May 19, 2024, 7:47 pm

Điện Biên trong một gia đình

Vỏ quả đạn pháo của người cựu binh Lại Văn Năm, lính Đại đội Công binh 34, Trung đoàn 176, Sư đoàn 316 đánh Điện Biên năm nào được tôi mang về Hà Nội một ngày cuối tháng ba, để trang trọng trên bàn làm việc.

Nhìn nó, tôi lại nghĩ đến viên sĩ quan Pháp Jean Charles Clement Piroth, người đã tự tử bằng lựu đạn vào ngày 15 tháng 3 năm 1954 trong căn hầm của chính mình, sau những tuyên bố hùng hồn rằng sẽ không khẩu pháo nào của Việt Minh bắn ba loạt đạn mà không bị phát hiện, và chỉ năm phút sau thôi sẽ xóa sổ hoàn toàn, không còn pháo binh Việt trên chiến trường nữa. Đến lúc chết ông ta cũng không thể ngờ rằng đội quân của tướng Giáp không chỉ mang lên Điện Biên sơn pháo 75mm (pháo nhẹ) theo như dự đoán ban đầu của ông, mà còn có lựu pháo 105mm, súng cối 82mm và 120mm, pháo cao xạ 37mm, pháo phản lực 102mm… Và trong toàn chiến dịch, quân ta đã huy động, tập trung tới 261 khẩu pháo và cối các loại để chiến thắng áp đảo pháo binh Pháp, được trang bị tốt hơn, có kinh nghiệm chiến đấu nhiều hơn với lựu pháo 105mm và 155mm. Ông ta hẳn cũng không thể ngờ rằng những người lính nhỏ bé của một dân tộc từng là thuộc địa của mẫu quốc Pháp đã kéo pháo không phải bằng xe kéo trên đường lớn, mà bằng sức người qua núi cao vực sâu. Đã có những tấm gương nằm lại mãi mãi trên đường kéo pháo khi tuổi đời vẫn còn xanh, trời đất vẫn còn xanh như anh hùng Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo, không để pháo lăn xuống vực. Trước khi nhắm mắt anh còn hỏi: “Pháo có việc gì không anh em?”

Ông Lại Văn Năm và vợ. Ảnh: Thành Duy

Với một chỉ huy pháo binh Pháp như Piroth, pháo đơn giản chỉ là vũ khí, trận Điện Biên Phủ đang tham gia đây chỉ như một cuộc dạo chơi, để gắn thêm một tấm huân chương lên ngực trước khi bỏ lại xứ Đông Dương với nhiều rừng rậm, làng mạc núi cao an dưỡng tuổi già nơi quê nhà. Nhưng với người lính Việt Nam lại khác, mỗi một khẩu pháo đưa lên núi rừng Điện Biên là hi vọng của bao người nơi hậu phương, mỗi quả đạn bắn ra gửi gắm bao mơ ước về hòa bình, độc lập lâu dài cho một đất nước non trẻ mới thành lập được chín năm. Để mất một khẩu pháo, một quả đạn là mất đi một phần hi vọng.

