May 4, 2024, 11:41 pm

Để “Nhà giàu” yên tâm… Làm giàu(!)

Có một nhân vật trong truyện ngắn Phẩm tiết của Nguyễn Huy Thiệp tâu với vua rằng: “Bệ hạ không hiểu bọn nhà giàu, chúng có thương xót ai bao giờ?”.

“Bọn nhà giàu” trong tâm thức dân gian xưa nay là thế đấy! Từ khi nào và do đâu mà người Việt có tâm lý ghét người giàu, gọi nhà giàu là “bọn” và luôn mặc định “chúng có thương xót ai bao giờ” như cái nhân vật trong truyện ngắn của một nhà văn được đánh giá là hàng đầu trong văn học thời Đổi mới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam, 13/10/2021. Ảnh: Trần Hải - ND

Lần giở kho tàng văn học dân gian, nơi lưu giữ trí tuệ, tư tưởng bao đời của người Việt, thật hiếm có những câu ca, truyện cổ, tuồng tích… nào tôn vinh, ngợi ca người giàu, nhà giàu? Dưới cái nhìn dân gian, từ thế hệ này qua thế hệ khác, người giàu là phú ông, là địa chủ, là lái buôn, là gian thương… và một bộ phận trong số đó là quan lại, là cường hào to nhỏ lớn bé. Tất cả đều là “bọn”, là “kẻ”, là “con”, là “tên”… Nói chung rặt một lũ hợm hĩnh, độc ác, tham lam, keo kiệt. Giới thương gia, nhà buôn thì được mặc định là buôn gian bán lận, lươn lẹo, xảo trá… Nhiều trường hợp, người giàu đồng nghĩa với trọc phú, ngu dốt, thiển cận… bị những người làm thuê, ở đợ bỡn cợt, bóc mẽ; thậm chí dạy dỗ, khai sáng.

Cơ mà cái sự ghen ghét, đố kỵ, phỉ báng người giàu cũng có ngoại lệ. Trong hàng người giàu nhưng dưới cái nhìn dân gian thì những ông vua, hoàng tử, công chúa, phò mã… lại có người tốt bụng, khoan dung, biết cúi mình, nâng đỡ người nghèo, người thất thế. Ông Tiên, ông Bụt ngự miền hư ảo lại hiện hữu thường trực mỗi khi người nghèo bí bách, thất thế, lâm bước đường cùng. Ghét quan nhưng lại ước muốn làm quan. Ghét người giàu nhưng lại luôn khao khát được giàu, thậm chí muốn là giàu nhanh, giàu ngay. Thành ra người Việt trong văn học dân gian luôn có “giấc mơ đẹp”: được làm vua, được lấy hoàng tử, công chúa, được chia gia tài, sở hữu kho báu, đỗ đạt, phút chốc đổi đời, từ nghèo hèn thoắt cái giàu sang… Và chẳng phải chỉ trong văn học dân gian, mà trong văn chương đương đại, tính định kiến hận thù giai cấp vẫn sâu đậm, khi nhân vật thuộc tầng lớp người giàu vẫn chẳng mấy tốt đẹp. Người giàu, có tiền, là nguyên nhân gây nên tình trạng rối loạn, bất công, khuynh loát chính trường, khuynh đảo mọi giá trị, kiểu như “nén bạc đâm toạc tờ giấy”, “có tiền mua tiên cũng được”...

Nhưng cuộc đời hơi khác văn chương nghệ thuật. Lịch sử nước nhà, vào thời giặc giã, loạn lạc, các bậc anh hùng hào kiệt dựng cờ tụ nghĩa, có ai không dựa vào tầng lớp điền chủ, phú hộ? Trong số anh hùng hào kiệt, nhiều bậc xuất thân “áo vải”, nhiều bậc từ hàng danh gia vọng tộc, tất cả đều dựa vào muôn dân, nhưng nòng cốt vẫn là tầng lớp có của ăn của để, những thân hào bá hộ vì đại nghĩa mà hằng tâm hằng sản, mở rộng hầu bao. Non tiền kém gạo làm sao có đội quân binh hùng tướng mạnh? Không thế không lực làm sao có thể nếm mật nằm gai, trường kỳ kháng chiến dựng xây nghiệp đồ?

