May 17, 2024, 7:16 pm

Đẩy mạnh đổi mới, hướng tới tương lai

 

Chiều ngày 13/12, Hội nghị Bàn tròn “Thủ tướng với Mạng lưới Chuyên gia toàn cầu về Phát triển Việt Nam” do Bộ Ngoại giao phối hợp với Nhóm Sáng kiến Việt Nam đồng tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội.  Đây là một trong nhiều hội nghị tham vấn chính sách cho Chính phủ với sự tham dự của đông đảo chuyên gia quốc tế và trí thức Việt Nam ở nước ngoài, góp phần tích cực tạo kênh đối thoại quan trọng để đóng góp ý kiến phản biện vào quá trình hoạch định và điều hành chính sách của Chính phủ.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc  nhấn mạnh, trí thức là nguồn lực vô cùng quan trọng của đất nước.

Tại Hội nghị Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc  nhấn mạnh, trí thức là nguồn lực vô cùng quan trọng của đất nước. Đảng và Nhà nước hoan nghênh và khuyến khích các chuyên gia, học giả, trong đó có trí thức nước ngoài với kiến thức chuyên sâu và kinh nghiệm dày dặn, đóng góp xây dựng quê hương, đất nước. Trên tinh thần cầu thị, Thủ tướng Chính phủ và các học giả, nhà khoa học đã thảo luận về ba chủ đề: Định vị Việt Nam trong mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; chính sách công nghiệp cho Việt Nam trong giai đoạn tới; phá bỏ điểm nghẽn tăng trưởng và kiến tạo phát triển.

Trên thực tế, phải thừa nhận rằng, đây chính là những vấn đề Việt Nam đang rất quan tâm, đồng thời tìm nhiều giải pháp để thúc đẩy trong đó có các hội nghị, tiếp xúc trực tiếp với nhà khoa học, các nhà nghiên cứu hoạch định chính sách, đồng thời đối thoại với doanh nghiệp và doanh nhân từng bước gỡ nút thắt trong điều hành nền kinh tế, tạo bình đẳng trong môi trường kinh doanh. Đặc biệt ngay trong những tháng đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ mới, những thông điệp thể hiện rõ quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động dù chưa rõ nét nhưng bước đầu đã tạo ra những chuyển biến tích cực cho nền kinh tế. Dù quá trình thực hiện vẫn còn gặp nhiều trở ngại, khó khăn.

Không né tránh, nhìn trực diện vào quá trình phát triển nền kinh tế, không dựa vào báo cáo, chủ động thị sát, tạo sức ép để cỗ máy thoát khỏi trì trệ, đó là cách mà Chính phủ lựa chọn. Kinh tế Nhà nước, kinh tế tư nhân đang bộc lộ nhiều hạn chế, điểm yếu, với việc xuất hiện các điểm nghẽn tăng trưởng. Dẫn đến mất cân đối giữa thu và chi làm  giảm khả năng phòng vệ của nền kinh tế trước những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Nền kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào xuất khẩu thô, nông nghiệp giảm sút do chịu tác động nặng nề của BĐKH  đi cùng với đó là nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam đang gặp khó trước sức ép của khoa học công nghệ và của hàng loạt những tiêu chuẩn chất lượng mang tính toàn cầu. Và để cải thiện tình hình dù chỉ trong ngắn hạn cũng không phải là việc có thể muốn làm là làm được ngay.

Đối thoại chính sách, đối thoại chiến lược phát triển kinh doanh, dù quy mô ngành, lĩnh vực hay rộng hơn là quốc tế, chính là cách mà Chính phủ nhiệm kỳ mới đang thực hiện để có thể điều hành nền kinh tế đi đúng hướng. Bằng cách Chính phủ “lắng nghe”: lắng nghe người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là từ các nhà khoa học quốc tế, trong nước, lắng nghe để hành động hiệu quả, thực chất hơn. Việt Nam vẫn còn những dư địa lớn để phát triển, nhưng khơi thông nó bằng cách nào lại là bài toán mà lời giải chính là sự đồng lòng, đóng góp sáng kiến của các nhà khoa học trong nước và quốc tế, những người đã giành những tình cảm đặc biệt cho Việt Nam cùng như của toàn thể người dân trong công cuộc kiến tạo, hỗ trợ Chính phủ tháo gỡ khó khăn, phá bỏ điểm nghẽn, khơi thông dòng chảy, đẩy mạnh đổi mới, hướng tới tương lai.

 


Có thể bạn quan tâm