April 29, 2024, 8:40 am

Đào xưa…

Sắp tết. Lại nhớ cữ này có mấy lần đến thăm nhà văn Tô Hoài tại nhà riêng, thấy ông cắm cúi viết. Nhìn tôi, ông cười hiền: Mình đang đi chợ cuối năm (!).

Đi chợ cuối năm của ông là ngồi viết bài cho mấy tờ báo đặt bài cho số Tết. Ông bảo chẳng thiếu tiền nhưng người ta yêu quý tin tưởng mình nên lại ngồi viết. Mà viết cũng là dịp vận động cái đầu. Nếu không thì ù lì mất…

Ông, một người hiền của Thủ đô, mấy năm nay không còn đi chợ nữa. Ông đã cưỡi hạc về miền mây trắng để Hà Nội lại nhớ ông mỗi độ Tết về. Sinh thời, ông hay nói chuyện về nơi ông sinh ra, đất Nghĩa Đô một thời. Tôi đã đến đấy những năm bẩy mươi của thế kỉ trước. Đất ấy nhiều hoang rộc. Còn nhớ cái viện khoa học được xây dựng nằm chênh hênh xung quanh là cánh đồng hoang lạnh về đêm vì nhà cửa xung quanh lác đác, đèn đóm nhập nhoạng. Nhưng bây giờ qua đấy thì không còn nhận ra đâu vào đâu. Nhà chật như nêm cối, cao lừng lững.

Cũng đận ấy, tôi ngồi trên chiếc xe Phượng hoàng màu rêu đã sứt xước, lên Nhật Tân kiếm cành đào Tết, sau ngày ông Công ông Táo. Từ Cầu Giấy nghẹo ra đường Hoàng Hoa Thám rồi theo con đường chẳng nhớ tên, mà nay là đường Lạc Long Quân. Trời giá buốt. Gió bấc qua hồ mang hơi nước quất veo véo vào mặt, rát tái dại, mà đường thì xa hun hút. Đến Nhật Tân mở ra cả một vùng đào mênh mông, như bước sang một thế giới khác. Đất của Từ Thức gặp tiên! Ngày ấy tôi mới từ Tây Bắc về Thủ đô. Công chức tiền lương thấp. Chỉ lên tìm một cành đào cho căn hộ nhỏ nhoi 9 mét vuông. Nhìn thấy những cây đào thế cổ thụ nằm gọn lỏn trong chậu đại, có giá đỡ bánh xe mới di chuyển được thì quả là chuyện lạ xứ đào. Ngày ấy người ta đã không chỉ còn biết đến chợ hoa Hàng Lược trong phố, mà đã biết kéo nhau lên Nhật Tân sắm đào. Chợ hoa tự nhiên hình thành ngay bên thềm đường, trước các nhà. Không chỉ đào, mà còn mai trắng, hải đường, những chậu cúc như mâm xôi vàng, những khóm trà trắng muốt hoặc hồng rực. Hoa hồng như lặn đâu mất trước muôn loài dơn, thược dược, cúc đại đóa… và thêm những dãy thủy tiên mớm nụ xanh ngát một sắc thanh cao. Có người đi hai ba bận chưa kiếm nổi cành đào. Thì ra đi chợ đào là đi thưởng ngoạn đa sắc hoa xuân, ngắm ngó những cành đào lạ. Là thưởng thức  không khí chợ hoa… chứ đâu chỉ đi mua hoa? Đi chợ hoa đào, thấy con người lành hẳn đi, họ bâng quơ bắt chuyện mà mục đích chỉ là để chia sẻ niềm vui đang trộn cùng hoa. Tất cả mềm lòng trước hoa, vui trước hoa, đẹp như hoa… Cái ấn tượng ấy tràn ngập lòng tôi trong lần đầu lên chợ hoa Nhật Tân. Sau này thành lệ, cứ mùa hoa về, cho đến khi rước được cành đào về nhà là tôi ít nhất phải vài lần qua chợ.

Cái chợ hoa mỗi ngày lại đông đúc dần lên đến mức chen chúc. Tôi rẽ xuống vườn đào lớn của Nhật Tân ngắm những cụ đào mà cánh dầy, nụ béo, thấy màu đào phớt hồng nhưng nõn nà đến xao xuyến. Còn nhớ mãi một nghệ nhân già làm đào thế: Cụ Mầm. Cụ kể lại nhưng năm xa xưa, thời cụ mới theo nghiệp, các bậc tiên chỉ đã săn sóc đào thế cho những đại gia đất Hà thành lên chọn lựa trước cả tháng, đặt cọc thuê cả gốc đào cho Tết. Nghề chơi cũng lắm công phu. Chuyện nằm nghe sương đêm để cữ ngày tuốt lá cho đào nở đúng dịp; chuyện bón tưới cho đào, chăm sóc đào là cả một công phu tỉ mỉ...