Thời bình cũng thế. Khai cơ mở cõi, mở rộng giao thương, chấn hưng sản nghiệp, nếu không có kẻ tiên phong mở lối, dẫn dắt cộng đồng thì làm sao đất nước đạt đến thịnh trị thái bình? Lịch sử nước Việt Nam mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, trải qua mấy cuộc chiến tranh, thế và lực đất nước tạo lập từ nguồn lực toàn dân, sức mạnh toàn dân tộc. Nhưng vào những giai đoạn cam go, tình thế ngàn cân treo sợi tóc, lại phải dựa vào những tổ chức, cá nhân có nguồn lực lớn. Khi ấy vai trò của người giàu, nhà giàu, những chủ điền trang, điền ấp, các nhà thầu, nhà buôn, lại phát huy, nổi trội, tỏa sáng. Ngay sau khi cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ núi rừng Việt Bắc về Hà Nội, đã đến ở tại gia đình ông bà Trịnh Văn Bô là người giàu có bậc nhất Hà Nội thời đó, để soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập và chỉ đạo công tác chuẩn bị cho lễ Quốc khánh, khai sinh nước Việt Nam mới. Đầu năm 1947, từ chiến khu Việt Bắc, Người về thăm và làm việc với tỉnh Thanh Hóa. Đêm 19/2/1947, Người nghỉ tại tư gia của điền chủ Đỗ Đình Thiện là một nhà tư sản dân tộc ở Chi Nê, tỉnh Hòa Bình, để hôm sau tiếp tục hành trình vào vùng tự do Thanh Hóa. Trong điều kiện an ninh chính trị và trật tự xã hội vào những thời điểm trên đây, việc lựa chọn những gia đình giàu có nổi tiếng để nghỉ ngơi và làm việc, tránh tai mắt của kẻ địch, chứng tỏ sự tin tưởng và đánh giá cao của Bác Hồ đối với tầng lớp doanh nhân yêu nước. Và lịch sử đã chứng minh đó là một niềm tin có cơ sở vững chắc; một sự lựa chọn sáng suốt, đúng đắn, thể hiện tư tưởng Hồ Chí Minh đối với tầng lớp doanh nhân trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Ở mọi thời đại, vai trò của tầng lớp doanh nhân là tạo việc làm, gia tăng của cải vật chất, góp phần bình ổn xã hội. Mấy chục năm qua chúng ta đấu tranh, phấn đấu vì một xã hội văn minh, tiến bộ, ai cũng được học hành, ai cũng có việc làm, có thu nhập, gánh nặng sứ mệnh ấy phần nặng nhất đặt lên vai các chủ doanh nghiệp, nhà giàu, người giàu. Toàn tâm, toàn lực, âm thầm và bền bỉ, hết sức hiệu quả, ấy là “chất” của người giàu, nhà giàu Việt Nam thời nay. Suốt những tháng năm đất nước bập bùng cơn đại dịch, những ông chủ doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế tư nhân cùng hàng ngàn hàng triệu “lá lành” người Việt thực sự nhập cuộc, sẻ chia, góp sức cùng chính phủ, vì cộng đồng. 

Cách thức làm giàu xưa nay cũng có năm bảy đường, nên người giàu, nhà giàu cũng có năm bảy loại. Có loại tham ô tham nhũng mà giàu nhanh, giàu xổi, giàu bất chính bất thường. Có loại làm ăn phi pháp, cờ gian bạc lận, cho vay nặng lãi, lừa đảo người ngay. Có loại lợi dụng cơ chế đục nước béo cò, câu kết với quyền lực, dựng doanh nghiệp “sân sau” dễ bề thâu tóm tài nguyên, đất đai, bòn rút công quỹ mà giàu… Nhưng có những loại tự thân, bằng trí tuệ, mồ hôi và nước mắt tạo ra những giá trị khác biệt, vượt trội, đáp ứng nhu cầu thị trường và những đòi hỏi của xã hội. Loại người giàu, nhà giàu này xứng đáng đáng được tôn vinh, được ghi công. Đó thực sự là tầng lớp tinh hoa, có khả năng dẫn dắt quốc dân đến tự lực tự cường.