Rồi khi hòa bình lập lại, nếu linh hồn người chỉ huy pháo binh kia vẫn còn ở lại mảnh đất Điện Biên, hẳn ông ta cũng không thể ngờ từ những vỏ đạn được gom về, từ những bùng nhùng hàng rào dây thép gai vây quanh các cứ điểm, từ những chiếc xe tăng, xe bọc thép, máy bay bị bắn hạ đã góp phần làm đổi thay da thịt một vùng chiến địa chết chóc. Như vỏ quả đạn pháo tôi mang về từ nhà ông Năm kia nó từng một thời được những người công nhân nông trường Điện Biên dùng làm đe để gại cuốc xẻng mỗi sáng ra đồng cho sắc hơn. Bởi vậy trên thân quả vết lõm nhấp nhô không đều, vết rỉ ăn mòn của thời gian cũng khác nhau. Cũng có những vỏ quả đạn to hơn treo lủng lẳng dùng làm kẻng báo tin báo ngày làm việc mới bắt đầu, báo giờ nghỉ, báo máy bay địch đánh phá. Với vỏ đẹp dùng làm bình hoa để góc nhà của cô gái trẻ miền đồng bằng, miền biển mới nghe theo “tiếng hát con tàu” lên Tây Bắc chưa lâu. Đến cuốc xẻng, dao dựa, xoong nồi kia cũng chính từ vỏ đạn, vỏ xe rèn ra qua lửa đỏ, qua những bàn tay còn vương mùi khói súng. Còn với dây thép gai ở mỗi khu căn cứ được gom lại tận dụng làm hàng rào quây gà quây vịt. Vải dù ngày nào giờ dùng làm màn làm võng, làm túi đi học cho những đứa trẻ sinh ra lớn lên tại nông trường Điện Biên, ngày ngày lẫm chẫm theo cha mẹ ra cánh đồng Mường Thanh bắt cào cào châu chấu. Vỏ chai rượu mà lính Pháp sử dụng xưa giờ được rửa sạch phơi khô để xát vỏ đỗ xanh khi cần nấu cháo, hầm xương…

*

Từ vỏ đạn của ông Năm kể trên, giờ tôi nhớ lại chuyến đi của mình. Chuyến đi đến với Điện Biên Phủ sau gần 70 năm mừng ngày chiến thắng, mùng 7 tháng 5 năm 1954, mùng 7 tháng 5 năm 2024…

Từ Hà Nội qua những cung đường ngoằn ngoèo, cua gấp đến hao người, chạm đến chân đèo Pha Đin gặp những vầng hoa ban nở trắng dọc hai bên đường, tâm trạng tôi mới tốt dần lên. Ý chừng là mình đã chạm vào cái gì đấy rất riêng của miền Tây Bắc nói chung, của vùng đất Điện Biên nói riêng. Hoa ban gặp đây khác với những cây hoa ban ở đường Nguyễn Du, Hoàng Diệu, Điện Biên Phủ, Trần Phú, Thanh Niên… ở Hà Nội mà các bà các cô vẫn rủ nhau áo dài khăn lụa đi chụp ảnh từ đầu tháng ba dương, cánh chúng trắng hơn, sọc giữa cánh hoa cũng tím hơn bởi có phông nền là núi non xanh thẫm phía dưới.

Qua đèo Pha Đin rồi, nhìn bóng chú trâu trắng đang gặm cỏ ở triền núi xa, tôi chợt nhớ đến truyện ngắn Đoàn dân công đặc biệt của tác giả Mai Thái Sơn, quê Tuyên Quang vừa mới đọc gần đây. Truyện viết về việc mua trâu trong các bản làng người đồng bào làm thực phẩm phục vụ trực tiếp cho chiến sĩ đang chiến đấu tại chiến trường Điện Biên. Tiền không có, những người của ủy ban hành chính kháng chiến tỉnh đi mua trâu sẽ viết giấy xác nhận, cùng cán bộ xã kí vào. Do không có cân, dùng dây đo vòng bụng, chiều cao, chiều dài rồi ước tính trọng lượng từng con. Sau này, căn cứ vào giấy đó, ủy ban sẽ thanh toán tiền cho đồng bào. Đàn trâu cùng với những người dân công chính là chủ trâu lên đường vượt sông sâu, rừng rậm, đánh đuổi hổ, tìm trâu lạc, vượt qua những đợt bom bắn phá của quân Pháp đến được ngưỡng cửa vùng chiến sự là đèo Pha Đin. Thử thách thực sự đặt ra, làm sao cho trâu vượt đèo an toàn để bàn giao cho quân nhu mặt trận ở bên kia, chứ dùng dằng mãi trâu gầy yếu chết đi là có tội với chiến sĩ, với bà con dân bản. Bằng sự sáng tạo mưu trí, cuối cùng đoàn dân công chọn cách đưa trâu đi xuống đáy vực, vượt qua bãi đá tai bèo bằng cách xếp đá, xếp cây đổ làm cầu cạn rồi dắt ngược trở lên trên, kịp bàn giao hơn trăm con trâu béo khỏe, không để bộ đội thiếu thức ăn đánh giặc. Kết truyện là chỉ huy đoàn dân công đón chờ nhiệm vụ mới trên giao.

