May 1, 2024, 6:46 am

Đất chùa. Truyện ngắn dự thi của Vũ Thị Huyền Trang

TẬP ĐOÀN THACO HÂN HẠNH TÀI TRỢ CUỘC THI TRUYỆN NGẮN BÁO VĂN NGHỆ 2022-2024

Thiên đi làm về, dựng xe nhờ bên chùa rồi nhảng một bước là sang đến nhà mình. Thấy cụ Sắc đang ngồi trong nhà nhìn ra ngoài trời chẹp miệng, Thiên giũ cái ống quần công nhân đầy bụi, hỏi:

- Bà lại nhớ ông đấy à?

- Không. Tao nhớ cái thời vườn rộng mênh mông, buồn đái là ra vườn đứng vén một bên ống quần mà xả. Giờ sống ngay cạnh đất chùa đâu dám làm vậy ô uế thì tội chết. Mà ngồi cái hố xí xổm thì… Chao ôi! Xương cốt đau nhức ngồi xuống khó, đứng lên càng khó. Đái hết ra quần.

Minh hoạ: Vũ Đình Tuấn

Ngẩng lên thấy mấy chiếc quần lụa của bà phơi trước nhà nước còn giỏ tong tỏng, Thiên bảo:

- Để hôm này lấy lương con mua bồn cầu về lắp để bà đi vệ sinh dễ dàng hơn. Mà hôm nay nhà chùa có gì mà đông thế bà ơi?

- Thấy bảo tự nhiên dạo này nhiều người đến cúng dường, xin lộc. Không biết có mấy cô con dâu nhà này không nữa.

- À…

Tiếng à của Thiên bỏ ngỏ, như hiểu hết mà như không hiểu gì. Chuyện nhà này đâu dễ gì mà hiểu. Thiên hạ vẫn xúi:

- Về bảo bà mày đuổi hết mấy đứa con bất hiếu ấy đi. Đời thuở nào con cái cướp đất dồn mẹ về cuối vườn, đến cả lối đi cũng chặn.

Cụ nghe Thiên kể lại thì cười bảo:

- Trên đời này con cái đuổi cha mẹ thì có. Chứ cha mẹ đâu nỡ đuổi con mình.

Cụ Sắc kể đất này ngày xưa là đất hoang, chó ăn đá gà ăn sỏi, chẳng có một bóng nhà. Vợ chồng cụ lấy nhau bị đuổi ra ở riêng với hai bàn tay trắng đành tìm đất để khai hoang. Cái cuốc thì cùn, xà beng thì nặng. Tay bà chai cứng. Tụi nhỏ ra đời, mở mắt ra đã thấy cây xanh, chim hót. Lớn lên có bóng mát để trú, quả ngọt để ăn nên không biết bố mẹ mình đã vất vả thế nào. Khi con đường trước nhà được hình thành, đồi trống được phủ xanh cũng là lúc chồng bà mất vì lao lực. Một mình bà ở vậy tần tảo nuôi bốn đứa con trai khôn lớn. Năm tháng của bà nối từ ngày này sang ngày khác bằng cái cuốc cái cày. Bằng đôi thùng nước nặng trĩu trên vai, bấm mười ngón chân xuống sỏi đá khô cằn để tưới từng gốc cây trong mùa nắng nóng. Khi đất ở đây đã có sự sống thì nhiều người mới kéo đến dựng nhà khai hoang tạo thành làng xóm. Ngày ấy hàng xóm mới đến bà còn cho thêm đất dựng nhà. Đâu ai biết sẽ có ngày đất đai thổi giá khiến máu mủ từ mặt nhau cũng vì mét đất. Có lần khi nghe tiếng chuông chùa ngân vang, Thiên ngẩn người hỏi:

- Thế chùa có trước khi bà đến hay sau?

- Cũng không rõ có trước hay có sau.

