May 4, 2024, 11:40 pm

Đạo đức công vụ và bài toán quy hoạch cán bộ

KỲ HỌP THỨ NĂM, QUỐC HỘI KHÓA XV

Sau phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra với thời lượng 2,5 ngày (từ 6/6 đến sáng ngày 8/6) được đại biểu, cử tri và người dân cả nước đánh giá cao ở tính chuyên nghiệp, thể hiện đậm nét tính dân chủ, pháp quyền, sự công khai, minh bạch thông tin của người chất vấn và trả lời chất vấn, thì phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết “Lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn” (sửa đổi) chiều 9/6 lại được cử tri, người dân cả nước quan tâm đặc biệt, cho thấy niềm tin và sự quan tâm về chính trị, xã hội đang được nâng lên.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa phát biểu tại hội trường

Không có vùng cấm

Lâu nay, công tác cán bộ luôn được coi là “cái gốc của mọi công việc”. Tuy nhiên, dù quy trình chặt chẽ đến đâu cũng không tránh khỏi có những cán bộ từ cấp trung ương đến địa phương, thậm chí phường, xã, thôn… phải chịu những hình thức xử lý kỷ luật khác nhau. Trước kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khóa XV, công tác cán bộ vốn được coi trọng và luôn được xác định là “không có vùng cấm”, thì tại kỳ họp này, một Nghị quyết về việc “Lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn” (sửa đổi) đã được nghiêm túc bàn thảo và nhìn nhận ở góc độ “động” trên tinh thần phù hợp với cuộc sống hiện nay. Theo đó, bất luận kết quả thế nào cũng cần kịp thời xem xét đưa ra khỏi quy hoạch, cho từ chức, miễn nhiệm hoặc bố trí công tác khác thấp hơn đối với những cán bộ có tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ. Nhiều đại biểu mạnh dạn đề nghị, cần sử dụng kết quả bỏ phiếu ngay tại kỳ họp để tiến hành những thủ tục cần thiết trong công tác cán bộ, tránh “để càng lâu càng khó làm, dễ tiêu cực xảy ra”.

Chỉ ra những bất cập còn tồn tại trong công tác trọng dụng, bố trí vị trí công tác của cán bộ, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định) chỉ rõ, Quy định số 96-QĐ/TƯ khi đề cập đến việc sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm cho thấy, kết quả lấy phiếu tín nhiệm không chỉ sử dụng để xử lý cán bộ có số phiếu tín nhiệm thấp ở mức cao, mà còn sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ. Ngoài ra, cũng theo Quy định 96 của Đảng, một nội dung đáng lưu ý, đó là quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng cán bộ có tín nhiệm cao. Và để không bỏ sót nhân tài, đại biểu cũng đề nghị, đối với những người có số phiếu tín nhiệm cao ở mức cao thì kết quả này được sử dụng như thế nào, vào việc gì thì cũng cần được thể hiện trong lần sửa đổi Nghị quyết này. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị rà soát quy định về khái niệm lấy phiếu tín nhiệm và khái niệm bỏ phiếu tín nhiệm; hệ quả của việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; quy trình thủ tục thực hiện; các hành vi bị nghiêm cấm.

Ngoài những quy định cụ thể về cá nhân người được lấy phiếu tín nhiệm, việc mở rộng phạm vi sang gia đình (vợ, hoặc chồng, con cái…) trở thành những tiêu chí bắt buộc trong quy trình lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm cũng được đánh giá cao nhằm ngăn chặn việc trục lợi từ “một người làm quan, cả họ được nhờ”…

Hướng đến bộ máy công vụ có “Tâm” có “Tài”