Trở lại với chuyến đi dài gần 500km từ Hà Nội dừng ở thành phố Điện Biên Phủ, sáng hôm sau tôi xuống thôn Chăn Nuôi 2, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên để gặp người cựu binh Lại Văn Năm. Khi đến ông đã mặc sẵn quần áo bộ đội từ trong nhà bước ra. Dáng người rắn chắc, mắt còn tinh, ông cười bảo sáng sớm đồng chí Tám phụ trách cựu chiến binh huyện đã xuống dặn ở nhà đợi mấy anh nhà báo đến hỏi chuyện chứ đừng ra đồng. Câu chuyện dẫn dắt qua lại mãi, ông kể rằng sau chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, ông cùng đồng đội được cấp trên giao nhiệm vụ dẫn giải tù binh Pháp về Sầm Sơn (Thanh Hóa). Vì là lính công binh - nhiệm vụ chính là tìm gỡ bom mìn, phá hàng rào cho bộ binh tiến lên đánh chiếm cứ điểm trong những trận đánh lớn - nên đây là lần đầu tiên ông đứng gần một người lính Pháp thế, nhất là những lính gốc Phi da đen, chỉ loi choi đến ngực.

Sau chuyến dẫn giải tù binh đó, lần đầu tiên ông Năm được về phép, về nơi chôn nhau cắt rốn Cẩm Khê, Phú Thọ. Từ đầu làng nghe văng vẳng tiếng đọc kinh, lòng ông đã rộn lên. Người lính từ làng ra đi với tấm da thú dùng để bọc vài bộ quần áo khoác trên lưng giờ trở về cũng thế. Khác chăng, người lính ấy vừa trực tiếp dự phần vào một trận chiến đấu mà nhân dân cả nước ai cũng ngóng chờ, mong đợi tin tức. Trận quyết chiến chung cuộc tại điểm hẹn lịch sử mở ra tự do lâu dài sau gần thế kỉ chịu ách đô hộ của thực dân Pháp. Người lính ấy về và kể chuyện cho bà con dân làng nghe, cả người có đạo lẫn người bên lương. Chuyện ta thắng to thế nào, chuyện dẫn giải tù binh ra sao. Rằng tù binh Pháp thấy các anh bộ đội Việt Minh nhỏ bé, súng trường quệt đất, có phần nào đấy coi thường, họ bỏ trốn lao vào rừng chạy thục mạng. Đoàn dẫn không đuổi theo vì có bộ phận đi sau bọc hậu lo tù binh bỏ trốn. Thường sau dân bản bắt giải ra, hoặc chính họ chạy mãi trong rừng đói mệt lại chủ động tìm về với bộ đội ta. Bởi họ biết đi cùng bộ đội về nơi tập kết sớm muộn cũng sẽ được trả về quê hương. Với trường hợp này thì sau khi cho ăn uống, chăm sóc y tế sẽ bị phạt đeo giày lên cổ đi chân đất. Da chân người Pháp mỏng nên họ rất sợ. Còn đồng hồ, đồ trang sức của tù binh dồn vào bao cử người khoác riêng, đến trại tập trung bàn giao lại. Cũng có trường hợp lính Pháp giấu đồng hồ, nhẫn, dây chuyền trong người đi qua hàng quán dựng ở ven đường bèn sà vào đổi lấy chuối, bánh chưng bánh giầy ăn ngấu nghiến. Thường trong trường hợp thế dân ta cũng chẳng lợi dụng lấy đồ của họ mà chỉ nhận làm vì cho họ yên tâm ăn xong rồi trả lại.