- Trước là trước mà sau là sau. Có gì mà không rõ…

- Thì lúc đó chùa chưa được xây nhưng khi dân làng vác cuốc đến khai hoang định dựng trường mầm non cho tụi nhỏ thì nhìn thấy cảnh tượng kì lạ. Nằm giữa đám cây cỏ mọc hoang là một phiến đá trắng. Đào phiến đá lên thì thấy có một chiếc hũ sành. Mở chiếc hũ ra thấy có một tay nải màu nâu. Lúc bà tiến lại mở chiếc tay nải ra thì thấy một quầng chữ sáng lòa. Dân làng xúm lại xem thấy có một cuốn kinh nhật tụng chép tay và rất nhiều tài liệu về Phật giáo. Sau đó câu chuyện về cuốn kinh phát sáng lan xa, các nhà sư tìm đến. Dân làng cùng góp công góp sức với họ dựng chùa. Có đời sống tâm linh thì mới có hồn làng. Người ta tin vào luân hồi, luật nhân quả và thiện ác nghiệp báo. Đời sống tâm linh như sợi chỉ khâu cho thêm chặt cái tình làng nghĩa xóm nơi này.

- Cháu chỉ thắc mắc rằng rõ ràng không có mốc ranh giới nào sao người làng biết đất chùa rộng đến đâu mà tránh?

- Đất thánh có dấu thánh. Đất Phật có hào quang cửa Phật. Cứ thử cầm cuốc đến xâm lấn mà xem. Nghiệp quật. Chớ có tham lam ở cửa chùa đất Phật cháu ạ. Một hòn đất cũng đừng nhặt mang đi.

Từ hồi nhỏ bà đã dạy Thiên như thế. Cây quả ở chùa nhiều lắm. Có khi đu đủ chín rụng dưới gốc, quả vải quả hồng chín đỏ trên cây. Nhưng muốn ăn thì phải xin nhà chùa chứ nhất định không được tự tiện. Có lần Thiên tiện tay nhặt mấy hòn đá cuội đúc túi, lúc về quên trả lại mà ốm suốt cả tuần. Bà phải sang thắp hương cầu khấn, trả lại mấy viên sỏi cho chùa thì Thiên mới khỏi. Thiên lớn lên cùng với những câu chuyện về chùa. Mỗi ngày đều tin rằng không đất nào lành như đất chùa. Cũng không đất nào thiêng như đất chùa. Có bà hàng thịt nhặt mảnh gỗ trong vườn chùa làm thớt, lúc chặt xương chặt ngay dính tay mình. Có người vào chùa nhặt mấy hòn đá về nén dưa, đêm nào cũng mộng mị đến hao tâm tổn sức. Có một dạo bọn buôn gỗ vào làng săn gỗ sưa bạc tỉ. Thấy có tiền là ham, rất nhiều người bảo nhau trồng gỗ sưa “biết đâu mấy chục năm sau lại đổi đời”. Nửa đêm một nhóm nhậu say lẻn vào chùa nhổ trộm cây sưa con. Bọn họ vừa bước chân ra khỏi cổng chùa liền đổ máu cam, được một phen khiếp vía. Thậm chí, từ đó họ còn không dám nuốt vào hớp rượu nào. Những chuyện như thế Thiên mắt thấy tai nghe. Còn biết bao chuyện thần bí về đất chùa mà những người già trong làng vừa nhai trầu vừa thì thầm kể với nhau. Những lúc ấy nếu thấy Thiên đi qua là họ bảo:

- Thằng bé này số vẫn còn may. Mẹ nó tuy vứt bỏ con nhưng còn biết mang đến cổng chùa. Chứ đêm ấy mà vứt nó chỗ khác thì có khi đã chết vì mưa lạnh.