Tưởng như vùng thiên thai ấy mãi mãi đẹp lên bên cạnh thủ đô đang ngày một nở nang đổi mới. Nhưng nó đã biến mất trong hành trình phát triển. Khi Tây Hồ lên đời từ huyện ngoại thành được chuyển thành quận nội thành, là dấu hiệu giá trị di sản đào báo động. Vâng, nội ngoại là cả một biến đổi cũng long trời lở đất đấy. Dinh đào, vườn đào Phú Thượng lớn nhất cạnh dinh hàng chục héc ta, rồi những ao sen bách cánh bông to như vốc tay dần dần “lên thớt”. Đào bị bứng đi, ao sen bị lấp, một góc Hồ Tây ầm ầm cả tháng bởi những xe tải chở cát lặc lè chuyển từ bờ sông về lấp hồ làm công viên nước. Đêm đêm dân mất ngủ. Đó là đầu những năm 2000, lúc cấp cao ra rả trên truyền thông: hãy giữ lấy làng nghề, giữ bản sắc dân tộc, kèm theo tầm nhìn 2020 nước ta thành nước công nghiệp tiên tiến. Anh chàng Ciputra làm cuộc ú òa biến vườn đào thành địa ốc nhanh như An Dương Vương xây thành Cổ Loa. Dân Nhật Tân bần thần chịu trận. Nhận đền bù 180 ngàn đồng một sào đất cho giá trị gốc đào, trong đó có 12 ngàn đồng cho đào tạo nghề mới, còn đất nông nghiệp thì thu hồi vì là “sở hữu toàn dân”!

Từ đấy đào dạt ra bãi sông Hồng. Sau khi vườn đào chính bị địa ốc giành mất mấy năm thì lại thấy có đăng kí thương hiệu đào Nhật Tân. Cứ như trò đùa...

Mấy năm nay, cái tiếng đào Nhật Tân, quất Quảng Bá dần dần ít người nhớ dù đào vẫn nhiều, quất vẫn lắm từ bãi sông Hồng. Bây giờ vườn đào có ở khắp nơi, chỗ nào cũng có, không còn nghiệp dư hay chuyên nghiệp, đào “văn hóa quần chúng” đang nở rộ. Khoảng chục năm nay lại thêm đào rừng Mộc Châu, Sa Pa về chen vai thích cánh. Vâng, đào  núi, thứ đào cánh đơn màu phớt hồng  ấy chinh phục người chơi bằng những gốc cành già nua to vập với thế cành dáng độc. Thị hiếu thẩm mĩ của dân Thủ đô đã chuyển làn. Bên cạnh cái thanh cao nhã nhặn cũng nhiều chỗ “chém to kho mặn”. Một lớp quất chum bình dân, đào phai dáng tự nhiên, người chơi cũng đông lên. Vẫn có đào thế, lão đào… nhưng khi dạt ra bãi sông Hồng, chất đất nó khác, cánh mỏng không bền như xưa. Chưa được một tuần đã rớt cánh héo nụ. Chơi đào là chơi cả tháng Tết, chứ đâu phải ba ngày Tết, nhưng người kĩ tính không vui cũng phải bó tay. Quất Quảng Bá quả nhỏ, lá dầy và xanh đen giữ giá ngàn đời, bây giờ  cũng bị lấp đi sau quất lọ lá to quả lớn, giống từ Hưng Yên…

Hoa Tết Hà Nội bây giờ giống như món ăn Hà Nội, nhiều chủng loại vô cùng. Các món tạp chủng lẫn vào lấn át những món thành danh. Nhu cầu của một thành phố vô cùng nhiều, phát triển như đàn tằm ăn rỗi, nên sắc màu trở nên dễ dãi. Nhưng tôi nghĩ rồi thời gian sẽ thanh lọc dần, để Hà Nội sẽ trở lại hào hoa như xưa. Nhưng gì thì cũng không thể làm cho hoa Ngọc Hà sống lại hoặc lại có một làng đào Nhật Tân như năm nào nữa. Cũng như bưởi Đoan Hùng chỉ ngon trên đất Tri Đám. Cam Bố Hạ, chè Tân Cương… cũng vậy! Và đương nhiên đào Nhật Tân rời gốc gác thì cũng khác lắm.

Nghề đào đã phôi pha khó mà lấy lại. Đành lòng vậy, cầm lòng vậy. Có lẽ cũng nên bằng lòng khi nhớ đào thì đứng ngắm siêu thị Lotte đang ngự trên vườn đào chính lấp lánh ánh điện muôn màu mà nghĩ đến mấy trăm lao động được việc làm trong cái tòa nhà ấy. Thì đấy cũng là một nguồn an ủi tích cực, phải vậy không?

Đỗ Đức

Nguồn Văn nghệ số 5+6+7/2024


Có thể bạn quan tâm