Vì truyền thống cha ông ta từ xưa nào ai có nỡ đánh kẻ đã ngã ngựa, kẻ trong thế yếu. Dù có thể chính người lính Pháp đó năm trước mới càn qua đây, phóng hỏa đốt nhà, hãm hiếp và giết chóc. Hay gần đây hơn, chính họ đã chốt giữ các cao điểm, khiến cho bao người lính của làng quê Việt nằm lại mãi mãi nơi lòng chảo Điện Biên. Như Thái tổ Lê Lợi xưa trong hội thề Đông Quan với Vương Thông đã lệnh cho sửa đường, sắm đủ thuyền xe cho mười vạn giặc Minh hai đường thủy bộ về nước an toàn, tránh được một trận gió tanh mưa máu, thiệt hại cả ta lẫn địch. Mặc dù lòng dân lúc đó trước tội ác của giặc thì vẫn sôi lên, muốn đánh một trận sống mái băm vằm chúng ra trăm nghìn mảnh mới hả. Song vua hiểu, dụ rằng: “Trả thù báo oán là thường tình của mọi người, nhưng không thích giết người là từ tâm của bậc đức. Vả lại, người ta đã hàng mà mình lại giết thì đó là điều xấu không hay. Nếu vì hả nỗi căm hận trong chốc lát, mà mang tiếng giết kẻ đầu hàng, thì chi bằng tha mạng sống cho vạn ức người để dập tắt mầm mống chiến tranh cho đời sau, sử xanh sẽ ghi chép, tiếng thơm để lại muôn đời, như vậy há chẳng tốt đẹp hay sao?” (Đại Việt sử ký toàn thư)

Nhưng có chuyện mà ông Năm giấu không kể cho người cùng làng nghe đó là có những lúc ngủ trong lán trại dựng ven suối, nghe tiếng nước chảy róc rách bên ngoài, nhớ nhà, ông đã khóc. Hay những lúc gác đêm một mình ngoài rừng, trời tối như mực, chỉ sợ phỉ mò vào lần lên người cắt đầu nộp cho Pháp lấy muối lấy bạc trắng. Ở đây là nỗi sợ vô hình của con người trước thiên nhiên, đêm tối rộng lớn chứ không phải sợ cái chết. Vì người lính công binh ăn với bom, ngủ với đạn, cái chết có là gì…

*

Đã bốn năm kể từ ngày chiến thắng, người lính Lại Văn Năm vẫn say mê với nhiệm vụ hơn là quan tâm đến việc kiến tạo tổ ấm riêng mình. Cho đến tháng 3 năm 1958, cũng vào mùa hoa ban nở trắng thế này, ông nằm trong đội hình toàn Sư đoàn 316 trở lại Điện Biên nhận nhiệm vụ mới của Đảng và Bác giao. Đó là khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định đời sống bà con đồng bào, xây dựng Tây Bắc thành hậu phương vững chắc của miền Bắc, chống lại chủ nghĩa đế quốc cùng bè lũ tay sai đang nhăm nhe xâm chiếm miền Nam. Trung đoàn 176 của ông Năm lúc này chuyển thành Nông trường Quân đội Điện Biên. Hai năm đầu vẫn trực thuộc Bộ Tổng tham mưu nên vẫn giữ chế độ quân đội, vừa huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, xây dựng doanh trại, rà phá bom mìn còn sót lại trong chiến tranh.