Chuyện của mình qua lời thiên hạ kể Thiên nghe đã nhiều lần. Nhiều đến mức nhắm mắt lại là mường tượng ra cảnh vào một buổi sáng trời vẫn còn mưa kéo dài suốt từ đêm. Cây cối trong chùa trút đầy lá và cành khô xuống đất. Sư thầy dậy mở cổng, bỗng nhìn thấy một đứa bé nằm ngủ yên trong chiếc chăn lông. Điều kỳ lạ là quanh chỗ đứa bé nằm khô cong, không có hạt mưa nào rơi xuống. Lúc dân làng kéo đến đứa bé vẫn nằm ngủ ngon lành. Mưa tạnh dần, nắng bừng lên. Thằng bé bỗng thức dậy khóc toáng lên, dỗ dành thế nào cũng không chịu nín. Nó được truyền từ tay người này đến tay người kia trong làng. Cả những người đàn bà đang nuôi con, vạch ti cho bú nhưng thằng bé cũng vẫn không nín. Đến tận khi bà Sắc từ rừng chạy xuống, vứt cuốc đưa tay ra bế thì thằng bé mỉm cười. Nó dụi đầu vào bầu ngực lép của bà tìm sữa. Cảm nhận được sợi dây liên kết giữa mình và đứa nhỏ nên bà xin nhà chùa mang về nuôi. Thiên hạ hỏi: Nhà bốn đứa con trai, cả chục đứa cháu còn chưa đủ hay sao? Mấy đứa con bà nhìn thằng bé hằm hằm “già rồi còn đèo bòng. Nhà này còn chưa đủ khổ hay sao?”. Mặc kệ mọi lời can ngăn, Thiên lớn lên trên lưng bà Sắc. Những lời ru khản đặc lẫn trong tiếng chim rừng trong vắt. Từng nhát cuốc bổ xuống cũng tạo thành thứ âm thanh quen thuộc đưa Thiên vào giấc ngủ. Bạn của Thiên là rừng cây và những đứa cháu nội của bà Sắc. Chúng đông đến mức bấy nhiêu thằng cùng vạch quần ra đái có thể làm chết một gốc cây. Đã mấy lần bà Sắc dọa “tụi bay mà đái dính đất chùa thì chỉ có mất chim”. Vẫn câu cũ tụi nhỏ hỏi nhau đất chùa làm gì có ranh giới nào đâu, làm sao biết được?

Tụi Thiên lớn lên cạnh chùa. Thấy chùa thân thuộc như nhà. Có hôm cả ngày chạy chơi bên chùa. Đến bữa ních no lộc chùa rồi lăn ra ngủ. Thiên hạ đồn nhau “chùa thiêng lắm” nên nhiều người tìm đến. Nhất là vào những ngày lễ, ngày rằm, lộc chùa chất đầy chiếc bàn gỗ sau nhà. Sư thầy thơm thảo, lần nào cũng vẫy tụi Thiên lại chia lộc. Thỉnh thoảng Thiên phụ sư thầy quét dọn chùa, nhổ cỏ ngoài vườn, đun nước cho khách thập phương tới uống. Có khi Thiên bị lôi tuột vào ghi ghi chép chép. Sau này Thiên còn là người giải quẻ xăm cho khách tới chùa. Thiên mỗi ngày đều nghe kinh Dược Sư. Thiên ăn chay nhiều hơn ăn mặn, từ bé đã không thích sát sinh. Mấy người bác trong nhà toàn mắng Thiên “mày chẳng giống ai. Sao không vào luôn chùa mà ở”. Cụ Sắc bảo:

- Bà chưa chết mà chúng nó đã tính cướp nốt góc vườn này. Sau này bà nằm xuống chỉ lo mày một mảnh đất cắm lều che nắng che mưa không có.

- Bà lo làm gì. Nếu một thân một mình con đi đâu chẳng sống được. Mà biết đâu con vào chùa cũng nên.

Cụ Sắc khẽ thở dài. Dạo này đôi mắt mờ hơn, thỉnh thoảng ngồi trong nhà nhìn ra bà thấy như có bóng người lấp lóa chạy qua. Tiếng bước chân bình bịch. Tiếng xô chậu va nhau. Cuối ngày Thiên về nhà tìm mãi không thấy mấy cái chậu để ngoài giếng mất đâu, đến cả cái nồi mất vung, bình vôi ăn trầu, cái cối đá cũ cũng không cánh mà bay. “Chỉ có cái thân già này là không ai thèm lấy”. Bà đưa vạt áo chùi lên mắt lau những giọt lệ khô. Bà làm gì còn nước mắt mà khóc. Cả đời bà đã kinh qua biết bao đớn đau và vực thẳm. Nước mắt đã cạn khô rồi. Đêm đến dù nhắm hay mở mắt thì những kí ức đau thương lại hiện về…

