May 21, 2024, 11:33 pm

Đà Nẵng: Nhiều hoạt động kỷ niệm 165 năm kháng Pháp – Tây Ban Nha

 

Kỷ niệm 165 năm Đà Nẵng kháng Pháp (1858 - 2023), sáng nay , 25/8/2023, Bảo tàng Đà Nẵng đã tổ chức nghi thức dâng hương truyền thống trước Tượng đài danh tướng Nguyễn Tri Phương - đại danh thần Việt Nam, thời nhà Nguyên. Ông cũng chính là vị Tổng chỉ huy quân đội triều đình chống lại quân Pháp xâm lược tại mặt trận Đà Nẵng (1858), sau đó là Gia Định (1861) và Hà Nội (1873).

Dâng hương truyền thống trước Tượng đài danh tướng Nguyễn Tri Phương

Sử chép: Từ chiều ngày 31 tháng 8 năm 1858, liên quân Pháp - Tây Ban Nha đã kéo tới dàn trận tại cửa biển Đà Nẵng. Kế hoạch của địch là đánh nhanh thắng nhanh để chiếm lấy Đà Nẵng, làm căn cứ bàn đạp, từ đó đánh sâu vào nội địa, đưa quân vượt đèo Hải Vân, tấn công Huế tiêu diệt sinh lực triều đình nhà Nguyễn. Đây cũng là con đường ngắn nhất, nhanh chóng nhất, ít hao vật lực và nhân lực nhất (phù hợp với ý đồ vượt biển xa, mang nhiều quân đi đánh và cướp thành trì của Pháp và Tây Ban Nha lúc bấy giờ).

Thực dân Pháp chọn Đà Nẵng làm địa điểm tấn công đầu tiên (vào sáng ngày 1/9), vì Đà Nẵng có vị trí quân sự quan trọng, có hải cảng rộng và sâu (thuận tiện cho tàu chiến vào ra). Đà Nẵng chỉ cách kinh thành Huế khoảng 100km (rất thuận lợi cho việc “đánh nhanh thắng nhanh” của liên quân Pháp - Tây Ban Nha). Đà Nẵng còn có cánh đồng Nam – Ngãi, có thể dùng lượng lương thực này nuôi quân (trường hợp đánh dài ngày), ngoài ra còn có “hậu thuẫn” là nhiều giáo sỹ và giáo dân thân Pháp…

Lực lượng liên quân có khoảng 3.000 quân do Phó Đô đốc Rigault de Genouilly chỉ huy, đi trên trên 14 tàu chiến.

Các tàu chiến của Pháp - Tây Ban Nha đều được trang bị vũ khí hiện đại. Có những chiến hạm như tàu Némésis được trang bị tới 50 khẩu đại bác. Phần lớn trang thiết bị và vũ khí của (hải quân) Pháp lúc đó đều thuộc loại hiện đại nhất. Đại bác (bố trí trên tàu chiến) đều có sức công phá lớn, khả năng sát thương cao trên diện rộng.

Quân Tây Ban Nha có mặt trong cuộc chiến tranh xâm lược vì họ bị kích động “trả thù” cho các giáo sỹ dòng Đa Minh (của Tây Ban Nha, bị vua Tự Đức ra lệnh sát hại). Tây Ban Nha tham chiến với khoảng 500 quân do Đại tá Landarot chỉ huy”.

Đà Nẵng trở thành nơi đầu tiên liên quân Pháp và Tây Ban Nha tấn công, sau đó đặt chân lên thực địa, theo một kế hoạch xâm chiếm toàn bộ Việt Nam vào thế kỷ XIX. Trong bối cảnh lịch sử ấy, nhân dân Đà Nẵng đã trở thành những người đầu tiên và đại diện cho nhân dân Việt Nam anh dũng, kiên cường, xả thân chống lại các thế lực xâm chiếm đến từ phương Tây hùng mạnh, đầy tham vọng với vũ khí, phương tiện hiện đại.

Đà Nẵng – Người Đà Nẵng đi vào lịch sử với nét son mãi mãi không phai mờ “Vùng đất là địa đầu kháng cự cuộc xâm lăng của chủ nghĩa thực dân phương Tây trong thế kỷ XIX”.

Trước tinh thần chiến đấu ngoan cường của nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng, cùng quân đội triều đình nhà Nguyễn, đặc biệt dưới sự lãnh đạo tài tình của các vị tướng Đào Trí, Lê Đình Lý, nhất là danh tướng Nguyễn Tri Phương, liên quân Pháp và Tây Ban Nha đã bị sa lầy trong cuộc chiến kéo dài đến 18 tháng 22 ngày. Sau đó, những kẻ ngoại xâm phải rút quân, chấp nhận thất bại tại mặt trận Đà Nẵng. Sự kiện này được lịch sử ghi nhận là thắng lợi lớn và duy nhất của quân và dân ta ở mặt trận Đà Nẵng trong hơn một phần tư thế kỷ chống xâm lược từ 1858 đến 1884.