Đến giờ ông Năm vẫn nhớ bài thơ Bác Hồ “ứng khẩu” tặng cho chiến sĩ sư đoàn ngày giao nhiệm vụ mới, nhiệm vụ chưa từng có kể từ ngày thành lập sư tháng 1 năm 1951 tại huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, sau thắng lợi của Chiến dịch Biên giới: Đá rắn ta quyết tâm ta rắn hơn đá/ Núi cao, chí khí ta còn cao hơn/ Đảng cử ta lên mặt trận sản xuất/ Khó khăn ta cố gắng vượt qua/ Nhiệm vụ ấy ta quyết tâm làm tròn/ Cảm ơn người đào tạo quân đội/ Quyết chí đền bù nghĩa nước non.

Vì là lính công binh “đi trước về sau” nên đơn vị ông hành quân đến Điện Biên trước. Việc đầu tiên là xác định địa điểm xây dựng lán trại để rà phá bom mìn, đào hố vệ sinh cho toàn trung đoàn. Nhớ lại, ông bảo nhiệm vụ ngày trở lại này ở những ngày đầu cũng chẳng khác nhiệm vụ đầu năm 1954 xưa là mấy, chỉ khác xưa thường chỉ đi điều nghiên, phá bom từ bờ sông Nậm Rốm lên vào ban đêm tránh địch thì giờ làm ban ngày, chẳng còn phải trốn, bò nép người xuống tránh đạn địch từ trong lô cốt bắn ra. Cái sướng nhất lúc đó là cái tự do. Dù cho ăn uống kham khổ, quanh đi quẩn lại chỉ có cơm độn ngô, rau tàu bay, cá khô. Ngô trước khi nấu cùng cơm, anh nuôi thường đồ lên. Nếu hôm nào quá tay cho nhiều vôi, rửa lại không kĩ thì xới cơm ra mùi vôi nồng lên mà vẫn phải cố ăn. Đến bà con đi làm ruộng qua thấy thau đựng đồ ăn của lính cũng bưng miệng vì sợ.

Sau vụ mùa đầu tiên thì anh em lính lại có nỗi khổ mới đó là bí đỏ. Ba bữa bí đỏ, đất Điện Biên hợp bí nên anh em lính tráng mới có câu đùa tếu rằng: “Coi chừng cơm nếp, cô lập cá khô, đề phòng bí ngô ngóc đầu dậy.”

Sau hai năm đầu, khi việc xây dựng Nông trường Quân đội Điện Biên đã đi vào ổn định, tạo được nền móng vững cho đà phát triển sau này thì chính thức làm lễ hạ sao, đổi tên thành Nông trường Quốc doanh Điện Biên trực thuộc Bộ Nông trường (bao gồm cả phân trường Mường Ảng). Ban đầu, khi biết tin từ quân đội là lính chiến chuyển sang dân sự làm công nhân cũng có nhiều anh em chưa hiểu, tư tưởng có phần chưa ổn định. Theo cuốn sách Lịch sử Sư đoàn 316 (1951 - 2011) thì chính đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có lời rằng nếu anh em nào ý chí còn chưa kiên định, lung lay thì hãy lên nghĩa trang liệt sĩ A1 nhìn anh em nằm lại để biết mình cần phải nghĩ gì, làm gì.

Riêng ông Năm đã xác định nhiệm vụ nào cũng là nhiệm vụ. Thêm nữa, rời cây súng về với cuốc cày cũng là mơ ước chung của những người lính thời chống Pháp. Bởi anh lính xuất thân nông dân ra đi từ làng đánh Tây đâu mong gì hơn hòa bình độc lập về có mảnh ruộng con trâu, sáng đi cày chiều về ra sông ngụp lặn bắt cá nhặt ốc, tối bên ngọn đèn dầu thư thả hút thuốc lào uống nước chè nghe ê a tiếng đánh vần con trẻ. Giờ ở lại Điện Biên kiến tạo nên cuộc sống mới của mình, bên cạnh có đồng đội đã ngã xuống - anh phải sống thay cả phần họ nữa, và bao đồng đội cùng cảnh xa quê như mình, nhìn họ tự thấy phải cố gắng hơn. Cạnh đó là cánh đồng Mường Thanh bạt ngàn kia, đứng đầu tứ đại cánh đồng miền Tây Bắc (gồm Mường Thanh, Mường Lò, Mường Than, Mường Tấc), nếu anh để anh đói anh khổ là có lỗi với đất đai Tổ quốc, với máu xương liệt sĩ.