Thực tế cho thấy, trước ngày Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm (9/6) thì ngày 6/6, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Phan Văn Mãi cũng đã ký văn bản gửi thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND Thành phố Thủ Đức, các quận huyện triển khai công điện của Thủ tướng về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của cán bộ, cơ quan. Ngay lập tức, công văn trên đã thổi một luồng gió mới vào bộ máy công vụ của thành phố Hồ Chí Minh nói chung, các quận huyện, thành phố trực thuộc nói riêng vốn trầm lắng và bao phủ bởi tư tưởng sợ sai, không dám làm của không ít công chức, viên chức trong guồng máy công vụ. Chưa biết hiệu quả của công văn trên đến đâu và được các cơ quan chức năng triển khai thế nào, do cần có thời gian để kiểm chứng, nhưng dư luận xã hội thì đã giấy lên hàng loạt câu hỏi khiến các cơ quan và người đứng đầu thành phố phải tìm giải pháp. Đó là làm sao để chứng minh cán bộ, công chức, viên chức năng lực yếu. Làm thế nào để cá nhân tự nhận mình kém. Chưa kể, để chỉ cho ra sự hạn chế năng lực của cán bộ cũng đòi hỏi cấp trên và cấp dưới của họ đưa ra được những minh chứng cụ thể có sức thuyết phục hay còn gọi là bằng chứng cho thấy sự yếu kém trong quản lý, thực thi công việc được giao. Đây là việc làm vô cùng khó khi thực tế, tình trạng lợi ích nhóm, sân sau đang khá phổ biến hiện nay.

Không chỉ tại Thành phố Hồ Chí Minh, công tác cán bộ được chú trọng mà nhiều địa phương trong cả nước cũng đang rốt ráo làm việc này. Nhưng rốt ráo đề rồi phải thừa nhận, quy trình xử lý sau đó không đơn giản, nếu như không muốn nói là bất khả kháng. Đơn cử tại Hội nghị lần thứ 14 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội, đại biểu đại diện cho Đài PTTH Hà Nội cho biết, hiện cơ quan này đang có tới 40 % cán bộ năng lực yếu (diện con ông cháu cha) không làm được việc, nhưng nhà Đài không có hướng xử lý, dẫn tới 60% nhân viên còn lại đang phải làm việc cật lực, gánh thay công việc cho số 40% nói trên. Việc ngồi chơi xươi nước của không ít cá nhân trong bộ máy công vụ từ trung ương đến địa phương là việc không mới, nhưng nhiều năm nay, tình trạng tinh giản, lấy phiếu tín nhiệm để loại khỏi guồng máy cán bộ năng lực yếu, kém vẫn chưa như kỳ vọng. Bằng chứng là có quá nhiều lãnh đạo chủ chốt thời gian gần đây vướng vào vòng lao lý, và khi cấp trên đã không nghiêm thì cấp dưới hẳn sẽ tha hóa, biến chất. Có thể liệt kê vụ Việt Á, hay trở về năm 2021 là vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại Bộ Công Thương và Tổng Công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) liên quan trực tiếp đến nguyên Bộ trưỡng Vũ Huy Hoàng; Vụ án buôn lậu tại công ty Nhật Cường liên quan đến nguyên Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung… đã và đang làm giảm lòng tin của cử tri, nhân dân vào những vị trí lãnh đạo được Quốc hội, HĐND bầu và phê chuẩn. Chính vì vậy, nhìn nhận việc bỏ phiếu tín nhiệm khi cá nhân bị bỏ phiếu tín nhiệm không còn đủ tín nhiệm, có hành vi vi phạm pháp luật hoặc không thực hiện đúng và đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn được giao, gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương) cho rằng quy định miễn nhiệm như dự thảo là chưa phù hợp mà các trường hợp này phải bị bãi nhiệm. Song song với những quy định cần chặt chẽ hơn trong lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm, đại biểu cũng lo ngại tình trạng chạy phiếu, đồng thời đặt ra những cơ chế phù hợp cần và đủ cho người xin thôi giữ chức vụ quan trọng (từ chức). Như vậy, việc góp ý cho xây dựng Nghị định hoàn chỉnh đã được đại biểu  bàn luận thấu đáo, đa chiều trên tinh thần vừa bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật vừa có tính chất răn đe, động viên cán bộ trong hệ thống cơ quan công vụ phát huy hết tài năng, sở trường trong công việc, tác phong lành mạnh trong lối sống… hoàn thành sự ủy thác của Quốc hội nói chung, cơ quan cấp trên nói riêng. Giữ vững phẩm chất, luôn xứng đáng với lá phiếu tín nhiệm của mình.

PV

Nguồn Văn nghệ số 24/2023


Có thể bạn quan tâm