*

Năm xưa xóm chùa đang bình yên bỗng đâu cái tin có dự án đường cao tốc chạy qua làm cho xáo trộn. Ban đầu chỉ là sự háo hức khi nghĩ đến một con đường rộng lớn, xe cộ chạy suốt ngày. Cái xó xỉnh này mấy chục năm nay bình yên đến mức buồn tẻ nên con người ta mong ngóng sự mới mẻ, ồn ã cũng là lẽ thường tình. Rồi người ta kháo nhau rằng nếu có đường cao tốc chạy qua giá đất sẽ tăng cao. Ờ thì trên mạng nói đầy đấy thôi, khối nhà đổi đời nhờ tiền đền bù đất. Chẳng nói đâu xa, ngay xã bên, khi mở đường tỉnh lộ chạy qua mà nhiều người có tiền xây nhà lầu mua xe hơi. Câu chuyện khơi khơi lúc trà dư tửu hậu nhưng lại đủ sôi sục lòng người. Lúc ấy nhà cụ Sắc mấy thế hệ vẫn còn ở chung một nhà, ăn chung một mâm, nấu chung một bếp. Những câu chuyện thì thầm to nhỏ vọng qua mấy căn buồng tường mỏng. Anh em trai lời qua tiếng lại. Chị em dâu lườm nguýt lẫn nhau. Cụ Sắc nhận ra cơm canh lúc mặn lúc nhạt, lúc khô lúc nhão, khó nuốt hơn dần. Thằng cả nói đã đến lúc phải ăn riêng ở riêng cho thoải mái. Kể từ đó tiếng chì tiếng bấc cứa ngang cứa dọc lòng người mẹ già. Ừ thì ở riêng, đất đai chia ra, đứa nào có tiền đứa ấy dựng nhà, bà lo đến chừng này là hết trách nhiệm. Nhưng nếu chuyện chỉ có thế thì đã chẳng khiến bà phải đau lòng. Cuộc phân chia tài sản không chỉ bằng giấy bút mà cả cuốc xẻng, búa dao. Đứa này đòi phải hơn, đứa kia không chịu nhường. Những nhát cuốc chan chát bổ trong đêm đào hào, xây tường. Những tiếng chửi bới, hăm dọa nhau xuyên qua trái tim bà. Bà chỉ biết quỳ dưới chân Đức Phật hỏi ngài xem kiếp trước có phải mình phá đình, phá chùa gây nghiệp lớn hay không? Mà kiếp này phải chứng kiến cảnh con cái ruột thịt rơi máu vì tấc đất? Chỉ thấy tiếng lao xao của lá cây bồ đề vọng lại. Sư Tuệ Từ buông cuốc, mời cụ Sắc ngồi xuống uống trà, an ủi:

- Những điều không muốn thấy cũng đã thấy. Dục vọng là thứ gây ra phần lớn những thống khổ của cuộc đời này. Nghiệp ai người ấy gánh. Bà cũng đừng nên dằn vặt mình nhiều.

- Thưa thầy, tôi thì cũng đã gần đất xa trời. Đau khổ của kiếp này rồi cũng sớm khép lại thôi. Nhưng đời chúng nó còn dài. Làm sao để chúng sớm tỉnh ngộ ra đây?

- Họ gieo nhân nào sẽ gặt quả ấy. Chính cái quả gặt được sẽ giúp họ sớm tỉnh ngộ ra thôi.

Cụ Sắc trở về nhà mệt mỏi nằm co ro trên chiếc chóng tre đặt ngoài hè. Tiếng nhát cuốc bổ chan chát ngay sát nhà như từng nhát búa bổ trong đầu bà đau nhói. Cụ Sắc thở hắt ra. Hình như cụ chợt hiểu chuyện gì đang diễn ra. Nghe nói các con bà đang thi nhau xây chuồng trại, nhà cửa, trồng cây để chờ được đền bù. Mà chẳng riêng gì con bà, dân quanh vùng đang thi nhau làm vậy.