Trải qua mấy cuộc bể dâu, người giàu, nhà giàu nước mình từng bao phen lận đận, lâm cảnh chết đứng, chết nghẹn. Nhà giàu, người giàu bao phen phải khóc. Lạ thay, như thứ quy luật từ cõi miền tiềm thức thâm căn cố đế nào đó, mà người giàu, nhà giàu nước ta, những địa chủ, nhà buôn, nhà tư bản… sau mỗi bước ngoặt của lịch sử lại dính vướng vào cái vòng tai ương họa chướng? Những loại hoạt động bất chính, phi pháp mà giàu đã đành một nhẽ. Nhưng với lớp người làm giàu từ mồ hôi trí tuệ, nếu dính họa, bị đấu tố, bị cải tạo, bị xử lý, thì đấy không chỉ là bi kịch với họ, mà còn là bi kịch, thậm chí là thảm kịch, là thiệt thòi, là mất mát không thể tính đếm của cộng đồng, của đất nước.

Một nhà văn nổi tiếng đương đại từng cảnh báo về tình trạng “những hoạt động kinh tế cù lần chỉ đủ sức cho một dân tộc sống khắc khoải”. Và “vấn đề ở chỗ phải biết đứng lên vươn mình thành một cường quốc. Làm được điều đó phải có gan chịu đựng sự va xiết trong quan hệ với cộng đồng”. Phải chăng “sự va xiết” mà nhà văn ám chỉ chính là những va quệt, va đập gây nên nỗi đau rên xiết? Những va xiết, tai nạn, vấp váp và cả tai họa mà giới doanh nhân gặp phải có phần trách nhiệm của nhà nước khi chức năng kiến tạo không phải khi nào cũng kịp thời và sắc nét. Những sai phạm mà họ mắc phải, nhiều khi có nguyên nhân từ sự thiếu liêm chính và mẫn cán của “người nhà nước”. Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân từng đưa ra hình ảnh ví von: “Trong bối cảnh pháp luật chưa hoàn chỉnh mà lực lượng doanh nhân đi tiên phong, thì họ có thể “giẫm phải mìn”. Cũng chính Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân từng tâm nguyện: “Nhà nước phải là bộ não thông tuệ để định hướng thị trường, sử dụng các công cụ chính sách để điều chỉnh, định hướng cho doanh nghiệp đầu tư”.

Dân giàu thì nước mạnh. Một quốc gia hùng cường phải có nhiều doanh nghiệp giàu mạnh, những tập đoàn kinh tế lớn, những sản phẩm thương hiệu khác biệt, nổi trội dẫn dắt cộng đồng, kết nối với thế giới. Có quốc gia nào phát triển hùng cường mà doanh nghiệp doanh nhân èo uột, chưa kịp lớn đã lụi tàn? 

Ngay lúc này hay phải đợi đến khi nào, người Việt mới dứt bỏ hết định kiến thâm căn cố đế ganh ghét đố kỵ người giàu, nhà giàu? Và nữa: Lúc này hay đợi đến khi nào, người Việt mới thường trực thói quen nuôi chí làm giàu, trở nên giàu sang, giàu mạnh, giàu bền? Đất nước này phải vượt lên, phải đoạn tuyệt với “những hoạt động kinh tế cù lần” bằng việc nuôi dưỡng doanh nhân doanh nghiệp, cho họ niềm tin làm vốn để họ thật sự sống chết với nghiệp làm giàu.

Những năm đầu công cuộc Đổi mới ở nước ta, từng có vị Thủ tướng đứng ra bảo lãnh cho một chủ doanh nghiệp khi ông này vướng vào cái “bẫy mìn” cơ chế. Nhờ thế, chủ doanh nghiệp này thoát đại họa, có cơ hội lập công chuộc tội. Nay thì khác rồi, nhưng lằn ranh giữa đúng và sai, công và tội đôi khi vẫn còn mong manh cảm tính lắm, cho nên vẫn rất cần cái Tâm của cộng đồng cùng cái Tầm của các nhà quản lý và lãnh đạo. Có như thế thì người giàu mới yên tâm chí thú… làm giàu!

Uông Ngọc Dậu

Nguồn Văn nghệ số 16/2023


Có thể bạn quan tâm