Khi thành công nhân nông trường, biết chắc chắn mình sẽ gắn bó với mảnh đất Điện Biên này chứ không còn là lính nay đây mai đó, ông Năm mới tiến tới tìm hiểu và kết hôn cùng bà Lưu Thị Tấm, người cùng quê Cẩm Khê, Phú Thọ. Hai người con đất vua Hùng “gốc” tổ chức lễ cưới vào ngày thứ bảy. Bà Tấm kể, chẳng cần xem ngày giờ gì cả, cứ ngày nghỉ là cưới, mà rồi để ý cũng chẳng thấy đôi nào bỏ nhau, cứ êm ấm sinh con đẻ cái, cháu chắt đề huề. Tiệc ngọt bày ra với thuốc lá, kẹo đường đen, nước chè. Chủ hôn đứng ra tổ chức là chi bộ vì cả hai đều là đoàn viên. Khách mời là toàn thể anh em trong khu sản xuất. Quà cưới đến giờ ông bà vẫn còn giữ là chiếc phích Rạng Đông với hình hai chú mèo trắng, chiếc bàn ăn cơm, cùng chum đựng nước. Xong đâu đấy đôi vợ chồng mới cưới được phân một nửa gian lán, ngăn với gian bên cạnh bằng tấm liếp trát bùn dưới nông trường cà phê.

Đến năm 1976 ông bà mới chuyển về xã Thanh Xương này. Ông bà sinh được bốn người con, ba gái một trai, về cháu chắt hiện đã có tám cháu, ba chắt. Trong đó người con thứ hai là anh Lại Văn Quỳnh, sau khi đi bộ đội về cũng theo gót cha vào làm công nhân ở nông trường. Đến con trai anh Quỳnh là cháu Lại Thế Huỳnh cũng theo ông và cha hiện đang làm ở Công ty cổ phần chế biến nông sản Điện Biên (tiền thân là Nông trường Điện Biên). Về phục vụ trong quân đội thì cháu ngoại là Nguyễn Đình Tuấn, hiện đang là thiếu tá, Chính trị viên Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 82, Sư đoàn 355 đóng quân ở thành phố Điện Biên Phủ.

Còn căn nhà khang trang đang ở là tiền tiết kiệm của ông bà, cộng với con cháu mỗi người góp một ít mà thành. Ngoài phòng khách rộng rãi để quây quần mỗi dịp lễ tết còn có bốn, năm phòng ngủ đủ cho tất cả các gia đình nhỏ.

Trước khi chia tay, ông Năm tặng tôi vỏ quả đạn pháo đem về Hà Nội. Bà Năm còn có ý tặng cả chiếc phích nhưng tôi xin phép không lấy. Vì chắc chắn một điều rằng chiếc phích sau này sẽ được bày trang trọng trong nhà để con cháu ông bà nhớ về mối tình của những người dưới xuôi lên xây dựng vùng chiến địa Điện Biên giàu đẹp, no ấm như ngày hôm nay. Còn vỏ quả đạn pháo từ vũ khí chuyển sang dụng cụ phục vụ lao động sản xuất. Thiết nghĩ, chẳng có gì hơn để minh chứng cho tinh thần vượt khó vượt khổ, khắc phục mọi khó khăn của người lính Điện Biên năm xưa - điều mà chính những cựu binh Pháp khi quay lại thăm chiến trường Điện Biên hẳn cũng ngỡ ngàng, và khâm phục…

Nguyễn Hưng

Nguồn Văn nghệ số 17+18/2024


Có thể bạn quan tâm