- Dạo này xóm mình lắm xe ô tô chạy qua thế nhỉ? Ầm ầm suốt ngày. Thấy bảo họ chở vật liệu xây dựng đúng không?

- Bà tài thật. Mắt mờ chân chậm. Chẳng đi tới đâu mà cái gì cũng biết.

- Họ còn chở cả cây to về trồng nữa đấy bà.

- Mấy hôm nay bà nghe tiếng cuốc ngày càng to, càng gần. Có phải tụi nó đang lấn dần sang chỗ đất bà cháu mình đang ở?

- Thôi bà ạ. Sau này chết đất đai cũng đâu mang đi được.

- Cha bố anh. Anh liệu mà giữ cái sự lương thiện ấy.

Những ngày này bà cụ đang lười đi lại. Suốt ngày chỉ ngồi trên chiếc ghế mây đặt giữa sân. Mắt nhắm lại bà nhìn mọi thứ bằng tâm thức. Bà mường tưởng ra cảnh từng nhát cuốc sẽ bổ đến chân mình. Bổ cho đến khi bà, căn nhà và mọi thứ nát vụn hòa vào màu đất. Thường thi Thiên sẽ là người đánh thức bà khỏi cơn mê man hun hút ấy.

- Nhiều lúc con không biết bà ngủ hay là đang thức nữa?

- Ngủ mà thức. Thức mà ngủ.

- Hình như bà hay sang chùa nên cũng nhiễm cách nói chuyện của sư Tuệ Từ. Nghe câu nào cũng thấy mơ hồ. Hiểu mà không hiểu. -Thiên cười.

  •  

Nghe nói dạo này hay có người lân la đến đến hỏi sư Tuệ Từ về ranh giới đất chùa. Họ đều là những hộ dân có đất thổ cư giáp với đất chùa, trong số đó thấy cả con cụ Sắc. Họ nói sư trẻ quá mới về chùa được vài năm làm sao biết chính xác đất chùa rộng đến đâu? Mà trước giờ cũng không ai nghe nói về việc chính quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chùa? Sư thầy điềm tĩnh bảo: “Đất chùa rộng đến đâu lòng phật tử và nhân dân đều biết”. Sau dần họ không hỏi nữa, những nhát cuốc cứ ngày một gần hơn. Có khi các phật tử đang đọc kinh trong chùa cũng bị xáo động bởi tiếng cuốc kêu chan chát. Có phật tử lo lắng hỏi sư Tuệ Từ:

- Thưa thầy, họ đang lấn dần vào đất chùa đấy ạ. Phải làm sao?

- Mọi sự ắt đã có an bài.

Sư mỉm cười, đi lẫn vào trong bóng nắng lấp lánh dưới những tán nhãn già. Các phật tử nhìn nhau vừa như hiểu vừa như không hiểu. Xóm Chùa vẫn nhốn nháo ngày đêm kẻ xây người trồng, ầm ĩ. Kể cũng lạ. Dân ở xóm Chùa chẳng thấy cán bộ địa phương nói gì về dự án. Cũng chẳng ai tận mắt nhìn thấy cái bản đồ quy hoạch dự án như thế nào. Chỉ nhớ năm ngoái có đoàn về khảo sát, họ nói với nhau về một con đường cao tốc sẽ chạy qua. Rồi tin từ miệng người này truyền đến tai người kia. Chẳng ai kịp nghe ngóng gì thêm. Thấy nhà này xây thì nhà kia cũng xây cho vội.

