ Chí Minh có 18 nhà vệ sinh đảm bảo sạch sẽ, thoáng mát, có cây xanh bên trong… với 8 nhân viên lao công thực hiện lau chùi liên tục trong ngày; Trường THPT Hoàng Quốc Việt, phường Mạo Khê, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh có công trình vệ sinh với diện tích đất xây dựng là 100m2, khuôn viên 300m2, rợp bóng cây xanh, rực rỡ hoa tươi, được coi là khang trang vào bậc nhất Việt Nam…).

Việc xây dựng các công trình vệ sinh trường học, chắc chắn sẽ tốn diện tích đất và kinh phí, nhưng không đến mức không làm được. Kinh phí để xây dựng một khu vệ sinh tại một trường học, có thể tương đương việc xây dựng một dãy 4-6 phòng học với bàn ghế, trang, thiết bị kèm theo… Và thực tế nhiều nơi cũng đã thực hiện được việc này. Theo báo cáo của Cục Cơ sở vật chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2019-2020, cả nước có khoảng 270.695 nhà (phòng) vệ sinh học sinh trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập, với tỷ lệ nhà (phòng) vệ sinh đạt chuẩn là 69,4%; tỷ lệ nhà (phòng) vệ sinh kiên cố hoá là 77,2%; tỷ lệ nhà (phòng) vệ sinh/ trường là 6,62 WC/trường (https://tuyensinh.tvu.edu.vn/). Một con số rất đáng quan tâm và không thể không vui! Tuy nhiên, đây chỉ là những con số mang tính thống kê. Trong thực tế, rất nhiều công trình vệ sinh nằm trong thống kê ấy đã xuống cấp trầm trọng, trở nên xập xệ, hôi hám, nhớp nháp, thậm chí hoang hóa, bị vô hiệu… bởi sự “mất vệ sinh” của nó. Không ít cơ sở giáo dục, cho đến thời điểm bài viết này xuất hiện, vẫn chưa hề có công trình vệ sinh (ví dụ: “Gần 3 thập kỷ trôi qua, nhiều thế hệ trẻ mầm non và giáo viên ở điểm trường xóm Đồng (thôn Lộc Thanh, xã Bình Minh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) học tập và sinh hoạt trong ngôi trường không có nhà vệ sinh và nước sinh hoạt” - https://tienphong.vn/). Không ít học sinh đã “khước từ” dứt khoát các công trình vệ sinh trường học, chọn “giải pháp” hoặc tiêu, tiểu ở nhà trước hoặc sau khi đến trường, hoặc “nín” để rồi mắc phải các bệnh đường ruột mãn tính, nhất là bệnh táo bón… Ông Lê Văn Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam - cho biết: “Nhà vệ sinh dơ, trẻ sẽ không uống nước, nín nhịn để không đi vệ sinh, dẫn đến táo bón, đặc biệt là trẻ nữ. Ngoài ra trẻ còn gặp các mầm bệnh như: tiêu chảy, chân tay miệng… dẫn đến nhập viện, gây quá tải cho hệ thống y tế, cha mẹ phải chăm sóc dẫn đến kinh tế giảm sút” (https://tuoitre.vn/)...

Xây dựng đầy đủ, kịp thời, đúng quy cách… các công trình vệ sinh trường học là việc cần thiết, cấp bách hiện nay, nhưng đó mới chỉ là một nửa của quá trình đưa các công trình này vào sử dụng. Điều quan trọng nhất, tiên quyết, đó là việc duy trì công năng, đảm bảo tiêu chí xanh - sạch - đẹp - thơm, cũng như hoạt động bảo dưỡng các công trình vệ sinh ấy như thế nào để các con số nói trên thực chất. Nếu không hợp đồng được nhiều lao công như Trường THPT Nguyễn Du nêu ở trên, qua đó, “giữ” các công trình vệ sinh “như mới”, thì cũng với khoản kinh phí tương đương, giải pháp hữu hiệu nhất là xã hội hóa. Ở nhiều nơi, hiện nay đã có nhiều công ty chuyên đảm nhận công việc vệ sinh nói chung, trong đó có dịch vụ vệ sinh trường học và công trình vệ sinh (như Công ty Vệ sinh Công nghiệp Gia Long ở Tp. Hồ Chí Minh…). Nhà nước đã và tiếp tục cấp một khoản kinh phí tương thích cho hoạt động này, đồng thời, từng cơ sở giáo dục cần chủ động, quyết liệt thực hiện, coi đó như là một nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của mình.

Tình trạng học sinh kêu ca, khiếp sợ nhà vệ sinh trường học là có thực, nếu không muốn nói là trầm trọng, khó mô tả xuể. Thậm chí, nó trở thành “nỗi sợ mãn tính” đối với nhiều học sinh trong suốt quãng đời đi học và kể cả phần đời sau này.

Không thể thực hiện chương trình mới đạt hiệu quả tốt nhất nếu không có những cải cách căn bản, mạnh mẽ trong xây dựng, duy trì các công trình vệ sinh trường học như vốn nó phải được như thế. Đó là một điều chắc chắn, ít nhất với quan niệm của tác giả bài viết này.

Thai Sắc

Nguồn Văn nghệ số 47/2023


Có thể bạn quan tâm