Cùng với nghi thức dâng hương tưởng niệm các anh hùng, nghĩa sỹ, Bảo tàng Đà Nẵng, cũng chính thức khai mạc cuộc thi tìm hiểu về sự kiện Đà Nẵng kháng Pháp (1858 - 1860) với chủ đề “Chân trần, chí thép”- hoạt động mở đầu cho chuỗi các hoạt động kỷ niệm 165 năm Đà Nẵng kháng Pháp (1858 - 2023).

Cuộc thi có sự tham gia của 7 đội chơi đến từ các Quận, Huyện đoàn trên địa bàn thành phố. Trong cuộc thi, các đội phải vận dụng các kỹ năng đồng đội, kiến thức lịch sử để giải các mật thư và phản xạ nhanh nhạy trong các trò chơi vận động và trí tuệ để tìm cách di chuyển đến các trạm dừng – chính là các di tích gắn với sự kiện buổi đầu Đà Nẵng kháng Pháp.

“Chúng tôi hy vọng rằng, qua cuộc thi này, các bạn thanh niên sẽ có chuyến hành trình ngược về quá khứ, đi qua những địa chỉ đỏ, sống lại những ký ức ngày đầu kháng Pháp để cảm nhận không khí của một thời đánh giặc đã qua . Từ đó cảm nhận, thấu hiểu được rằng: Dân tộc chúng ta “chân trần” đã bước vào cuộc chiến với một “chí thép”, sẵn sàng “Quyết chiến sa trường/Sống thác coi thường” để bảo vệ non sông gấm vóc thiêng liêng này”, bà Ngô Thị Bích Vân – Phó Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng bày tỏ đầy cảm xúc.

Nhân kỷ niệm 165 năm Đà Nẵng kháng Pháp (1858 - 2023), Bảo tàng Đà Nẵng cũng tổ chức chuỗi các hoạt động ôn lại quá khứ hào hùng của nhân dân; tuyên truyền, giáo dục về truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, với các hoạt động chính: Tọa đàm khoa học "Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản liên quan đến cuộc chiến tranh Mậu Ngọ (1858 - 1860)" diễn ra tại Bảo tàng Đà Nẵng vào ngày 30/8/2023; Triển lãm ảnh "Đà Nẵng buổi đầu kháng Pháp - Tây Ban Nha - Di sản còn lại với thời gian" diễn ra tại Di tích lịch sử quốc gia Nghĩa trủng Hòa Vang từ ngày 31/8 đến ngày 06/9/2023; Chương trình "Em yêu lịch sử" với chủ đề "Khát vọng non sông: Danh tướng Nguyễn Tri Phương" diễn ra tại Trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) vào ngày 22/9/2023….

“Cũng như các Quận Đoàn bạn trên địa bàn, Quận Đoàn Thanh Khê rất chú trọng giáo dục truyền thống cách mạng, lịch sử đấu tranh giành độc lập, tự do của biết bao thế hệ ông cha. Trong tập hợp thanh niên, Đoàn – Hội phải luôn hướng các bạn trẻ vào những hoạt động, công việc có ý nghĩa sâu sắc. Bài học lịch sử đọng lại trong các bạn, thôi thúc các bạn tìm hiểu để biết rằng, đã có nhiều và rất nhiều nghĩa sỹ, liệt sỹ, thương bệnh binh đã hy sinh, để quê hương nói riêng, đất nước nói chung, có được một cơ đồ như hôm nay. Thế hệ trẻ không được phép lãng quên, vô ơn.

Để phù hợp với cộng đồng trẻ, bên cạnh các hoạt động về nguồn, mà các bạn rất yêu thích, như về với địa chỉ đỏ là Ngục tù Kon Tum, dâng hương ở Bảo tàng thành Điện Hải, các Nghĩa trũng – nơi yên nghỉ của những anh hùng, tiền nhân; Quận Đoàn còn vận dụng số hóa tư liệu, thông tin. Ở mỗi địa chỉ đỏ trên địa bàn Quận Thanh Khê, Đoàn đều tích hợp tư liệu, thông tin lịch sử vào một mã QR. Du khách, bà con nhân dân, hay các bạn trẻ, khi đến di tích, chỉ cần quét mã là biết ngay về lịch sử địa chỉ đỏ này. Quận Đoàn sẽ nhân rộng, đa dạng cách làm, cũng như cập nhật thêm tư liệu của các địa chỉ đỏ. Đây cũng là cách giáo dục truyền thống phù hợp trong giai đoạn chuyển đổi số mà Đoàn rất tích cực tham gia” – bạn Nguyễn Thị Khánh Huyền, cán bộ Quận Đoàn Thanh Khê cho biết./.    

Trần Ngọc


Có thể bạn quan tâm