Bão đến xóm Chùa vào một ngày chớm hè nhanh đến mức không ai kịp trở tay. Kể cũng lạ, bao nhiêu năm nay nơi này chưa từng đón cơn bão nào to đến thế. Bởi vị trí của làng được bao bọc bởi những dải đồi, dãy núi bao quanh. Nhưng năm nay bằng một cách nào đó cơn bão đã đánh úp xóm Chùa. Những gốc cây mới trồng bị bộc lên. Những ngôi nhà mỏng manh đổ ập xuống ngổn ngang khắp chốn. Vài người không kịp chạy bị cây đè, tường vùi lấp. Tiếng gào khóc vang lên khắp nơi. Thiên lao ra khỏi nhà chạy về phía trước, bới như điên dại để kéo người con cả của cụ Sắc ra khỏi đống đổ nát vừa đổ xuống. Mà lạ lắm, cơn bão đi nhanh hệt lúc ập đến. Cứ như thể dân xóm Chùa vừa tỉnh lại sau cơn ác mộng. Trời quang, mây tạnh, không một ngọn gió nào. Bỗng tiếng chuông chùa vang lên. Mọi người ngẩng mặt nhìn nhau, dường như hiểu, dường như không hiểu.

Không có dự án nào chạy qua đất xóm Chùa như lời đồn. Đường cao tốc chạy thẳng phía sau chân núi, cách xóm một tầm mắt xa xa. Những gốc cây sau trận bão không ai buồn trồng lại. Người ta hỏi nhau chỗ gạch đổ giờ để làm gì? Thì để xây chuồng trại chăn nuôi, hoặc xếp gọn vào một chỗ sau này có lúc cần. Nhưng ai đó bỗng nảy ra ý kiến: hay là mang gạch đó xây tường rào làm công đức cho chùa? Có vài người xấu hổ cúi đầu khi nghĩ đến những nhát cuốc mình từng bổ xuống.

Cụ Sắc hướng đôi mắt mờ đục về phía trước, thở dài:

- May sao căn nhà tạm bợ của bà cháu mình lại không bị bão quật cho tơi tả. Chắc là nhờ ở cạnh đất chùa.

- Nghe nói bác cả đã qua cơn nguy kịch. Suýt nữa thì không cứu được hai bàn tay bị dập nát. May mà kịp đưa xuống Hà Nội. Thấy bác dâu kêu là mất nhiều tiền lắm.

Bà cụ thở dài bảo “không biết sau lần này nó có chịu tỉnh ngộ ra không?”. Lúc ấy trên chùa sư Tuệ Từ sắp đến giờ đọc kinh buổi tối. Bỗng nhà sư nghe thấy tiếng bước chân ai đó ngập ngừng. Sư ngoảnh lại thì thấy người đàn bà mặt đầy nước mắt:

- Bạch thầy. Con lên đây xin được quỳ gối đọc kinh sám hối. Cũng xin sư thầy cho con được Quy y Tam Bảo. Hàng tuần sẽ lên chùa làm công quả để hồi hướng công đức cho chồng mình. Để chồng con được tiêu trừ nghiệp chướng, bệnh tật mau lành.

- Ra là chị Lựu con dâu cả cụ Sắc đây mà. Hình như đây là lần đầu tiên chị bước tới cổng chùa làng?

- Bạch thầy. Trước đây đầu óc chúng con còn u mê tăm tối.

- Phật dạy rằng: “Nguồn cội của mọi khổ đau trên đời đều từ 3 việc mà ra: tham, sân, si”. Phàm là con người ở đời, ai cũng có lòng tham. Từ tham mới nổi lên sân hận, mới khiến con người si mê u tối, từ đó gây nên nghiệp ác. Tất cả mọi chúng sanh không ai là không có lỗi lầm. Mạnh dạn nhận ra lỗi lầm để tự mình sửa đổi là điều rất nên làm. Còn về việc Quy y Tam Bảo ta có lời khuyên: “Tu đâu cho bằng tu nhàThờ cha kính mẹ mới là chân tu”. Hãy cứ về nhà đáp đền, báo hiếu với mẹ già trước đã.

Người đàn bà cúi đầu, lặng lẽ rời chùa trong bóng tối. Sáng hôm sau khi bà cụ Sắc thức dậy quờ tay lên đầu giường tự nhiên thấy bình vôi ăn trầu ai đó lén trả về chỗ cũ…

Truyện ngắn dự thi của Vũ Thị Huyền Trang

Nguồn Văn nghệ số 10/2023


Có thể bạn quan tâm